Viên Kim Cương và Cái búa
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Việt Nam
[ChanhKien.org] Người thợ rèn nhặt được viên kim cương nhưng ông ta lại sợ người khác biết sẽ cướp nó đi nên mới nghĩ ra một cách, phủ lên viên kim cương đó một lớp kim loại rất dày và chế tạo cục kim loại này thành một cái búa. Thường ngày ông quý cái búa ấy lắm, đi đâu, làm gì đều mang theo.
Về phần viên kim cương kia, khi bắt đầu bị nhốt trong cái búa kim loại, nó rất không thích, nhưng dần dần người thợ rèn cứ yêu quý cái búa đó quá, ăn ngủ nghỉ làm gì cũng mang theo, lúc rảnh lại mang nó ra ngắm, rèn đồ vật cũng dùng nó xong rồi khen búa tốt. Viên kim cương kia ban đầu cũng biết rằng người thợ khen cái búa, nhưng lâu dần thì lại thấy có vẻ như người thợ kia khen mình, lâu dần lại cho mình là cái búa, và rồi nó thích được người thợ rèn khen nó là cái búa tốt, khen nó là cái búa đẹp, nó đã quên mất nó là viên kim cương rồi, nó đã quen với việc nó là cái búa rồi.
Người thợ rèn thỉnh thoảng cũng thay cho nó một cái cán búa bằng loại gỗ tốt, nó thích lắm, ông chủ lại quan tâm ta vậy ư. Người thợ rèn cũng hay lau chùi cái búa, rồi sau khi làm việc xong cất nó rất cẩn thận, để ở chỗ dễ nhìn thấy. Cái búa vui mừng lắm, nó nghĩ người thợ rèn đối xử với nó (cái búa) thật tốt.
Đôi khi do sự cố, cái cán búa và phần kim loại cũng bị sứt mẻ đôi chút, viên kim cương kia buồn lắm, đau khổ lắm vì nó nghĩ nó bị thương, nó bị lấy đi phần thịt của nó, nó bị thiệt hại nặng nề.
Cứ mãi như thế, viên kim cương quên mất nó là kim cương, nó chỉ là một cái búa thôi, nó vui mừng khi được khen là búa tốt, nó vui mừng khi được tôn trọng và mang theo hàng ngày, nó vui mừng vì nó là cái búa có ích, nó đứng trên quan niệm của cái búa để suy nghĩ.
Cho đến một ngày, người thợ rèn kia chết đi, không còn ai biết cái búa đó thực chất bọc một viên kim cương, chủ mới của nó là con trai người thợ rèn, anh cũng coi nó như một cái búa tốt mà người thợ rèn cha anh vẫn yêu quý bao nhiêu năm. Viên kim cương ấy cũng quên hẳn, nó chỉ nghĩ nó là một cái búa rất tốt, rất hữu ích. Nhưng giờ nó không được người chủ mới đối xử như chủ cũ nữa, không lau chùi, không để chỗ cao, không thay cán gỗ đẹp cho nó, rồi còn vứt nó vào một góc ít khi sử dụng. Nó buồn lắm, nó nghĩ cuộc đời sao bất công, sao có thể đối đãi như vậy với một cái búa tốt như nó. Nó chán nản than trời trách đất.
Nhưng rồi đến một ngày, vợ của người thợ rèn, bà vốn biết bí mật này, nhưng vì già rồi, cũng không ham danh lợi phú quý, bà chỉ coi đó như một kỷ vật của chồng. Bà đến xưởng rèn tìm cái búa, mang cái búa đi. Rồi bà tự sự, nói chuyện với cái búa, nói cho nó sự thật, nói cho nó biết nó vì sao mà tồn tại, nó chính thức là gì. Lúc này, cái búa như bừng tỉnh. Đúng vậy, ta là ai? Ta chẳng phải là viên kim cương cao quý sao? Ta sao có thể là cái búa được? Lão thợ rèn chẳng phải vì không dám để người khác cướp ta đi nên mới làm ra cái búa này? Lão nâng niu trân quý cái búa thực chất vì có ta trong đó, lão mang theo ta bên mình cũng vì ta là viên kim cương của lão.
– Sao ta lại vui mừng vì được gọi là búa tốt cơ chứ?
– Sao ta lại mong chờ lão thợ rèn khen lời như vậy?
– Sao ta lại đau khổ khi cái búa bị sứt mẻ chứ?
– Sao ta lại buồn bã khi bị đối xử không tốt?
– Nếu lúc ấy ta biết mình là viên kim cương thì ta nghĩ sao đây? Ta sẽ đối đãi mọi việc đó rất bình thường, không coi lời khen chê của người khác là quan trọng, không coi mọi bất công trên đời là gì hết, vì ta biết ta không phải là cái búa, ta là viên kim cương, viên kim cương sẽ nghĩ theo cách của viên kim cương…
Viên kim cương như bừng tỉnh, nó nhớ lại bản chất của nó, nó nhớ lại thân phận của nó, nó không còn đau khổ vì người ta không coi nó như cái búa tốt, không còn hãnh diện khi được lau chùi hay thay cán mới. Nó vẫn luôn là nó, nó là kim cương. Nó phải giữ chính niệm, không bao giờ lại quên đi bản chất của nó nữa. Sẽ có một ngày, sắt thép cũng phong hóa đi, nhưng nó —viên kim cương ấy— vẫn trường tồn và lại thấy ánh mặt trời, nó quay trở về với bản chất chân chính của nó.
