Khoa học màu sắc và văn hoá tu luyện (Phần 3)



Tác giả: Arnaud H.

Truyền thống thuần sắc

Phương thức thể hiện màu sắc trong tranh sơn dầu thời kỳ đầu so với ngày nay có sự khác biệt rất lớn. Các họa sĩ thời đó chú trọng đến việc sử dụng các màu trong suốt và mờ đục, ít pha trộn giữa các chất liệu màu, dựa vào màu sắc tầng dưới xuyên thấu qua lớp màu mỏng ở tầng trên tạo thành sự pha màu quang học, vì vậy màu sắc tổng thể tương đối tinh khiết; ngày nay người ta quen với việc trộn thuốc màu trực tiếp trên bảng màu, dựa vào sức che phủ của thuốc màu để vẽ tranh sơn dầu, việc pha trộn nhiều màu cũng làm cho màu sắc mất độ bão hòa, khiến cho bức tranh có vẻ u ám. Liên quan đến nội dung này, tôi đã trình bày tương đối tỉ mỉ trong bài viết trước nên sẽ không nhắc lại ở đây.

Sở thích thiên về màu sắc thuần khiết của các họa sĩ thời kỳ đầu có thể bắt nguồn từ các nền văn hóa truyền thống của các thời kỳ khác nhau và các nền văn hóa tu luyện của các trường phái khác nhau, và không chỉ có một nguồn duy nhất, vì vậy, ở góc độ tư duy văn hóa khác nhau người ta sẽ có những cách nhìn khác nhau về vấn đề này.

Lấy một ví dụ mà mọi người đều rất quen thuộc, tôi đã đề cập trong bài viết trước của mình, trong hội họa phương Tây có truyền thống sử dụng sơn màu xanh lam (ultramarine) để vẽ áo choàng của Thánh Maria. Khi vẽ tranh, hầu hết các họa sĩ đều sử dụng màu xanh lam nguyên chất mà không pha trộn các màu khác, sự thay đổi của quang ảnh, độ sáng tối và tông màu cơ bản được hoàn thành bằng cách áp dụng kỹ pháp che phủ, cố gắng đảm bảo độ thuần khiết của màu sắc. Mọi người cũng có thể thấy rằng đồng thời với việc mặc áo choàng màu xanh lam, bên trong Thánh Maria thường mặc quần áo được vẽ bằng chu sa đỏ, phù hợp với áo choàng màu xanh lam.

Hình ảnh: Bức tranh Thánh Maria được họa sĩ người Ý Giovanni Battista Salvi da Sassoferrato vẽ khoảng năm 1654. Thánh Maria trong bức tranh mặc áo màu đỏ bên trong, bên ngoài khoác một chiếc áo choàng màu xanh lam, màu sắc của bộ trang phục này là cách thể hiện thông thường về Thánh Maria trong hội họa truyền thống phương Tây.

Bắt đầu từ sau thời Trung cổ, màu sắc của bộ trang phục này là cách thể hiện thông thường đối với Thánh Maria trong hội họa truyền thống phương Tây. Đương nhiên, trong hội họa truyền thống, bộ trang phục có màu sắc trong đỏ ngoài xanh này cũng thường được sử dụng cho trang phục của Chúa Giê-su.

Hình ảnh: Bức tranh Chúa Giê-su được vẽ vào 1505 bởi họa sĩ Cima da Conegliano, một họa sĩ thuộc trường phái Venice. Trong bức tranh, Chúa Giê-su mặc áo màu đỏ bên trong, bên ngoài khoác áo choàng màu xanh lam.

Về phương pháp vẽ tranh có tính ước định này, hiện nay nhiều người cho rằng màu xanh lam trước đây được làm từ một loại đá quý gọi là thanh kim thạch (lapis lazuli), loại đá quý này rất đắt đỏ, đương nhiên không thể trộn lẫn với màu rẻ tiền, nếu không sẽ làm tổn hại sự quý giá của chất liệu màu này. Và màu đỏ son rất dễ tạo nên sự tương phản với màu xanh lam, điều này càng làm nổi bật màu sắc cao quý của màu xanh lam.

Những người suy nghĩ từ góc độ tín ngưỡng có thiên hướng cho rằng màu sắc thuần khiết thể hiện tín ngưỡng thuần khiết, màu sắc thuần tịnh cũng là triển hiện tâm cảnh của tín đồ. Trong tôn giáo, màu lam huyền ảo và cao thượng được coi là màu của bầu trời, cũng tượng trưng cho thiên thượng, còn màu đỏ tươi thì tượng trưng cho tình yêu thánh thiện.

