Luân hồi ký sự: Nhân nghĩa chí chân



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp ở Đại Lục

[ChanhKien.org]

Sau khi Tào Tháo tiêu diệt Viên Thiệu và cùng Công Tôn Toản thống nhất phương Bắc, tại Liêu Đông có một người xuất thân bần hàn, mới ba tuổi thì cha mẹ đều qua đời, sau đó được người cậu nhận nuôi; ở nhà của người cậu này rất cực khổ, bị sai đi làm việc ngay cả trong ngày băng giá, tuyết phủ đầy mặt đất, mấy đứa em họ cũng sai khiến cậu như người hầu, nếu làm không tốt thì sẽ bị đánh một trận tơi tả.

Có một lần, cậu thấy cơm ăn không đủ no nên than phiền một câu, bị người cậu nghe thấy, kết quả bị đem nhốt vào nhà chứa củi, bỏ đói ba ngày. Còn có một lần, cậu bất cẩn làm vỡ cái bình sứ, liền bị người thím dùng gậy đánh vào đầu chảy máu. Lúc cậu khoảng 13 tuổi, vì không chịu nổi bị hành hạ nên đã bỏ nhà ra đi.

Tuổi đời còn nhỏ đã rời khỏi quê nhà, có thể hiểu được khó khăn thế nào. Rồi cậu được một binh sĩ của Tào Tháo đem về nuôi dưỡng, vị binh sĩ đó cũng thường kể cho cậu các sự tích Tào Tháo phóng thích Quan Vũ và chuyện Tào Tháo cùng Lưu Bị “thanh mai chử tửu luận anh hùng”. Sau đó vừa hay bắt gặp Tào Tháo cùng Tôn Quyền và Lưu Bị trong một trận chiến tại Xích Bích. Tuy sau cùng đã kết thúc bằng sự thất bại của Tào Tháo, nhưng nghĩa cử Quan Vũ thả Tào Tháo ở đường Hoa Dung khiến cậu càng thêm minh bạch nội hàm của “Nghĩa”.

Thông qua việc Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu (trong trận Quan Độ), và Tào Tháo thảm bại trận Xích Bích, cậu minh bạch được một đạo lý: sự vô thường của thế nhân. Tuy thắng bại là lẽ thường của nhà binh, nhưng đối với mỗi một sinh mệnh mà nói, nó trực tiếp liên quan đến vấn đề của sinh tử. Trong một thời đại của những đại biến đổi ấy, sự sống chết của mỗi người chẳng khác gì cỏ rác, ai cũng không cách nào nắm giữ và kiểm soát được.

Sau khi suy nghĩ về những điều này, cậu liền lặng lẽ rời khỏi doanh trại của Tào Tháo, nên đi về đâu đây? Cậu lại rất mù mờ không rõ. Suy đi nghĩ lại, thế là cậu men theo bờ biển mà đi thôi, đến được đâu thì tốt đến đó.

Khi đi đến Lao Sơn, cậu gặp được mấy người học Đạo ở đó, mấy người này đã nói với cậu rất nhiều những nhìn nhận về nhân sinh của Đạo gia, khiến cậu có nhận thức mới về vấn đề tu luyện và nơi chốn trở về của đời người. Sau đó cậu đến Phổ Đà Sơn, gặp được những người bế quan tu luyện, họ giảng thuật cho cậu những thể hội của bản thân. Điều này càng làm sâu sắc thêm nhận thức của cậu đối với việc tu luyện. Nhưng trong sâu thẳm cậu vẫn cảm thấy những điều này đều không phải là những gì mình cần.

Cậu nghĩ, nếu đến vùng ven biển đã không tìm được thứ mà bản thân mong muốn, vậy đi nước Thục xem xem. Người ta đều nói rằng Ba Sơn Thục Thủy có cao nhân, cậu muốn tự mình đi xem xét. Từ Phổ Đà Sơn đến nước Thục lại là một quãng đường xa xôi, cậu vừa xin ăn, vừa nghe ngóng, trên đường đổ bệnh, may thay được một cụ bà qua đường cứu sống. Rồi cậu đến được nước Thục, được nghe kể về chuyện ba anh em Lưu Quan Trương kết nghĩa vườn đào cùng chuyện Gia Cát Vũ Hầu bảy lần bắt thả Mạnh Hoạch, cậu thấy hết sức cảm phục.

