Những câu chuyện chân thực từ cổ chí kim chỉ ra tính nghiêm túc của hôn nhân



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org]

Người xưa tin rằng con người có năm điều phúc, tức ngũ phúc, bao gồm: trường thọ (sống lâu), phú quý (giàu có), khang ninh (mạnh khỏe), hiếu đức (lương thiện), thiện chung (sống an ổn), trong đó quan trọng nhất là cái phúc thứ tư: “hiếu đức”, bởi vì đức là nguyên nhân và là nền tảng của phúc, phúc là kết quả và là biểu hiện của đức.

Trong khái niệm ngũ phúc không có bao hàm hôn nhân, cũng không nói đến ái tình, những thứ như ngoại hình mà con người hiện đại đang quan tâm lại càng không có ý nghĩa. Chúng ta có thể nhìn ra giá trị quan của cổ nhân, có được thân tâm khỏe mạnh, có cơm no áo ấm, phẩm đức tốt, sống trường thọ yên ổn thì chính là đã có phúc rồi, không tham cầu được nhiều hơn.

Trong xã hội hiện đại, nhiều người giàu có nhưng không hạnh phúc, do cái tâm tham dục không được thỏa mãn, vô phúc mà lại muốn được an khang. Một số người nổi tiếng dù đã có tuổi nhưng vẫn đắm chìm trong “đời sống tình cảm”, lúc thì hạnh phúc tột cùng vì tình yêu mới, lúc lại rơi vào đau khổ, trầm cảm vì thất tình. Những người như vậy thực ra còn cách hạnh phúc rất xa, có người quan sát thấy những người yêu sớm, đồng tính luyến ái, ngoại tình, lạm dụng ma túy… có tỷ lệ trầm cảm cao hơn, đây có thể là một phương cách mà ông trời trừng phạt con người.

Người xưa coi hôn nhân là do nhân duyên và nhân quả, họ nghe theo lời của cha mẹ và lời của người mai mối, chứ không tôn sùng “tình yêu”. Con người hiện đại không biết rằng vận mệnh vốn đã có an bài, mà lại tự định nghĩa rằng hạnh phúc chính là bản thân cảm thấy vui vẻ và tìm được đúng đối tượng để yêu thương. Người ngày nay cho rằng yêu nhiều, thay người tình như thay áo, chung sống trước hôn nhân, ngoại tình, ly hôn rồi tái hôn, chọn bạn đời như chọn một món hàng là chuyện bình thường, thậm chí còn có cách nói rằng yêu nhiều, nhiều kinh nghiệm tình trường có thể giúp nâng cao chỉ số EQ khi lựa chọn đối phương.

Lý niệm truyền thống của cổ nhân tin rằng hạnh phúc có được chính là nhờ bản thân đã hành thiện, tích đức, đó là cái gốc của việc cầu phúc, còn nếu như vì tư dục của bản thân mà không từ thủ đoạn làm đủ mọi thứ để có được hạnh phúc ắt kết quả sẽ ngược lại. Tiếp sau đây chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm một số câu chuyện có thật.

Câu chuyện của nữ minh tinh Hollywood

Nhan sắc tuyệt đẹp của nữ diễn viên Hollywood F đã được báo giới ca ngợi là “tác phẩm nghệ thuật từ Thượng đế”, khi trao giải cho cô tại lễ trao giải Oscar một vị giám khảo đã phát biểu rằng: “Với vẻ đẹp như vậy cô ấy hoàn toàn không cần đến kỹ năng diễn xuất hay đến thế, nếu là kỹ năng diễn xuất như thế ắt cũng không cần phải đẹp đến vậy”.

Sau khi F kết hôn và sinh con gái cô lại phải lòng nam diễn viên A đã có gia đình, cả hai đều ly hôn vợ/chồng của mình rồi làm đám cưới với nhau, sau đó F cũng đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp và giành được giải Oscar. Nếu thời gian dừng lại ở thời điểm đó thì đây hẳn sẽ là một câu chuyện “thành công” về việc “chủ động thay đổi vận mệnh và kết hôn vì tình”.

Nhưng vận mệnh vẫn còn tiếp diễn, F sau đó mắc chứng tâm thần phân liệt. A, người từng viết vô số bức thư tình cho cô lại bỏ rơi cô và kết hôn với một nữ diễn viên trẻ đẹp khác, đây có thể là cọng rơm cuối cùng đè chết con lạc đà, F đã qua đời trong đau khổ. Có người chỉ trích A quá tuyệt tình, trên thực tế hành động của A phù hợp với tính cách của anh ta, anh ta từng bỏ rơi vợ con chỉ vì ham muốn ích kỷ (muốn có được F), những người không bỏ rơi vợ mình khi đang đau yếu thường phải chịu đựng rất nhiều khó khăn và vất vả, và đa phần tuyệt không phải kiểu người như A.

Chúng ta thử nghĩ, giả như F không viết ra “kịch bản mới” cho số phận của mình chỉ vì tham cầu được hạnh phúc mà cứ an phận giữ mình tuân theo “kịch bản cũ”, tức là sống một cuộc đời an nhàn, bình đạm với người chồng luật sư thì có lẽ kiếp này sẽ ít tạo nghiệp hơn, kiếp sau sẽ được tốt hơn. Bởi vì F không biết rằng ngoại tình sẽ tạo nghiệp, ngoài hiện thế báo ứng ra, liệu sau khi chết cô ấy có phải tiếp tục hoàn trả nợ nghiệp mình đã gây ra không?

Trong tác phẩm “Thần khúc”, Dante đã mô tả những trải nghiệm của mình trong một lần huyễn du từ địa ngục, luyện ngục cho đến thiên đường. Ở tầng địa ngục thứ hai, những người “để ham muốn tình dục lấn át lý trí mà phạm tội tà dâm” sẽ bị “tra tấn” bằng những cơn cuồng phong khiến họ phải kêu la thảm thiết, vĩnh viễn không bao giờ có được sự bình an và nghỉ ngơi.

Xem ra trong phúc phận của F đã thiếu đi cái phúc quan trọng nhất “hiếu đức” nên cô ấy mới kiên quyết một tay xé nát lá bài vận mệnh tốt của mình. Một biểu hiện điển hình của quan niệm hiện đại là theo đuổi danh lợi một cách không từ thủ đoạn, hoàn toàn không biết nghĩ cho người khác. Có người bình luận rằng F “sống nhờ sắc đẹp, chết vì tính cách”.

