Nữ Thần hoàng gia trong vở kịch lớn của lịch sử (Phần 2)



Tác giả: Thiên Tải Vân

[ChanhKien.org]

3. Vai diễn của vở kịch lớn có thể do mình quyết định không?

Tôi phát hiện một số thần thoại và truyền thuyết như “Phong Thần diễn nghĩa”, “Tây du ký”, rất nhiều Thần ở trong đó đều là có thật, hơn nữa trong rất nhiều câu chuyện liên quan đến họ, một số sự thực cũng là thật. Trong câu chuyện dân gian kể rằng sau khi Tiết Cương phản Đường, gia đình họ Tiết bị tru di diệt tộc, khi ấy Phàn Lê Hoa đã nhấc hơn 300 người nhà họ Tiết lên không trung, sau đó bởi vì sư phụ của Phàn Lê Hoa đến, nói rằng đây là thiên ý, không thể làm trái ngược ý trời, bà mới đặt mọi người xuống, ngay cả những việc thần kỳ như vậy cũng là thật.

Trong một số câu chuyện thần thoại và truyền thuyết, nói về Ngọc Đế có bảy người con gái, câu chuyện này lại không hề hư giả, Ngọc Đế có bảy người con gái và hai người con trai, hơn nữa những nhân vật thần thoại như Na Tra, Dương Tiễn, Hoa Sơn Thánh Mẫu đều là có thật. Đối với những câu chuyện về bảy vị công chúa chuyển sinh đến nhân gian, tôi cũng không phải đều biết một cách rõ ràng, minh bạch. Dưới đây chỉ nói một chút những gì tôi biết, trọng điểm nói về những điểm khác biệt giữa truyền thuyết dân gian và thần thoại. Có thể có người cho rằng tôi đang biên tạo ra câu chuyện, kỳ thực không phải vậy. Nếu như mọi người không tin, cũng có thể xem đó như là một câu chuyện thông thường như bao câu chuyện khác.

Mẹ của Dương Tiễn là ai?

Dương Tiễn là nhân vật trong “Phong Thần diễn nghĩa” và “Tây du ký”, cũng là nhân vật có thật trong lịch sử, chỉ là có sự nhầm lẫn liên quan đến việc mẹ của ông ta là ai. Trong tiểu thuyết thần thoại “Tây du ký”, tác giả nói rằng mẹ của Dương Tiễn là em gái của Ngọc Đế, kỳ thực ở thiên giới, Ngọc Đế chỉ có chị gái, không có em gái, lại càng không có câu chuyện em gái tư tình tự xuống phàm trần. Mà người năm đó kết duyên với Dương Thiên Hựu là đại công chúa, tức đại công chúa là mẹ của Dương Tiễn và Hoa Sơn Thánh Mẫu.

Khi đó là thời kỳ mà người và Thần đồng thời tồn tại, do đó có rất nhiều Thần mang theo thân người. Đại công chúa kết duyên với Dương Thiên Hựu là do Ngọc Đế chỉ hôn, chứ không phải đại công chúa tư tình hạ phàm trần, gia đình Dương Thiên Hựu nhiều đời lương thiện, tích được nhiều công đức, do đó vốn dĩ sẽ có con đàn cháu đống, con cháu đầy nhà. Sau này đại công chúa sinh hạ một nam một nữ, tức Dương Tiễn và Hoa Sơn Thánh Mẫu. Sau khi đại công chúa sinh ra họ không lâu, phàm gian lại phát sinh chiến loạn, đại công chúa chỉ còn cách đem hai đứa con còn nhỏ lên thiên đình. Khi đó Hoa Sơn Thánh Mẫu còn chưa đầy tháng, đại công chúa do vậy đã làm ô nhiễm Thiên giới, Ngọc Đế bèn theo luật của Thần, đành phải đưa đại công chúa nhốt vào thiên lao. Hai đứa trẻ nhỏ đều do thất công chúa 14 tuổi nuôi nấng trưởng thành. Sau này thất công chúa có một đời chuyển thế làm người dân bình thường, đại công chúa hạ thế làm Thần bảo hộ, cũng là để báo đáp ân tình của thất công chúa đã dưỡng dục con mình.

Có phải thất tiên nữ tư tình hạ phàm trần không?

Thất tiên nữ hạ phàm kết hôn với Đổng Vĩnh cũng là thật. Câu chuyện thần thoại “Thiên tiên phối” cũng phát sinh vào thời kỳ con người và Thần đồng thời tồn tại, thời kỳ đó Thần Tiên cũng có nhân thể, không cần đầu thai có thể trực tiếp hạ phàm. Thất tiên nữ hạ thế kết hôn với Đổng Vĩnh cũng là Ngọc Đế chỉ hôn, chủ yếu là bởi vì Đổng Vĩnh bán thân mình để chôn cất cho cha, lòng hiếu thảo cảm động trời đất. Sau này thất tiên nữ hạ phàm chỉ có 100 ngày, là bởi vì lúc đó cuộc sống ở phàm gian quá khổ, nhà cửa lúc đó là lấy tre mà phủ lên, nồi và bát làm từ đất nung, có khi ngủ tới nửa đêm, gió lớn thổi một cái, trong nhà chẳng còn gì nữa. Mà thất công chúa lại là con gái được Vương Mẫu yêu chiều hết mực, bảy vị công chúa đều đã bái sư phụ, sư phụ mà thất công chúa bái là một vị đạo cô trên thiên giới có thần thông phi thường, bởi vì đạo cô thích tính cách thông minh lanh lợi của thất công chúa, bản thân bà cũng không có con gái, bèn thu nhận cô làm con gái của mình.

