Hai biểu tượng ảnh hưởng đến toàn nhân loại: Thái Cực đồ và phù hiệu chữ 卍
Tác giả: Tống Bảo Lam
[ChanhKien.org]
Vào ngày 28 tháng 11 năm 2015, khoảng 6.300 học viên Pháp Luân Công tại Đài Loan và trên khắp thế giới đã xếp thành “Đồ hình Pháp Luân” hùng vĩ với 16 tia sáng. (Ảnh: Trần Bách Châu)
Phù hiệu chữ “卍” tượng trưng cho Phật gia, có thể thường thấy trên tượng Phật và chùa chiền. Từ những văn vật được khai quật, phù hiệu chữ “卍” được sử dụng rộng rãi và được xem là một loại văn hóa phổ biến trên toàn cầu. Còn Thái Cực, thường được cho là phù hiệu của Đạo gia, và học thuyết âm dương của Đạo gia đã mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực học thuật. Hai phù hiệu này mang giá trị phổ quát, là dấu hiệu của Thần đã từng tới thế gian.
Quen thuộc với nguồn gốc của các dân tộc trên thế giới, không khó để nhận ra rằng hầu hết mỗi dân tộc đều có khởi đầu gắn liền với Thần thoại, và hầu hết theo cùng một mô thức – Thần giáng sinh xuống thế gian, trực tiếp dạy cho con người ngôn ngữ, văn minh, tín ngưỡng, văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp, v.v. Trong ký ức xa xưa của nhân loại, những vị Thần khác nhau đã che chở cho con người của những chủng tộc khác nhau trên Trái Đất.
Chữ 卍 và Thái Cực đồ là dấu hiệu của Thần đã từng tới thế gian
Nhìn lại thế giới phương Đông và phương Tây, truy tìm nguồn gốc sự khởi đầu của nền văn minh, trong các nền văn minh hoặc văn hóa tiền sử của các quốc gia trên thế giới, bất kể ngôn ngữ khác biệt bao nhiêu, bất kể các quốc gia cách xa nhau như thế nào, dù là đại dương bao la hay sa mạc ngăn cách, giới khảo cổ đều đã tìm thấy những văn vật mang phù hiệu chữ “卍” (đọc là Vạn) và Thái Cực đồ.
Tại sao hai ký hiệu này lại được trời ưu ái, khiến thế giới sản sinh sự cộng hưởng sâu sắc? Một cách giải thích là Thái Cực đồ và phù hiệu chữ “卍” mang giá trị phổ quát, cũng có thể nói hai ký hiệu này là dấu hiệu của Thần từng tới thế gian.
Phù hiệu chữ “卍” tượng trưng cho Phật gia, thường được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ, có thể thấy trên các pho tượng Phật và chùa chiền. Tuy nhiên, khảo cổ đã phát hiện ra phù hiệu này cũng từng xuất hiện trong văn hóa tiền sử của Trung Quốc. Thái Cực, thông thường được cho là biểu tượng của Đạo gia, có nguồn gốc từ mảnh đất Thần Châu Trung Hoa.
Khảo cổ học hiện đại phát hiện sự phân bố văn hóa của chữ 卍
Văn vật có phù hiệu chữ 卍 được khai quật tại Heraklion, Hy Lạp. (Ảnh: Agon S. Buchholz/Wikimedia Commons)
Đĩa vàng Skyros của Hy Lạp mang phù hiệu chữ 卍. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Thụy Điển)
Đa số người hiện đại thường cho rằng chữ “卍” là biểu tượng riêng của Phật giáo, người Ấn Độ gọi là Swastika, người Trung Quốc đọc là Vạn (萬). Trong rất nhiều di chỉ cổ đại đã tìm thấy phù hiệu chữ “卍”, ví dụ như Ấn Độ cổ, Hy Lạp cổ, Ả Rập, Nga, Scotland, Ireland, cùng với nền văn minh Crete cổ đại, văn hóa Maya, thậm chí trong cả tín ngưỡng Kitô giáo, văn hóa Byzantine, đều có bóng dáng của phù hiệu chữ “卍”.