Những nữ hoàng trong địa ngục

Dante trong “Thần khúc” đã nhắc đến những “vong linh” bị huỷ diệt vì sắc dục, trong đó có các nữ hoàng của nhiều dân tộc khác nhau, chẳng hạn như nữ hoàng Semiramis của đế chế Assyria, nữ hoàng Dido của Carthage, nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập, vương hậu Helen của Sparta, cho đến Paris – người đã yêu và bắt cóc Helen dẫn đến cuộc chiến thành Troy kéo dài 10 năm. Ngoài ra còn có cả Tristan, người yêu cả chính thím Iseult của mình.

Trong “Thần khúc” của Dante còn đặc biệt đề cập đến một cặp đôi nổi tiếng đã chết vì “ái tình”. Đó là tiểu thư quý tộc Francesca bị phụ thân gả cho người chồng lãnh chúa thọt chân, xấu xí, thô bạo và độc ác vì mục đích chính trị. Em chồng cô, Paolo, là một chàng trai trẻ đẹp, sau đó chị dâu và em chồng yêu nhau, cuối cùng bị người chồng phát hiện rồi giết chết cả hai. Sau khi chết linh hồn của họ bị đày xuống tầng địa ngục thứ hai (tầng nhục dục) để chịu trừng phạt vì tội tà dâm.

Theo quan điểm của con người hiện đại, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy hành động của Francesca là có thể tha thứ, nhưng tiêu chuẩn của Thần thì không thế, dù cuộc hôn nhân có không như ý đến đâu thì đó cũng không phải là lý do để bắt đầu một “tình yêu” ngoài hôn nhân. Một cuộc hôn nhân không như ý chính là món nợ do nghiệp lực tích từ quá khứ, nếu như không thừa nhận và không muốn hoàn trả món nợ ấy mà lại tiếp tục tạo nghiệp trong khi đấu tranh với vận mệnh của mình thì người ta có thể phải xuống địa ngục để hoàn trả.

Dante cũng đã từng trò chuyện với linh hồn của Francesca, để xem cô đã bắt đầu “tình yêu thầm kín không thể thốt thành lời” của mình như thế nào. Francesca kể rằng mối tình của cô với Paolo bắt đầu khi họ cùng đọc cuốn sách “Lancelot vùng hồ” trong vườn hoa. Chuyện kể rằng, Lancelot là hiệp sĩ bàn tròn đầu tiên của vua Arthur, anh đã yêu hoàng hậu Guinevere trong vô vọng, rồi trong một lần lén hẹn hò trong vườn, Lancelot đã bị “tình yêu chinh phục” và hôn hoàng hậu. Đọc đến đây dường như cả Francesca và Paolo đều thấy mình trong đó, họ cũng hôn nhau và bắt đầu phạm đại tội.

Học tập Võ Tòng

Mối tình “chị dâu – em chồng” của Paolo khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện của người chị dâu và em chồng của Trung Quốc, đồng thời không khỏi cảm thán trước sự bảo hộ của văn hóa Thần truyền đối với con người; trong “Thuỷ Hử truyện” Phan Kim Liên đã không thể quyến rũ được Võ Tòng, còn “Phan Kim Liên ngoại quốc” lại quyến rũ được “Võ Tòng ngoại quốc”.

Trong xã hội truyền thống Trung Quốc, lễ nghi nghiêm cẩn đã ăn sâu vào lòng người, chị dâu và em chồng sẽ không trò chuyện riêng với nhau, làm sao ngày xưa em chồng và chị dâu có thể cùng nhau ngồi đọc sách như vậy (càng không nói cùng đọc một cuốn sách có nội dung như thế). Khi Phan Kim Liên nói những lời “không đứng đắn” với Võ Tòng, Võ Tòng đã dọn khỏi nhà ra ngoài ở. Nhưng trong câu chuyện trên “chị dâu và em chồng ngoại quốc” đã lại cùng nhau đọc những dòng chữ “không đứng đắn” trong sách.

Lời hay của tiên sinh Dương Giáng

Có nghiên cứu phát hiện rằng những thay đổi xảy ra với đại não khi yêu cũng tương tự như thay đổi sau khi sử dụng ma tuý. Có người cho rằng việc dễ động tình cũng tương đương như xem người khác là ma túy, khi không còn cảm xúc thì đổi người, những người ấy cứ luôn truy cầu sự kích thích tinh thần. Những người ngoại tình may mắn tưởng tìm được “tình yêu đích thực”, nhưng thực chất họ đang chọn được người có đạo đức thấp kém chỉ nghĩ đến tư lợi của bản thân mà thôi.

Nhà văn Dương Giáng từng nói: “Ngoại tình là khi hai người bị bệnh, tưởng gặp được thuốc tốt nhưng thực ra lại gặp phải thuốc mê. Một khi thuốc hết tác dụng, cơn đau sẽ càng nặng nề hơn trước, thậm chí đó có thể là liều độc dược hạc đỉnh hồng lấy đi sinh mệnh họ”.

Vì sao lại nói “hồng nhan bạc mệnh”?

X, một diễn viên Hollywood cùng thời và nổi tiếng không kém minh tinh F, lại có quỹ đạo cuộc sống hoàn toàn khác. X cũng là một giai nhân tuyệt thế, song sau khi kết hôn cô cự tuyệt mọi sự khổ tâm đeo đuổi của các chàng tài tử si tình, cuộc đời cô hầu như hoàn toàn không có scandal nào, cứ như vậy cô cùng chồng sống bên nhau đến bạc đầu, con thuyền nhân sinh trôi qua trong êm đềm, bình ổn. X được mọi người đánh giá là “xinh đẹp là ưu thế, sống đẹp là năng lực”, hoặc “thanh tỉnh trước nhân gian”.

