Trung Quốc thời cổ đại là một xã hội như thế nào?



Tác giả: Ngô Khản

[ChanhKien.org]

Vài năm trước, một số người trong “giới học thuật” ở Trung Quốc đại lục khi nói về việc nuôi dưỡng người già và phúc lợi xã hội của triều đại nhà Tống, đã có những “học giả” đặt vấn đề rằng liệu một triều đại phong kiến chuyên chế có thực sự tốt như vậy không, vậy thì chúng ta hãy quay ngược thời gian trở lại thời nhà Tống cùng xem xét một chút. Kể từ sau phong trào Ngũ Tứ, một số người trong giới trí thức vẫn luôn nói rằng Trung Quốc cổ đại là một chế độ phong kiến chuyên chế, riêng về khái niệm chế độ phong kiến chuyên chế là trạng thái như thế nào thì từ các kênh truyền thông Đại Lục chúng ta cũng có thể biết.

Trung Quốc đại lục rốt cuộc là theo thể chế nhân trị hay là pháp trị? Những người liễu giải được tình huống ở ngoại quốc đều biết rằng Trung Quốc là một xã hội pháp trị (cai trị bằng luật pháp). Có người cho rằng Trung Quốc đại lục hiện nay là theo chế độ nhân trị, nhưng về khái niệm nhân trị là trạng trái thế nào thì họ lại không biết.

Nhiều người ở Trung Quốc đại lục có thể không giải thích được vấn đề này một cách rõ ràng, bởi vì có rất nhiều người ở Trung Quốc đại lục không hề biết thế nào là nhân trị và thế nào là pháp trị.

Trong một thời gian dài, các trang truyền thông chính thống ở Trung Quốc đại lục đã thảo luận về việc liệu xã hội Trung Quốc cổ đại là theo thể chế nhân trị hay là pháp trị, về cơ bản thì họ cùng đưa ra một luận điệu chung là: nhân trị. Kết luận này khiến nhiều người Trung Quốc nhận định về Trung Quốc cổ đại theo sự dẫn dắt và định hướng của hệ thống truyền thông chính thống ở Đại Lục, họ cho rằng Trung Quốc thời cổ đại là theo chế độ đế vương, hoàng đế là người nắm giữ ngôi vị cửu ngũ chí tôn, nhất ngôn cửu đỉnh, nắm giữ hết thảy quyền sinh quyền sát trong tay, hoàng đế là người duy nhất có thể quyết định mọi việc. Và những bộ phim truyền hình thậm chí còn tuyên truyền thời phong kiến chỉ toàn dùng tiền tài và nhan sắc để mê hoặc người ta, cứ như thể hậu cung của hoàng đế là chốn cực kỳ xa hoa, hoàng đế ngày ngày chỉ biết đắm mình trong sự dâm đãng vậy.

Thế thì hoàng đế cổ đại là người như thế nào? Trong quyển Tống sử có ghi chép lại một câu chuyện, rằng thư pháp gia Thái Tương là một trong bốn vị Tống tứ đại gia. Trong Tống sử chép rằng, hoàng đế Tống Nhân Tông đã bổ nhiệm Thái Tương làm chức tri chế cáo chuyên khởi thảo sắc lệnh. Có một lần ba vị quan ngự sử đã bẩm tấu lên hoàng đế về những chỗ không đúng của đại thần Lương Thích, hoàng đế Nhân Tông vừa nghe câu chuyện đã lập tức hạ lệnh giáng chức Lương Thích và sai Thái Tương viết chiếu thư. Thái Tương cho rằng đây không phải là một cuộc luận tội công khai tại triều đình mà là các đại thần đã nói riêng với hoàng thượng để ban sắc lệnh giáng chức, là việc không hợp lý, Thái Tương đã từ chối không viết chiếu thư. Về sau mỗi khi gặp phải tình huống ban lệnh cách chức bất bình thường như vậy Thái Tương đều từ chối không viết, hoàng đế Tống Nhân Tông không những không trị tội Thái Tương mà còn phong thêm chức quan cho ông, lại ban áo mão cho mẹ của Thái Tương vì đã có công sinh ra một người con tốt.

Vì hoàng đế Nhân Tông rất thích thư pháp của Thái Tương, Nhân Tông muốn làm một tấm bia cho phụ thân của vị phi tần mà ông sủng ái, đã lệnh cho Thái Tương viết bản mẫu với các chữ “Ôn Thành hậu phụ bia”, Thái Tương đã một mực từ chối, nói rằng: “Đây không phải là chức trách của thần, mà là việc của các vị đãi chiếu”. Thái Tương đã từ chối không tuân chỉ.

Từ đây có thể thấy rằng việc từ chối yêu cầu của hoàng đế vẫn xảy ra.