Rồi cậu lên đến núi Nga Mi, nhìn thấy Phật quang ở Kim Đỉnh. Vì lúc đó cậu không có khái niệm gì về Phật và Phật Pháp cả, nên chỉ cảm thấy rằng ánh sáng đó tràn đầy sự từ bi và tráng lệ.

Sau khi xuống núi, cậu gặp một người trẻ tuổi trong một quán nhỏ, hai người trò chuyện rất ăn ý, người trẻ tuổi nói rằng: “Nghe người già kể rằng, có một lần Gia Cát Vũ Hầu khi ở Nam Chính đã từng nói với bách tính Man Di rằng: “Các ngươi quy thuận chúng ta, không phải vì để thống trị các ngươi, mà là vì để các ngươi nhanh chóng dung nhập vào trong bầu không khí của văn hóa thần truyền, nhằm để tương lai có được nhận thức tốt hơn về Pháp chân chính khiến con người có thể quay trở về”. Lúc đó người dân đều rất chấn động và mờ mịt (không hiểu gì), vì không biết câu cuối của Gia Cát Chư Hầu là có ý gì?!”

Khi người trẻ tuổi nói đến đoạn này, cậu nhớ lại năm đó cũng nghe cha nuôi làm lính nói, Tào Thừa tướng từng nói thống nhất phương Bắc là để dân tộc phương Bắc dung hợp, phát triển tốt hơn nhằm để làm cơ sở cho Đại Pháp chân chính khiến con người hồi thăng hồng truyền trong tương lai.

Nói xong, hai người họ đều chấn động và tràn đầy sự hưng phấn. Cảm thấy chuyện này nhất định sẽ xảy ra, do đó họ bàn với nhau xem tiếp theo nên làm thế nào. Cậu đề nghị rằng: “Nếu hết thảy mọi thứ của hiện tại đều đã là lập cơ sở cho tương lai, vậy thì chúng ta ở nước Thục làm cái gì đó, một mặt có thể sống qua ngày, mặt khác cũng làm người kính ngưỡng Gia Cát Vũ Hầu, chúng ta trở thành một con dân của nước Thục là được rồi”.

Cậu nói xong, người trẻ tuổi kia cũng tỏ vẻ đồng ý. Như vậy, hai người họ ở thành đô mở một tiệm canh nhỏ, điểm đặc biệt của tiệm canh này chính là người có tiền thì cho nhiều thêm chút, người không có tiền thì có thể uống tùy ý. Thực ra chính là dùng tiệm canh để quảng giao bằng hữu.

Khi mà sinh mệnh trong đời này của họ sắp kết thúc, họ kêu con của mình lại lên núi Nga Mi xem một chút Phật quang đó, sau khi đứa con đi, thật sự đã nhìn thấy rồi, hơn nữa trong vầng sáng đó hình như còn có một chữ mờ mờ: “Chân”. Đứa con trở về nói với họ, họ trầm tư một lúc, lĩnh ngộ được ý tứ bên trong: “Tương lai sẽ có thánh giả hạ thế truyền Đại Pháp có thể khiến con người thực sự được giải thoát. Chỉ cần chúng ta thật tâm chờ đợi, hết thảy đều có thể thành sự thật”.

Bởi vì duyên phận đời ấy mà tạo thành đời sau cậu và “người trẻ tuổi” ấy luôn bên nhau. Đời này họ đều đắc Pháp từ sớm, người sống ở lầu trên, người ở lầu dưới, động viên lẫn nhau, trên chặng đường quay trở về luôn bước về phía trước….

