Quan điểm của tôi về việc “Bịt tai trộm chuông”



Tác giả: Nguyên Hinh

[ChanhKien.org]

Cách đây vài ngày, khi nói chuyện về “sự cố tàu chở dầu” với bạn bè, tôi bất giác cảm thấy lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm, nhưng cũng không biết phải làm thế nào! Bạn tôi cau mày nói rằng điều này cũng giống như đạo lý “Bịt tai trộm chuông”, nhưng nếu chỉ đọc nó như một câu chuyện cười thì chúng ta đã đánh giá thấp trí tuệ của người xưa rồi. Những lời như vậy khiến tôi phải suy nghĩ sâu hơn về câu chuyện ngụ ngôn này.

Vào thời Xuân Thu, sau khi Trí Bá của nước Tấn tiêu diệt Phạm Cát Xạ, có người nhìn thấy trong nhà họ Phạm có một chiếc chuông, liền muốn vác trộm nó mang đi. Nhưng chiếc chuông ấy quả thực quá lớn, căn bản là không thể vác nổi. Vì vậy, anh ta liền nghĩ đến việc đập vỡ chiếc chuông ra, sau đó sẽ vận chuyển từng mảnh một. Không ngờ, anh ta vừa bắt đầu đập chuông, chuông đã phát ra tiếng vang lanh lảnh từng hồi. Anh ta sợ người khác nghe thấy tiếng chuông cũng đến tranh giành, thế là vội vàng lấy hai tay bịt kín tai của mình lại. Anh ta nhận thấy như thế mình không nghe được, thì người khác cũng không nghe được.

Về sau, người ta mở rộng câu chuyện này thành thành ngữ “Bịt tai trộm chuông”, ví von việc một người tự cho là mình thông minh, vọng tưởng lừa dối người khác, nhưng thực chất chỉ là lừa dối chính mình.

Câu chuyện có ý nói, đôi khi có những việc làm vốn hoang đường tức cười, nhưng người trong cuộc lại không hề hay biết, đồng thời khăng khăng cho mình là đúng và cho đó là việc làm thông minh. Lý do là gì? Có lẽ một số người có thể nhận ra rằng, một khi nhân tâm con người rơi vào ích kỷ và tự cho mình là trung tâm, thì lương tri sẽ bị che lấp bởi cái tâm bất chính của mình. Cũng chính là nói, khi tâm lý tự tư trở thành một hiện tượng xã hội rộng lớn thì không dễ để nhìn thấy cái tâm của chính mình, hoặc có thể lại còn lấy tiêu chuẩn đạo đức đang trượt dốc kia coi là trí khôn của mình. Mọi người đều đang ‘góp sóng thành bão’ như vậy, thì thực sự ai cũng đều sống trong tứ bề nguy cơ mà thôi.

Hơn nữa, tại sao lại nói kiểu khôn vặt của kẻ trộm về bản chất lại là làm hại chính mình? Tâm lý của nhân vật trong câu chuyện rất hài hước, tự biết mình đang tổn hại người khác, nhưng lại vọng tưởng bảo toàn được bản thân, quên mất thực chất rằng tổn hại người khác chính là đang tổn hại chính mình. Quy luật tuần hoàn tất yếu này của nhân quả, sinh mệnh nào lại không nằm trong đó chứ? Có thể thấy, suy từ mình mà nghĩ đến người khác, đối xử với người khác bằng thiện tâm, thực ra chính là tích phúc cho chính mình. Có lẽ điều này đã đem lại cho chúng ta suy nghĩ và gợi ý từ một phương diện khác của câu chuyện “Bịt tai trộm chuông” chăng?

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/291757



Ngày đăng: 05-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.