Tâm lý và chính niệm ảnh hưởng đến cân nặng cơ thể



Tác giả: Vũ Hồng Đông

[ChanhKien.org]

Nghiên cứu cho thấy, sự mất kết nối giữa não và ruột có thể dẫn đến béo phì, và việc tập luyện chính niệm có thể giúp khôi phục cơ chế hoạt động bình thường của não và ruột, thông qua tác động vào hai hormone quan trọng là ghrelin và leptin giúp giảm cân. (Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Điều dễ nhận thấy là nhận thức của chúng ta về thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể đối với thực phẩm.

Ví dụ, khi chúng ta ăn loại thực phẩm có lượng calo thấp, nếu chúng ta cho rằng thực phẩm đó chứa nhiều calo thì cơ thể chúng ta có thể phản ứng tương tự như khi ăn thực phẩm có lượng calo cao, đây chính là sức mạnh của tư duy.

Những quan niệm này có thể thay đổi quá trình trao đổi chất của chúng ta.

Nghiên cứu sữa lắc

Năm 2011, nhà nghiên cứu Alia J. Crum của Đại học Yale, Mỹ và các cộng sự đã công bố kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Quốc tế “Tâm lý học Sức khỏe” (Health Psychology) với tiêu đề “Tâm trí vượt qua sữa lắc: Không chỉ chất dinh dưỡng mà còn cả tâm lý quyết định phản ứng của ghrelin” (Mind over milkshakes: mindsets, not just nutrients, determine ghrelin response, 07/2011). Trong nghiên cứu này, 46 người tham gia mỗi người đã được uống một ly sữa lắc 380 calo, có hai loại nhãn mác khác nhau thể hiện lượng calo khác nhau được dán trên mỗi ly.

Một nhóm uống ly sữa lắc có nhãn ghi là “buông thả” (indulgent) với lượng calo là 620; nhóm còn lại uống sữa lắc ghi nhãn “sáng suốt” (sensible) với lượng calo là 140.

Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ ghrelin – hormone gây đói trong máu của họ trước và sau khi uống sữa lắc, đồng thời khảo sát nhận thức của họ về mức độ lành mạnh của thực phẩm.

So với nhóm “sáng suốt”, nhóm “buông thả” có nhận thức về mức độ lành mạnh của thực phẩm kém hơn nhiều.

Mức độ ghrelin của nhóm “buông thả” giảm mạnh sau khi uống sữa lắc, trong khi phản ứng ghrelin của nhóm “sáng suốt” tương đối ổn định.

Trong thí nghiệm, hai nhóm người uống sữa lắc có thành phần giống nhau nhưng dán nhãn ghi thông tin về lượng calo khác nhau. Nhóm uống sữa dán nhãn “buông thả” với lượng calo là 620, chỉ số ghrelin (đại diện cho cảm giác no) giảm khá mạnh. Trong khi đó, nhóm uống sữa dán nhãn “sáng suốt” với lượng calo là 140, mức ghrelin tương đối ổn định tương ứng với cảm giác no nhiều hơn. (Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Ghrelin là một hormone kiểm soát cảm giác đói, còn leptin là hormone kiểm soát cảm giác no. Ghrelin được giải phóng từ ruột vào máu khi đói, trong khi leptin được giải phóng từ các tế bào mỡ khi no.

Vùng dưới đồi (hypothalamus) dưới tác động của ghrelin và leptin điều chỉnh cảm giác đói và no, từ đó giúp cơ thể đạt được sự cân bằng năng lượng và thể lực phù hợp.

Ghrelin là một hormone được giải phóng từ ruột vào máu và phát ra tín hiệu đói. Leptin là một hormone được giải phóng từ các tế bào mỡ và phát ra tín hiệu no. (Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Khi các chức năng cơ thể không thông suốt

Ở những bệnh nhân béo phì, mức ghrelin sau bữa ăn không giảm, và não cũng không nhận được tín hiệu no. Nếu một người ăn uống quá độ, mức leptin duy trì cao liên tục sẽ dẫn đến kháng leptin, tức là não không thể phản ứng đúng với nhu cầu thực sự của cơ thể. Trong trường hợp béo phì, leptin sẽ mất hiệu quả.

Tóm lại, sự liên hệ giữa ruột và não trong việc ăn uống và tạo cảm giác no dường như đã biến mất.

