Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu hoá ra có thể tốt đẹp đến vậy



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc

[Chanhkien.org] Xưa nay, quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn là mối quan hệ phức tạp, tế nhị và không dễ hòa hợp, có khi chỉ vì một vài chuyện nhỏ nhặt mà nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí khiến cả gia đình tranh cãi không dứt, nói không thấu, hiểu không thông, khiến rất nhiều người đau đầu mà bó tay không làm được gì. Chuyện vợ chồng phải ly hôn vì quan hệ mẹ chồng nàng dâu xung khắc như nước với lửa, không ai nhường ai cũng là chuyện bình thường

Lúc bốn, năm năm đầu mới kết hôn, mối quan hệ của tôi với mẹ chồng cũng mâu thuẫn như vậy, cả gia đình thường xuyên trong cuộc chiến đầy khói súng. Tôi từ nhỏ vốn tính ích kỷ, lạnh lùng, lòng dạ hẹp hòi, căn bản không chịu nghe lời phê bình của người khác, cho dù mình thật sự sai cũng không cho người khác chỉ trích mình, huống chi mẹ chồng tôi lại là người vô lý, nói năng chua ngoa. Mỗi khi bị mẹ chồng quở trách, tuy rằng tôi tức giận đến mức toàn thân run rẩy, lạnh ngắt, nhưng tôi cũng không chịu kém cạnh, tôi tìm mọi cách phản kích. Tôi đã từng tức giận đến nỗi bỏ nhà đi trong đêm vì bà ngăn cản chồng tôi cho em trai tôi mượn tiền; tôi cũng từng vì chồng tôi cho mẹ chồng thêm 10 nhân dân tệ mà đánh nhau với chồng, rồi bỏ mặc con trai mấy tháng tuổi bỏ về nhà mẹ đẻ; tôi cũng từng vì bất đồng ý kiến trong chăm sóc con trai mà trở mặt với mẹ chồng. Nghĩ lại thời gian đó quả thực là thống khổ không thể tả!

May mắn thay, vào tháng 2 năm 1998 tôi đã đắc được Đại Pháp! Nhờ không ngừng học Pháp, đọc Chuyển Pháp Luân mà tôi đã dần dần minh bạch ra rất nhiều vấn đề mà mình không thể lý giải. Tôi cố gắng dựa theo lời dạy của Sư phụ Lý Hồng Chí, chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn làm một người tốt, học cách lấy thiện đãi người! Từ đó về sau, cuộc đời tôi đã có sự thay đổi lớn, cuộc sống mỗi ngày đều vui vẻ nhẹ nhàng, vô cùng an lạc. Tôi không còn oán trời oán người, không còn so đo với sai lầm của người khác, tôi thường xuyên vui vẻ, hoà nhã, cho dù bản thân thật sự chịu khuất nhục tôi cũng học cách nhẫn nhịn.

Một buổi tối, mẹ chồng và cháu gái cùng tới tìm tôi, vừa đến cửa đã quở trách tôi một trận, cho rằng tôi đổ oan cho cháu trai, hủy hoại thanh danh của cháu. Sự tình là con trai của anh hai tôi học ở trường trung học của tôi. Có đồng nghiệp nói với tôi rằng cháu đang hẹn hò với một bạn nữ. Tôi kể chuyện này cho chồng, nhưng không ngờ lại đến tai mẹ chồng. Thay vì thẳng thắn dạy bảo cháu trai, mẹ lại trách tôi bịa đặt. (Mấy năm sau, sự thật chứng minh là lúc đó cháu đang hẹn hò với bạn gái). Mặc dù lúc đó tôi rất ấm ức và tức giận, nhưng nhớ tới lời dạy của Sư phụ trong Chuyển Pháp Luân:

Đã làm người luyện công thì trước hết phải làm được ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’, phải Nhẫn. Nếu không, thì chư vị là người luyện công [loại] gì vậy? (Chuyển Pháp Luân)

Tôi gắng nhẫn nhịn, không nói một lời, để mặc cho mẹ trách móc. Sau khi mẹ ra về, tôi không nén nổi và oà khóc. Chồng tôi đứng bên cạnh hoảng hốt, lo sợ không biết nên làm thế nào. Nếu không vì tôi đã tu luyện Đại Pháp thì nhất định sẽ xảy ra một cuộc đại chiến, thậm chí chồng tôi cũng sẽ bị cuốn vào, trở thành nơi để tôi trút giận. Làm sao tôi có thể chịu đựng được nỗi tức giận này? Tình huống này cũng đã vài lần xảy ra, tuy rằng tôi đều nhẫn nhịn, không đáp trả lại, nhưng vẫn chưa đạt được tâm thái bình tĩnh, bất động tâm, vẫn chỉ là cố nín nhịn.

