Nhạc cổ điển là liều thuốc tốt cho não bộ – Phản ứng kỳ diệu sau khi nghe nhạc của cụ già trăm tuổi mất trí nhớ
Tác giả: Lý Lộ Minh
[ChanhKien.org]
Một cụ bà tóc bạc trắng ngồi cúi đầu ở đó bất động. Cụ đã 102 tuổi, mắc chứng mất trí nhớ giai đoạn cuối nên không còn nói chuyện với ai, thậm chí cũng không còn giao tiếp bằng ánh mắt.
“Khi tôi từ từ kéo đàn violin, cụ chầm chậm ngẩng đầu lên, miệng liên tục mấp máy, đôi mắt trở lên sáng rõ, như thể cụ nghe thấy và cố gắng theo dõi tiếng đàn của tôi”. Giáo sư violin và viola của Học viện Nghệ thuật Biểu diễn Âm nhạc Đại học Trung Florida, nghệ sỹ violin và viola Ayako Yonetani đã kể lại một khung cảnh khiến cô không thể nào quên.
Những người chăm sóc cụ hàng ngày rất kinh ngạc, cô nói: “Họ chưa bao giờ thấy cụ có phản ứng như vậy”.
Cụ bà mắc chứng mất trí nhớ giai đoạn cuối đã có phản ứng sau khi nghe nhạc cổ điển, hình chỉ mang tính chất minh họa. (Ảnh: Shutterstock)
Hiệu ứng Mozart thực sự tồn tại
Vào những năm 1990, một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nature đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Những người tham gia nghiên cứu được chia thành ba nhóm: ngồi thiền, thư giãn hoặc nghe bản Sonata K448 của Mozart. Sau 10 phút, nhóm nghe nhạc Mozart có khả năng suy luận về không gian được cải thiện rõ rệt, với điểm số IQ trung bình về tư duy không gian đạt 119, cao hơn gần 10 điểm so với hai nhóm còn lại.
Kể từ đó, các nhà khoa học đã lần lượt sử dụng nhạc Mozart cũng như các loại nhạc cổ điển khác để thí nghiệm trên cả động vật và con người, đều xác nhận kết quả tương tự. Họ phát hiện rằng việc nghe nhạc cổ điển hoặc học chơi nhạc cụ không chỉ giúp cải thiện thành tích, khả năng suy luận không gian thời gian, mà còn giảm nguy cơ teo não và làm chậm quá trình suy giảm chức năng não.
“Hiệu ứng Mozart thực sự tồn tại”, giáo sư Kiminobu Sugaya, Trưởng khoa Thần kinh học tại Viện Sinh học Y học Burnett thuộc Trường Y Đại học Trung Florida, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times. Trong các thí nghiệm của ông đối với cư dân địa phương, khi phát nhạc cổ điển, “chúng tôi nhận thấy chức năng não bộ tăng lên 50%”.
Không chỉ giúp tăng cường trí não, nhạc cổ điển còn được sử dụng để điều trị các bệnh về não như động kinh hoặc Parkinson. Giáo sư danh dự Michael Trimble, chuyên gia thần kinh học và thần kinh tâm lý học tại Viện Nghiên cứu Thần kinh thuộc Đại học London đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng: “Phần lớn nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng rằng bạn có thể cải thiện chức năng não và điều chỉnh các hiện tượng bất thường thông qua âm nhạc”.
Đôi khi, chứng động kinh khó được kiểm soát bằng thuốc, nhưng việc sử dụng nhạc cổ điển được lựa chọn và chỉnh lý để “huấn luyện” não bộ của bệnh nhân động kinh, có thể giúp sóng não và điện não đồ của họ trở nên bình thường.
