Cuộc chiến chính tà nơi Thần giới



Tác giả: Lỗ Duyên

[ChanhKien.org]

Tại cõi người này có người tốt và người xấu, mà ở cảnh giới của Thần thì cũng có chút khác biệt. Thậm chí đôi khi cũng nổ ra những cuộc chiến tranh nhỏ.

Dựa theo ghi chép trong “Quảng dị ký” thì vào thời nhà Đường ở Trung Quốc vào những năm Khai Nguyên, Thứ sử Hoạt Châu tên là Vi Tú Trang trong một lần nghỉ ngơi tại lầu gác, đang trong lúc xem ngắm cảnh tượng sông Hoàng Hà thì bỗng thấy một người thân mặc áo tím đầu đội mũ đỏ đi tới, tuy nhiên người này chỉ có chiều cao tầm 3 thước {khoảng 1m}. Người này hướng về phía Vi Tú Trang tham bái và xưng tên. Vi Tú Trang biết đây không phải là người phàm, bèn hỏi ông là Thần gì? Người đàn ông này khi đó mới đáp rằng ông là Thành hoàng của tòa thành này. Vi Tú Trang khi đó lại hỏi ông ta đến đây có việc gì, Thành hoàng đáp: “Hoàng Hà Thần muốn phá hủy tòa thành này, để cho dòng của sông Hoàng Hà được thông suốt. Tuy nhiên tôi đã cự tuyệt yêu cầu đó của ông ta. Vì vậy đúng 5 ngày nữa, tôi và ông ấy sẽ có một trận giao chiến tại bờ sông này. Tôi lo ngại rằng bản thân đánh không lại Hoàng Hà Thần nên mới tới đây để cầu viện ông. Nếu như khi đó ông có thể cử 2000 cung thủ đến giúp tôi thì tôi nhất định có thể đánh thắng Hoàng Hà Thần. Thành này là ông sở quản, chuyện này trông cậy cả vào ông đó.”

Sau khi Vi Tú Trang đồng ý yêu cầu của Thành hoàng, thì Thành hoàng liền biến mất. Đúng 5 ngày sau, Vi Tú Trang xuất lĩnh 2000 quân tinh nhuệ lên trên mặt thành trực chiến, khi ấy mặt sông Hoàng Hà bỗng trở nên tối đen như mực, sau đó bốc lên một làn khí trắng cao hơn 10 trượng, đồng thời trên lầu ở cổng thành cũng bốc ra một làn khí xanh, quấn lấy làn khí trắng. Lúc này Vi Tú Trang lệnh cho 2000 cung thủ bắn tên về phía khối khí trắng, khối khí trắng dần dần nhỏ lại rồi tiêu mất, sau cùng chỉ còn lại khối khí xanh ở đó. Một lúc sau, khí xanh bốc lên trên, hóa vào trong mây, rồi bay tới phía lầu gác. Trước khi trận chiến bắt đầu, nước sông Hoàng Hà đã áp sát dưới thành, về sau mới từ từ rút xuống, một mực rút đến khi cách thành 5 – 6 dặm như hiện tại. (Xuất xứ từ “Quảng dị ký”)

Câu chuyện “Phong thần diễn nghĩa” nếu xem trên bề mặt thì chỉ là một quá trình của việc Vũ Vương đánh bại Trụ Vương nhà Thương, lập ra nhà Chu. Mà nguyên nhân thực sự của việc này lại chính là một trận chiến chính tà xảy ra tại thiên giới. Trong đó, rất nhiều Thần không phù hợp tiêu chuẩn thiên giới (ví như Thân Công Báo) đã bị đánh xuống. Cũng có vị mất đi tự do, làm Thần của nhân gian (Khương Tử Nha phong Thần).

Xã hội ngày nay cũng là như vậy, nhìn qua là tranh đấu của nhân loại nhưng kỳ thực đều là có quan hệ với Thần trên trời. Vì sao sự tình nhân gian lại có quan hệ với thiên tượng, điều vốn dĩ được gọi là “Thiên tượng” ấy há chẳng phải là biến hóa của thiên giới đó sao?

Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý trong “Tam quốc diễn nghĩa” đều là những bậc cao thủ xem thiên tượng, trên trời có sao rơi rụng, trên mặt đất liền có yếu nhân tử vong. Đây chính là những biểu hiện [đối chứng] của thiên tượng và nhân gian.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/268001



Ngày đăng: 13-06-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.