Chính trị thời kỳ lưỡng Tấn đen tối, chiến tranh liên miên, nhận thức Phật giáo và Đạo giáo dần dần phát triển, thêm việc các văn nhân đương thời vì muốn lánh xa thế sự mà lưu hành “lối nói suông”, Ngũ Hồ tiến vào làm chủ Trung Nguyên, trung tâm văn hóa dần dần di chuyển về phía Giang Nam. Càng trong loạn thế, càng có thể bùng phát khát vọng và mong muốn tìm kiếm của con người đối với mục đích cuối cùng của sinh mệnh. Chủ nhân của câu chuyện dưới đây chính là một trong số đó.

Ông vốn là một vị quan lại quyền quý trong triều đình, trong thời loạn thế như thế này, điều gì cũng không thể trường tồn được, vì để lánh họa, ông theo triều đình cùng di chuyển về phía Nam, ở đây ba năm thì ba bà vợ và bốn người con trai, sáu người con gái của ông đều lần lượt mắc bệnh qua đời. Có lẽ là do không hợp thủy thổ, mà có lẽ là mệnh đã hết. Mỗi lần đối mặt với sinh tử ly biệt, sự đau khổ trong lòng ông không gì diễn tả nổi. Vì để lánh họa nên ông đã sớm từ quan, ẩn cư ở khu vực ngoại thành của Hàng Châu. Ông về già có lúc tâm trạng không tốt, khi đó sẽ có gia nhân cùng ông ra ngoài đi dạo. Bình thường, ông hay suy nghĩ về sự vô thường của đời người, sự vô thường của vinh hoa phú quý, sự vô thường của tình cảm thân quyến và sự yêu thương. Rồi một ngày, ông đổ bệnh.

Căn bệnh này kéo dài đã ba năm, bạn bè thân quyến đến thăm hỏi không ít, nhưng không ai có thể giải khai khúc mắc trong lòng ông. Cần tiền làm gì nếu không có một người vợ có thể yêu thương gắn bó? Cần nhà làm gì khi không có con cái hiếu thuận? Ông trở nên rất bi quan. Cứ như vậy mà bệnh tật của ông càng ngày càng trầm trọng.

Sau đó, ông nằm mộng thấy khung cảnh ông đang ở cùng với ba bà vợ và bốn con trai sáu con gái rất vui vẻ. Vì trời đổ mưa lớn, vợ và các con lại tản ra mỗi người một nơi, ông rất đau lòng. Trong lúc đang rất đau lòng thì có một Đạo nhân tóc bạc da mặt hồng hào, nhìn ông mỉm cười, rồi giương cây phất trần lên cho ông nhìn thấy nhân duyên của ông với ba bà vợ và những người con, cũng như nơi họ đến. Đạo nhân nói với ông: “Đừng quá xem trọng bản thân trong đời người này, ông nên tận dụng một đời trong trần thế, không phải để hưởng thụ điều gì, mà là nên nghĩ cho người khác nhiều hơn, dùng nhiều đức hạnh cho nhân thế. Hỗn loạn với an định lúc này, đều là vì để lót đường cho sau này đó thôi, sẽ không mãi như vậy đâu. Đến lúc hết thảy đi đến cuối cùng rồi, mới có thể có Pháp chân chính có thể giải thoát khỏi sinh tử truyền xuất ra, đến lúc đó, vợ và các con của ông, thậm chí cả ta cùng đều cần đến sự giúp đỡ của ông đó, dù sao cũng chớ vướng mắc trong thời buổi loạn lạc này”.

Ông nghe thấy mấy lời này, vội giữ chặt lấy Đạo nhân hỏi cặn kẽ sự tình, nhưng Đạo sĩ đã biến mất. Ông cuống cuồng đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng tìm thế nào cũng không tìm thấy, bởi vì quá lo lắng nên đã tỉnh giấc. Tỉnh dậy mới biết thì ra chỉ là một giấc mộng mà thôi.

Từ đó ông không còn tiêu trầm nữa, mà dùng phần đời còn lại của mình làm các việc thiện cho dân chúng xung quanh, dân chúng cũng rất cảm kích gọi ông là “thiện nhân”.

