Những địa danh mang ý nghĩa và hình ảnh của Thần Tiên



Tác giả: Văn Chính

[ChanhKien.org]

Trung Quốc vì sao còn được gọi là mảnh đất Thần Châu? Đất nước mà hiện nay đang bị vô thần luận phong bế này, đã từng có rất nhiều lịch sử và truyền thuyết có liên quan đến Thần. Ngược dòng lịch sử, chúng ta dễ dàng nhận thấy các câu chuyện này cũng giống như bộ rễ cây hoặc các đường mạch lạc đan xen ngang dọc với nhau.

Từ Bàn Cổ khai thiên lập địa, Nữ Oa tạo ra con người, đến Lão Tử lưu lại “Đạo Đức Kinh”, Phật giáo được truyền vào phương Đông, ngoài ra còn rất nhiều những câu chuyện lịch sử về sự kính ngưỡng đối với Thần và thực tiễn tu luyện của các bậc từ Thánh hoàng minh quân đến bách tính thường dân. Huyết mạch của văn hóa Thần truyền chính nhờ vậy mà đã được lưu giữ ở nơi sâu thẳm trong ký ức của mỗi người dân Trung Quốc, cũng được lưu lại trong các địa danh quen thuộc trên vùng đất này. Nó dường như đang nhắc nhở con người hiện tại rằng kính Thiên, tín Thần, tu luyện là nội dung chính của nền văn minh Thần truyền 5000 năm.

Hôm nay, chúng ta sẽ kể về những câu chuyện lịch sử liên quan đến Thần Tiên ẩn sau những địa danh này.

Tần Hoàng Đảo tỉnh Hà Bắc

Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, ông cho thống nhất lại văn tự, thống nhất lại làn đường cho xe đi, lên núi Thái Sơn cúng tế trời đất, tuần du thiên hạ. Lúc đó nhà Tần phân thiên hạ thành 48 quận, đến tận ngày nay, vẫn còn 19 tên quận tiếp tục được sử dụng làm địa danh các khu vực hành chính ở Trung Quốc. Và một số địa phương khác, cũng đã đổi tên theo các sự tích vào thời Tần Thủy Hoàng.

Mọi người đều biết, Tần Thủy Hoàng rất say mê việc cầu Tiên tầm đạo, kính trọng người tu luyện. Lúc đi tuần du vùng Lang Da ở phía Đông, ông đã từng gặp được “Thiên Tuế Ông” (ông già ngàn tuổi) An Kỳ Sinh tại Lao Sơn. Họ cùng nhau đàm luận về đạo tu luyện dưỡng sinh, họ nói chuyện liên tục suốt ba ngày ba đêm, An Kỳ Sinh còn để lại sách cho Thủy Hoàng rồi mới rời đi. Tần Thủy Hoàng vô cùng kính trọng An Kỳ Sinh, ban tặng cho ông ta rất nhiều vàng và ngọc bích. Sau khi An Kỳ Sinh ra đi, ông đem tất cả tài vật được ban tặng ấy để lại ở trong đình Phụ Hương, còn để lại một phong thư cùng một đôi hài ngọc màu đỏ cho Tần Thủy Hoàng, để Tần Thủy Hoàng sau này có thể vượt biển đến núi Bồng Lai tìm ông ta. Năm 215 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng lại tuần du Đông phương đến núi Kệ Thạch thuộc quận Xương Lê, tỉnh Hà Bắc, nhưng lại để cho những người nước Yên là Lư Sinh, Hàn Chung (Hàn Chúng), Hầu Công ra biển tìm Tiên.

Ngày nay thành phố Tần Hoàng Đảo được đặt tên như thế là để tưởng niệm sự việc Tần Thủy Hoàng năm đó vượt biển cầu Tiên. Đáng tiếc là, tuy Tần Thủy Hoàng rất tin vào chuyện tu luyện, nhưng lại đem chuyện tu luyện của mình giao phó cho kẻ khác, cuối cùng cầu tiên dược bất thành, dẫn đến “Nỗ lực hết mình mà công không thành, trở nên nỗi cay đắng ngàn năm”. Trái lại, năm đó Hàn Chung được giao phó ra biển tìm tiên dược thì lại tu luyện thành Tiên. Điều này dường như đang nhắc nhở những người hậu thế có chí nguyện tu hành rằng tu luyện là hoàn toàn không giống với bất cứ việc gì khác, tuyệt không thể phó thác vào người khác.

Tiên Cư tỉnh Chiết Giang

Ở một huyện nhỏ phía Tây thành phố Đài Châu, tỉnh Chiết Giang, có một cái tên rất đẹp – Tiên Cư. Thời nhà Tần, dải đất này thuộc huyện Ngân, quận Mân Trung. Thời Đông Tấn năm Vĩnh Hòa thứ ba (Năm 347) nơi đây được lập huyện, tên là Lạc An, Vĩnh An.