Những người khám phá mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần lại tìm hiểu từ thành phần của chất liệu màu xanh lam (thành phần chủ yếu của nó là một loại khoáng chất aluminosilicat có chứa sulfua và sulfat), cho rằng nó được tổ hợp từ lưu huỳnh đại diện cho linh hồn và muối đại diện cho cơ thể, nên đã hình thành nên sự cân bằng giữa linh hồn và nhục thể, không cần tùy ý pha trộn các màu sắc khác vào trong đó vì sẽ làm xáo trộn sự cân bằng này. Tuy nhiên, nếu dùng thêm thủy ngân II sulfua (một hợp chất hóa học giữa thủy ngân và lưu huỳnh), tức là y phục được vẽ bằng màu đỏ son chu sa để phù hợp với áo choàng màu xanh biếc, thì tăng thêm ý nghĩa là nguyên tố thủy ngân đại diện cho tinh thần, hình thành nên trạng thái tam vị nhất thể hoàn chỉnh trong triết học tự nhiên đã nói ở trên. Cùng đạo lý này, màu đỏ ở đây nói chung cũng không bị trộn lẫn với các màu khác, và cũng được xử lý bằng kỹ thuật che phủ.

Trong lịch sử tranh sơn dầu xuất hiện tương đối muộn, sau khi tranh sơn dầu xuất hiện và người ta bắt đầu nghiên cứu pha chế các chất liệu tranh sơn dầu, tất cả các kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu gần như dần dần được định hình. Nhưng những kỹ thuật này không hoàn toàn được phát minh ra sau khi tranh sơn dầu xuất hiện, bởi vì rất nhiều bức tranh đều bắt nguồn từ các loại tranh khác xuất hiện tương đối sớm. Việc sử dụng màu trong suốt đã được các họa sĩ vận dụng rộng rãi ngay từ thời Aristotle (384 – 322 TCN). Mặc dù những màu sắc trong suốt trong các di vật tranh cổ được khai quật đã trải qua quá trình phong hóa dài đằng đẵng hơn 2.000 năm, về cơ bản đã không còn tồn tại, nhưng có một ghi chép rõ ràng về kỹ thuật này trong cuốn sách De Sensu et Sensibilibus (Cảm giác và những điều cảm thấy được) của Aristotle, nói rằng “một loại màu sắc xuyên thấu qua một loại màu sắc khác khiến người ta nhìn thấy được vẻ ngoài”, “tương tự như cách các họa sĩ đôi khi sử dụng”.

Đương nhiên, trước khi kỹ thuật in ấn trở nên phổ biến, không phải tất cả các họa sĩ đều hiểu rõ chân tơ kẽ tóc các tài liệu lịch sử cổ đại, các kỹ năng nghệ thuật của các họa sĩ chủ yếu bắt nguồn từ người hoặc sự việc mà tự thân họ có thể tiếp xúc được. Vì vậy, cũng có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến sự hình thành và phổ biến kỹ thuật sơn dầu trong suốt, bao gồm sự kế thừa từ thầy dạy, sự tham khảo giữa các môn phái mỹ thuật, sự phù hợp với các lý thuyết thần học và triết học, sự tích lũy kinh nghiệm thực tiễn khác nhau, v.v… ở đây chúng tôi không luận bàn chi tiết.

Khi nói đến kỹ pháp của các họa sĩ Hy Lạp cổ đại, việc họ sử dụng màu sắc thuần túy (không pha trộn) và kỹ thuật thô sơ tương ứng kỳ thực cũng có nguyên nhân khách quan. Chịu hạn chế bởi công nghệ sản xuất bột màu lúc bấy giờ, các loại bột màu mà các họa sĩ có được không chỉ quý hiếm mà màu sắc cũng không có độ bão hòa cao. Do đó, nếu đem trộn lẫn các chất liệu màu với nhau trên bảng màu, chắc chắn sẽ khiến cho tác phẩm mất đi độ thuần khiết quý giá của chất liệu màu, tạo nên những tông màu u ám khiến người ta thất vọng chán nản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tựu nghệ thuật của họ.

