Tuyến tùng, con mắt ở bên trong bộ não



[ChanhKien.org]

Nằm sâu bên trong trung tâm bộ não, tuyến tùng có một cấu trúc tương tự như đôi mắt hai bên của chúng ta. (Photos.com)

Hàng nghìn năm qua, tuyến tùng đã được thừa nhận như một mối liên hệ của cơ thể người với những cảnh giới tư tưởng thâm sâu hơn – một cửa sổ nhìn vào các chiều không gian khác. Trong khi quan niệm này  dần phai nhạt đi theo thời gian, khoa học đã bắt đầu tập trung nỗ lực để hiểu về những chức năng bí mật của “con mắt ẩn” này.

Khi tôi còn trẻ, những cuộc nói chuyện với bố tôi bao gồm cả những điều có thể quan sát được một cách khoa học và những điều huyền bí. Một trong những chủ đề thú vị nhất mà tôi còn nhớ là hiện tượng trải nghiệm cận tử, trong đó các bệnh nhân thuật lại về những cuộc du ngoạn tạm thời ở bên ngoài cơ thể vật lý của họ trong khi có biểu hiện chết lâm sàng. Cha tôi thường nhấn mạnh rằng trong những năm học tập của ông tại trường Y, ông đã học được rằng, các cơ quan mà cho phép con người quan sát những cảnh tượng từ bên ngoài cơ thể của họ không tồn tại vượt ra khỏi đôi mắt vật lý.

20 năm sau khi tôi cũng ở trong hành lang của cùng trường đại học đó, một giáo sư giải phẫu đã tiết lộ một thực tế bí ẩn mà cha tôi đã không nói đến trong những cuộc thảo luận của chúng tôi. Ông đã nói về một bí mật ẩn chứa trong một mạng lưới các tế bào rất nhỏ và ẩn, nhưng vẫn có thể điều khiển được các quá trình trao đổi chất quan trọng sống còn. Đó là một con mắt ẩn.

Con mắt thứ ba

Hãy tưởng tượng một cơ quan thị giác có khả năng nhìn vào các không gian vượt ra ngoài thế giới vật chất của chúng ta. Sinh vật kỳ lạ nào sở hữu những khả năng kỳ lạ như thế? Con người. Thể tùng quả (tuyến tùng), một thứ quý giá bé xíu nằm ẩn trong trung tâm của đầu não, không chỉ có khả năng nhận biết được ánh sáng bên ngoài giống như đôi mắt ở hai bên của chúng ta, mà cấu trúc thực sự của nó còn giống với con mắt thông thường ở một trạng thái nguyên thủy hơn.

Tuyến tùng thực hiện một loạt các chức năng quan trọng của cơ thể, như sự phát triển giới tính, sự trao đổi chất, và sự sản xuất ra melatonin. Nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra các đặc điểm có trong tuyến tùng mà vượt quá một sự giải thích đơn giản. Do cấu trúc độc nhất của cơ quan này, các nhà khoa học đã kết luận rằng nó hẳn là đã từng đảm nhận một số chức năng đang tiềm ẩn. Y học hiện đại đã khám phá ra rằng tuyến nằm sâu bên trong trung tâm bộ não này có chứa các tế bào tiếp nhận ánh sáng. Nhưng quan điểm chiếm ưu thế hơn cho rằng những đặc điểm này đơn giản chỉ miêu tả những khả năng tiềm ẩn từ một thời kỳ trước trong sự tiến hóa của chúng ta.

Theo hiểu biết theo thuyết tiến hóa của khoa học về thể tùng quả, cơ quan này đã từng tồn tại như một hệ thống dây thần kinh lộn xộn nằm ở bên ngoài bề mặt của hộp sọ. Nó chuyên tiếp nhận những thay đổi về ánh sáng, cung cấp cho chủ nhân của nó nhiều khả năng chạy trốn hơn trong trường hợp bị dã thú tấn công. Hiểu biết này nhìn nhận rằng tuyến tùng thực hiện các chức năng giống như hai con mắt, khác biệt duy nhất nằm ở sự nhất quyết kỳ lạ của nó là rút vào bên trong hộp sọ.