Chúng ta giống như viên kim cương đó, bị bao bọc bởi một lớp dày quan niệm, chấp trước, truy cầu, nghiệp lực qua bao nhiêu đời dày như sắt thép. Chúng ta cũng đã quên đi mình là ai rồi, bản chất chúng ta ra sao. Được người đời khen thì thích, chê thì buồn, giàu thì đắc ý, nghèo thì trách đời. Có chút thành quả nhỏ bé thì khoe mẽ, có chút lỗi lầm thì giấu đi, động chút là nói dối, bao nhiêu quan niệm, bao nhiêu chấp trước, bao nhiêu truy cầu.
Sư phụ giảng:
Bởi vì [đứng] tại sinh mệnh cao cấp mà xét, thì sinh mệnh [đời] người không phải vì để làm người. Họ cho rằng sinh mệnh con người là [được] sản sinh trong không gian vũ trụ, có cùng tính chất với vũ trụ, là lương thiện, là cấu thành từ chủng vật chất Chân Thiện Nhẫn. Nhưng họ cũng có quan hệ [mang] tính quần thể; trong quần thể khi họ phát sinh quan hệ xã hội, một số biến đổi không còn tốt nữa, do vậy bị rớt xuống dưới; tại tầng [dưới] ấy họ cũng không trụ lại được nữa, họ lại biến thành tệ hơn nữa, họ lại rớt thêm một tầng nữa; rớt, rớt, rớt mãi cuối cùng rớt đến tầng người thường này. (“Bài giảng thứ hai”, Chuyển Pháp Luân).
Có lẽ người đời không biết bạn là ai, nhưng bạn biết bạn là đệ tử của Sư phụ, bạn đã biết bạn là ai rồi, bạn đã biết bản chất thực sự của bạn là gì rồi, bạn cũng biết bao nhiêu chấp trước truy cầu kia, nó là gì, nó có phải bạn không hay nó đang muốn bạn tin rằng bạn chính là nó. Nó cầu danh lợi và nó muốn bạn tin rằng chính bạn cầu danh lợi. Nó ham mê sắc dục và nó muốn bạn tin rằng suy nghĩ đó là của bạn, v.v… Món ăn này ngon, nếu bạn đồng ý với nó thì bạn đang tiếp năng lượng cho nó, cái chấp trước vào đồ ăn này lại lớn lên, nếu bạn tin rằng các xung động tình cảm của người chung quanh đối với bạn là thật thì nó sẽ là thật.
Bạn không nên tin vào tất cả những điều đó. Trong Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân [1994], Sư phụ giảng :
Đệ tử: Nguyên thần là vật chất cao năng lượng phải không?
Sư phụ: Không thể lý giải như vậy. Nguyên thần của chư vị là do vật chất vi quan nhất, vi tiểu nhất, do vật chất bản nguyên nhất cấu thành. Tính cách của chư vị, đặc tính của chư vị chính là đã được chú định ra tại vật chất bản nguyên rồi, cho nên, trải qua hằng bao nhiêu năm, bao nhiêu đời đều rất khó thay đổi, mà bản tính là thiện lương.
Nên những vật chất hậu thiên như các quan niệm, chấp trước hay nghiệp lực đều không thể xen vào nguyên thần được. Hãy nhìn sắc dục kia bằng Pháp lý, một sinh mệnh đồng hóa với Chân–Thiện–Nhẫn sao có thể nghĩ đến sắc dục được, nên những suy nghĩ đó sẽ không phải là bạn. Đừng đồng ý rằng món ăn nào đó ngon lắm, nó sẽ đeo bám bạn. Còn mọi người xung quanh, tình cảm của họ hay vấn đề của họ chỉ là cái gương phản chiếu để giúp bạn tu luyện mà thôi. Ví như ai đó trên người có cái tâm tranh đấu, cái tâm đó nhìn vào tâm bạn và gọi đồng loại của nó, nếu đồng loại của nó đáp lời nghĩa là bạn sẽ có tư tưởng tranh đấu nên đây là cơ hội để bạn diệt cái tâm đó đi.
Các quan niệm hậu thiên có thể che đi bản tính của bạn nhưng không thể làm thay đổi được bản chất của bạn. Bạn chính là viên kim cương kia mà, bạn từng đồng hóa với đặc tính Chân–Thiện–Nhẫn của vũ trụ mà.
Khi bạn thực sự không quên bạn là viên kim cương kia thì có thể việc loại bỏ đi các chấp trước hay quan niệm người thường đều không khó như vậy, vì sao? Vì thực sự những thứ đó không phải là bạn.
Xin Sư phụ từ bi gia trì chính niệm để chúng con không quên đi nguồn gốc sinh mệnh của mình.
Trên đây là chút thể ngộ của tôi, mong các đồng tu từ bi chỉ ra những điều chưa phù hợp.
Ngày đăng: 10-06-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.