Trong những lần chuyển sinh sau ông cũng đã từng rất huy hoàng, là Hoàng đế nhà Minh, là Bối lặc nhà Thanh, cũng là tướng lĩnh kháng Nhật thời kỳ Dân Quốc, thời nay ông chuyển sinh tại Đông Bắc, vốn dĩ đáng lẽ đắc Pháp, nhưng bởi e sợ hành thiện sẽ dẫn đến bị liên lụy mà từ chối tu luyện Đại Pháp. Mặc dù ông có ấn tượng rất tốt và chính niệm đối với Đại Pháp, người nhà cũng đang học, nhưng rốt cuộc bản thân lại không đắc Pháp, thật đáng tiếc.

Nhân vật chính trong câu chuyện dưới đây sinh ra ở hành lang Liêu Tây, từ nhỏ đã yêu thích điêu khắc đá, lúc rảnh rỗi thì thích tìm đá để khắc cái gì đó. Vào thời điểm đó, hang đá Vạn Phật Đường nơi đây đã được tạc khắc, ông thường chạy đến xem, học theo kỹ năng điêu khắc của các thợ thủ công.

Sau khi trưởng thành, ông được một người họ hàng làm nghề buôn bán đưa đi nơi khác, trong lúc làm ăn ông cũng lưu tâm để ý nghệ thuật điêu khắc của các nơi, đồng thời tìm kiếm kỹ thuật cắt xẻ thủ công của địa phương. Sau đó ông gặp được một người thợ thủ công, người thợ này thấy ông rất có tiềm năng, liền nhận ông làm đồ đệ, dẫn theo ông đi khắp nơi hành nghề điêu khắc.

Hai sư đồ họ đi đến Lạc Dương, nghe nói hang đá Long Môn đã được tạc khắc, hai sư đồ họ liền quyết định đi đến đó xem sao.

Vào thời Bắc Ngụy, việc tạc khắc một hang động được xem là một sự kiện quan trọng, đặc biệt ở gần thành đô. Khi đó tín ngưỡng Phật giáo truyền vào Trung Quốc không lâu, thêm vào đó triều đình cảm thấy Phật giáo có lợi cho ổn định xã hội, nên đã ra sức phổ biến rộng rãi, tạo tượng Phật để người dân có nơi gửi gắm và an ủi về tinh thần trong hiện thực.

Sư đồ họ ở đây quan sát một thời gian dài, tổng kết rất nhiều kinh nghiệm tạc khắc các hang đá. Sau đó đúng lúc một thợ thủ công tạc khắc hang đá bị thương, không thể tiếp tục làm công việc này nữa. Những người quyên góp tiền tạc tượng liền tìm đến sư đồ họ, họ cũng vì thế mà hợp lẽ tham gia vào công việc điêu khắc.

Người thợ thủ công trước đó chỉ mới tạc được phần đầu của tượng Phật, từ cổ xuống dưới đều chưa hoàn thành. Người đó đã vẽ hình vẽ tổng thể bức tượng lên vải và để lại cho họ. Nhưng sư đồ họ cũng lần lượt mộng thấy hình dáng của Phật, đều không giống với hình vẽ mà người thợ thủ công lưu lại. Điều này khiến họ khó xử, nếu tạc khắc theo hình vẽ của người thợ thủ công lại sợ không có căn cứ, nếu làm theo hình dáng trong mộng của họ lại sợ ông chủ không vui. Thật vào thế khó xử!

Một lần nọ, trong quá trình tạc khắc ông bất cẩn bị thương nhẹ, phải nghỉ ở nhà. Trong giấc mộng, ông mộng thấy tam thiên Đại Phật, quả đúng là:

Tam thiên Đại Phật đồng thời hiển

Quang mang vạn thiên hà quang điện

Vô biên uy nghiêm Pháp tướng dị

Các triển thần thông thiên địa huyến!

Dịch nghĩa:

Ba nghìn Đại Phật đồng thời hiển hiện

Muôn vạn hào quang chiếu chói lòa

Pháp tướng khác nhau vô cùng uy nghiêm

Chư Phật triển hiện thần thông làm sáng cả đất trời

Ông nhìn kỹ hơn, quả là có hình dáng của Phật Đà mà người thợ thủ công bị thương vẽ. Chỉ là tư thái phong phú hơn, y phục mềm mại hơn.