Phù hiệu chữ “卍” được tìm thấy phổ biến trong các lĩnh vực ở xã hội phương Tây. Nó xuất hiện trên kiến trúc nhà thờ Kitô giáo, trên áo choàng của tượng Thần Kitô giáo, trên tiền giấy của nước Nga thế kỷ 19, trên áo choàng của thần Zeus – vị Thần tối cao của Hy Lạp. Trong thời kỳ La Mã cổ đại, phù hiệu chữ “卍” xuất hiện trên các tế đàn; trong các nhà nguyện cổ xưa của Israel cũng được tìm thấy; trong nền văn minh Tripillia thuộc văn hóa tiền sử của Ukraine cũng từng xuất hiện phù hiệu chữ “卍”, thậm chí ở châu Phi xa xôi cũng phát hiện thấy dấu vết của phù hiệu chữ “卍”.
Con dấu từ nền văn minh lưu vực sông Ấn, phía trên bên phải là hai con dấu chữ 卍, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Vương quốc Anh. (Ảnh: World Imaging/Wikimedia Commons)
Chữ 卍 trên chiếc mũ sắt Hy Lạp cổ đại. (Ảnh: World Imaging/Wikimedia Commons)
Nếu như chữ “卍” được sử dụng rộng rãi như vậy, chắc chắn nó phải mang một ý nghĩa sâu sắc. Xã hội quốc tế coi phù hiệu chữ “卍” là một biểu tượng văn hóa chung toàn cầu, có nghĩa là phù hiệu chữ “卍” mang giá trị phổ quát. Có người nói chữ “卍” trong Phật gia tượng trưng cho cát tường như ý, đức hạnh trường tồn. Tây Tạng cho rằng chữ “卍” tượng trưng cho ánh sáng vĩnh hằng, sinh mệnh như kim cương, không bao giờ bị hủy diệt. Có học giả cho rằng, phù hiệu chữ “卍” tượng trưng cho lòng từ bi và trí huệ của Phật Đà, thông qua việc nhận thức bản thân, đạt đến khai công khai ngộ; cũng có người cho rằng, ký hiệu chữ “卍” tượng trưng cho sự hài hòa của vũ trụ, sự cân bằng của hai cực.
Từ những văn vật được khai quật, phù hiệu chữ “卍” được vẽ trên đồ dùng ăn uống, thêu trên quần áo hoặc đúc thành trang sức. Hình ảnh là đồ gốm thời Hy Lạp cổ đại, trên đó có phù hiệu chữ “卍”. (Ảnh: Phạm vi công cộng)
Từ những văn vật được khai quật, phù hiệu “卍” được vẽ trên đồ dùng ăn uống, thêu trên quần áo hoặc đúc thành trang sức. Hình dạng của nó có thể thể hiện sự chính trực, tức là bốn góc đều vuông vắn; cũng có thể thể hiện sự uyển chuyển, tức là bốn góc được vẽ thành những đường cong mềm mại.
Khảo cổ học hiện đại phát hiện sự phân bố của Thái Cực đồ
Thái Cực đồ, như mọi người đều biết, đây là biểu tượng của Đạo gia Trung Quốc, còn được gọi là “Bức tranh đầu tiên của Trung Hoa”. Hình dạng Thái Cực đồ mà mọi người biết đến giống như hình tượng hai con cá âm dương quấn lấy nhau, cá trắng tượng trưng cho dương, cá đen tượng trưng cho âm. Cá trắng có một con mắt đen ở giữa, cá đen có một con mắt trắng ở giữa, thể hiện trong dương có âm, trong âm có dương. Vạn vật đều mang âm dương, âm dương cân bằng mới có thể sinh sôi vạn sự vạn vật. Toàn bộ vũ trụ đang vận động, Thái Cực cũng đang vận động mạnh mẽ không ngừng nghỉ.
Theo quan điểm của Dịch học, vận động sinh ra dương khí, vận động đến mức độ nhất định sẽ xuất hiện sự tĩnh chỉ tương đối, tĩnh có thể sinh ra âm khí. Khí âm dương một động một tĩnh lấy tương hỗ lẫn nhau làm gốc rễ, liên tục sản sinh ra năng lượng, có thể vận hành vô tận.
