Bom nguyên tử thời cổ đại
Tác giả: Leonardo Vintiñi
“Giờ đây ta trở thành Thần chết, kẻ hủy diệt các thế giới” – Kinh Bhagavad Gita của Ấn Độ.
7 năm sau những vụ thử nghiệm hạt nhân ở thành phố Alamogordo, tiểu bang New Mexico, tiến sĩ J. Robert Oppenheimer, cha đẻ của bom nguyên tử, lúc đó đang giảng dạy tại một trường cao đẳng. Khi một sinh viên hỏi liệu đã từng có vụ thử nghiệm nguyên tử nào ở Hoa Kỳ trước sự kiện Alamogordo hay chưa, ông trả lời:
“Có, trong thời hiện đại.”
Câu nói này, đầy bí ẩn và không thể hiểu nổi tại thời điểm đó, thực ra là ám chỉ những văn bản Hindu cổ đại mô tả một thảm họa tận thế nhưng không có liên quan tới các hiện tượng phun trào núi lửa hay những hiện tượng đã biết nào khác. Oppenheimer, người đã từng say sưa nghiên cứu tiếng Phạn cổ, lúc đó chắc chắn đang đề cập đến một đoạn trong kinh “Bhagavad Gita” mô tả một thảm họa toàn cầu gây ra bởi “một vũ khí bí ẩn, một tia sắt”.
Trong khi nó có thể là sự cảnh báo cho giới khoa học về sự tồn tại của vũ khí nguyên tử trước chu kỳ văn minh hiện tại, bằng chứng của hiện tượng này dường như thì thầm những câu thơ trong kinh “Bhagavad Gita” ở khắp nơi trên Trái đất.
Thủy tinh trong sa mạc
Bằng chứng này không chỉ đến từ những vần thơ Hindu mà còn đến từ rất nhiều mảnh vỡ của thủy tinh nóng chảy nằm rải rác ở nhiều sa mạc trên thế giới. Các tinh thể Silicon, những vật đúc kỳ lạ, cực kỳ giống với những mảnh vỡ được tìm thấy sau những vụ nổ hạt nhân ở khu vực thử bom nguyên tử Cát Trắng tại Alamogordo.
Vào tháng 12 năm 1932, Patrick Clayton, một giám định viên từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Ai Cập, đã lái xe giữa các cồn cát của sa mạc Biển cát lớn (Great Sand Sea), gần cao nguyên Saad ở Ai Cập, khi ông nghe những tiếng răng rắc dưới bánh xe. Khi kiểm tra điều gì đã gây ra âm thanh đó, ông đã tìm thấy những miếng thủy tinh lớn nằm trong cát.
Khám phá này đã lôi cuốn sự chú ý của các nhà địa chất trên khắp thế giới và đã đặt ra một trong những điều bí ẩn lớn nhất của khoa học hiện đại. Hiện tượng gì có thể làm tăng nhiệt độ của cát sa mạc lên ít nhất 3.300 độ F, đúc nó thành những tấm thủy tinh đặc lớn màu vàng-xanh?
Trong khi vượt qua tầm tên lửa sa mạc Cát Trắng (White Sands) Alamogordo, Albion W. Hart, một trong những kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts, đã quan sát thấy rằng những miếng thuỷ tinh mà những vụ thử hạt nhân để lại giống y hệt với những miếng thủy tinh ông quan sát thấy ở sa mạc châu Phi 50 năm trước. Tuy nhiên, kích thước của vật đúc trong sa mạc này đòi hỏi vụ nổ đó phải mạnh hơn 10.000 lần so với vụ nổ được quan sát thấy ở New Mexico.
Nhiều nhà khoa học đã tìm cách giải thích sự rải rác của các tảng thuỷ tinh lớn ở sa mạc Libya, sa mạc Sahara, Mojave, và nhiều nơi khác trên thế giới, như là các sản phẩm của các vụ va chạm thiên thạch khổng lồ. Tuy nhiên, do sự thiếu vắng của các hố thiên thạch trong sa mạc, giả thuyết này không đứng vững được. Dữ liệu hình ảnh vệ tinh cũng như các ra-đa siêu âm cũng không thể tìm thấy bất kỳ hố thiên thạch nào cả.
