Hội họa Trung Quốc: “Nguồn gốc”



Tác giả: Thiên Ngoại Khách

[ChanhKien.org]

Bức tranh này có tên là “Nguồn gốc”, là tác phẩm thứ hai của tôi sau tác phẩm “Đánh thức” đã được giới thiệu trước đó. Trên thực tế, khi kể về quá trình sáng tác của mình, tôi không thể không nói đến uy lực của Đại Pháp và ân huệ của Sư phụ. Tôi yêu thích hội họa từ thuở nhỏ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với hội họa Trung Quốc thì tôi lại càng quyến luyến không rời. Trước khi vào đại học, tôi tự mình tìm tòi và không có giáo viên nào dạy tôi cả. Cho đến khi tôi gặp được một giáo viên nghiêm khắc ở trường đại học, tôi mới bắt đầu tập trung vào kỹ xảo và phương pháp hội họa. Nhờ đam mê xuất phát từ nội tâm, cộng thêm một chút tinh thần nghiên cứu, dần dần tôi đã đạt đến một trình độ nhất định trong việc sao chép tranh cổ, được các thầy cô giáo và bạn bè, cũng như những người đam mê trong nghề đón nhận. Thực ra khi ngẫm nhìn lại, tất cả những điều ấy là để đặt cơ sở cho những sáng tác chứng thực Đại Pháp của tôi ngày hôm nay.

Tôi tốt nghiệp đã được năm năm, tuy nhiên do không tinh tấn trong tu luyện, nên mãi đến năm nay tôi mới bắt đầu chuyển hướng sáng tác của mình sang chứng thực Đại Pháp (năm 2015). Mặc dù tôi đã làm nhiều điều rất không tốt trong quá khứ, nhưng Sư phụ đã không bỏ rơi tôi. Ngược lại, Ngài ban cho tôi trí huệ, giúp tôi hiểu rõ được sự tinh túy và đạo lý huyền diệu trong sáng tác hội họa, mở ra cánh cửa cho sáng tác của mình.

Tranh Trung Quốc được chia thành ba loại: Sơn thủy, nhân vật và hoa điểu (tranh vẽ hoa và chim). Trong quá trình học tập trước đây, hoa điểu là thể loại mà tôi dành nhiều công sức nhất, có số lượng tác phẩm nhiều nhất, kế đó là tranh nhân vật, còn tranh sơn thủy tôi chưa học. Bởi vì trong quá trình học Pháp, tôi biết rằng chủ đề sáng tác nên là Thần. Lúc ấy tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, trong tương lai chỉ có thể vẽ Thần, cho nên tranh sơn thủy và hoa điểu tôi hạn chế không thể hiện. Vì vậy, mỗi khi có ai đó hỏi tôi về phương hướng sáng tác trong tương lai, câu trả lời của tôi luôn là tranh nhân vật. Nhưng kết quả lại nằm ngoài ý muốn, tôi dần dần mở ra cánh cửa vẽ tranh sơn thủy. Quá trình đó cũng là mở rộng nhận thức về sáng tác tranh Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của Pháp lý Đại Pháp. Thực ra, Thần không chỉ được phản ánh qua hình tượng con người, mà cảnh vật tự nhiên đều tồn tại sinh mệnh, đều do Thần tạo ra, vũ trụ cũng là do Thần tạo ra, bản thân mỗi tầng thiên thể vũ trụ cũng là Thần. Như vậy tôi dùng hình tượng tiên cảnh để diễn tả vẻ đẹp và sự thần thánh của Đại Pháp thì chẳng phải cũng siêu thoát khỏi cảnh giới con người hay sao? Chẳng phải cũng là biểu hiện Thần hay sao? Cho nên người xem mới có thể cảm thấy xúc động, ít nhất là họ sẽ thấy nó rất đẹp.