Việc thất công chúa hạ phàm, bị bà kiên quyết phản đối, Ngọc Đế tuy rằng uy nghiêm, cũng không thể lay chuyển đạo cô có uy vọng rất cao trong số các Thần Tiên, đạo cô rất thương yêu con gái của mình, cũng là điều hợp tình hợp lý. Do đó bèn triệu thất tiên nữ trở về thiên đình. Lúc đó cuộc sống trên thiên giới so với địa giới cách biệt quá lớn, làm gì có Thần Tiên nào muốn hạ phàm kia chứ? Do đó trong một số câu chuyện nói rằng tiên nữ hạ phàm là do thiên giới cô liêu tịch mịch, hạ phàm tìm khoái lạc ở nhân gian, đó quả là chuyện nực cười.

Câu chuyện trong chốn hồng trần của những vị công chúa

Bài viết trước đã nói về việc đại công chúa chuyển thế trở thành Vương Chiêu Quân, tam công chúa chuyển thế thành Phàn Lê Hoa, ngũ công chúa chuyển thế thành Tôn Thượng Hương, lục công chúa chuyển thế thành Tống Khánh Linh, thất công chúa chuyển thế thành Nhạc phu nhân, Nghi Phi của Khang Hy, những người này đều là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và thời hiện đại, mọi người đều không lạ lẫm gì đối với họ. Dưới đây nói về câu chuyện mà mọi người hoàn toàn không biết về nhị công chúa và tứ công chúa.

Đối với nhị công chúa và tứ công chúa, tôi chỉ biết về một đời của họ. Nhị công chúa chuyển thế làm người dân bình thường trong những năm khoảng từ 1930 đến 2000, thời điểm đó bà đã khoảng 60 – 70 tuổi nhưng nhìn thì chỉ giống như mới 40 tuổi, người ở vùng đó cũng nói bà là tiên nữ chuyển thế. Bản thân bà cũng lờ mờ biết rằng mình là con gái của Vương Mẫu, mỗi năm, hội Bàn Đào vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, nguyên thần của bà cũng tới tham gia. Việc ở trên thiên thượng đối với bà mà nói thì giống như nằm mơ vậy. Khi nguyên thần của bà xuất ra, trong tâm bà nghĩ và nhớ về những điều tốt đẹp và náo nhiệt ở trên Tiên giới, khi quay trở về chỉ biết rằng có một vị lão thần tiên râu bạc bồng bềnh gõ nhẹ phía sau đầu của bà thế rồi bà không biết gì nữa. Khi bà 70 tuổi đã ước hẹn với chồng của mình, cùng nhau quay về thiên đình, cách nghĩ của họ là con người thì phải chết, hơn 70 tuổi rồi, không chết thì sống để thành yêu quái sao, liền uống thuốc trừ sâu. Tự sát lại không phải là một việc tốt, bà không chỉ không thể quay trở về thiên đường, còn bị đả nhập địa ngục chịu khổ. Thật không ngờ nhị công chúa lại hồ đồ như vậy, việc này mỗi khi nghĩ đến đều khiến tôi thở dài; Vương Mẫu cũng vì vậy mà tâm can vô cùng đau lòng.

Tôi được biết về một đời của tứ công chúa, cô chuyển sinh vào một nhà bách tính bình thường, khoảng 16 tuổi thì gả cho một vị thư sinh, sau này sinh được hai người con một trai, một gái. Vị thư sinh sau này vào kinh dự thi, có tên trong bảng vàng, được một vị quan cao chức trọng để mắt, nhận làm rể, từ đó một đi không trở lại, không còn chút tin tức. Tứ công chúa ở nhà, trên thì hiếu kính với bố mẹ chồng, dưới thì nuôi dạy hai người con, ăn rau quả dại mà sống qua ngày, lại ăn uống dè sẻn dành dụm tiền để cho con ăn học, người con trai này là Văn Khúc tinh quân được Vương Mẫu phái xuống chuyển sinh nên thông minh khác thường, đây cũng là hy vọng duy nhất của tứ công chúa. 20 năm sau, người con này liên tục đỗ khoa cử, cuối cùng đỗ tới trạng nguyên, tứ công chúa lúc này mới được khổ tận cam lai. Cảnh ngộ này khá giống với Tần Hương Liên.

