Câu chuyện về những tảng đá tiên tri (2): Trên núi có đá, trong đá có ngọc…

Tác giả: Vũ Văn Long chỉnh lý 

Phần 1

[ChanhKien.org] Lời nói đầu: Tảng đá trời ‘Tàng Tự Thạch’ tiên đoán trước Đảng Cộng Sản Trung Quốc diệt vong ứng với thiên tượng ‘Trời Diệt Trung Cộng’ đang lan truyền rộng rãi khắp nhân gian, mọi người đều cảm thấy hết sức kinh ngạc, tảng đá này rốt cuộc là từ đâu đến[1], mà lại có được khả năng bất khả tư nghị đến như vậy. Vì vậy chúng tôi đã sưu tầm một số ghi chép liên quan đến những tảng đá tiên tri được ghi chép trong sách cổ, hy vọng có thể giúp cho mọi người có được cái nhìn sâu sắc.

Bìa sách Tuyên Thất Chí (Nguồn: Internet)

Vương Phan, tự Lỗ Ngọc, đỗ tiến sĩ vào những năm đầu Nguyên Hòa dưới thời vua Đường Hiến Tông, sau làm quan đến chức Ngự Sử giám sát. Ông là người anh tuấn tài hoa, rất nổi tiếng vào thời bấy giờ.

Vào giữa những năm Đại Hòa dưới thời vua Đường Văn Tông, Vương Phan nhậm chức tại Đan Dương. Trong quá trình đào hào bảo vệ thành, sau khi đào sâu được vài thước, có người phát hiện thấy một tấm bia đá, trên tấm bia có khắc những chữ viết như sau: “Sơn hữu thạch, thạch hữu ngọc, ngọc hữu hà, tức hưu dã”. Tạm dịch là: “Trên núi có đá, trong đá có ngọc, ngọc có tỳ vết, tức là chấm hết”. Người công nhân sau khi đào được tấm bia đá liền dâng lên cho Vương Phan, còn kể cho ông ta biết về lai lịch của tảng đá đó một cách tường tận. Vương Phan rất muốn biết hàm nghĩa của những chữ này, nhưng ông đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu mà không tài nào giải được hàm nghĩa ẩn chứa trong đó. Thế là ông liền ra lệnh cho tất cả viên quan cùng thuộc hạ dưới quyền ông phân tích, nhưng chẳng ai biết được đạo lý bên trong. Mấy ngày sau, có một ông lão xin gặp một vị quan dưới cấp của Vương Phan, rồi hỏi thầm y rằng: “Tôi nghe nói Vương Công có được một tảng đá có khắc chữ, bây giờ không biết có ai giải được hàm nghĩa trong đó chưa?” Viên quan nói: “Vương Công vẫn còn đang suy nghĩ, lẽ nào ông đã giải được rồi chăng?” Ông lão trả lời: “Đây là điềm không may. ‘Trên núi có đá, trong đá có ngọc, ngọc có tỳ vết, tức là chấm hết’, đây là nói về gia thế của Vương Công. Tổ phụ của Vương Công tên là Ngâm, Ngâm sinh ra người con tên Sở, xem xét trên văn tự, đây chính là ‘trên núi có đá’[2]. Sở sinh ra Vương Phan, đây chính là ‘trong đá có ngọc’. Con trai của Phan tên là Hà Hưu, đây chính là ‘ngọc có tỳ vết, tức là chấm hết’[3]. Chấm hết, không còn lại gì cả. Theo lý mà xét, ông ta sắp tuyệt hậu rồi!” Viên quan bái tạ ông lão, ông lão nói xong liền đi mất.

Đến mùa đông thứ 9 năm Đại Hòa, Vương Phan bị cấm quân bắt giữ, cả nhà bị tống giam vào ngục. Phan bị xử trảm một mình dưới gốc cây liễu, già trẻ cả nhà đều chết hết. Lời giải thích của ông lão quả nhiên đã ứng nghiệm.

(Trích từ Tuyên Thất Chí)

Xem tiếp phần 3

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2007/06/18/44435.石头记:山有石,石有玉…….html

 

Chú thích:

[1] Xem thêm: Cao nhân tiết lộ lai lịch chân thực của “tàng tự thạch” (1)

[2] Ngâm (崟) thuộc bộ “sơn” (山- núi). Sở (礎) thuộc bộ “thạch” (石 – đá). Phan (璠) thuộc bộ “ngọc” (玉)

[3] Hà (瑕) nghĩa là “tì vết, khiếm khuyết”, cũng thuộc bộ “ngọc”. Hưu (休) nghĩa là “ngừng, thôi”. Suy ra “Hà Hưu” có nghĩa là ‘tỳ vết, chấm hết’.