Những tác phẩm kinh điển tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù rất kinh điển, nhưng không nhiều tác phẩm mang Thần tính, hầu như không có. Vậy nên, tôi nghĩ rằng những đỉnh cao mà các tiền nhân đạt được chỉ là để trải đường cho sự sáng tác của các đệ tử Đại Pháp chân chính ngày nay. Vì thế, chúng ta cần phải học hỏi kinh nghiệm của các tiền nhân, đây là biện pháp nhanh nhất. Học tập cổ nhân chính là đứng trên vai của họ để có thể bước đi xa hơn. Không giống như suy nghĩ của những người ngày nay bị quan niệm danh lợi vây hãm, họ khinh bỉ việc học tập người xưa và coi cái gọi là “đổi mới” làm “Thánh kinh” để chỉ đạo sáng tác, cho nên mới dẫn đến sự suy bại của hội họa Trung Quốc ngày nay.

Bởi vậy, việc tôi không hề có kinh nghiệm vẽ tranh sơn thủy trước đây, nhưng vừa bắt đầu lại có thể tạo ra một tác phẩm lớn như thế này chẳng phải là một phép lạ hay sao? Đây là điều mà tôi chưa từng nghĩ đến trước đây. Tôi biết, điều này là do năm nay tôi đã có sự cải biến trong trạng thái tu luyện của mình, có được lĩnh hội mới cao hơn so với trước đây trong nhận thức đối với các Pháp lý, nên mới được Sư phụ từ bi chỉ bảo.

Bức tranh này vẫn sử dụng bút pháp thanh lục sơn thủy truyền thống, với tầng tầng ngọn núi cao chót vót sừng sững vươn lên làm nổi bật khí thế của núi lớn, ngụ ý thể hiện sự phong phú. Ở nơi cao xa xôi có vẽ một cuốn sách tượng trưng cho Đại Pháp. Một hàng Thần Phật uy nghiêm từ cuốn sách đi ra với các tư thế khác nhau. Có vị chính niệm lập chưởng, có vị tay cầm lư hương, có vị cầm bảo tháp, có vị rải nước cam lồ, có vị sử dụng thần thông, có vị múa kiếm, có vị gảy đàn… Còn có những Pháp Luân đang chuyển động xung quanh các vị Thần Phật, tượng trưng cho việc họ là những vị Thần trong Pháp, dùng các loại hình thức khác nhau để hạ thế trợ Sư Chính Pháp, khai sáng văn minh Thần truyền Trung Hoa.

Ngoài ra còn có một tầng hàm nghĩa khác, chính là muốn biểu hiện câu đầu tiên trong phần “Luận Ngữ” của sách Chuyển Pháp Luân:

“Đại Pháp là trí huệ của Sáng Thế Chủ. Ông là căn bản của khai thiên tịch địa, của tạo hoá vũ trụ”.

Đây cũng chính là nguồn gốc cuối cùng cho tên gọi của bức tranh này. Cây cối và nhà cửa trên núi, bao gồm bản thân ngọn núi, tượng trưng cho nền văn minh Trung Hoa. Mây trắng tỏa ra ánh sáng liền mạch từ trên xuống dưới, tượng trưng cho dòng năng lượng do Thần phát xuất ra, từ trong tranh tỏa ra bên ngoài, mang lại lợi ích cho người xem. Góc dưới bên phải của bức tranh có vẽ một người đi đường mang nhiều ẩn ý, một người bình thường cũng có thể đoán được đây là một người tu Đạo, một mặt đối ứng với các vị Thần trên thiên thượng, đồng thời cũng thể hiện nền văn hóa cầu Đạo và tu Đạo của dân tộc Trung Hoa. Xuyên việt thời gian và không gian, giờ đây anh là một người tu luyện Đại Pháp, trên lưng mang theo tài liệu giảng chân tướng, đưa những điều tốt đẹp đến với con người thế gian. Ngọn nguồn của hết thảy những điều này đều đến từ Đại Pháp, hết thảy lịch sử và hết thảy sinh mệnh đều đến vì Pháp. Bởi vậy, bức tranh này có tên là “Nguồn gốc”.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/148487



Ngày đăng: 27-05-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.