Tục ngữ nói rằng “hồng nhan bạc mệnh”, tôi phát hiện, kỳ thực vận mệnh không hề ưu ái những người phụ nữ có nhan sắc, từ một góc độ nào đó những người đẹp ngược lại lại gặp phải thử thách lớn hơn. Bởi vì họ sẽ thu hút được khá nhiều người theo đuổi họ, trong đó có cả những kẻ cặn bã, và tất nhiên cũng có những người đàn ông có nhân phẩm tốt, nhưng những kẻ cặn bã thường có tâm tham dục mạnh hơn, những kẻ ấy sẽ hao tâm tổn sức quyết tâm chiếm được người đẹp, càng đeo đuổi một cách táo bạo hơn, trong khi rất nhiều người đàn ông có nhân phẩm tốt lại có những ưu điểm như tuỳ duyên và an phận, hậu đức, thiện lương, nói chung là sẽ không mặt dày đeo đuổi mãi.

Xem ra phụ nữ đẹp cần có thêm cái đầu thanh tỉnh, để họ sàng lọc bỏ đi những kẻ cặn bã và có được cuộc đời bình an. Giống như minh tinh X, cô từng nói rằng cô thích sự trung thực của chồng mình, chúng ta nên học cách nhìn người bằng huệ nhãn như thế trước khi giao phó cuộc đời mình cho ai đó, điều mà một người (có trí huệ) xưa nay vẫn lựa chọn không phải là “tình cảm nồng cháy” mà là đức hạnh sâu dày, so với sự truy cầu một tình yêu cháy bỏng của F thì số phận đã vạch ra một ranh giới khác biệt. Trong số những ngôi sao nữ cùng thế hệ với X có nhiều người đã phải lòng những kẻ cặn bã do dùng “bộ não tình yêu” để lựa chọn đối phương, khiến số phận sau này vô cùng bi thảm, có người tự tử, có người phát điên, quả thật ứng với câu nói “hồng nhan bạc mệnh”.

Chỉ là đương trong giai đoạn đỉnh cao người ta không dễ mà giữ được đầu óc tỉnh táo. X lúc đó cũng là một minh tinh hàng đầu. Theo cách nói hiện nay thì cô ấy vô cùng xinh đẹp và nổi tiếng, giữa showbiz ồn ào vẫn không tỏ vẻ kiêu kỳ, hào nhoáng, dù người khác có si mê mình đến mấy thì đầu óc vẫn tỉnh táo, cũng không quá yêu bản thân, không bị mất phương hướng. Thử hỏi bao nhiêu người có thể làm được điều đó? Quả không có gì ngạc nhiên khi cô ấy lại có một cuộc đời may mắn như vậy. X không chỉ là một nghệ sĩ đức hạnh mà còn là một người vợ giàu nhân phẩm. Cô hiểu rất rõ các quy tắc của cuộc sống và nghiêm túc đối đãi nhân sinh hơn là dạo chơi với nó. Một cuộc sống tốt đẹp đến từ việc tuân thủ các quy tắc, chứ không phải áp dụng các cách tiếp cận khác thường lập dị. Kỳ thực, điều này cũng phù hợp với triết lý sống truyền thống. Khi sống giữa trời và đất, ta không được quá coi trọng bản thân mình.

Huệ kiếm phá giả tướng

F sống buông thả và phóng túng, có lẽ đây chính là ý nghĩa của việc cô ta “ỷ có sắc đẹp mà làm càn”. Sắc đẹp là con dao hai lưỡi, chớ ham mê mà đâm vào chính mình. Nói về kiếm, bài viết “Cảnh giới sắc dục (4)” trên Minh Huệ Net có đề cập đến “Chín thanh gươm trảm sắc”. Trong bài viết có đoạn: “Thập ác đầu độc thế nhân, đối mặt với sắc tình dụ hoặc, mấy người có thể vượt qua được quan này? Mấy người có thể không bị mê loạn? Hiện giờ có chín thanh kiếm trí huệ, mong muốn chung tay góp sức trợ giúp quân vương.” Tôi sẽ chọn “ba thanh huệ kiếm” để chia sẻ với bạn:

“Phá bỏ sự thuần khiết: Nụ cười ngọt ngào mê hoặc chúng sinh, ánh nhìn kiều diễm e lệ là hình tượng mang tính thuần khiết nhất, khiến những ai chấp trước vào sắc dục bị mê hoặc bởi sự thanh khiết mà động tâm. Nhưng, biết rõ rằng một chút thuần phác trên nét mặt, trong lòng ẩn giấu bao nhiêu dục vọng xấu? Mong sao quân vương có con mắt tinh anh nhìn thấy chân tướng, không bị ngoại cảnh mê hoặc nội tâm”.

“Phá bỏ tài nghệ: Cổ nhân ham cái đẹp, tất lệnh cho mỹ nữ phải tinh thông tài nghệ, do đó mới biết được rằng tài nghệ rất công hiệu trong việc trợ giúp cho sắc đẹp. Mặc khách văn nhân thường bị điều này mê hoặc, kẻ nhân sĩ có đạo đức cũng bị nó làm cho động lòng. Khi biết rằng đại đức không hiển lộ tài nghệ, chấp vào tiểu thuật thì ắt mất đại đạo”.

“Phá bỏ tuyệt sắc: Thuốc độc trộn với mật ong, chính là thứ làm thương tổn bản thân, họa sắc bọc dưới vỏ mỹ lệ, cũng chính là thứ làm hao tổn tâm lực. Kẻ tuyệt sắc được mọi người gọi là Mẫu Đơn. Phật gọi nó là hoa kiếm, đâm vào xương tủy con người ta, chết mà không biết oán”.

Bạn cần phải có huệ nhãn để nhìn thấu giả tướng. Có tài năng, nhan sắc lộng lẫy,… sẽ không chỉ dễ dàng thu hút người khác giới mà còn bị chính bản thân mình mê hoặc, khiến bạn cảm thấy mình đẹp và tài giỏi hơn người. Khi bạn có những suy nghĩ không đúng đắn về người khác giới, đó thường là lúc bạn cảm thấy dương dương tự đắc. Sự kiêu ngạo có thể làm che mờ trí huệ và tạo điều kiện cho những tà niệm len lỏi vào.