Vào thời đó, quan điểm mỹ học phù hợp với nó cũng có những lý thuyết liên quan đến sự phối hợp màu sắc, hầu hết các triết gia từ Aristotle (thế kỷ IV TCN) đến Plutarchus (thế kỷ I) đều chủ trương giữ nguyên sự thuần khiết của chất liệu màu tự nhiên, họ không tán thành việc trộn lẫn các chất liệu màu khác nhau, khiến nó mất đi đặc tính tự nhiên của mỗi màu, khiến cho màu sau khi pha trộn trở nên xám xịt và giảm chất lượng. Điều này có lẽ cũng liên quan đến việc mắt người bẩm sinh vốn yêu thích các màu sắc tươi sáng, thuần khiết, cũng giống như hầu hết mọi người đều thích những viên đá quý có màu sắc sáng đẹp, trong suốt thuần khiết, và không mấy hứng thú với những viên ngói màu xám xịt, u ám.

Thật trùng hợp, hội họa Trung Quốc cổ đại cũng thường sử dụng màu sắc thuần khiết, đặc biệt là vào thời nhà Đường, hội họa phần lớn có lối vẽ tinh tế lấy màu đậm làm chủ đạo, tạo hình nghiêm ngặt, màu sắc tươi đẹp trong sáng; ngay cả những bức tranh vẽ hoa và chim theo phong cách cung đình ở thời nhà Tống cũng mang đặc điểm tạo hình tinh tế và màu sắc tươi sáng. Tất nhiên, cũng có những tác phẩm vẽ tỉ mỉ và màu nhạt, đường nét, màu sắc chủ yếu chủ yếu chỉ đóng vai trò hỗ trợ làm nổi bật hình tượng. Tuy nhiên, sau thời nhà Tống, Trung Quốc bắt đầu phát triển mạnh mẽ phong cách tranh thủy mặc, chủ yếu là dùng bút lông, chú ý đến cách vẽ chấm phá truyền thần, theo đuổi quan niệm nghệ thuật về sự thay đổi màu mực, màu sắc cũng theo đó tiếp tục nhạt dần, dường như không có màu sắc.

Hình ảnh: Bức tranh lụa “Bồ Tát dẫn đường” thời Hậu Đường, không rõ tác giả, niên đại khoảng 851 – 900, tô màu trên lụa, chiều dài 80,5 cm, chiều rộng 53,8 cm, được nhà khảo cổ học người Anh Marc Aurel Stein mua từ hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng vào năm 1907, hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Anh (British Museum). Tác phẩm này thể hiện đặc điểm nghệ thuật hội họa tỉ mỉ thời Đường với màu sắc tươi sáng, tạo hình nghiêm cẩn.

Từ một số văn vật lịch sử và tác phẩm nghệ thuật còn lưu lại, có thể thấy rằng màu sắc của trang phục Trung Quốc trong quá khứ cũng đã trải qua sự thay đổi từ màu thuần khiết sang màu xám. Mặc dù ở thời cận đại, mọi người thường mặc quần áo tông màu xám, nhưng màu sắc trang phục của người cổ đại một nghìn năm trước lại rất tươi sáng và lộng lẫy. Chỉ là thời gian lâu dài khiến những bức tranh cổ đó, từ giấy vẽ đến màu sắc đến nay đều đã biến chất trở nên xám xịt, muốn chiêm ngưỡng lại phong cách cổ xưa cũng không dễ.

Tuy nhiên, đoàn nghệ thuật truyền thống Trung Quốc hàng đầu thế giới Shen Yun, trong nhiều năm qua đã dốc sức phục hưng hình thức nghệ thuật cổ điển và hoằng dương văn hóa truyền thống Trung Hoa chân chính, việc chế tác trang phục và phông nền sân khấu của Shen Yun đều dựa trên quan niệm thẩm mỹ truyền thống, tái hiện màu sắc, diện mạo và bối cảnh nhân văn trong thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Trung Quốc, bao gồm phục sức, kiến trúc, âm nhạc và các phương diện khác. Đồng thời, Shen Yun sử dụng phương thức nghệ thuật sân khấu để triển hiện một cách trực quan văn hóa tu luyện chính thống và những tinh túy trong tư tưởng truyền thống của Trung Quốc cổ đại. Nếu mong muốn tìm hiểu phong cách cổ xưa của Trung Quốc, mọi người nên xem Shen Yun: https://shenyunperformingarts.org/

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/270620



Ngày đăng: 27-01-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.