Thí nghiệm về hormone

Kể từ khi phát hiện ra ghrelin, các nhà khoa học không ngừng thử nghiệm phát triển các phương pháp nhắm vào hệ thống ghrelin để điều trị bệnh béo phì, tuy nhiên do việc tác động vào hormone ghrelin có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống khen thưởng của não bộ, nên cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể.

Các nhà nghiên cứu cũng đã thử sử dụng một loại hormone khác gọi là glucagon giống peptide-1 (GLP-1) để giảm cân. GLP-1 được giải phóng sau khi ăn, từ đó giúp điều chỉnh sự thèm ăn và cân nặng. Mặc dù liệu pháp GLP-1 RA, như thuốc điều trị béo phì Wegovy, dường như có lợi cho những người muốn giảm 5% hoặc 10% trọng lượng cơ thể, tuy nhiên loại thuốc này gây tác dụng phụ nên không sử dụng được cho phụ nữ mang thai, bệnh nhân bị liệt dạ dày nghiêm trọng (chậm làm rỗng dạ dày) và bệnh nhân viêm ruột. Ngoài ra, sử dụng thuốc lâu dài tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư tuyến giáp, do đó loại thuốc này đã bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa cảnh báo hộp đen.

Ngoài phương pháp điều trị bằng thuốc ra, liệu chúng ta còn có phương pháp khác giúp cân bằng mối liên kết giữa ruột và não không?

Chính niệm giúp ích cho việc điều trị toàn diện

Trong một kết quả nghiên cứu được công bố vào năm 2020 trên Tạp chí Y khoa Endocrine Connections với tiêu đề “Chính niệm ảnh hưởng đến căng thẳng, ghrelin và chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ em béo phì: một thử nghiệm lâm sàng” (Mindfulness affects stress, ghrelin, and BMI of obese children: a clinical trial, 02/2020), các nhà nghiên cứu Mexico đã đánh giá tác động của liệu pháp chính niệm kéo dài tám tuần đối với 45 trẻ em trong độ tuổi đi học mắc cả chứng béo phì và lo âu về cân nặng, điều chỉnh sự thèm ăn và căng thẳng.

Trong cuộc thí nghiệm, một nhóm tiếp nhận liệu pháp dinh dưỡng thông thường (chế độ ăn uống) trong tám tuần, trong khi nhóm còn lại tiếp nhận liệu pháp chính niệm trong tám tuần. Liệu pháp chính niệm tập trung vào việc nâng cao nhận thức về cơ thể, tăng cường nhận thức khi ăn và hiểu biết về cảm xúc.

Trước khi bắt đầu nghiên cứu, lượng mỡ cơ thể, chỉ số ghrelin, leptin và các chỉ số sức khỏe khác của những đứa trẻ đều tương tự nhau.

Sau tám tuần, những đứa trẻ trong nhóm chính niệm đều giảm lo âu và lượng mỡ cơ thể. Mức ghrelin và hormone căng thẳng cũng giảm. Ngoài ra, sau 16 tuần, chỉ số khối cơ thể (BMI) tiếp tục giảm.

Sau tám tuần huấn luyện chính niệm, mức ghrelin và hormone căng thẳng của nhóm trẻ em được huấn luyện chính niệm giảm rõ rệt so với nhóm trẻ em chỉ tiếp nhận liệu pháp dinh dưỡng thông thường. (Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Ngược lại, những đứa trẻ trong nhóm liệu pháp dinh dưỡng truyền thống nhưng không được tiếp nhận liệu pháp chính niệm lại có mức ghrelin tăng và chỉ số khối cơ thể giảm nhẹ.

Kết quả cho thấy liệu pháp chính niệm có thể giúp khôi phục cơ chế hoạt động bình thường của mối liên kết giữa não và ruột, thông qua tác động vào hai hormone quan trọng là ghrelin và leptin giúp giảm cân.

Thói quen ăn uống ảnh hưởng đến sở thích của cơ thể

Do suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng đến phản ứng của các phân tử trong cơ thể, nên những gì cơ thể chúng ta làm cũng sẽ tái định hình suy nghĩ của chúng ta.

Việc lặp lại một số kích thích nhất định sẽ thay đổi sở thích của chúng ta đối với những thứ khác nhau, chẳng hạn như hương vị. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều này, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm và hương vị.