Một câu chuyện cổ Phật giáo kể rằng xưa có một vị hoàng hậu “sắc nước hương trời, so ra chỉ kém tiên nữ mà thôi, nhưng nàng nổi bật nhất trong số những người đẹp trong cung”. Nàng cùng quốc vương thập phần ân ái. Sau khi nàng mất, Bồ Tát đã nói với quốc vương trong lòng đang ngổn ngang sầu muộn: “Bởi vì nàng ta quá tự mãn với dung mạo trời cho của mình mà sinh hoạt phóng đãng, không làm việc thiện, vậy nên hiện giờ nàng đầu thai thành một con bọ hung ngay tại khu vườn ngự uyển này”. Có câu nói rằng “Giá trị của tất cả những món quà mà số phận ban tặng cho ta đều đã được ấn định trong bí mật”. Chúng ta chỉ có thể cảm ân, tích phúc, khiêm cung và tự thu xếp sao cho ổn thỏa.

Tâm tư bất chính cũng chiêu họa

Trong sách “Đức dục cổ giám” do Sử Khiết Trình thời nhà Thanh biên soạn có hai câu chuyện, một trong số đó kể về một thư sinh ở Trường Châu. Anh này cảm thấy mình có tài văn chương rất lớn, được bạn bè khen ngợi, ban đêm say khướt về nhà và nảy sinh vọng tưởng: “Nếu đỗ đầu khoa thi này, ta sẽ cưới nàng A Canh nhà bên làm thiếp”. Một người chuyên chép sách cho người khác đêm ấy bị Thần thổ địa bắt đi, nhìn thấy dòng mực đỏ trên cuốn sách có tên vị thư sinh kia: “Suy nghĩ tuy viển vông, nhưng thực cảnh do người. Vì vọng tưởng này, vào ngày 17 tháng giêng âm lịch, hắn sẽ đến trạm Tùng Lăng chịu quả báo bị lạnh và đói suốt một ngày”. Viên thư sinh quả nhiên đã phải trải qua kiếp nạn này và suýt chết vì đói và lạnh.

Một câu chuyện khác kể rằng Lý Sinh khi tham gia kỳ thi khoa cử đã ngủ trọ tại một lữ quán. Người chủ tiếp đón anh ta rất nhiệt tình và kể rằng đêm qua đã mơ thấy Thần thổ địa nói: “Ngày mai có một tú tài họ Lý, sẽ đỗ đầu kỳ thi, cần thiện đãi anh ta”. Lý Sinh vui mừng khôn xiết, nghĩ đến việc mình lấy vợ từ thuở hàn vi, sau này làm quan sẽ bỏ vợ cũ lấy vợ mới. Ngày hôm sau, chủ quán trọ lại mộng thấy Thần thổ địa nói: “Kẻ sĩ trẻ tuổi này tâm địa bất thiện, bản thân còn chưa thi đỗ, công danh chưa thành đã muốn bỏ vợ. Lần này sẽ thi trượt bảng”. Lý Sinh quả nhiên thi trượt, trở về trong tuyệt vọng.

Bài viết “Câu chuyện luân hồi cảnh tỉnh: Hòa thượng chuyển sinh thành dải ghim” đăng trên trang Chánh Kiến Net chính là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho chúng ta. Hòa thượng kia không hề có lời nói hay hành động sai trái nào trên phương diện sắc dục, chỉ là không có khống chế sắc niệm trong nội tâm mà để mặc chúng phát triển. Cuối cùng vị ấy tuy tỉnh ngộ rồi nhưng vì tạo thành ác báo khó có thể vãn hồi mà mười mấy đời chuyển sinh thành động vật chịu khổ.

Xem ra, chúng ta làm người cần phải giữ lương tâm ngay thẳng không hổ thẹn với trời đất như cổ ngữ từng nói: “Không một sự không thể đối nhân, không một niệm không thể cáo thiên” (Không có gì không thể làm được cho người khác, và không có gì không thể thưa với trời).

Kiêu ngạo là gốc rễ của mọi tội ác

F bị hủy bởi sắc dục và sự ngạo mạn, còn X thì được thụ ích vì không kiêu ngạo. Rất nhiều người “ỷ có sắc đẹp mà làm càn”, đều vô cùng tự mãn về vẻ đẹp của mình mà khinh thường người khác. Các trang nam tử cũng vậy, rất nhiều người cậy tài khinh người, không coi ai ra gì.

Những kẻ kiêu ngạo đều có một điểm chung: họ cho rằng “ưu thế” của mình là thứ mà họ sẽ luôn có nên họ coi trọng “ưu thế” của mình một cách quá tuyệt đối; lại quên mất rằng thế gian sự vật đều là biến ảo vô thường, nhân sinh thay đổi trong chớp mắt, chúng ta cần phải giữ lòng kính sợ mà không thể tự cao tự đại.

Có câu nói: “Khi hiểu về sự vô thường, bạn sẽ chẳng còn ngông cuồng được nữa”.

Sự tẩy não trong các tác phẩm văn học

Tôi lớn lên trong thời kỳ mà những bộ phim lãng mạn rất thịnh hành và nền giáo dục tràn ngập những nội dung về tranh danh đoạt lợi. Câu nói “Đạo đức đáng giá bao tiền một cân?” đã phản ánh nội tâm của nhiều người. Bản thân tôi cũng bị rót đầy những thứ như tình yêu là giá trị tối cao, siêu việt trên cả hôn nhân và đạo đức. Các nhân vật chính trong các bộ phim lãng mạn ai nấy đều “linh khí bức người” cùng cốt cách “tài hoa tuyệt vời”. Khi mà mọi người đang say mê thưởng thức bộ phim, họ có thể dễ dàng bị lối ngụy biện này tẩy não, thay vào đó họ tin rằng quan niệm duy trì hôn nhân là vô đạo đức và vô nhân đạo.

Cổ nhân miêu tả hôn nhân hạnh phúc là “tương kính như tân”, nhưng tôi từng cảm thấy người xưa nhàm chán và cứng nhắc, không có tự do nhân quyền. Sau này tôi phát hiện ra rằng con người hiện đại rất tự do nhưng ngày càng xa rời hạnh phúc. Có thể thấy, lễ nghi đạo đức không hề hạn chế con người mà ngược lại còn bảo vệ họ, giống như lan can trên đường núi quanh co giữ cho những chiếc xe khỏi bị lật đổ. “Nam nữ hữu biệt” và các nguyên tắc truyền thống khác thực sự vẫn trường tồn theo thời gian. Tận lực tuân theo những nguyên tắc ấy sẽ mang đến cho bản thân bạn những điều tốt đẹp. Hãy dựng lên một rào chắn để bảo hộ chính mình khỏi mắc phải sai lầm.