Một nghiên cứu công bố vào năm 2022 trên Tạp chí Interdisciplinary Science Reviews nhấn mạnh rằng: “Cho đến nay, các bản giao hưởng piano K448 và K545 của Mozart vẫn là những lựa chọn âm nhạc duy nhất đã được thử nghiệm lặp đi lặp lại và xác nhận hiệu quả chống động kinh”. Nghiên cứu này cũng đề cập đến dữ liệu từ một phân tích tổng hợp công bố năm 2020, trong đó “khoảng 84% người tham gia cho thấy hoạt động của não bộ liên quan đến động kinh giảm đáng kể khi nghe bản K448 của Mozart”.
Tại sao nhạc cổ điển có thể cải thiện chức năng não? Điều này cần bắt đầu từ những đặc điểm đặc trưng của nó.
Quy tắc của não bộ thích nhạc cổ điển
Bà Clara James, người có bằng tiến sĩ khoa học thần kinh, hiện là giáo sư tại Phòng thí nghiệm Tư duy Âm nhạc Geneva (GEMMI) thuộc Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Geneva, đồng thời là giáo sư tại Khoa Tâm lý học và Khoa học Giáo dục của Đại học Geneva. Trước khi 32 tuổi, bà là một nghệ sỹ violin chuyên nghiệp.
Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, bà James chia sẻ rằng, từ góc độ ảnh hưởng đến não bộ, sự khác biệt lớn nhất giữa nhạc cổ điển và nhạc pop nằm ở “tính phức tạp và cấu trúc của nhạc cổ điển”.
Cấu trúc của nhạc cổ điển có những quy tắc rất nghiêm ngặt. Nếu người biểu diễn mắc một lỗi nhỏ, ngay cả người bình thường không phải nhạc sĩ cũng có thể nhận ra được cấu trúc đó có vấn đề.
Bà Ayako Yonetani nói: “Nó nhấn mạnh rất nhiều vào tỷ lệ, sự cân bằng và hòa âm”. Trong khi đó, cấu trúc của một số thể loại âm nhạc khác có thể không tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc này.
Tiến sĩ Turnbull cho biết: não bộ con người “thích quy tắc âm nhạc”, “một số âm thanh của âm nhạc được khắc sâu vào hệ thần kinh của chúng ta, góp phần vào khả năng cảm động bởi âm nhạc”. Ông nhấn mạnh rằng trong các quy tắc của âm nhạc chứa đựng quy luật tự nhiên và logic toán học — đặc biệt là nhạc cổ điển, nó có sự liên kết vô cùng chặt chẽ với toán học, do đó được não bộ công nhận và tiếp nhận phổ biến.
Tiến sĩ Turnbull nói đến tầm quan trọng của yếu tố tái hiện trong âm nhạc của Mozart.
Ông giải thích: “Mozart đã phát triển một phong cách âm nhạc hoàn toàn khác biệt”. Trong âm nhạc của Mozart, một số hòa âm và tiết tấu được tái hiện, nhưng trong sự lặp lại đó, lại có những thay đổi tinh tế, tạo nên sự ăn ý và liền mạch thành một khối . Não bộ yêu thích sự hài hòa và liền mạch, và kiểu tái hiện này “rõ ràng ảnh hưởng đến hệ thống trung khu thần kinh”.
Sự tái hiện trong nhạc cổ điển rất phong phú. Tuy nhiên, nhiều bài nhạc pop chỉ là “các chuỗi tương tự được lặp đi lặp lại”, truyền tải thông tin thường mơ hồ và ngắn gọn. Âm nhạc thường đạt đến cao trào rồi đột ngột dừng lại, thiếu sự thay đổi và kết nối như trong nhạc cổ điển. Tiến sĩ Turnbull cho rằng, nếu phần kết của một bản nhạc không đáp ứng được kỳ vọng của não bộ, thì thực tế con người sẽ cảm thấy thất vọng.