Trong bộ tiểu thuyết Khúc vị cựu văn thời Nam Tống có kể một câu chuyện, rằng Trương quý phi mà hoàng đế Nhân Tông sủng ái có lần đề cập rằng muốn hoàng thượng phong cho bá phụ mình là Trương Nghiêu Tá một chức quan, Tống Nhân Tông liền muốn phong cho Trương Nghiêu Tá chức tuyên huy sứ, nhưng việc này trong buổi thượng triều bàn bạc đã không được chấp thuận, Tống Nhân Tông chỉ đành từ bỏ chủ ý của mình. Qua một thời gian lâu, Trương quý phi vẫn muốn xin cho bá phụ Trương Nghiêu Tá một chức quan. Một hôm khi hoàng đế Nhân Tông chuẩn bị lên triều, Trương quý phi đã tiễn hoàng đế đến trước cửa cung điện, còn ở sau lưng Nhân Tông tâu rằng: “Thánh thượng hôm nay xin đừng quên đề cập đến việc của tuyên huy sứ”. Hoàng đế đã đồng ý với thỉnh cầu này. Ở trên triều, Tống Nhân Tông đã giáng chỉ phong cho Trương Nghiêu Tá làm tuyên huy sứ nhưng chiếu chỉ này không được triều thần đồng ý, Bao Chửng đã đưa ra đủ các lý do để phản đối chuyện này. Lúc quá kích động, Bao Chửng đã đến trước mặt Nhân Tông, phẫn nộ nói thao thao bất tuyệt đến mức bắn cả nước bọt vào mặt hoàng đế. Nhân Tông không còn cách nào, đành từ bỏ việc phong quan. Trương quý phi trong lòng sốt sắng, đã liên tục phái các thái giám đi dò la tin tức, biết rằng Bao Chửng đã ở trên triều tranh luận với Nhân Tông, đến nỗi làm hoàng thượng chẳng còn mặt mũi. Khi Nhân Tông bãi triều, Trương quý phi đã ra nghênh đón xin tạ tội, Nhân Tông vừa đưa vạt áo lên lau mặt vừa nói: “Trung thừa đến trước mặt ta nói chuyện, nói đến mức phun cả nước bọt vào mặt ta. Nàng chỉ biết đến chức tuyên huy sứ, tuyên huy sứ, nàng lẽ nào không biết Bao Chửng chính là ngự sử trung thừa sao?”

Trong bộ Đường ngữ lâm cũng có kể một câu chuyện, có một lần hoàng đế Đường Thái Tông cảm thấy rất thích một cái cây, đã khen ngợi mấy câu, Vũ Văn Sĩ Cập đứng bên cạnh lập tức thuận theo ý hoàng thượng mà không ngừng ca tụng cái cây ấy, Thái Tông liền nói một cách nghiêm túc rằng: “Thừa tướng Ngụy Trưng thường khuyên trẫm nên tránh xa những kẻ xu nịnh, ta không biết những kẻ xu nịnh mà Ngụy Trưng nói là ai nên chỉ đoán xem có phải là chỉ ngươi không, hôm nay xem ra người mà Ngụy Trưng nói chính là ngươi rồi”. Vũ Văn Sĩ Cập lập tức xin tạ tội mà rằng: “Khi ở trên triều các quan viên có tranh chấp với bệ hạ, họ đã nói đến mức bệ hạ chẳng ngẩng đầu lên được. Hôm nay thần may mắn được ở bên cạnh bệ hạ, nếu như một chút thuận theo bệ hạ cũng chẳng thể, bệ hạ tuy là thân phận thiên tử, nhưng còn có ý nghĩa gì”.

Xem ra hoàng thượng không những không phải là người nhất ngôn cửu đỉnh mà còn thường bị các đại thần ở trên triều chỉ trích đến mức chẳng thể ngẩng đầu lên.

Xã hội Trung Quốc thời cổ đại không theo thể chế nhân trị, cũng không theo thể chế pháp trị. Vậy rốt cuộc là dùng gì để trị?

Vào năm 1904, trong cuốn Sử luận về sự phát triển của ngành pháp lý học Trung Quốc, tiên sinh Lương Khải Siêu đã trích dẫn tư tưởng “lễ trị” của các gia tộc cổ đại mà học giả Nhật Bản Hozumi Nobushige đề cập đến, đồng thời ông còn đề xuất chủ nghĩa lễ trị. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử đã giảng “khắc kỷ phục lễ” (khắc chế bản thân theo lễ). Nhận thức và đánh giá của người nước ngoài đối với Trung Quốc thời bấy giờ chính là vùng đất của lễ nghi (lễ nghi chi bang).

Khái niệm về lễ trong văn hoá Trung Quốc cổ đại là bao gồm tập tục, tôn giáo, các vũ trụ quan như: kính trời mến người, con người sống hài hoà với tự nhiên, thiên nhân hợp nhất v.v… Khái niệm lễ này không chỉ nói lên mối quan hệ giữa người và trời, mà còn quy phạm cả những quy củ, phép tắc của con người, đồng thời cũng là lý luận, trong khái niệm lễ còn bao hàm các phẩm tiết như nhân nghĩa lễ trí tín, trung hiếu tiết nghĩa, lễ chính là thiên lý về nhân luân, vậy nên trong các sách cổ cũng có nói đến tư tưởng lễ trị.

Có người nói, từ “lễ trị” kết hợp bởi hai chữ “lễ” và “trị” này là chưa từng được tìm thấy trong các sách cổ. Bởi vì “lễ” không phải dùng để cai trị con người, mà là để giáo hóa con người, giúp con người nâng cao đạo đức, tự ước thúc chính mình. Các phương thức nhân trị, pháp trị đều là quản thúc con người từ bên ngoài, là để trị người, thể chế pháp trị tuy rằng có thể bảo vệ bạn nhưng đồng thời cũng đang hạn chế con người (mà vẫn phải là lương pháp, nếu là ác pháp thì không những hạn chế bạn mà còn sẽ bức hại bạn).

Đây là sự khác nhau cơ bản giữa các khái niệm nhân trị, pháp trị và lễ trị.

Khi đọc lại những ghi chép của người xưa, tôi thấy ngôn hành phổ biến của các văn nhân, quan viên thời ấy đều là dùng đạo đức ước thúc bản thân, ngay cả khi trong cảnh bần hàn cũng không tham của cải phi nghĩa, tôi mới minh bạch được vì sao thời cổ đại người ta không nhặt của rơi trên đường, ban đêm không cần đóng cửa, đó là phong thái của xã hội thời ấy.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/241132



Ngày đăng: 28-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.