Cách đây vài thập kỷ, người ta coi trọng những người có lối sống nề nếp. Những kẻ suồng sã dù tài năng hay xinh đẹp đến đâu cũng bị coi là “không đứng đắn”. Những người vướng vào chuyện tình cảm sẽ bị chỉ trích sau lưng vì “tác phong bất hảo” của mình. Và hàng chục năm sau, những người sống lương thiện, nề nếp thậm chí còn trở thành đối tượng bị chế giễu khi tìm kiếm bạn đời. Người ta coi trọng “sự quyến rũ” và “cảm xúc mãnh liệt”, nhưng thực chất họ lại chọn phải một kẻ tham lam và ích kỷ như người ta vẫn nói “già kén kẹn hom, kén quá hóa hỏng”. Có những người đã kết hôn, tâm lại giống trường thảo không an phận, khao khát niềm hưng phấn của tình yêu đôi lứa, chẳng phải cũng chính là những người từng bị nhạo báng là “không đứng đắn” sao? Thực ra, họ đã bị sắc tình chuốc cho mê mệt mất rồi.

Những tác phẩm văn học nghệ thuật hiện đại kích thích nhân tâm bằng những tình tiết huyền bí, “làm dịu cơn khát của con người” và khiến người ta trở nên đam mê thứ thuốc phiện tinh thần đó. Tuy nhiên họ lại quên mất rằng nghệ thuật cao hơn cuộc sống và theo đuổi “ái tình” ngoài hôn nhân chẳng khác nào nhận lấy một tấm vé trên chuyến tàu tốc hành xuống địa ngục. Một số người thậm chí còn hình thành nhân cách kịch tính, coi cuộc sống như mộng ảo và thiếu cảm giác thực tế về sự thanh tỉnh lý trí. Nhiều khoảnh khắc “duy mỹ” trong “phim tình cảm kinh điển” đã in sâu vào lòng người: nụ cười diễm lệ khiến người ta say đắm, vẻ đẹp sâu lắng của đôi mắt đẫm lệ, cốt truyện “kinh thiên động địa, quỷ khốc thần sầu”… Người ta sẽ không bao giờ quên những ký ức thuở ấu thơ cũng như những hồi ức thanh xuân này, đồng thời còn có những giá trị quan hiện đại đã ăn sâu vào lòng người và tiếp thêm sinh lực cho tư duy cảm xúc của con người. Đây là vũ khí lợi hại hủy diệt con người.

Phải chăng viết sách cũng phải chịu báo ứng

“Những người yêu nhau cuối cùng sẽ đến được với nhau” – Những lời xuất phát từ cuốn sách “Tây Sương Ký” này đã khiến nhiều người khởi tà tư dâm niệm. Tác giả Vương Thực Phủ vì vậy đã bị báo ứng, cuối đời cắn lưỡi mà chết. Trên thực tế, câu nói này không phù hợp với quan niệm truyền thống. Người xưa cho rằng hôn nhân là do nghiệp báo và nhiều nhân tố khác tạo thành, con người nên quý trọng số phận, phúc phần hơn là giá trị quan hiện đại coi “tình cảm là quan trọng nhất”.

“Tình bất tri sở khởi, nhất vãng nhi thâm” (tạm dịch: Tình không biết có tự bao giờ, mà thoáng chốc đã đậm sâu). Câu nói quen thuộc này thực chất là lời tựa trong tác phẩm “Mẫu Đơn Đình” của tác giả cuối thời Minh Thang Hiển Tổ. Cuốn sách này mô tả tình yêu nam nữ và sử dụng những ngôn từ hoa mỹ khiến nhiều người đi ngược lại với lễ giáo đạo đức và ngộ nhận, truy đuổi tình yêu là sự phong nhã. Sau cái chết của tác giả Thang Hiển Tổ, có người từ cõi chết trở về đã nhìn thấy ông ta ở địa phủ, chịu đựng nỗi thống khổ khi thịt da bị xé toạc.

Tự mình phản tỉnh

Tôi từng mơ về một tình yêu mãnh liệt, kỳ thật là khát vọng dùng tình cảm mãnh liệt cùng những lời ngợi ca để lấp đầy tâm hư vinh cùng trái tim trống rỗng. Thực ra tôi chỉ muốn trải nghiệm “ái tình”, tận hưởng việc được yêu thương và trân trọng mà không cần quan tâm đến người kia là ai. Điều cốt yếu không phải là yêu người khác mà là yêu chính mình. Chẳng phải là đối phương cũng như vậy sao? Hai người đều có vẻ rất thích thú khi tham gia vở kịch và không mảy may quan tâm đến người đang đồng diễn với mình. Bản thân tôi đã từng tin rằng người nào trân trọng tôi sẽ không bao giờ quên tôi. Thật nực cười, đó thực sự là trí huệ bị che mờ sau suy nghĩ tự luyến.

Tôi từng cảm thấy nền tảng tình cảm trong mối quan hệ hôn nhân của mình không sâu sắc, rằng chỉ có cuộc hôn nhân trải qua tình yêu mãnh liệt mới có cơ sở tình cảm tốt. Thực ra nhiều ví dụ đã chỉ ra điều hoàn toàn ngược lại. Những người đầy “đam mê” thường chuyển từ “yêu nhau” sang “sát phạt nhau”, trong khi những cặp đôi bình đạm, chất phác lại thực sự hạnh phúc. Một số người ưa thích sự phấn khích và không có ý định tận hưởng hạnh phúc. Họ cứ phải làm hao tổn hết phúc phận mới thấy yên lòng. Tôi suýt chút nữa đã tự mình dấn thân vào con đường này. May mắn thay, sau khi thanh tỉnh, tôi đã trân quý cuộc hôn nhân của mình từ tận đáy lòng. Tôi từ chỗ khó chịu với chồng đã chuyển sang đối xử với anh ấy bằng sự tử tế và tôn trọng, từ không ưa gì nhau đi đến sự hòa hợp. Có thể thấy rằng thiện giải ân oán là cách tốt nhất để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc chứ không phải cái mà người ta hay gọi là “chân ái”.