Các tác phẩm nhạc cổ điển thường có thời lượng biểu diễn tương đối dài, thông thường khoảng 20 đến 25 phút, đương nhiên còn có dài hơn, chẳng hạn như một số tác phẩm của Mahler kéo dài hơn một giờ. Những tác phẩm này chứa đựng lượng thông tin phong phú và cung cấp đủ thời gian cho não bộ xử lý. Giống như sự khác biệt giữa việc chậm rãi nhai một quả táo so với việc ăn một viên kẹo mềm vị táo. Bà James giải thích: một tác phẩm nhạc cổ điển điển hình và hoàn chỉnh thường có phạm vi nhịp điệu rất rộng, âm thanh lúc thì vang dội, lúc thì nhẹ nhàng, bao gồm cả âm cao lẫn âm trầm, với những đoạn cực kỳ chậm và cực kỳ nhanh được kết hợp một cách hài hòa. Ngược lại, các bản nhạc pop đơn lẻ có tính biến hóa hạn chế hơn, và nhịp điệu thường rất đồng đều.
Não bộ con người thích quy tắc âm nhạc. (Ảnh: Shutterstock)
Nhạc cổ điển giúp tăng dung lượng não bộ
Tùy theo tuổi tác tăng lên, não bộ của người bình thường sẽ dần bị teo lại, tức là chúng ta dần mất đi các tế bào thần kinh trong não. Tuy nhiên, đối với các nhạc sĩ, một số vùng trong não của họ không bị teo theo thời gian, ông Sugaya chia sẻ. Điều này đã được chứng thực thông qua các thí nghiệm chụp cộng hưởng từ (MRI) do ông thực hiện, cũng như trong các nghiên cứu tương tự khác.
Điều thú vị là, việc luyện tập âm nhạc liên tục không chỉ giúp duy trì dung lượng não bộ mà thậm chí còn làm tăng thêm dung lượng. Hơn nữa, điều này còn có thể xảy ra ở cả trẻ sinh non lẫn người cao tuổi.
Trong não bộ có chất xám và chất trắng. Chúng ta thường nhắc đến chất xám, chính là các tế bào thần kinh trong não, nghe nhạc có thể làm tăng thể tích của chất xám. Bà James giải thích rằng, điều này không phải do số lượng tế bào thần kinh tăng lên, mà là vì các tế bào thần kinh giao tiếp với nhau để phân tích âm nhạc, từ đó khiến các liên kết trở nên mạnh mẽ hơn, kích thước của thân tế bào thần kinh nhờ đó mà tăng lên. Chất trắng có thể được hiểu như phần đuôi dài của các tế bào thần kinh, nó đóng vai trò như mạng lưới thông tin, giống như các đường cao tốc kết nối các thành phố với nhau. Trong quá trình nghe nhạc, chất trắng cũng được định hướng và kết nối tốt hơn.
Ngoài ra, khi con người nghe nhạc, vùng hải mã (hippocampus) trong não sẽ “bừng sáng”. Nhiều chuyên gia trong các cuộc phỏng vấn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hải mã đối với nhận thức và trí nhớ.
Ông Suyaga cho biết, “Hải mã là bộ xử lý trung tâm của não bộ”, giúp hỗ trợ nhận thức, hình thành và tìm kiếm ký ức. Khi nghe nhạc, hải mã sẽ được kích hoạt vì não bộ đang cố gắng nhận biết và phân tích âm nhạc. Nếu hải mã là bộ phận chịu trách nhiệm về trí nhớ không tham gia vào, vậy thì con người sẽ không hiểu những gì mình nghe thấy — điều này giống với thành ngữ “Đàn gảy tai trâu”. Bà James giải thích thêm: “Nó giống như việc tôi nói với bạn bằng một ngôn ngữ mà bạn không nắm vững, thì bạn sẽ không thể hiểu được”.
Ký ức về âm nhạc dường như không dễ dàng phai mờ như các ký ức thường ngày hoặc những trải nghiệm ở một số giai đoạn trong cuộc đời. Đây là lý do tại sao một số người cao tuổi vẫn có thể dễ dàng ngâm nga hoàn chỉnh những bài hát hoặc bản nhạc họ yêu thích từ thời trẻ.
