Ôn chuyện xưa ngẫm chuyện nay: Hủy diệt Phật Pháp, bị tru di cửu tộc
Tác giả: La Thiện chỉnh lý
[ChanhKien.org] Hòa thượng Đàm Thủy, người Quan Trung (phía tây nước Tần xưa, nay là Hàm Cốc Quan, tỉnh Thiểm Tây), từ khi xuất gia có rất nhiều sự tích kỳ lạ. Năm cuối Thái Nguyên triều Đông Tấn (376-396), ông mang theo mấy chục bộ kinh Phật và giới luật đến Liêu Đông (phía đông khu Tân Tân, tỉnh Liêu Ninh ngày nay) để hoằng dương Phật Pháp, giảng dạy Tam thừa, phổ độ chúng tăng, khởi đầu cho việc truyền bá Phật giáo ở cố quốc Cao Câu Lệ. Mãi cho đến những năm đầu Nghĩa Hy (405-418) ông mới trở về Quan Trung, giảng kinh thuyết Pháp ở vùng Trường An.
Đàm Thủy có đôi bàn chân rất trắng, dù đi chân không lặn lội bùn đất nhưng chưa từng bị bẩn, bởi vậy được tiếng khen là “Bạch Túc hòa thượng” (hòa thượng chân trắng). Lúc ấy, một người tên là Vương Hồ ở Trường An có người chú đã mất nhiều năm bỗng nhiên hiển linh, dẫn ông du ngoạn khắp âm tào địa phủ, chứng kiến đủ mọi cảnh tượng nhân quả báo ứng, Vương Hồ kinh hoàng khiếp sợ mà cáo từ. Khi tiễn ông về, chú ông nói: “Con đã thấy được nhân quả báo ứng rồi thì nên trở về phụng dưỡng Bạch Túc hòa thượng.”
Vương Hồ sau khi từ Âm phủ trở về trần gian đã tìm kiếm rất nhiều hòa thượng trong chùa, thấy Đàm Thủy có đôi bàn chân còn trắng hơn cả mặt, liền theo hầu ông.
Vào những năm cuối triều Đông Tấn, Hách Liên Bột Bột, thủ lĩnh bộ tộc Hung Nô, đã đánh chiếm Trường An và giết người cướp bóc không chút kiêng nể gì. Lúc ấy, Đàm Thủy cũng gặp phải nạn binh đao này. Nhưng ông đao thương bất nhập, Hách Liên Bột Bột rất kinh ngạc, bèn hạ lệnh quân sĩ không được cướp phá nhà chùa, giết hại nhà sư. Đàm Thủy từ đó rời chùa đi khất thực đó đây, sống ẩn cư trong thâm sơn cùng cốc.
Về sau Thác Bạt Đào lấy lại Trường An, danh tiếng truyền xa. Lúc ấy, Thôi Hạo được phong làm tể tướng, thời niên thiếu ông ta đã theo học tà đạo nên thù hận chính giáo Phật gia, ỷ vào sự tin cậy của Thác Bạt Đào (Thế Tổ Thái Võ Đế, triều đại Bắc Ngụy năm 408-452), ông ta cùng với Khấu Khiêm Chi đã phỉ báng Phật giáo, gây hại cho dân, xúi bẩy hoàng đế hạ chỉ hủy diệt Phật giáo. Thác Bạt Đào tin theo lời sàm ngôn của Thôi Hạo, năm thứ 7 Thái Bình Chân Quân (năm 446) đã ra lệnh hủy diệt Phật Pháp, phái binh đốt phá chùa chiền, cưỡng ép tăng ni hoàn tục. Ai kháng chỉ bỏ trốn liền bị truy bắt, chém đầu để răn đe dân chúng. Toàn lãnh thổ nước Ngụy không còn bóng dáng tăng nhân nào.
Đàm Thủy sống ẩn cư trong rừng sâu vắng vẻ, ít người lui tới, đến những năm cuối Thái Bình Chân Quân (năm 440-451), ông đoán biết Thác Bạt Đảo thọ mệnh sắp hết, nên vào một đêm tết Nguyên tiêu, ông hiên ngang lẫm liệt chống gậy tích trượng xông vào cửa cung. Quan viên bẩm báo Thác Bạt Đảo: “Tâu bệ hạ, có một hòa thượng đang xông vào trong cung!”
Thác Bạt Đảo hạ lệnh mang Đàm Thủy ra xử tử, nhưng bao nhiêu lần trảm mà Đàm Thủy không hề hấn gì. Nghe quan viên bẩm báo lại, Thác Bạt Đảo rất giận dữ bèn đích thân cầm kiếm đi trảm Đàm Thủy, Đàm Thủy vẫn không xây xát chút nào, chỗ da bị kiếm chém chỉ để lại một vết hằn mỏng như đường chỉ.
Lúc ấy, trong cung Bắc Viện có nuôi một con mãnh hổ trong chuồng, Thác Bạt Đảo hạ chỉ: “Đem Đàm Thủy ra cho hổ ăn thịt!” Không ngờ, con hổ kia nhìn thấy Đàm Thủy thì phủ phục không dám tới gần; nhưng lúc Khấu Khiêm Chi tới gần chuồng, con hổ liền gầm thét không ngớt. Thác Bạt Đảo rốt cục đã hiểu ra Phật Pháp cao hơn thường nhân, vội cung thỉnh Đàm Thủy lên điện, dập đầu quỳ lạy ông để bày tỏ sự ăn năn hối lỗi.
Đàm Thủy giảng kinh thuyết Pháp về luật nhân quả báo ứng, Thác Bạt Đảo nghe xong vừa cảm kích vừa xấu hổ, sợ hãi. Không lâu sau, Thác Bạt Đảo mắc bệnh nan y. Thôi Hạo và Khấu Khiêm Chi (hai kẻ trước kia đã xui khiến hoàng đế hạ chỉ hủy diệt Phật giáo) cũng lần lượt mắc bệnh nan y. Thác Bạt Đảo cho rằng hai kẻ này đã gây ra tội ác hủy diệt Phật giáo, liền ra lệnh giết hai kẻ phạm tội, tịch thu tài sản, chu di cửu tộc, đồng thời hạ chỉ lập tức phục hưng Phật giáo trong cả nước.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2014/01/22/126507.酌古鉴今:毁灭佛法者,被灭九族!.html
Ngày đăng: 16-12-2015
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.