Trong hôn nhân vợ chồng hiếm khi khen ngợi nhau. Những lời ngợi khen từ người ngoài sẽ khiến bạn cảm thấy họ hiểu mình hơn. Đây là một sai lầm do những kẻ thích nghe những lời mật ngọt gây ra. Sự thật thường mất lòng. Những người thẳng thắn nói ra những khuyết điểm của bạn là những người đối xử chân thành với bạn. Họ không khen ngợi bạn, không lừa dối bạn và không tìm kiếm bất cứ điều gì ở bạn. Có những cặp đôi từng có với nhau những mối tình ngọt ngào nhưng thời gian trôi qua họ ngày càng coi thường nhau, cãi vã và xảy ra chiến tranh lạnh. Tôi nghĩ nhiều người trong số họ là do quá tham lam trong tình yêu, quá ham muốn được người khác khen ngợi, đánh giá cao, và cảm thấy bất mãn khi không nhận lại được điều mà mình mong muốn.

Tiếng nói chung hay là nhược điểm chung của con người?

Những người mà tôi nghĩ có “tiếng nói chung” thực ra đều có một nhược điểm chung của con người, đó là tham chấp vào danh lợi tình. Trong khi tương tác, họ dành cho nhau những lời có cánh và lợi lạc. Thực chất, họ đều có những nhược điểm chung của con người như sự khát khao được quan tâm yêu thương, ham muốn và dục vọng. Đây chẳng phải là cốt truyện của các bộ phim ngôn tình hay sao? Bên dưới vỏ bọc của “chân ái” thực chất là sự thể hiện rõ nét sự yếu đuối của con người. Nhưng trước đây tôi đã không nhìn thấu điều đó, tôi cảm thấy rằng những gì chúng ta đề cập đến đều là những đề tài cao quý mang đầy nhân tính mỹ hảo. Tuy nhiên, cái đẹp chỉ là vẻ bề ngoài, cái ác sẽ không thể hiện ra trước mắt người khác. Bạch Cốt Tinh khi đi lừa người cũng muốn hóa thành hình tượng thiện lương tốt đẹp. Vì điều này, sự mê hoặc sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Như đã đề cập trong bài viết nói trên: “Bề ngoài có chút hiền lành tử tế, nhưng trong lòng lại ẩn giấu nhiều dục vọng xấu xa”.

Những người ngoại tình thực chất đang chuốc lấy rắc rối, loại bỏ những người phúc hậu để tìm kiếm những kẻ tham lam. Người từng trải biết vậy chẳng làm, kẻ tới sau lại vẫn như thiêu thân lao đầu vào lửa, tin rằng mình có sức quyến rũ độc nhất vô nhị, và sự tự phụ trở thành chướng ngại cho trí tuệ của chính họ, bất chấp bản chất bất hảo của con người do thiếu đạo đức gây ra. Điều này cũng liên quan đến việc tẩy não trong các bộ phim lãng mạn, lợi dụng sự kiêu ngạo của con người để khiến mọi người cảm thấy rằng họ cũng hiếm hoi như những người trong phim và xứng đáng được coi là tình yêu duy nhất của đối phương. Đừng bao giờ tin rằng bạn là người “độc nhất và tốt nhất”. Bạn phải trả giá cho những điều tốt đẹp lọt vào tai mình, hãy cẩn thận cảnh giác với canh mê hồn.

Vạn ác dâm vi thủ

Văn Xương Đế Quân có câu: “Thiên thượng thường giáng họa vào những kẻ háo sắc tham dâm, hơn nữa báo ứng đến rất nhanh. Có một số kẻ ngốc coi đó như giấc mộng mà điên đảo vô tri, không biết sợ hãi, nếu phóng túng hành vi bản thân, không biết kiểm điểm thì sẽ tự chuốc lấy tai ương”.

Ngày nay, chúng ta đang ở trong “thời kỳ loạn thế” như một bài hát nào đó từng mô tả, với trắng đen đảo ngược, ma quỷ hoành hành, dâm loạn ngông cuồng và đạo đức suy đồi. Có nhiều người có vấn đề về sắc thuộc tầng lớp “tinh anh”, có năng lực và phong độ, thậm chí có người còn tự nhận mình là người có nhân cách tốt. Nhưng những người thực sự tốt bụng sẽ không mấy ai bận tâm về điều này. Một số nhân vật trong các bộ phim tình cảm lãng mạn cũng thể hiện những ưu điểm về đạo đức như lòng dũng cảm và trọng nghĩa, nhưng họ lại tham gia vào những cuộc tình giả tạo, phi đạo đức. Sắc đúng là đá thử vàng của đạo đức.

Càng đọc những tích cổ về nhân quả, tôi càng kính sợ thiên lý: Có người bị Thần thu hồi công danh vì tội vọng ngôn, sự việc diễn ra rất “ngẫu nhiên”: Bài thi của anh ta gần như đạt điểm tuyệt đối, nhưng có một bản vô tình bị đốt mất nửa trang và không thể nộp được. Một viên thư sinh nào đó đã bị Thần hủy bỏ công danh vì đã viết đơn ly hôn cho người khác. Trước đây tôi cũng không hiểu anh ta đã sai ở đâu. Kỳ thật, chúng ta đang sống trong một thế giới hỗn loạn và lệch quá xa so với chính lý. Những câu chuyện này là sự khải thị về tiêu chuẩn thưởng phạt của Thần đối với con người. Sau này tôi hiểu rằng ly hôn là trái với thiên ý và không phù hợp với truyền thống. Ngay cả những người giúp đỡ cũng có tội. Sau đó, viên thư sinh này đã thuyết phục được hai người tái hôn vì thế mà trở nên nổi tiếng, sau này, mỗi khi bắt gặp chuyện ly hôn lại đứng ra hòa giải, từ đó cứu được hạnh phúc của nhiều gia đình. Chẳng trách người xưa có câu: “Thà dỡ mười ngôi chùa, cũng không thể phá hủy một cuộc hôn nhân”. Người xưa tin rằng hôn nhân là “duyên trời sắp đặt”, là Thần an bài và không thể tùy ý phá hủy.