Ngoài ra, bà James đề cập rằng, ngoài vùng hải mã, những bản nhạc mà chúng ta yêu thích còn kích hoạt vùng hạch hạnh nhân (amygdaloid) trong não. Hạch hạnh nhân là “bộ cảm biến” đối với các tình huống nguy hiểm hoặc đặc thù, mà âm nhạc lại làm cho vùng này sáng lên, “nghĩa là âm nhạc là một loại kích thích đáng chú ý”.
Bà James cũng nhấn mạnh: “Một điều rất quan trọng là nhạc cổ điển kích thích não bộ mạnh mẽ nhất thường không có lời”. Điều này giúp con người tập trung sự chú ý trong quá trình thưởng thức, từ đó tăng sự kích thích đối với chức năng nhận thức. Ngược lại, nhạc pop thường có lời, và bản năng của não bộ tập trung nhiều hơn vào phần chữ trong tác phẩm âm nhạc thay vì cấu trúc cơ bản của nó. Ngoài ra, nội dung mà lời bài hát truyền tải có thể gây ra ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến cảm xúc của người nghe.
Hơn nữa, một số buổi trình diễn nhạc pop hiện đại có âm lượng lớn đến chói tai, và hành vi của ca sĩ cùng người hâm mộ thường mang tính “cuồng nhiệt”. Tiến sĩ Turnbull nhận xét: “Trong tình huống đó, bạn không thực sự nghe được âm nhạc, vì mọi người cứ liên tục la hét”.
Nhạc cổ điển khơi gợi cảm xúc của con người
Tiến sĩ Turnbull chia sẻ với The Epoch Times rằng: “Điều tuyệt vời nhất của âm nhạc là nó có thể khiến bạn cảm động”. Trong nghiên cứu của mình, ông phát hiện rằng 90% số người được hỏi nói rằng âm nhạc có thể làm họ rơi lệ. Nhưng nếu thay bằng việc ngắm nhìn các tác phẩm điêu khắc, tỷ lệ này giảm xuống dưới 10%.
Nhạc cổ điển “có thể thúc đẩy hoặc kéo cảm xúc của bạn tiến về phía trước”. Trong tiếng Anh, từ “move” (di chuyển) và “moved” (xúc động) có cùng nguồn gốc, và từ “emotion” (cảm xúc) có mối liên kết chặt chẽ với chúng. Tiến sĩ Turnbull cũng cho rằng: “Phản ứng của chúng ta với âm nhạc gần như là siêu nghiệm*”.
Nếu muốn giảm căng thẳng và lo âu, thì “nghe nhạc cổ điển có thể sẽ tốt hơn”. Vì trong các bản nhạc cổ điển, luôn có những khoảnh khắc thư giãn và bình yên. Bà James nói: “Trong bản nhạc luôn xuất hiện những đoạn nhạc chậm và thực sự có thể giúp bạn thư giãn”.
Bà Ayako Yonetani nhận định rằng, nhạc cổ điển thỏa mãn khát vọng của con người về cái đẹp và sự hài hòa, đồng thời có “sức hấp dẫn lâu dài và tiềm năng chữa lành”. Ngoài ra, cấu trúc chặt chẽ của nhạc cổ điển còn giúp con người cảm thấy bình tĩnh và mang lại sự an ủi trong những lúc căng thẳng hoặc hỗn loạn.
Từ thời cổ đại đến hiện đại, âm nhạc đã phát huy rất tốt tác dụng trong việc chữa lành. Ông Jonathan Liu, bác sỹ đông y được cấp phép tại Canada, chuyên gia châm cứu và giáo sư y học cổ truyền Trung Quốc tại một trường cao đẳng công lập ở Ontario, trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times đã chia sẻ rằng, từ trong nhạc cổ điển con người có thể cảm thụ được sự thiêng liêng, khiến con người tôn kính trời đất và mang trong lòng sự biết ơn.