Càng tu luyện, tâm trí tôi càng thêm khoáng đạt, rộng mở, tôi hiểu được mối quan hệ nhân duyên giữa người với người. Tôi cố gắng đứng ở lập trường của mẹ chồng để hiểu bà, đối xử tử tế với bà. Một đồng nghiệp cảm thấy khó hiểu khi nghe nói tôi mua quần áo cho mẹ chồng. Cô ấy nhìn tôi với cặp mắt hoài nghi và hỏi tôi không chút khách khí: “Mẹ chồng của cô có tới bốn cô con dâu, tại sao chỉ có mình cô mua quần áo cho bà? Có phải cô âm mưu muốn chiếm lợi nhiều hơn không?” Tôi biết cô ấy không tin rằng tôi đã trở thành người tốt hơn, nếu tôi không tu luyện Đại pháp thì chắc chắn tôi cũng sẽ không làm được như vậy.

Trước đây chúng tôi sống chung một nhà với mẹ chồng, năm 2001, chúng tôi mua một căn nhà khác. Chồng tôi đã từng phải chịu nhiều đau khổ vì mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng, nên anh ấy thuyết phục tôi đừng cho mẹ chồng đến sống cùng. Vào ngày chúng tôi thu dọn đồ đạc chuẩn bị chuyển nhà, mẹ chồng tôi năn nỉ con trai không được, bèn nước mắt lưng tròng nói với tôi: “Mẹ không muốn rời xa cháu nội, nó còn nhỏ đi học cần người đưa đón, các con đều phải đi làm, nếu không có mẹ làm sao thu xếp được?”. Mẹ đã chăm sóc con trai tôi từ nhỏ đến lớn nên tình cảm với cháu rất sâu nặng, chúng tôi đem con đi sẽ để lại khoảng trống lớn trong tim bà, bởi vậy dù có phải bỏ bố chồng tôi ở nhà một mình bà vẫn muốn đi theo chúng tôi. Tôi rất hiểu tâm tình của bà nên không do dự đồng ý. Chồng tôi đứng bên cạnh không làm gì được chỉ lườm tôi một cái, anh ấy không tin rằng chúng tôi có thể hoà hợp được. Thực tế đã chứng minh rằng chúng tôi sống với nhau rất hoà hợp. Tôi luôn luôn dùng Chân-Thiện-Nhẫn để yêu cầu bản thân, gặp bất cứ sự việc và mâu thuẫn nào cũng hướng nội tìm, không nhìn vào sai lầm của người khác. Bởi vì Sư phụ đã dạy:

Luyện công là hướng nội tìm, tự mình hãy tu luyện chính mình nhiều hơn, tìm nguyên nhân ở tự thân. Rằng mình làm còn thiếu sót ở phương diện nào, [thì] mình cần tranh thủ đề cao, dùng nỗ lực vào trong.(Pháp Luân Công)

Vào đầu mùa đông, chúng tôi đưa bố chồng đến ở cùng. Mẹ chồng tôi phụ trách nấu ăn, bố chồng thì đưa đón cháu trai đi học. Tôi và chồng đi làm về cảm thấy rất thoải mái. Cuộc sống không có mâu thuẫn, vui vẻ, an lạc thật tốt biết bao!

Về sau, hai ông bà cũng mua một căn hộ gần chỗ chúng tôi. Hơn mười năm rồi, tường nhà có chút bẩn, hai ông bà đều thích sạch sẽ, nên có ý muốn cọ tường. Nhưng cọ tường không phải dễ, một công việc vừa bẩn vừa mệt, mà hai ông bà thì đã quá già. Không có người con nào muốn giúp. Tôi nói với chồng hãy giúp ông bà, ông bà đã gần 80 rồi, nhưng chồng tôi không nói gì. Tôi hiểu được tâm tình của anh ấy, công việc của anh ấy rất mệt mỏi, cuối tuần cũng chỉ được nghỉ ngơi rất ít, mà ba anh trai của anh đều nhàn rỗi hơn. Sau đó chồng tôi đồng ý, chúng tôi đến nói với ông bà, hai ông bà rất vui. Tôi và chồng đã thuê hai người giúp hoàn thành trong vòng một ngày.