Chuyển họa thành phúc

Trong cuốn “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tổng hợp” có ghi chép một câu chuyện về việc “Sửa đổi khuyến thiện chuyển họa thành phúc”, trích lục như sau:

Yến Huệ An từng tùy tiện phóng đãng, thường đi tìm hoa hỏi liễu. Một hôm đi trên đường anh ta gặp một người phát thiện thư, liền cầm lấy xem thì đó là những sách như “Cảm Ứng Thiên”, “Âm Chất Văn”, v.v. Khi mở ra đọc, Yến Huệ An không khỏi giật mình kinh hãi và mau chóng tỉnh ngộ: “Những hành vi được mô tả trong cuốn sách này đều giống hệt mình, cứ như thể đang viết về chính mình vậy. Mình thật ngu ngốc làm sao? Thật chẳng ra gì! Các bậc thánh hiền xưa đã ân cần dạy bảo, khuyên nhủ mọi người tránh xa tà dâm, mình cứ tham luyến không buông, không biết đó là những điều cấm kỵ, thật là tự sa ngã!”

Ngày hôm đó, anh ta đã thắp hương và quỳ xuống cầu nguyện, thề rằng sẽ không bao giờ phạm tà dâm nữa. Anh ta cũng phát nguyện rằng sẽ in và gửi đi hàng nghìn cuốn thiện thư như vậy để tiêu giảm tội lỗi mà mình đã phạm. Anh ta đã thực hiện từng bước từng bước một và thực sự đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau. Vì đã kịp thời ăn năn và mạnh mẽ khuyến thiện nên bản thân không những sống lâu mà con cháu của mình cũng đều cao quý. Điều cốt yếu là sửa đổi bằng cách hành thiện. Có thể nói: “Thiên Đạo họa dâm, bất gia hối tội chi nhân” (Đạo trời sẽ mang lại bất hạnh cho kẻ không sám hối tội lỗi).

Ăn năn và sám hối

Con người dễ lừa dối người khác và cũng dễ lừa dối chính mình, nhưng không thể lừa dối Thần. Tôi hiểu rằng mình phải chịu trách nhiệm về những việc tầm thường mà mình làm, đều phải xét động cơ; sau khi chết tôi sẽ minh bạch được việc mình làm là tốt hay xấu. Trong một số câu chuyện nhân quả, khi người ta bị thẩm vấn ở dưới địa phủ, họ hoàn toàn không thể phủ nhận hay bào chữa, bởi mọi chuyện lúc đó đều được phơi bày rõ ràng.

Mặc dù tôi không thể nhìn thấy không gian khác, nhưng càng nghĩ về nó, tôi càng sợ hãi khi thấy mọi thứ diễn ra trong tương lai, nhất tư nhất niệm đều sẽ bị xem xét kỹ lưỡng như thế nào, một niệm đầu bất hảo sẽ dẫn đến điều gì và rất nhiều ác niệm sẽ tích lũy thành cái gì. Sau khi thực sự nhìn thấy điều đó, liệu ta có hối hận vì mình đã vô tri và không sợ hãi trong một thế giới loạn lạc đầy rắc rối không? Tục ngữ có câu: “Thiên kim nan mãi tảo tri đạo, vạn kim nan mãi hậu hối dược” (Ngàn vàng khó mua điều biết trước, hối hận không có thuốc đặc hiệu).

Xưa có một câu chuyện kể về một viên thư sinh gặp gỡ một bầy quỷ và hỏi chúng tại sao không sám hối và cầu giải thoát. Quỷ nói: “Sám hối phải khi còn sống mới được tính. Sau khi chết, có muốn nỗ lực sám hối cũng không có tác dụng”. Một con quỷ căn dặn thư sinh: “Chúng tôi, quỷ đói đã nhận được rượu của ngài, và thật không biết làm gì để báo đáp ân tình này, xin tặng ngài một câu: ‘Con người ta khi còn sống phải sám hối’”.

Tôi cũng muốn khuyên các bạn của mình chớ có phớt lờ vấn đề này. Điều tương tự cũng xảy ra với những niệm xấu trong lòng bạn, thần mục như điện và bạn không thể thoát khỏi dù chỉ một ý niệm. Chúng ta không những phải nhận ra sự xấu hổ và ăn năn của mình mà còn phải cố gắng hết sức để thuyết phục người khác không tạo nghiệp. Đây là việc hành thiện và đền bù cho lỗi lầm của mình.

Nam nữ thụ thụ bất thân

Xưa có câu chuyện “Thà rằng khuấy đục ngàn sông, xin đừng khuấy động tâm người tu Đạo”. Truyện kể rằng một thiếu nữ đã tặng giày tu sĩ cho 40 tăng nhân. Vẻ đẹp và phong thái của cô đã khiến họ sinh tâm ái mộ. Lão pháp sư nói với nàng: “Bởi vì hôm nay ngươi ở đây đã gieo nhân ác, trước mắt chỉ có hai con đường: Một là, ngươi sẽ đầu thai làm nữ nhân trong suốt 40 kiếp, lần lượt kết hôn với 40 tăng nhân đã vì ngươi mà động tâm. Họ cũng sẽ đầu thai trong lục đạo luân hồi, bất luận họ tái sinh ở cõi nào thì ngươi cũng phải theo nghiệp báo của họ mà kết hôn. Hai là, nếu hôm nay ngươi chết ở đây, ngươi sẽ kết thúc căn nguyên luân hồi tại 40 kiếp này”.

Dựa trên câu chuyện này, con người không nên hy vọng “quyến rũ người ta” như một số người thời hiện đại mà nên nghĩ cách tránh sự “cuốn hút” này, vì vô tâm quấy nhiễu nhân tâm sẽ tạo nghiệp. Từ đây, chúng ta có thể minh bạch hơn về trí huệ của xã hội truyền thống, đó là tránh xa người khác giới để giảm nguy cơ tổn đức, gây rắc rối và bị đọa địa ngục. Người xưa có câu “Nam chủ ngoại, nữ chủ nội”. Nghi thức cổ xưa quy định rằng khu vực sinh hoạt của nam và nữ phải được tách biệt càng nhiều càng tốt.