Trong cuộc phỏng vấn, bà Ayako kể về một khoảnh khắc khó quên. Trong một buổi biểu diễn quy mô nhỏ, khi bà đang chơi nhạc giữa chừng, “Tôi thấy một cụ bà ban đầu ngồi giữa đám đông, vịn tay lên ghế rồi từ từ quỳ xuống bằng cả hai đầu gối. Bà nhắm mắt lại và bắt đầu cầu nguyện một cách thành kính”. Bà Ayako cũng thừa nhận: “Đối với cá nhân tôi, việc biểu diễn các kiệt tác như bản giao hưởng violin của Beethoven hay bản Chaconne của Johann Sebastian Bach khiến người ta sinh ra cảm giác kính sợ”.
Các chuyên gia cho rằng nhạc cổ điển có sức hấp dẫn bền vững và tiềm năng chữa lành lớn. Trong hình là ông Milen Nachev, nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng Shen Yun. (Ảnh: Edward/The Epoch Times)
Đằng sau việc cải thiện tâm trạng là sự sản sinh của một loạt các chất trong não bộ
Âm nhạc thúc đẩy não tiết ra các chất như endorphin, bradykinin, dopamine và serotonin. Tác dụng sinh học của những chất này rất phong phú — từ tạo cảm giác vui vẻ và thư giãn, giảm khó chịu trong cơ thể đến hỗ trợ giấc ngủ.
Ông Suyaga cho biết, nhạc cổ điển du dương còn rất phù hợp cho các buổi hẹn hò, vì dopamine được tiết ra trong não sẽ khiến bạn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt đối phương. Tiến sĩ Turnbull bổ sung rằng, hiện nay người ta cũng phát hiện ra rằng âm nhạc mỹ hảo có thể tăng cường oxytocin, “giúp bạn dành tình yêu cho một ai đó”.
Bác sỹ Liu nhận định: “Não bộ có rất nhiều tiềm năng mà con người chưa hoàn toàn khai phá được”. Việc giải phóng dopamine không chỉ mang lại niềm vui mà còn làm kích thích hệ thống nhận thức và phần thưởng của não bộ.
Bà James giải thích rằng, khi một người đắm chìm trong nhạc cổ điển và cảm thấy sống lưng tê dại, đó là hiện tượng hệ thống phần thưởng của não bộ được kích thích và đánh thức mạnh mẽ bởi trải nghiệm dễ chịu này. Trong một số môi trường trị liệu khác (như bệnh viện, đặc biệt là phòng chăm sóc đặc biệt) và trong các điều kiện thí nghiệm, các tác phẩm của Mozart, Bach và một số nhà soạn nhạc cổ điển người Ý thường được ưu tiên vì hiệu quả “điều trị” vượt trội giúp xoa dịu căng thẳng và làm giảm sự đau đớn.
Ngược lại với khả năng giảm lo âu và căng thẳng của nhạc cổ điển, một số thể loại nhạc rock hiện đại lại có thể gây ra sự phấn khích quá mức và tâm trạng tiêu cực. Tiến sĩ Turnbull nhận xét về sở thích của một số bạn trẻ về âm nhạc kích động: “Tôi không cho rằng điều này có lợi cho trạng thái cảm xúc của bạn, loại nhạc này chắc chắn sẽ khiến bạn càng trở nên giận dữ hơn hay có những cảm xúc tiêu cực khác”.
Thực ra không chỉ có nhạc rock, một số dòng nhạc hiện đại như nhạc New Age cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của con người.