Đến thời Đông Hán, vùng đất này đã trở thành thánh địa cho các danh tăng cao đạo đến tham thiền phỏng đạo (học thiền cầu đạo). Phía Nam của vùng Tiên Cư giáp với núi Quát Thương Sơn, trong núi có động Quát Thương được liệt vào động thiên thứ 10 của Đạo gia, trong quá khứ có rất nhiều người tu Đạo từng tu hành ở nơi này.

Thời Bắc Tống vua Tống Chân Tông vì có vị Vương Ôn tu thành đắc đạo ở nơi này, sau lại có Từ Lai Lặc, Vương Phương Bình, Cát Huyền, Thái Kinh, Thái Từ, Quảng Thành Tử và rất nhiều người tu Đạo khác đã tu luyện thành Tiên tại đây. Tống Chân Tông Triệu Hằng cũng “vì nơi đây có nhiều danh sơn động thiên, che chắn khắp xung quanh, và là nơi cư ngụ của nhiều Thần Tiên” mà đổi tên huyện Vĩnh An thành Tiên Cư.

Còn có một cách nói khác được lưu truyền là vào thời Đường Huyền Tông, Bộc Bộc tiên nhân đã độ hóa thế nhân tại nơi này, vì Huyền Tông kính trọng thần tích đó, nên đã đổi tên Vĩnh An thành Tiên Cư.

Bất luận là thế nào, nơi đây đã có rất nhiều thần tích về việc Thần Tiên và Chân nhân độ hóa con người thế gian, và việc các câu chuyện này được lưu truyền rộng rãi khắp nơi đã là một sự thực không thể chối cãi.

Phật Sơn tỉnh Quảng Đông

Phật Sơn nằm kế bên thành phố Quảng Châu, gọi tắt là “Thiền”, thời cổ gọi là “Quý Hoa Hương”, “Trung Nghĩa Hương”. Đằng sau địa danh này, cũng hiển hiện một thần tích. Năm Long An thứ hai thời Đông Tấn (năm 398), Đạt Tỳ Gia Sá, một vị pháp sư tam tạng của Diệm Tân quốc đã đem hai pho tượng đồng đến thôn Quý Hoa để xây dựng Phật tự ở gò Tháp Ba. Thời gian cứ thế trôi qua, về sau ngôi chùa cổ này cũng dần bị bỏ hoang.

Đến thời nhà Đường, nơi này đã trở thành một vùng gò đồi, vào thời nhà Đường năm Trinh Quán thứ hai (năm 628), gò đất Tháp Ba đột nhiên phát ra ánh sáng rực rỡ, sau khi người dân trong thôn phát hiện thấy, liền đào xới nơi đó, kết quả đào được ba bức tượng Phật bằng đồng.

Ngoài ra còn có một cách nói khác là, bấy giờ có người đào được ba bức tượng Phật bằng đồng và một tấm bia đá ở sau chánh điện của một ngôi chùa ở Phật Sơn, trên tấm bia đá có khắc dòng chữ “Tháp Pha Tự Phật”, hai bên còn có một đôi câu đối:

“Thắng địa sậu khai, nhất thiên niên tiền, thanh sơn thị ngã Phật.

Liên Hoa cực đỉnh, ngũ bách tải hậu, thuyết pháp hệ hà nhân?”

Diễn nghĩa:

“Thắng địa đột ngột mở ra, một nghìn năm trước, núi xanh là Phật của ta.

Trên đỉnh liên hoa, năm trăm năm sau, hỏi ai đã từng thuyết pháp?”

Sau đó dân làng đã xây dựng lại chùa Tháp Pha ở trên gò đất ấy. Vì mọi người đều cho rằng đây là vùng núi của nhà Phật, nên liền đổi tên thôn Quý Hoa thành Phật Sơn.

Lời kết

Thời thượng cổ, những người thiện lương thuần phác đã có một thời kỳ lịch sử rất dài cùng Thần đồng tại, họ dạy người dân biết đốt nương làm rẫy, có những kiến thức nhận biết tự nhiên. Các vị cao tăng, đại đạo của các triều đại trước đây, trong khi tu luyện, hoặc truyền Đạo, hoặc hành tẩu nơi nhân gian, đã vì con người mà kiến tạo nên một nền văn hóa Thần truyền khá phong phú.

Do vậy trên mảnh đất Thần Châu có rất nhiều rất nhiều những địa danh, tên núi liên quan đến Thần. Vậy quê hương của bạn tên là gì? Bạn có biết đằng sau cái tên ấy có câu chuyện nào liên quan đến Thần như thế không?

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/284401



Ngày đăng: 04-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.