Ôn cổ minh kim: Tiếp nhận rộng rãi ý kiến của quần thần, nghe lời can gián mà hưng quốc



Tác giả: Vu Học Chân

[ChanhKien.org]

Hồng Mại, học giả nổi tiếng thời Tống đã viết trong Dung Trai Tuỳ Bút rằng:

Từ xưa đến nay đã có rất nhiều ví dụ về việc [quân vương] nhờ tiếp thu lời can gián mà đất nước được hưng thịnh. Lấy triều đại nhà Tây Hán làm ví dụ, Hán Nguyên Đế, Hán Thành Đế, Hán Thuận Đế, Hán Linh Đế vốn là những bậc quân chủ hết sức bình thường. Nhưng vào thời khắc quan trọng thì họ cũng thường triệu tập quần thần để nghị sự, sau đó chọn ra những phương án khả thi nhất để thực thi [giải quyết vấn đề].

Thời Hán Nguyên Đế, người dân ở huyện Nam Sơn quận Châu Nhai (nay là phía Đông Nam quận Quỳnh Sơn tỉnh Hải Nam) nổi dậy chống lại triều đình. Khi ấy có rất nhiều đại thần kiến nghị nên phái binh đi thảo phạt [dân nổi dậy]. Chỉ riêng có quan đãi chiếu Giả Quyên Chi là giữ ý kiến khác, ông đề xuất rằng: sở dĩ người dân ở Châu Nhai nổi dậy là do thiên tai đói kém. Chi bằng hãy tha tội cho họ, mở kho lương cứu tế bách tính, như thế cuộc nổi dậy sẽ dừng lại, hoàn toàn không cần đến việc phái binh thảo phạt. Hán Nguyên Đế đã tiếp nhận ý kiến của Quyên Chi, cứu tế rộng rãi, lại còn tha tội nổi loạn cho người dân quận Châu Nhai. Sau đó mọi thứ lắng xuống, trời yên bể lặng.

Thiền vu Hô Hàn Tà của Hung Nô đã nhiều lần gửi thư cho Hán Nguyên Đế, hy vọng cả hai bên có thể cắt giảm quân đội ở biên giới để nhân dân được nghỉ ngơi. Hán Nguyên Đế đã để quần thần bàn bạc việc này. Mọi người đều cho rằng đình chiến là thượng sách, nhưng Lang Trung Hầu, người rất am hiểu chuyện biên phòng, thì có ý kiến hoàn toàn khác. Ông cho rằng nếu như giảm việc canh phòng ở biên cương, quân Hung Nô nhân lúc sơ hở tiến vào thì hậu quả sẽ tai hại khôn lường, ông còn trình bày 10 lý do [không cắt binh] với Hán Nguyên Đế. Hán Nguyên Đế cảm thấy Lang Trung Hầu nói rất có lý, bèn hạ chiếu tăng cường phòng bị biên giới, không được chểnh mảng. Sau đó thế cuộc đã chứng minh cho ý kiến của Lang Trung Hầu là rất xác đáng.

Thời Hán Thành Đế, vua Hung Nô phái sứ giả đến Trung Nguyên biểu đạt nguyện vọng muốn quy hàng. Nhiều đại thần cho rằng nên để Hung Nô quy hàng. Riêng quang lộc đại phu Cốc Vĩnh cho rằng người Hung Nô vốn có lòng phản trắc, không thể dễ dàng tiếp nhận sự quy hàng của họ được. Hán Thành Đế đã tiếp thu ý kiến của ông. Sau đó rất nhiều sự việc đã chứng minh rằng Hung Nô quả là giả quy hàng.

Thời Hán Ai Đế, thiền vu của Hung Nô muốn tiến cống cho triều đình nhà Hán. Các quần thần cho rằng giao thiệp với Hung Nô chỉ là việc lãng phí tiền tài mà không thu được lợi ích gì, từ nay trở đi nên hạn chế đi lại với họ. Sứ giả Hung Nô sau khi nghe thấy những lời bàn luận trên đã [tức giận] hậm hực bỏ đi. [Chỉ có] hoàng môn lang Dương Hùng là dâng gián thư khuyên răn Hán Ai Đế: nên đáp ứng yêu cầu của Hung Nô để tránh gây sự hiểu lầm cho đối phương. Hán Ai Đế chợt giật mình hiểu ra, vội triệu hồi sứ giả, [nói rằng] quân vương hoan nghênh sự triều kiến định kỳ của Hung Nô. Kết quả là Hung Nô liên tục nhiều năm tiến cống, an ninh biên giới được giữ yên. Hán Ai Đế đã vô cùng phấn khởi.

Thời Hán Linh Đế, vùng Lương Châu xảy ra chiến sự liên miên, triều đình phái quân đến dẹp loạn nhưng chẳng thu được kết quả gì. Vào thời điểm đó một nhóm quần thần do quan tư đồ Thôi Liệt dẫn đầu cho rằng nếu không buông bỏ Lương Châu thì chỉ là giữ lại một gánh nặng. Chỉ có quan nghị lang Phó Tiếp cho rằng: giữ lại Lương Châu là chuyện lợi nhiều hại ít, không thể bỏ vùng đất ấy, hơn nữa cần sửa đổi hệ thống cai trị của quan lại. Cuối cùng ý kiến này cũng được Hán Linh Đế tiếp nhận.

Giả Quyên Chi, Hầu Ứng, Phó Tiếp… chỉ là những sĩ đại phu bình thường, cũng không được xem là có địa vị hiển hách gì. Nhưng vào thời khắc quan trọng họ lại có thể đưa ra những cách hay để cứu giúp quốc gia, hơn nữa ý kiến của họ cũng được quân chủ tiếp nhận, điều này thực sự là việc rất đáng quý ở thời điểm đó.

Cả Hán Nguyên Đế, Hán Thành Đế, Hán Linh Đế, Hán Ai Đế đều không phải là những bậc minh quân, nhưng họ lại có thể lắng nghe và tiếp nhận ý kiến [đóng góp của quần thần], cho rằng đó là những ý kiến hay, không ngại rằng những đóng góp này đi ngược lại với nhận định của số đông, lại còn hoan nghênh tiếp nhận.

Nếu như mỗi khi xử lý việc gì hoàng đế đều có thể chú ý lắng nghe ý kiến từ các quần thần của mình trước, sau đó chọn ra những ý kiến tốt mà thực hiện thì thiên hạ chẳng phải sẽ an định hay sao?

Theo Dung Trai Tuỳ Bút

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/147876



Ngày đăng: 26-06-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.