Trong một nghiên cứu được công bố gần đây, 144 người tham gia ở các độ tuổi khác nhau đã nghe các thể loại âm nhạc khác nhau trong 15 phút. Trước và sau khi nghe, họ điền vào cùng một bảng câu hỏi. Kết quả cho thấy, nhạc cổ điển làm giảm đáng kể cảm giác căng thẳng. Nhạc New Age mặc dù giảm được căng thẳng và cảm giác thù địch, nhưng lại làm suy giảm sự minh mẫn trong tư duy và cảm giác năng động. Nhạc rock không chỉ làm tăng cảm giác thù địch, mệt mỏi, buồn bã và căng thẳng, mà còn làm giảm sự minh mẫn, cảm giác năng động, sự quan tâm đến người khác, và cảm giác thư giãn.
Làm sao để đưa nhạc cổ điển hòa nhập vào cuộc sống
Bà James, một nhà thần kinh học từng là nghệ sỹ violin chuyên nghiệp, và bà Ayako, người vừa hoạt động tích cực trên sân khấu vừa giảng dạy đã khuyến khích mọi người kết hợp nhạc cổ điển vào cuộc sống hàng ngày. Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ sẽ giúp bạn nhận ra nhạc cổ điển có thể nâng cao chất lượng cuộc sống đến mức nào.
Thực ra đối với người bình thường, nhạc cổ điển không phải là thứ quá cao siêu hay khó tiếp cận, có nhiều bản nhạc cổ điển rất dễ hiểu. Bà James chia sẻ: “Ngay cả những người chưa từng học qua âm nhạc vẫn có thể thưởng thức âm nhạc rất tốt”.
Bà Ayako cho biết, nhạc cổ điển thời kỳ cổ điển ban đầu được sáng tác như một hình thức giải trí dành cho giới quý tộc. Các tác phẩm của Mozart, Joseph Haydn thường dễ tiếp cận và mang lại cảm giác dễ chịu. Ngoài ra, dù mang tính chất phức tạp hơn đôi chút, nhạc cổ điển thời kỳ Baroque, với các tác phẩm của Bach và Handel sáng tác, là một sự khởi đầu tuyệt vời cho việc thưởng thức âm nhạc. Nhạc cổ điển thời kỳ lãng mạn, được đại diện bởi những nhà soạn nhạc như Brahms và Schumann, lại mang đến sự phong phú về khả năng thưởng thức cái đẹp và chiều sâu.
“Khi tôi và chồng cùng nhau ăn sáng sẽ nghe nhạc”, bà Ayako cũng tiết lộ một chi tiết nhỏ nhưng đầy hạnh phúc trong cuộc sống của mình. Ngoài ra bà cũng cho rằng, việc nghe nhạc cổ điển trong thời gian di chuyển đi làm và tan làm “có thể là một cách tuyệt vời để thưởng thức vẻ đẹp và chiều sâu của nhạc cổ điển”.
Cả hai nghệ sỹ đều nói về sức hấp dẫn to lớn của các buổi hòa nhạc trực tiếp.
Bà James nhấn mạnh, “không gì có thể so sánh được với các buổi hòa nhạc trực tiếp”. Cách tốt nhất để thưởng thức nhạc cổ điển “chắc chắn là trực tiếp tham gia các buổi hòa nhạc”. Bởi vì tại đây không có sự quấy nhiễu nào, người nghe hoàn toàn tập trung vào âm thanh, ngoài việc nghe nhạc, còn có thể quan sát các nghệ sỹ trình diễn một cách sống động. Bà nói thêm: “Những trải nghiệm, niềm vui và cảm hứng cao nhất chính là tại các buổi hòa nhạc”.
(Theo The Epoch Times)
Chú thích:
“Siêu nghiệm” là một khái niệm triết học với ý nghĩa liên quan đến sự tồn tại hoặc trải nghiệm vượt ra ngoài hiểu biết và giác quan thông thường của con người. Trong tiếng Anh, nó được gọi là “transcendental”. Khái niệm này thường liên quan đến những hiện tượng hoặc thực tại mà con người không thể nắm bắt được một cách trực tiếp hoặc thông qua kinh nghiệm hằng ngày.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/291016
Ngày đăng: 10-12-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.