Ông thuật lại với sư phụ của mình toàn bộ giấc mộng, hai sư đồ họ cũng không còn khăng khăng cách nghĩ của mình nữa.

Dù cho họ tạc khắc theo hình vẽ của người thợ thủ công, thì bản thân bức tượng này cũng đã mang đặc điểm của thời đại này, dân tộc này, lộ ra dáng vẻ mảnh mai. Lại thêm vào nhân tố của bản thân sư đồ họ, cho nên cuối cùng tượng Phật được tạc khắc cũng đã trở thành sản vật của thời đại đó.

Bất kể thế nào họ dẫu sao cũng đã dùng cái tâm thành kính để tạc khắc, tượng Phật sau khi được tạc ra, rất có linh tính, những người quyên góp tạc tượng cũng đắc được rất nhiều phúc báo. Cứ như thế càng có nhiều người hơn thuê sư đồ họ tạc khắc hang đá.

Hai sư đồ họ làm việc ở đây liên tiếp mười mấy năm. Trong thời gian này họ đều dùng tấm lòng thành kính nhất để làm công việc này, vì thế mà tượng Phật chạm khắc ra đều rất linh nghiệm. Một lần trút mưa lớn, họ muốn nhân cơ hội này nghỉ ngơi một chút, nhưng lại lo lắng mưa lớn không tốt cho tượng Phật được tạc khắc, do vậy họ đã chạy đến đó xem sao. Thoạt nhìn thì không có gì vấn đề gì cả, nhưng thấy mấy pho tượng Phật như thể đang hội họp, nói chuyện rất sôi nổi. Sư đồ họ thấy vậy, vội vàng quỳ xuống đất lắng nghe, chỉ nghe một pho tượng Phật nói: “Chúng ta ở đây được sư đồ họ tạc khắc ra, mục đích là lưu lại văn hóa tu Phật mấy ngàn năm, để con người nhận biết được Phật và Phật Pháp. Đợi đến Đại Pháp Phật gia chân chính có thể khiến con người hồi thăng truyền xuất ra trong tương lai, chúng ta cũng là có công đức rồi”. Một pho tượng Phật khác nói: “Hai sư đồ họ, nếu đến lúc đó không thể đắc được chính Pháp xưa nay hiếm gặp ấy quả thật đáng tiếc lắm thay”.

Không lâu sau thời tiết trở nên khô ráo, một dải cầu vồng xuất hiện ngay phía trên hang đá, sắc màu rực rỡ. Lúc này các tượng Phật không nói chuyện nữa. Hai sư đồ họ đứng sững ở đó rất lâu, lúc người ta tìm họ về ăn cơm, họ mới định thần trở lại.

Là một sinh mệnh ai chẳng muốn siêu việt sinh tử, hiểu được luân hồi, biết bao nhiêu năm qua con người vẫn đang khổ sở kiếm tìm, vì tạc khắc hang đá mà được đức Phật khai thị như thế, quả cũng là may mắn của sinh mệnh vậy! Từ ấy sư đồ họ bắt đầu nghiên cứu kinh Phật, cùng cao tăng học hỏi Pháp tu Phật, những điều này đều là để lót đường cho hôm nay đắc Pháp.

Đời này họ lần lượt đắc Pháp, chỉ là vị “sư phụ” trước đây không kiên định, mà vị “đồ đệ” năm đó lại kiên định được.

Đây chính là:

Tam quốc quần hùng diễn chí nghĩa

Tây Tấn thống nhất hồ loạn khởi

Đông Tấn Giang Nam y quan độ

Tạo tượng kết duyên Bắc triều khởi!

Dịch nghĩa:

Tam quốc xưng hùng diễn chí nghĩa

Tây Tấn thống nhất loạn Ngũ Hồ khởi lên

Đông Tấn quân thần vượt Giang Nam

Tạo tượng kết duyên Bắc triều khởi!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/282473



Ngày đăng: 12-05-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.