Một giả thuyết gần đây được đề xuất bởi David Klein, trưởng bộ phận Nội tiết thần kinh tại Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Quốc gia, đề xuất rằng các võng mạc nguyên thủy đã thực hiện chức năng kép bao gồm cả thu nhận hình ảnh và sản xuất melatonin. Ông tin rằng qua thời gian chức năng thứ hai này đã chuyển sang tuyến tùng, một cơ quan được giải phóng, trong khi sự thoái hóa của võng mạc như một sản phẩm của melatonin trong các loài động vật có vú vẫn tiếp tục mà không có sự giải thích chặt chẽ.

Mặc dù ngày nay tuyến tùng được thừa nhận là tốt cho việc tiết ra các chất nội sinh, nhưng chắc chắn rằng nó vẫn còn chứa đựng một khả năng cảm nhận ánh sáng quan trọng, một quá trình của cơ thể đã được khoa học công nhận.

Ngạc nhiên là, nếu như cả hai mắt được bỏ đi và đường giải phẫu từ khu vực phía trước của tuyến này được phơi ra ánh sáng, thì cơ quan này vẫn có thể đáp lại kích thích theo một cách tương tự như đôi mắt ở hai bên. Thực tế này đã khiến một số nhà nghiên cứu phải cân nhắc là liệu có phải tuyến tùng không chỉ là một con mắt bị thoái hóa. Điều gì xảy ra nếu nhiều quá trình vẫn còn bị hiểu sai của bộ não cư ngụ ở trong hình nón nhỏ bé này?

Một cửa sổ tới nhận thức cao hơn

Theo Bác sĩ Sérgio Felipe de Oliveira, Thạc sỹ Khoa học tại Trường Y thuộc Đại học São Paulo và là giám đốc của Pineal Mind Clinic (tạm dịch là Bệnh viện thực hành Tâm trí Tùng quả), sự tăng lên trong hoạt động của tùng quả có liên quan mật thiết với hoạt động tinh thần như hiện tượng nằm mơ hoặc sự thiền định.

Hơn nữa, ngoài các chức năng nội tiết của tuyến tùng (kiểm soát vùng não điều khiển thân nhiệt và cảm giác đói, khát; và nhịp sinh học, đồng thời bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do), nó còn chịu trách nhiệm tiết ra N,N-dimethyltryptamine (DMT), được một số người biết đến như “phân tử tinh thần” (spirit molecule). Sự giải phóng của phân tử này được coi là một trong những chất dẫn truyền thần kinh có khả năng gây ảo giác mạnh nhất mà con người biết đến. Nó tăng lên trong khi ngủ, trong các trạng thái thiền định nào đó, trong các trải nghiệm cận tử, cũng như khi ăn vào các loại thực vật có khả năng gây ảo giác.

Những người hoài nghi đặt câu hỏi về tính xác thực của các tình tiết được cho là nhận thức cao hơn về các tầng cấp không gian khác, thay vào đó họ muốn tin rằng những trải nghiệm như vậy chỉ là hiện tượng gây ra bởi các phản ứng hóa học giới hạn trong bộ não. Nhưng họ lúng túng khi đưa ra một giải thích hợp lý cho mối quan hệ của sự giải phóng DMT (và sự hình thành như một kết quả của các hình ảnh trong tuyến tùng) với những trải nghiệm cận tử.

Một điều như thế đã được khám phá bởi Tiến sỹ Rick Strassman, người đã tiến hành những nghiên cứu thấu đáo về những hiệu ứng của DMT ở con người. Nghiên cứu loại này bắt đầu tiếp cận tuyến tùng như một cửa sổ bẩm sinh nhìn vào các tầng cấp tồn tại khác, hơn là một con mắt thoái hóa có nhiệm vụ sản sinh ra các hoóc-môn.

Quan điểm về tuyến tùng này không phải là mới. Nó tượng trưng cho luân xa thứ sáu được nói tới trong tín ngưỡng của thời kỳ Vedic, là cửa sổ của thần Brahma như được biết trong Ấn Độ giáo, là Thiên Mục như người Trung Quốc cổ đại vẫn gọi, là Nê Hoàn Cung mà các Đạo sĩ biết, hay là “Tòa ngự của linh hồn” (The seat of the soul) theo như Descartes. Liệu hình nón nhỏ bé nằm ẩn tại trung tâm bộ não này có chứa đựng trong mình tiềm năng để nhìn vào những thế giới mà khoa học đơn giản là không thể thấu hiểu được?

(Theo The Epoch Times)



Ngày đăng: 14-01-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.