Trong một kết quả nghiên cứu được công bố vào năm 2023 trên Tạp chí Y khoa Clinical and Translational Reports với tiêu đề “Thói quen tiêu thụ đồ ăn ngọt và chất béo hàng ngày sẽ điều chỉnh hệ thống khen thưởng của não bộ” (Habitual daily intake of a sweet and fatty snack modulates reward processing in humans, 03/22/2023), các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale đã quan sát thấy rằng những người ăn sữa chua nhiều đường và chất béo cũng không còn thích bánh pudding ít béo hoặc nước táo ít đường như trước đây nữa.

Nghiên cứu cho thấy sở thích đối với thực phẩm được hình thành dựa trên cơ sở tiếp xúc với thực phẩm. Chúng ta có thể lợi dụng hiệu ứng tiếp xúc này để cải thiện mối quan hệ với thực phẩm. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2012 trên Tạp chí Quốc tế Food Quality and Preference với tiêu đề “Sự thay đổi sở thích đối với súp không thêm muối theo số lần ăn” (Changes in liking for a no added salt soup as a function of exposure, 12/2012), kết quả cho thấy rằng sau khi thường xuyên ăn súp cà rốt rau mùi không thêm muối, cuối cùng người ta sẽ thích món ăn này giống như thích ăn súp có muối.

Trong thí nghiệm này, sau khi đánh giá sơ bộ về mức độ ưa thích, thói quen và độ mặn của sáu loại súp có hàm lượng muối khác nhau (0—337 mg natri clorua/ml), 37 người tham gia được chia thành ba nhóm để tiến hành nghiên cứu chính.

Nhóm thứ nhất nếm một lượng nhỏ (20ml) súp không muối; nhóm thứ hai ăn một bát lớn (280ml) súp không muối tương tự; nhóm thứ ba nếm một lượng nhỏ (20ml) súp có hàm lượng muối là 280mg/100g. Tất cả những người tham gia ăn súp mỗi ngày một lần trong tám ngày liên tiếp. Trong thời gian đó, họ được khảo sát lại về cảm nhận đối với súp không muối.

Sau ba ngày liên tiếp ăn 20ml súp không muối mỗi ngày, mức độ ưa thích súp của người tham gia tăng 27% so với trước đó. Sau năm ngày liên tiếp ăn 280ml súp không muối mỗi ngày, mức độ ưa thích súp không muối của người tham gia tăng 50%.

Điểm số về mức độ quen thuộc với súp không muối cũng có sự thay đổi tương tự.

Những kết quả này cho thấy, chỉ cần nếm súp không muối nhiều lần cũng đủ khiến người ta trở nên thích và quen thuộc với món ăn này như các loại súp có muối.

Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy những người không thích ăn súp không muối sẽ bắt đầu thích loại súp này sau khi ăn nhiều lần. (Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Nếu bạn đã quen với thực phẩm siêu chế biến, bạn có thể rèn luyện bản thân để thưởng thức những thực phẩm hữu cơ tự nhiên thực sự. Bạn ăn càng nhiều, bạn sẽ càng thích những thực phẩm lành mạnh này.

Nhìn nhận lại về thực phẩm

Sự phức tạp của cơ thể chúng ta không chỉ dừng lại ở sở thích cá nhân, mà cơ thể còn phải điều phối hàng triệu tế bào, đường ruột, não bộ, lựa chọn thực phẩm, thậm chí là tâm trạng hoặc cách nhìn nhận của chúng ta về thực phẩm, những yếu tố này đều có mối quan hệ phức tạp với nhau.

Giống như một dàn nhạc giao hưởng, mỗi nhạc cụ đều đóng vai trò quan trọng, nhưng cần dựa vào nhạc trưởng để thống nhất và điều phối. Tương tự, liệu pháp toàn diện cũng có thể kết hợp tác động đến thân và tâm ở các cấp độ tế bào và phân tử khác nhau, điều này rất quan trọng để đạt được sức khỏe tối ưu.

Suy cho cùng, giải pháp hiệu quả không nhất định phải rất phức tạp. Những phương pháp đơn giản và dễ thực hiện thông thường nằm ngay trong tầm tay, chúng ta chỉ cần mở rộng tấm lòng và sẵn sàng nối lại mối liên hệ với người chỉ huy sức khỏe đã mất.

Nguyên văn: The Power of Perception–How Your Mind Influences Weight Gain or Loss đăng trên tờ The Epoch Times Anh ngữ.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/292332



Ngày đăng: 24-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.