Học thuyết âm dương của Đạo gia đã được mở rộng thành nhiều lĩnh vực học thuật, như ngũ hành, bát quái, phong thủy, chiêm tinh, v.v. Học thuyết âm dương được ứng dụng trong trung y, tạo ra lý thuyết điều hòa âm dương trong điều trị; được ứng dụng trong thiên văn, dẫn đến việc xây dựng lịch pháp, thuật toán, chiêm tinh, bói toán, phong thủy, v.v. và các loại phương thuật khác, giúp khám phá và nắm bắt quy luật vận hành của nhật nguyệt tinh tú; được ứng dụng trong luân thường đạo lý, dẫn đến sự phân biệt tôn ti trên dưới, luân thường vợ chồng, cũng như hai thế giới dương gian và âm gian. Học thuyết âm dương còn cho rằng bên trái là dương, bên phải là âm, do đó Trung Quốc có cách nói nam tả nữ hữu. Hình ảnh Thái Cực xuất hiện trên áo bào của đạo sĩ, trong y học cổ truyền, các môn khí công, trên dầm và cột của Đại Thành Điện trong miếu Khổng Tử, trong đền Lâu Quan Đài, chùa Bạch Vân, cũng như trên quốc kỳ Hàn Quốc, quốc kỳ Mông Cổ, huy hiệu không quân Angola, và huân chương danh dự của Bohr, v.v.
Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, trong nghệ thuật Celtic đã xuất hiện những họa tiết tương tự như Thái Cực đồ của Đạo gia.
Thái Cực đồ trên trang sức vàng của người Celtic thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. (Ảnh: Gun Powder Ma/Wikimedia Commons)
Thái Cực đồ trên huy hiệu của quân đội bộ binh Đế chế La Mã phương Tây. (Ảnh: Fanfwah/Wikimedia Commons)
Trong huy hiệu trên trang phục quân đội của Đế chế La Mã cũng xuất hiện những họa tiết gần như hoàn toàn giống với Thái Cực đồ, chỉ là màu sắc không giống nhau. Ở nền văn hóa tiền sử Trypillia được phát hiện ở Ukraine, Đông Âu, cũng xuất hiện rất nhiều hình Thái Cực, gần như giống hệt với Thái Cực đồ của Trung Quốc.
Thần có tồn tại hay không?
Trong Kinh Thánh có viết, đến thời kỳ mạt kiếp, Thần sẽ lại đến để cứu rỗi nhân loại.
Vậy thời kỳ mạt kiếp là gì? Đó chính là thời kỳ mà Đức Phật Thích Ca đã nói đến, khi đến một thời điểm nhất định, ma tử ma tôn sẽ đầu thai thành hòa thượng ni cô, mặc áo cà sa, vào chùa để gây họa loạn nơi cửa Phật. Từ những loạn tượng trong giới tôn giáo được truyền thông đưa tin, ví dụ như vụ án tấn công tình dục của linh mục gây chấn động thế giới, tăng nhân Phật giáo tập trung dâm loạn, đến những thủ đoạn tham lam vơ vét của cải, có thể kết luận rằng hiện nay chính là thời kỳ mạt Pháp.
Thời kỳ mạt Pháp, loạn tượng khắp nơi, toàn thế giới đang chờ đợi sự trở lại của Thần. Vậy Thần có tồn tại hay không?
Có một phóng viên đã từng phỏng vấn Einstein, hỏi quan điểm của ông về sự tồn tại của Chúa. Einstein nhìn những viên kẹo, bánh quy, tách cà phê trên bàn, rồi nói với phóng viên: “Những vật nhỏ bé này được đặt trên bàn, cần một sức mạnh để sắp xếp. Trong vũ trụ có chứa vô số các hành tinh, mỗi hành tinh đều chiểu theo một quỹ đạo nào đó để vận hành. Có thể làm được công việc sắp xếp vĩ đại như vậy, sức mạnh vận hành của sự sắp xếp này chính là đến từ Chúa!” Nhận thức của khoa học gia hàng đầu thế giới này mang đến cho người ta một tầm nhìn rộng mở.
Hiện nay các nhà thiên văn học đã chụp được ảnh các tinh cầu bị nổ tung, chứng tỏ rằng vũ trụ đang diễn ra những thay đổi to lớn đáng kinh ngạc, một số tinh cầu bị hủy diệt; một số tinh cầu mới được sinh ra trong sự biến đổi dữ dội của vũ trụ, và còn được truyền thêm năng lượng trẻ trung hơn. Các nhà thiên văn học cũng phát hiện ra rằng, mỗi lần sau khi đại khung hủy diệt một số tinh cầu, thì sẽ lại thai nghén ra nhiều tinh cầu mới hơn.
Trong vũ trụ mênh mông ấy, dường như thật sự tồn tại một đôi tay vĩ đại, mỗi ngày đều thanh lý những thứ ô uế của vũ trụ, khiến nó được cải thiện ngày càng trong sáng và phồn vinh hơn.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/292141
Ngày đăng: 31-08-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.