Đôi dòng tùy bút về việc giáo dục con trẻ
Đệ tử Đại Pháp Đại Lục
[Chanhkien.org]
Con trai tôi là một tiểu đệ tử, gần đây do tôi và con ít có cơ hội gặp gỡ lại thường phải xa cách cho nên tôi không có điều kiện để coi sóc sự trưởng thành của con mỗi ngày. Lần này khi trở về nhà, tôi phát hiện con trai mình ngoài tính bướng bỉnh tinh nghịch thì lại gia tăng không ít tính xấu. Trước những lời lẽ không nhất quán từ gia đình, tôi không bày tỏ thái độ gì mà muốn tận mắt xem nguyên nhân của điều này là gì. Sau khi ở cùng con một thời gian, tâm trạng tôi có rất nhiều cảm xúc nhưng lại do dự nên không muốn động bút viết ra. Đến một ngày, khi tôi đang suy nghĩ việc này thì bỗng có một kim luân nho nhỏ sáng nhấp nháy lóe lên trước mắt tôi, lúc này mới quyết tâm đem những điều này viết ra để cùng đồng tu giao lưu chia sẻ.
1. Con trẻ như tấm gương
Khi con trẻ không nghe lời hoặc là nhiều lần tái phạm lỗi cũ, nếu không kiên nhẫn mà lại nạt nộ dọa dẫm, hoặc dùng vật chất dụ dỗ, thậm chí dùng lời mắng mỏ và đánh đòn để uốn nắn con, thì chỉ làm cho con bởi vì sự “không dám”, sự “thèm khát” và sự “sợ hãi” mà tạm thời nghe lời chúng ta, cách xử lý này liệu có thể thực sự đưa đến hiệu quả tốt được không? Khẳng định là không thể. Khả năng là có người bởi vì nguyên nhân ở tự thân biết rõ mà còn cố phạm, chỉ nhìn vào “nhiều lần tái phạm” của con trẻ, mà không thấy rằng thực ra chính là bản thân mình đã “nhiều lần tái phạm”.
“Đệ tử: Đệ tử từ nhỏ đắc Pháp theo cha mẹ, hiện nay là đệ tử thanh niên, muốn biết khác biệt giữa tiểu đệ tử và đồng tu cũ.
Sư phụ: Là sinh mệnh, mỗi từng sinh mệnh đều có trách nhiệm của mình, đều là một sinh mệnh cá thể, đều đại biểu cho quần thể sinh mệnh của mình. Tuổi còn nhỏ ấy, là theo cha mẹ, cha mẹ tu luyện tốt-xấu đều ảnh hưởng tới con, nhất là con trẻ cũng là một loại phụ thuộc vào gia đình. Các học sinh của trường Phi Thiên, thậm chí học sinh [và] diễn viên thực tập của Thần Vận, biểu hiện tốt-xấu cũng có thể [qua đó] nhìn ra trạng thái của cha mẹ. [Những ai có] tính độc lập, độc lập rất mạnh, tự mình có kiến giải, thì khác, ấy là về cơ bản là bản thân mình có thể làm chủ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015)
Vì sao trước khi sử dụng những phương thức mang theo ma tính này thì chúng ta không bình tĩnh suy nghĩ một chút là mình có chỗ nào làm không tốt? Trong tâm có chỗ nào không đúng chăng? Thấy con trẻ có tính tự tư, phải chăng là bản thân mình cũng có sự tự tư ấy? Thấy con trẻ ương bướng không sửa, có phải là bản thân mình cũng từng có lỗi mà không sửa chăng? Thấy con trẻ cái này không được, cái kia không đúng, cái này kém cỏi, cái kia bất hảo, có phải là mấy thứ “không được”, “không đúng”, “kém cỏi”, “bất hảo” này vừa hay cũng đúng là bản thân mình chăng? Toàn bộ thành viên gia đình đều có thể quy chính bản thân cho tốt, con trẻ mới có thể thay đổi tốt lên được.
