Động đất: Chết chóc và không thể dự báo



Tác giả: Charlotte Cuthbertson

Toàn cảnh từ trên không một ngôi làng bên sườn đồi bị phá hủy, nằm ở vùng ngoại ô cách thủ đô Port-au-Prince 30 km, vào ngày 21 tháng 1 năm 2010, gần Gressier, Haiti. Haiti đang cố gắng khôi phục sau trận động đất mạnh 7 độ diễn ra vào ngày 12 tháng 1 và tàn phá quốc gia này. (Ảnh: Logan Abassi/MINUSTAH via Getty Images)

Những trận động đất thật bất ngờ, chúng diễn ra mà không báo trước, và sự tàn phá có thể trở thành thảm họa nếu ở gần khu dân cư đông đúc.

Tiến sĩ Harley Benz, nhà khoa học đang làm nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin Động đất Quốc gia trực thuộc Cục Đo đạc Địa chất Hoa Kỳ (USGS), cho biết bão tố và những thiên tai thời tiết khác có thể được phát hiện, đôi khi là vài ngày trước khi chúng diễn ra—các vệ tinh và các thiết bị định vị thông thường cho người ta một khoảng thời gian nào đó để chuẩn bị.

Núi lửa cũng vậy, ông nói. Thường thì trong giai đoạn cảnh báo, sẽ có hàng loạt những cơn địa chấn giúp người ta có thời gian để sơ tán.

Nhưng việc dự đoán động đất lại vô cùng khó khăn. “Chúng tôi không thể nói trước khi nào động đất sẽ xảy ra với bất kỳ độ chính xác nào,” ông nói, “Chúng tôi đã tiến bộ hơn trong việc dự báo động đất—bằng cách xác địch những vết đứt gẫy.”

USGS ước tính rằng có vài triệu cơn địa chấn xảy ra trên thế giới mỗi năm, mặc dù hầu hết chúng đều không bị phát hiện do chỉ gây chấn động tại vùng hẻo lánh hoặc có cường độ rất nhỏ.

Nhìn lại những trận động đất năm 2009

Những trận động đất dữ dội ở Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2008 và Haiti năm 2009 đã để lại một năm đầy tàn phá và chết chóc. Trong năm 2009, ít nhất 1.783 người trên thế giới đã thiệt mạng do các hoạt động địa chấn, theo ghi nhận của USGS.

Hầu hết những người chết đều đến từ trận động đất tang tóc năm 2009, với cường độ 7,5 và đã gây tử vong gần 1.117 người ở Nam Sumatra, Indonesia, ngày 30 tháng 9, theo thông tin của USGS và được xác nhận bởi Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Phối hợp Các Hoạt động Nhân đạo.

Theo báo cáo của USGS, mặc dù không liên quan, trận động đất tại Indonesia ngày 30 tháng 9 đã xảy ra ngay sau trận động đất mạnh nhất trong năm có cường độ 8,1 diễn ra ngày 29 tháng 9 tại vùng đảo Samoa. Những đợt sóng thần được tạo ra từ trận động đất này cũng đã giết chết 192 người tại American Samoa, Samoa, và Tonga. Một trận động đất mạnh 6,3 độ đã tấn công thành phố trung cổ L’Aquila ở Trung tâm nước Ý vào ngày 6 tháng 4, làm thiệt mạng 295 người.

Tóm lại, những trận động đất đã lấy đi mạng sống của những người dân tại 15 quốc gia trên bốn châu lục trong năm 2009.

Năm ngoái cũng là năm đánh dấu lễ tưởng niệm 5 năm xảy ra trận động đất 9,1 độ tại đảo Sumatra-Andaman và trận sóng thần theo sau vào ngày 26 tháng 12 năm 2004. Trận động đất và sóng thần đó đã làm 227.898 người thiệt mạng, trở thành con số thương vong vì động đất cao thứ tư và con số thương vong vì sóng thần cao nhất được ghi nhận trong lịch sử, theo báo cáo của USGS.

Nhìn lại Haiti và Tứ Xuyên

USGS cho biết những nhân tố như kích thước, địa điểm và chiều sâu của một cơn địa chấn tương ứng với những trung tâm dân cư, và sự mong manh của các tòa nhà, vật dụng và đường xá đều có ảnh hưởng đến mức độ thiệt hại mà những trận động đất gây ra cho cộng đồng gần đó.

Trận động đất 7,9 độ tại Tứ Xuyên năm 2008 đã làm 80.000 người thiệt mạng, và số thương vong ở Haiti được dự đoán là gần 200.000 người.

“Trong trường hợp của Haiti, vết đứt gẫy địa chất đã được nghiên cứu tích cực trong nhiều năm trước,” ông Benz nói. “Do đó nó không phải là một vết đứt chưa được biết.”

Ông Benz cho biết Port-au-Prince đã từng chịu thiệt hại do động đất vào năm 1751 và 1770.

Mối quan tâm lâu dài hiện nay là tái xây dựng lại Haiti để đối phó với những trận động đất mạnh tiềm tàng và chắc chắn xảy ra trong tương lai, ông nói. “Họ cần phải xây dựng những công trình có khả năng đàn hồi khi có động đất và không bị đổ sụp một cách bi thảm như chúng ta đã thấy.”

Động đất và nguy cơ tại Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, những trận động đất là rủi ro đáng kể của 75 triệu người tại 40 tiểu bang, USGS cho hay.

Trận động đất mạnh nhất năm 2009 trong 50 liên bang một lần nữa lại là đảo Aleutian thuộc Alaska. Cơn địa chấn mạnh 6,5 độ này đã xảy ra tại đảo Fox vào ngày 13 tháng 10. Nó có thể được cảm nhận từ những thành phố của Akutan và Unalaska, những không gây bất kỳ thương vong hay thiệt  hại nào.

USGS cho biết trận động đất mạnh nhất trong năm xảy ra gần Hoa Kỳ có cường độ 5,2 vào ngày 2 tháng 10 tại Thung lũng Owens, phía đông nam Lone Pine, California. Do dân cư thưa thớt tại vùng tâm địa chấn, nó đã không gây ra tổn thất nào, mặc dù người ta có thể cảm nhận nó từ rất xa, ở Merced, Los Angeles, California, và Las Vegas, Nevada.

Ông Benz nói rằng USGS muốn nghiên cứu mọi vết đứt gẫy đang hoạt động, nhưng có hàng triệu, do đó ưu tiên vẫn là những nơi như là Anchorage, Seattle, Portland, Reno, Carson, Salt Lake City, Nevada, St. Louis, và Memphis.

Nghiên cứu những vết đứt gẫy và hệ thống cảnh báo

USGS đã đặt chín trạm địa chấn thời gian thực dọc vùng vịnh Ca-ri-bê, một khu vực gần biên giới phía nam Hoa Kỳ, từ sau trận động đất/sóng thần năm 2004. Một trung tâm tính toán động đất hoạt động 24 giờ một ngày cũng đã được triển khai tại Trung tâm Thông tin Động đất Quốc gia trực thuộc USGS.

(Theo The Epoch Times)



Ngày đăng: 08-11-2010

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.