Hơn nữa, các tảng đá thuỷ tinh được tìm thấy ở sa mạc Libya cho thấy độ trong suốt và độ tinh khiết (99%) vốn không phải là đặc trưng của việc thiên thạch tan chảy, trong đó sắt và các chất liệu khác bị trộn lẫn với thủy tinh nóng chảy sau vụ va chạm.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học đã đề xuất rằng các thiên thạch đã tạo ra các tảng đá thuỷ tinh có thể đã nổ tung ở độ cao vài dặm cách mặt đất, tương tự như sự kiện Tunguska, hoặc đơn giản là thiên thạch đã nảy lên theo cách mà chúng mang theo cả bằng chứng của sự va chạm, nhưng để lại nhiệt từ sự ma sát.
Tuy nhiên, điều này không giải thích được bằng cách nào 2 trong số các khu vực được tìm thấy ở rất gần nhau trong sa mạc Libya, cho thấy cùng một kiểu mẫu – xác suất của hai vụ va chạm thiên thạch ở rất gần như thế là rất thấp. Nó cũng không giải thích được sự thiếu vắng của nước trong các mẫu đá tektite (đá thủy tinh sậm màu được cho là kết quả của việc thiên thạch va chạm với vỏ trái đất) khi các khu vực va chạm được cho là đã từng tràn ngập nước vào khoảng 14.000 năm trước đây.
Thảm hoạ Mohenjo Daro thời cổ đại
Thành phố nơi nền văn hóa đã sinh ra mà ngày nay là thung lũng Indus là một bí ẩn lớn. Các tảng đá của phế tích đã kết tinh một phần, cùng với những cư dân của nó. Hơn nữa, những văn bản bí ẩn địa phương nói về một khoảng thời gian bảy ngày biết ơn đối với những chiếc xe bay. Những chiếc ‘xe bay’ ấy được gọi là Vimana, đã cứu sống 30.000 cư dân khỏi một sự kiện khủng khiếp.
Năm 1927, nhiều năm sau khi khám phá ra tàn tích Mohenjo Daro, 44 bộ xương người đã được tìm thấy ở vùng ngoại ô của thành phố. Đa số đã được tìm thấy trong tư thế úp mặt xuống, nằm trên đường phố và nắm tay như thể một thảm họa nghiêm trọng đã bất ngờ ập xuống thành phố. Ngoài ra, một số bộ xương cho thấy những dấu hiệu của bức xạ không thể giải thích được. Nhiều chuyên gia tin rằng Mohenjo Daro là một dấu hiệu rõ ràng của thảm họa hạt nhân 2 thiên niên kỷ trước công nguyên.
Tuy nhiên, thành phố là không phải là thành phố cổ duy nhất được cho là đã từng trải qua thảm họa hạt nhân. Hàng chục tòa nhà thế giới cổ đại cho thấy gạch và đá nóng chảy, như cuộc thử nghiệm nhiệt mà các nhà khoa học hiện đại không thể giải thích nổi:
Pháo đài và tháp cổ ở Scotland, Ireland, và Anh
Thành phố Catal Huyuk ở Thổ Nhĩ Kỳ
Alalakh ở miền bắc Syria
Phế tích của 7 thành phố (Seven Cities), gần Ecuador
Những thành phố nằm giữa sông Hằng ở Ấn Độ và những quả đồi Rajmahal
Các khu vực của sa mạc Mojave ở Hoa Kỳ
Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, sự hiện diện của một nhiệt độ cực cao và những mô tả sinh động về một thảm họa khủng khiếp cho thấy rằng có lẽ trước đây đã từng có một thời đại mà người ta đã biết đến công nghệ hạt nhân – một thời đại mà trong đó công nghệ nguyên tử đã quay sang chống lại loài người.
Tham khảo:
http://www.bibliotecapleyades.net/arqueologia/esp_mohenjo_daro_1.htm
http://skepticreport.com/sr/?p=288
http://forteanswest.com/wordpress-mu/nevadalowfi/tag/robert-oppenheimer/
http://www.marmet-meteorites.com/id37.html
(Theo The Epoch Times)
Ngày đăng: 05-01-2011
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.