2. Lời nói, hành vi là có tính lan truyền
Bản thân chúng ta khi ở trước mặt con trẻ thì nên chú ý tới lời nói và việc làm của mình, mặc dù vậy vẫn không tránh khỏi những lúc phạm sai lầm. Nếu như đối với lời nói và việc làm của mình mà không coi trọng thì sẽ đưa đến một loại hậu quả rất nghiêm trọng. Đó là trong khi ở trước mặt người khác sẽ không chút kiêng dè mà đàm luận những chuyện danh lợi tiền quyền và truyền đi những tin tức trong người thường mà bản thân mình nghe được, điều này sẽ làm “đảo loạn” đôi tai của trẻ. Bản thân trong lúc giận dữ mà không chú ý đến hình ảnh của mình sẽ lại làm ô nhiễm “đôi mắt” của trẻ. Còn những lúc bản thân quá coi trọng chuyện ăn mặc và chấp trước vào các thứ lặt vặt, thì điều đó sẽ gieo vào con trẻ tạp niệm và dục vọng về việc ăn uống. Hoặc việc thường xuyên hỏi trẻ về việc trong nhà ai là người đối xử với con tốt nhất, tranh giành hơn thua. Dùng những phương pháp hẹp hòi của văn hóa đảng loạn bậy này làm sao có thể giáo dục con trẻ cho tốt được đây?
“Trường kỳ không học Pháp, trường kỳ mang theo chủng loại trạng thái tư tưởng và hành vi tư tưởng văn hoá đảng; những hành vi đó đối với người ngoại quốc mà nói —[nhưng] chư vị không nhận ra— đối với họ mà nói quả thực vô cùng chán ghét. Tôi chính là nói về việc này, chư vị là không nhận ra.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017])
Thử hỏi một người nói cho trẻ em rằng tức giận là sai, nhưng bản thân mình lại giận dữ đến bầm gan tím ruột, vứt bỏ liêm sỉ; nói cho con trẻ rằng ý chí cần chính trực, nhưng bản thân tư tưởng hành vi của mình lại lệch lạc, hay nói lời quanh co, thế thì con trẻ học hỏi sao đây khi chứng kiến biểu hiện bất nhất giữa lời nói và việc làm như vậy của chúng ta?
Những người ảnh hưởng phụ diện nhiều đến con trẻ thì thường thường cảm thấy bản thân tốt đẹp, hay chê bai người khác không được như mình; còn những người có nhiều ảnh hưởng chính diện đến con trẻ thì thường thường khiêm tốn ôn hòa, lặng lẽ làm việc mà không khoe khoang.
3. Ảnh hưởng và trói buộc
Tiểu đệ tử nhà tôi thích kể những câu chuyện mà nó tự sáng tác ra, tôi phát hiện trong mấy câu chuyện nhỏ mà nó kể thường tràn đầy những miêu tả phụ diện, về sau tôi dần dần hiểu ra, một mặt là bởi vì con đã nhận những món đồ chơi có hình tượng bất hảo mà người khác tặng, trong quá trình chơi thì bị món đồ chơi đó ảnh hưởng; một mặt khác là bởi vì người nhà có lúc vì muốn nó chú ý an toàn, nhiều lần nói về mấy sự kiện như những vụ án bạo lực thê thảm phát sinh trong xã hội.
Có người nhà bình thường nói với con trẻ mấy lời kiểu như “Sinh hoạt không có tiền không được” v.v.., điều này làm cho tiểu đệ tử nhà tôi trở nên coi trọng tiền tài vật chất, nó từng nói với tôi: “Mẹ không về nhà cũng được, nhưng nhớ cầm tiền về cho con mua đồ.”