Ở đây lại nói thêm một chút về lục công chúa Tống Khánh Linh. Tống Khánh Linh sau 60 tuổi bàn về chính sự, tâm tĩnh xuống, liền có thần thông, có lần ở trong nhà ngủ một giấc, nguyên thần xuất ra du hành giữa đất trời, cũng nhiều lần đến nhà của tôi, chỉ là dáng vẻ vội vàng. Khi tôi còn niên thiếu, từ trong một số tuyên truyền ở trong nước, nói rằng Tống Khánh Linh và Tống Mỹ Linh giống như kẻ địch vậy, kỳ thực chị em họ tình cảm sâu đậm. Ở đây xin lấy một ví dụ: Vào tháng 3 năm 2003, có một ngày, ở trên trời, lục công chúa nói với thất công chúa: “Ta muốn tới phàm gian thăm người em của ta, mấy hôm nữa là sinh nhật của cô ấy, đây cũng là lần sinh nhật cuối cùng của cô ấy rồi”. Thất công chúa hỏi: “Em gái của chị, là em gái nào vậy?” Lục công chúa trả lời: “Chính là Tưởng phu nhân đang sống ở nước Mỹ, bà ấy năm nay đã 105 tuổi, tuổi thọ sắp hết rồi”. Sau này do một đệ tử Đại Pháp bị an ninh quốc gia Trung Quốc bắt giữ, vị đệ tử Đại Pháp này có duyên với họ, lục công chúa bị đại công chúa triệu hồi gấp, sau đó họ sử dụng pháp lực thần thông để cứu vị đệ tử Đại Pháp này ra.

Vương Mẫu cùng với một số Thần cũng nói cho tôi về một số câu chuyện hồng trần của Nhạc phu nhân do thất công chúa chuyển sinh. Khi ấy Nhạc gia rất nghèo, có thể nói là nghèo xơ xác, cho đến giờ Vương Mẫu vẫn còn nhớ một số chuyện cũ của Nhạc gia. Lúc đó hai người con trai của Nhạc phu nhân (Nhạc Vân, Nhạc Lôi) cùng với một người con gái có tên ở nhà được gọi lần lượt là Đại Mao, Tiểu Mao, Tam Mao. Món ăn mà gia đình họ thường ăn là thứ giống như mộc nhĩ thường mọc trong rừng sau mưa. Khi còn nhỏ cả ba đứa trẻ đều rất gầy. Nhạc Vân 12 tuổi đã tòng quân. Sau khi cha con Nhạc Phi bị gian thần hại chết, Nhạc gia trở thành phạm nhân của triều đình, thậm chí đến cỏ cũng không được phép ăn. Nhạc phu nhân cũng vì quá đau lòng mà dường như đã khóc cạn nước mắt. Cuối cùng, Vương Mẫu ở trên trời nhìn thấy con gái của mình đã quá khổ rồi, mới đưa con gái trở về thiên đình trong nước mắt. Sau này Nhạc Vương chuyển thế trở thành Khang Hy đại đế, thất công chúa chuyển thế là Nghi phi, Khang Hy hết mực sủng ái Nghi phi, có lẽ là một sự đền bù cho thời loạn ở kiếp trước của họ.

Tôi là một người có tâm hiếu kỳ rất lớn, từng cười hỏi Vương Mẫu và các vị công chúa rằng: “Theo các vị chuyển thế thành cuộc đời như thế nào thì tốt? Chuyển thế thành hoàng thượng, hoàng hậu tốt, hay chuyển thế thành bách tính bình thường tốt hơn?” Họ nói rằng thác sinh thành người đều không tốt. Chuyển thế thành hoàng thượng, cần phải lo lắng cho giang sơn xã tắc, bách tính trong thiên hạ, nếu làm không tốt, giết người vô cớ, sẽ nợ món nợ mà vài đời cũng không trả hết; chuyển thế thành hoàng hậu, thì những đấu đá trong cung đình rất gay gắt, thất công chúa có một đời chuyển sinh thành hoàng hậu, bị một hoàng phi ác độc có ý đồ muốn ngồi vào vị trí hoàng hậu nên sai người phóng hỏa đốt cung, suýt nữa thì bị thiêu chết, may là Vương Mẫu biết được, Vương Mẫu đã nhấc thất công chúa lên không trung đem đi. Chuyển thế thành vương tử cũng không tốt, tương lai tranh ngôi hoàng vị cũng sẽ huynh đệ trở mặt, tàn sát lẫn nhau. Chuyển thế thành bách tính bình thường, chịu khổ chịu nạn, không sống được ngày nào yên ổn. Thông thường cho rằng chuyển sinh thành công chúa và phò mã thì tốt hơn chút, có được cuộc sống tương đối bình yên, nhưng hạ thế diễn vai gì thì phần nhiều là do thiên định, nào do người quyết định. Những nữ Thần trên Thiên giới đều đã chán ghét với việc lại hạ phàm trần, cũng biết rằng vở đại kịch của lịch sử đã đến cuối cùng rồi. Chỉ có trở thành Thần ở tầng thứ cao, không phải tiến nhập luân hồi mới là tốt nhất.

(Hết)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/38079



Ngày đăng: 04-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.