Ôn dịch và nhân loại: Ôn dịch ở triều Tùy



Tác giả: Lan Lâm biên tập

[ChanhKien.org]

Ôn dịch và các loại thiên tai khác như hạn hán, lũ lụt, nạn côn trùng, lốc xoáy, động đất… thường có ảnh hưởng quan trọng đối với nhân loại và lịch sử nhân loại, chúng đóng vai trò then chốt đối với trật tự xã hội và các sự kiện trọng đại trong xã hội. Nhìn lại lịch sử, là con người làm chủ vận mệnh nhân loại hay trời xanh làm chủ vận mệnh nhân loại? Ở đây chúng tôi chọn ra một số sự kiện ôn dịch trong lịch sử để trả lời cho câu hỏi đó.

Năm 518, Tùy Văn Đế Dương Kiên kiến lập nhà Tùy thay thế nhà Chu, từ triều Tùy trở đi Trung Quốc lại được thống nhất một lần nữa. Lịch sử từ chia rẽ bước sang thống nhất. Thiên tai, ôn dịch cũng theo sự ổn định của xã hội mà có xu hướng giảm dần đi. Sự lây lan của dịch bệnh ở triều Tùy ít hơn hẳn so với thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều. Sau 38 năm lập quốc, có tổng cộng sáu trận ôn dịch lớn xảy ra vào triều Tùy. Nói chung thời kỳ đầu nhà Tuỳ là thời kỳ ổn định lâu dài nên dịch bệnh cũng tương đối ít, thời kỳ cuối nhà Tùy rất hỗn loạn, Tùy Dạng Đế xa hoa dâm dục, gây chiến khắp nơi, mâu thuẫn xã hội gay gắt, dịch bệnh tràn lan, hơn nữa những trận ôn dịch vào triều Tùy phần lớn thường liên quan đến chiến tranh.

Trong thời kỳ Tùy Văn Đế trị vì, dịch bệnh xảy ra tương đối ít. Năm Khai Hoàng thứ hai (năm 582) nước Đột Quyết xảy ra hạn hán dẫn đến dịch bệnh hoành hành, sử sách mô tả là “tai nạn dịch bệnh nhiều, người chết vô số”. Năm Khai Hoàng thứ 10 (năm 590), kinh thành Trường An xảy ra trận ôn dịch. Năm Khai Hoàng thứ 18 (năm 598) Tùy Văn Đế phái đại quân đánh Cao Ly đến sông Liêu Thuỷ thì trong đoàn quân xảy ra dịch bệnh, “tình thế bất lợi nên phải quay về”, “mười phần chết hai ba phần”.

Tùy Dạng Đế sau khi lên ngôi thích diễu võ dương oai, lạm dụng nhân lực. Năm Đại Nghiệp thứ ba (năm 607) Tùy Dạng Đế phái Vũ kỵ uý tướng quân Chu Khoan đến nước Lưu Cầu. Năm sau Dạng Đế lại lệnh cho Chu Khoan đi chiêu hàng một lần nữa nhưng bị chúa nước Lưu Cầu cự tuyệt. Năm Đại Nghiệp thứ sáu (năm 610) Dạng Đế phái Hổ bôn lang tướng Trần Lăng và mời cả đại phu Trương Trấn Chu xuất phát từ Nghĩa An (nay là Triều Châu, Quảng Đông) theo đường biển tiến vào lãnh thổ Lưu Cầu. Dẫu rằng trong cuộc chiến tranh thảo phạt này, quân Tùy giành được thắng lợi, “bắt được một vạn bảy nghìn tù binh” nhưng chiến tranh không phải là điều muôn phần thuận lợi. Sau khi đội quân nhà Tuỳ tiến vào vùng núi ẩm ướt, “quân sĩ bị nhiễm chướng khí, vì đói rét bệnh tật mà mười phần chết đến tám chín phần”, điều này nói lên rằng quân Tuỳ đã bị nhiễm sốt rét rừng nghiêm trọng và bị thương vong nặng nề.

Năm Đại Nghiệp thứ tám (năm 612), một trận lũ lớn ở Sơn Đông và Hà Nam đã làm ngập lụt hơn 40 quận, không lâu sau thì xuất hiện dịch bệnh. Riêng vùng Sơn Đông tình hình hết sức nghiêm trọng, người chết vô số. Cộng thêm việc Tùy Dạng Đế phái đại quân viễn chinh đánh Cao Ly, vùng Sơn Đông “có nhiệm vụ trưng thu của cải để cung cấp lều trại cho đoàn quân”, dân chúng lầm than, cuộc sống người dân trăm bề cơ cực.

Vào năm cuối cùng Tùy Dạng Đế tại vị, ông đã ba lần tấn công Cao Ly, cộng thêm sự thống trị tàn bạo, đã khiến cả xã hội lẫn lòng dân đều bất ổn, kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng, “Đạo quán cỏ dại mọc đầy, làng quê tuyệt không thấy khói lửa, người ta ăn thịt lẫn nhau, mười phần chỉ còn bốn năm phần”. Khi này vùng Quan Trung bị dịch bệnh hoành hành, “Hạn hán làm tổn hại mùa màng”. Tuy rằng trong sử sách không có ghi chép chi tiết hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh, nhưng chúng ta có thể đoán được rằng việc ôn dịch hoành hành càng làm tăng nhanh sự sụp đổ của triều Tùy, và cũng khiến mâu thuẫn xã hội càng trở nên gay gắt. Theo một nghĩa nào đó, sự lây lan của dịch bệnh là kết quả sự hủ bại vào cuối triều Tùy. Cũng có thể nói rằng dịch bệnh đã đẩy nhanh sự diệt vong của triều đại nhà Tùy.

Nguồn tư liệu: Tam thiên niên dịch tình (Ba ngàn năm dịch bệnh) của Trần Kiếm Quang

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/26509



Ngày đăng: 27-08-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.