Bởi người nhà chấp trước quá độ vào hoàn cảnh ngăn nắp sạch sẽ, tôi từng nói cho con rằng cần phải lo lắng cho công sức khổ sở của người khác, giữ gìn các thứ trong nhà ngăn nắp sạch sẽ. Nhưng qua một đoạn thời gian thì phát hiện mình cũng bị hoàn cảnh này dùi vào một cách từ từ mà không hay biết, chỗ nào cũng sợ, rất sợ không cẩn thận làm dơ cái gì đó.
Vì vậy khi tôi điều chỉnh lại tâm thái, tôi nói lại với con rằng: mọi việc phải có hạn độ, đồng thời biết nghĩ cho người khác, nhưng cũng không cần thấy một vệt nước, vài cọng tóc, một vết cáu bẩn thì chịu không nổi, càng không thể mượn cớ nuôi dưỡng loại thói quen này. Nếu như một điểm nhỏ thế này mà trong lòng cũng không dung nổi, như vậy có thể dung chứa cái gì đây?
Con trẻ bản thân là ngây thơ tinh nghịch, hoạt bát hiếu động, bởi vì đủ loại vấn đề tâm tính, cho nên thường thường người nhà dễ dùng quan niệm mà bản thân cho là chính xác để mà yêu cầu con trẻ phù hợp với quan niệm của bản thân mình, chứ không phải là làm sao phù hợp với Pháp.
Nói cho nó biết cái này không thể làm, cái kia không thể làm, phải làm như này, phải làm như kia, vô hình trung như sẽ tạo cho con trẻ một thứ “gông xiềng”, ảnh hưởng đến việc trưởng thành của trẻ.
“Nổi nóng”, “Đàn áp”, “Dọa nạt”, “Dụ dỗ”, “Cấm đoán” những phương thức này của con người nhằm vọng tưởng đắp nặn ra một đứa trẻ lý tưởng, mà không ở trong Pháp để kiên nhẫn khai thông dẫn dắt con trẻ, lại càng không ở trong Pháp để quy chính lời nói và việc làm của bản thân, tự bản thân loại hành vi này chính là lời cảnh tỉnh với các vị đồng tu.
4. Tương phụ tương thành
Tiểu đồng tu lúc còn rất nhỏ hầu như đọc thuộc lòng cả quyển “Hồng Ngâm”, mà đã sinh vào nhà người tu luyện, thì nó nhất định cần phải trở thành tiểu đệ tử Đại Pháp.
Tôi nhắc nhở bản thân mình rằng đừng nên mắc kẹt ở suy nghĩ tự cho mình là người đang thực tu mà cần cùng tiểu đồng tu đối chiếu với nhau, cũng rất cảm tạ tiểu đồng tu cho tôi một tham chiếu hỗ trợ, một cơ hội giúp nhau để cùng thành tựu, từ nó mà phát hiện ra mình có rất nhiều sai kém, bởi vì có lúc tiểu đồng tu nhắc nhở tôi “Đây không phải là chân thật của mẹ!” (lúc tôi uể oải buồn ngủ); “Nóng giận không phải tu luyện.” (lúc lời ăn tiếng nói của tôi không thiện); “Mẹ sao còn nói nữa?” (lúc tranh biện với lý của người thường).
Lúc mới hoàn thành bản nháp cho bài chia sẻ này, tiểu đồng tu vừa tỉnh dậy từ giấc ngủ trưa, nó dụi mắt lim dim nói với tôi: “Con ngửi thấy được mùi thơm, không biết từ đâu tới một mùi thơm.” Tôi nghĩ có lẽ là nó đang khích lệ tôi.
Hy vọng bản thân có thể cùng người nhà tận lực nuôi dạy tiểu đồng tu, ít lưu lại hối hận, cùng các đồng tu cố gắng.
Cá nhân nhận thức hữu hạn, tầng thứ hữu hạn, có điểm nào không phù hợp với Pháp, kính mong đồng tu chỉ rõ.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/263618
Ngày đăng: 27-12-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.