Có người nghĩ, xã hội hiện đại làm sao có thể so sánh được với xã hội cổ đại? Thực ra, ai cũng có thể làm hết khả năng của mình để tuân thủ “nam nữ thụ thụ bất thân”, lòng tốt bảo vệ người khác và bản thân sẽ được chư thiên ghi nhớ một cách sống động. Mặc dù nam giới và phụ nữ không chính thức “tách biệt” trong thời hiện đại, nhưng họ nên có “rào cản ngăn cách” và hành vi của họ nên cố gắng phản ánh nghi thức “giữ khoảng cách tôn trọng” với nhau. Cũng giống như việc bảo quản hóa chất, hãy cất giữ riêng những đồ vật dễ bị phản ứng hóa học để giảm nguy cơ cháy nổ. Điều này cũng đúng giữa nam và nữ. Nếu nội tâm phát sinh “phản ứng hóa học” thì có nguy cơ rơi vào địa ngục. Ví dụ, người ta có thể có hoặc không thắt dây an toàn khi đi ô tô hoặc mặc áo phao khi đi thuyền, sẽ không có vấn đề gì nếu không có sự việc nào phát sinh, nhưng đây không phải là cái cớ để bỏ qua các biện pháp phòng bị.

Hôn nhân không có tình yêu có phải là trái đạo đức?

Có thể bạn đã từng nghe câu “Hôn nhân không có tình yêu là trái đạo đức”. Một số người cũng cho rằng đây là lý do chính đáng để theo đuổi tình yêu. Thực tế, câu nói này xuất phát từ câu nói của Engels: “Chỉ có hôn nhân dựa trên tình yêu mới là đạo đức”. Thực ra đây không phải là sự thật mà là sự ngụy biện.

Cuốn sách “Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta” viết: “Dâm loạn là cái gen di truyền của chủ nghĩa cộng sản. Marx, người đặt nền móng cho chủ nghĩa cộng sản, đã cưỡng hiếp người hầu gái của ông ta, rồi để đứa con ngoài giá thú đó cho Engels nuôi dưỡng. Engels chung sống với hai phụ nữ là chị em gái. Lenin, lãnh tụ ĐCSLX, ngoại tình với Elena suốt 10 năm”; “Trong những tuyên bố của Marx, mặc dù thường xuyên xuất hiện những từ ngữ như ‘tự do’, ‘giải phóng’, ‘yêu đương’ để che đậy bản chất thực, kỳ thực là cổ xúy, kêu gọi vứt bỏ trách nhiệm đạo đức của con người, khiến cho hành vi của con người hoàn toàn bị dục vọng chi phối”.

Hạnh phúc trong cuộc sống không đơn giản chỉ là yêu nhau, sau khi biết được hậu quả của một số chuyện ngoại tình, nhiều người đã cảm khái rằng “Đạo trời luân hồi rất công bằng, ông trời không bỏ qua một ai”. Các nhà xuất bản và đài truyền hình vì lợi nhuận mà kích thích cảm xúc của mọi người, tuy kiếm được nhiều tiền với lượng người xem cao nhưng cũng gây hại tới khán giả, khi rất nhiều người mơ màng hồ đồ vào xem, thậm chí noi theo, làm tổn hại nặng nề đến phúc phận của chính mình, còn cho rằng họ đang theo đuổi hạnh phúc. Theo đuổi chuyện ngoài hôn nhân không gì khác hơn là muốn tìm được một người đồng điệu hơn, hạnh phúc hơn, nhưng tiền đề là những phúc phận khác không thay đổi, phúc này lại được thêm vào. Tuy nhiên, lý niệm truyền thống cho rằng phúc phận trong cuộc sống sớm đã được định trước, nếu vì tham cầu càng nhiều mà làm thương tổn người khác, kết quả hoàn toàn ngược lại.

Cái giá của sự ích kỷ

Dương Giáng từng nói: “Có người ngoại tình mất mạng, có người ngoại tình mắc bệnh, có người ngoại tình khiến vạn sự trở nên tồi tệ, còn có người ngoại tình lại tan cửa nát nhà”.

Một số cuộc khảo sát cho thấy việc tái hôn của những người ngoại tình nhìn chung còn tệ hơn cuộc hôn nhân trước. Một số gặp phải tai họa, một số thất vọng vì cuộc hôn nhân hiện tại của họ tệ hơn nhiều so với cuộc hôn nhân trước và nhiều người lại tiếp tục ngoại tình. Một số bình luận chỉ ra rằng những người ngoại tình có đạo đức thấp kém, ích kỷ hơn người bình thường, nên sau một thời gian dài bên nhau thì những điểm yếu trong con người họ sẽ được bộc lộ ra. Trong xã hội truyền thống, đối tượng kết hôn mà người xưa hướng đến thường là những người có nhân phẩm, đạo đức và tinh thần trách nhiệm, trong khi những kẻ lăng nhăng ngày nay chỉ coi trọng sự thấu hiểu về tình yêu, sự quyến rũ, v.v. Họ không màng đến những nguyên tắc đạo đức mà chỉ bày tỏ về những cảm thụ tình cảm. Điều này tương đương với việc lựa chọn ý trung nhân một cách không lý trí, khỏi phải nói cũng tự nhận lấy quả đắng bị đào thải.

Kẻ ích kỷ thường tự cho rằng mình đã suy xét chu toàn cho bản thân, chiếm tiện nghi của người khác mà không phải chịu bất cứ thiệt thòi nào, nhưng thực ra họ lại đang xa rời hạnh phúc. Người vô tư chẳng mấy suy tính gì cho mình nhưng ngược lại lại hạnh phúc hơn. Hành vi ích kỷ sẽ mang đến quả đắng, và cái tâm ích kỷ sẽ khiến con người gặp phải bất hạnh, trở nên không biết đủ, bất mãn, phẫn nộ, ghen ghét đố kỵ v.v.. Xem ra không phải con người sống vì bản thân thì đã là đối đãi tốt nhất với chính mình, mà kỳ thực vui buồn họa phúc đều là trời ban cho. Trong mọi việc, bạn cần phải suy xét xem hành động của mình có thuận theo thiên lý hay không.

Một hiện tượng thú vị cho thấy ngay cả trong làng giải trí xa hoa hiện đại, xét về lâu dài, những nam nữ minh tinh màn bạc có sự nghiệp thành công và cuộc sống hạnh phúc thường không phải là những người đa tình mà là những người thanh tỉnh, lý trí, thủy chung trong tình cảm, sống có nguyên tắc, có giới hạn đạo đức. Quả đúng là Thần luôn phù hộ cho người thiện lương.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/288043



Ngày đăng: 14-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.