Khi chồng tôi đưa hai người làm đi ăn trưa, bố chồng tôi muốn trả tiền bữa trưa. Tôi nói bố không phải lo, anh ấy có tiền rồi. Một cậu thanh niên người làm hỏi tôi có phải là con gái ông không. Bố mẹ chồng cười vui vẻ trả lời: “Đó là con dâu tôi đấy”, cậu ấy rất bất ngờ. Giữa buổi, mẹ chồng thấy chúng tôi vừa bận rộn vừa mệt mỏi, liền gọi các anh đến giúp, anh cả không đến, anh ba chỉ đến xem qua, có việc nên cũng đi. Tôi có chút cảm giác bất công: “Tại sao các anh không đến giúp một tay?” Nhưng lập tức tôi nhớ ra mình là người tu luyện, cần phải theo tiêu chuẩn cao, không thể như người thường. Hầu hết mọi người trong xã hội đều vất vả vì con cái mình, có mấy người thực sự nghĩ cho cha mẹ mình chứ? Nếu tôi không tu luyện Đại Pháp, tôi cũng không thể thực sự hiếu kính cha mẹ mình, huống hồ là cha mẹ chồng.

Bố chồng tôi rất ngưỡng mộ bà cụ hàng xóm vì cuối năm các con gái bà đều thay nhau đến lau dọn nhà cửa cho bà. Tôi nghĩ mặc dù bố mẹ chồng tôi không có con gái, nhưng lại có tôi là con dâu. Chẳng phải tôi nên dọn nhà cho bố mẹ sao? Việc này có gì khó đâu? Vả lại để cho hai ông bà già quét nhà, lau cửa kính, leo lên leo xuống rất nguy hiểm. Bắt đầu từ năm ngoái, tôi phụ trách dọn nhà cho ông bà vào cuối năm.

Hai tháng trước, mẹ chồng tôi bị ngã trong nhà vệ sinh, cú ngã khá nguy hiểm vì bà nặng gần 90 cân. Nhưng may mắn là bà tin vào Đại Pháp, lúc đó bà kêu lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo, xin Sư phụ cứu con!” Sau đó bà có thể từ từ đứng dậy và cả gia đình đã chứng kiến huyền năng của Đại Pháp! Tôi nghĩ mình có thể làm được gì cho bà đây? Khi chăm sóc cho bà, tôi phát hiện đồ lót của bà đã cũ rách, tôi liền mua cho bà hai cái mới, mua cho hai ông bà hai đôi dép chống trượt, còn mua cho bà hai đôi giày vải nhẹ, thoải mái. Bà rất vui và muốn cho tôi tiền, tôi không nhận, bà bảo tôi thật ngốc, tôi không cần thì thôi. Tôi nghĩ rằng, là con cái thì hiếu kính cha mẹ là việc phải làm, là tự tâm muốn làm chứ không thể đo bằng tiền được. Sư phụ đã giảng :

Tất nhiên, chúng ta tu luyện trong xã hội người thường, [thì] hiếu kính cha mẹ, dạy dỗ con cái đều cần phải [làm]; tại các hoàn cảnh đều đối xử tốt với người khác, lấy Thiện đãi người, huống là thân nhân chư vị. Đối với ai cũng vậy, đối với cha mẹ, đối với con cái đều tốt, ở đâu cũng cân nhắc đến người khác; cái tâm ấy không phải là tự tư, mà là tâm từ thiện, là từ bi. (Chuyển Pháp Luân)

Tu luyện Đại Pháp thật sự thần kỳ! Tôi không dám tưởng tượng rằng năm xưa tôi cãi lộn với mẹ chỉ vì chồng tôi cho bà thêm 10 tệ mà giờ đây tôi lại có thể đối xử tử tế với bà. Tôi còn mua cho bà những đồ đắt tiền như máy giặt, áo lông, áo len, áo giữ nhiệt, kính mắt 500 tệ… Đương nhiên bà đối xử với tôi cũng ngày càng tốt hơn, việc gì cũng tâm sự với tôi. Bà nói cho tôi chỗ để những đồ quý giá của bà như chứng minh thư, sổ tiết kiệm, tiền mặt, thẻ ngân hàng, bà nói mình đã lớn tuổi rồi, phòng trường hợp bất trắc. Tôi rất cảm động, trước đây tôi không dám mơ rằng mối quan hệ giữa chúng tôi lại có thể tốt đẹp như vậy, giống như một câu chuyện thần thoại thời hiện đại!

Ánh sáng của Chân-Thiện-Nhẫn đã sưởi ấm trái tim lạnh lẽ và ích kỷ của tôi, xóa tan đi khoảng cách giữa chúng tôi, biến mối quan hệ mâu thuẫn, cãi lộn trở thành mối quan hệ hòa hợp, tốt đẹp. Xin cảm tạ Pháp Luân Đại Pháp! Cảm tạ Sư phụ Lý Hồng Chí từ bi vĩ đại!

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/246503

 



Ngày đăng: 22-03-2019

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.