Tâm trí có cần bộ não không?



Trong một nghiên cứu năm 2001, 4 trong số 63 bệnh nhân ngừng tim còn sống sót được phát hiện là đã có trải nghiệm cận tử trong khi cho thấy ít nhất 2 trong số 3 tiêu chuẩn của cái chết lâm sàng. (Photos.com)

Trong một nghiên cứu năm 2001, 4 trong số 63 bệnh nhân ngừng tim còn sống sót được phát hiện là đã có trải nghiệm cận tử trong khi cho thấy ít nhất 2 trong số 3 tiêu chuẩn của cái chết lâm sàng. (Photos.com)

Liệu ý thức có tồn tại độc lập với bộ não hay không? Liệu người ta có trải qua, vào những lúc mà não của họ bị chết lâm sàng, rồi sau đó họ có thể nhớ lại được, điều được gọi là những “trải nghiệm cận tử” – NDE hay không?

Nếu vậy thì điều này xảy ra thường xuyên ở mức độ nào? Những trải nghiệm đó là gì? Liệu những trải nghiệm này có thể được quy cho các quá trình sinh lý hoặc dược lý đi kèm với quá trình chết, hoặc quy cho các phản ứng tâm lý đối với sự đe dọa của cái chết hay không? Hay đó là những trải nghiệm về một thực tại vượt quá giới hạn của thân xác?

Vào năm 2001, một nhóm nhỏ các nhà khoa học Anh đã công bố một nghiên cứu thí điểm viễn cảnh để đánh giá tần suất và các nguyên nhân có thể có của NDE ở những người sống sót qua cơn ngừng tim. Những người bị ngừng tim còn sống sót là những điển hình tốt cho nghiên cứu loại này bởi vì họ đều đã được làm cho sống lại bằng cách sử dụng một quy trình tiêu chuẩn và vì vậy tất cả họ đều đã nhận được cùng một loại thuốc và phép điều trị.

Tất cả những bệnh nhân này đều đã cho thấy ít nhất 2 trong 3 tiêu chuẩn để tuyên bố một người là đã chết: Họ không có điện tâm đồ và không thể tự hô hấp. Trong thực tế lâm sàng, hầu hết những bệnh nhân này còn có đặc điểm thứ 3, đồng tử giãn bất động, do bị mất hoạt động của cuống não.

Những đo lường sinh lý và dược lý kỹ lưỡng đã được ghi lại cho tất cả các bệnh nhân này trong quá trình lưu trú tại bệnh viện. Trong suốt một năm, tất cả các bệnh nhân ngừng tim còn sống sót tại Bệnh viện đa khoa Southampton đã được xác định và phỏng vấn trong thời gian ở bệnh viện, sau khi các biện pháp bảo vệ thông thường để bảo vệ các đối tượng nghiên cứu cũng như sự liêm chính của cuộc nghiên cứu đã được thực hiện.

Các bệnh nhân được hỏi một câu hỏi mở là họ có bất cứ ký ức nào trong thời gian họ đang bất tỉnh hay không. Những trải nghiệm của những người cho biết bất kỳ ký ức nào đều được đánh giá theo thang chuẩn Greyson và được chia thành một nhóm nghiên cứu NDE và một nhóm đối chứng NDE.

Trong số 63 bệnh nhân ngừng tim sống sót được phỏng vấn, 56 người (88,8 %) không có ký ức nào trong thời gian họ bất tỉnh. 7 người đã có ít nhất một chút ký ức và, trong số này, 4 (6,3 %) đã có những trải nghiệm thỏa mãn các tiêu chuẩn Greyson về NDE.

Trong số 3 người không thỏa mãn các tiêu chuẩn trên, 2 người đã cho biết ít nhất 1 đặc điểm phù hợp với NDE. Trong số 4 bệnh nhân trong nhóm NDE, tất cả đều cho biết là đã đi đến một điểm bất hồi. 3 trong số 4 người cũng nhớ là đã nhìn thấy ánh sáng chói lòa và cảm giác thanh bình, dễ chịu, và vui. Một nửa trong số 4 người này đã gặp những người thân đã qua đời, tiến vào một không gian mới, cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn, mất nhận biết về cơ thể mình, trải nghiệm sự hòa hợp, và có các tri giác cao hơn.

Không ai trong số các bệnh nhân này thấy những trải nghiệm của họ là chấn động hay đau buồn; mà thay vào đó, những trải nghiệm đã được mô tả là dễ chịu. Không ai trong số những bệnh nhân này trải qua trạng thái sống ở ngoài thân thể.

Bệnh nhân có những trải nghiệm cao điểm nhất theo thang chuẩn Greyson là một người đàn ông. Người ấy nói mình không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo và cũng không theo tôn giáo. 3 bệnh nhân khác trong nhóm NDE là những phụ nữ không theo giáo hội Anh.

Có thể các nhân tố sinh lý đã không thể được khảo sát đầy đủ trong nghiên cứu thí điểm này do số lượng nhỏ các bệnh nhân trong các nhóm. Dưới ánh sáng của lời giải thích tiến bộ thường thấy, rằng NDE gây ra từ sự thiếu ôxy của não bộ, thật là thú vị nếu để ý rằng các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu NDE thực ra có mức oxy cao hơn nhóm đối chứng.

Thời gian chính xác khi những trải nghiệm này diễn ra thật khó xác định trong cuộc nghiên cứu này. Các dữ liệu xác nhận kết luận đáng ngạc nhiên rằng NDE xuất hiện trong khoảng thời gian bất tỉnh, khi bộ não rối loạn chức năng đến mức bệnh nhân hôn mê sâu và các kết cấu não vốn thường được cho là cần thiết cho kinh nghiệm và trí nhớ cá nhân bị suy yếu nghiêm trọng.

Nếu như NDE xảy ra trong khoảng thời gian khi ý thức đang bị mất, thì nó đã được ghi nhớ với những trải nghiệm thần kinh đang diễn ra vào đầu quá trình này, nhưng không ai trong số các đối tượng nhiên cứu báo cáo điều đó. Những trải nghiệm xảy ra trong thời gian phục hồi ý thức là lộn xộn, nhưng những trải nghiệm này thì không. Những đối tượng này đã có những ký ức rất rõ ràng với những tình tiết rất có trật tự, tường tận, dễ nhớ lại và rõ ràng, không giống như những ảo giác hỗn loạn.

Không có đối tượng nào báo cáo về các trải nghiệm ý thức nằm ở ngoài thân thể, mặc dù chúng là một đặc điểm tương đối phổ biến của các nghiên cứu trong quá khứ. Các nhà khoa học đã chuẩn bị kiểm tra bất kỳ báo cáo nào như vậy bằng cách treo các tấm bảng đặc biệt từ trên trần nhà của các gian phòng trước khi bắt đầu nghiên cứu. Những tấm bảng này có những hình vẽ đặc biệt trên mặt đối diện với trần nhà mà không thể nhìn thấy được từ bên dưới.

Nếu bất cứ ai nói là đã rời cơ thể và đã ở gần trần nhà, thì người đó sẽ có thể xác định được các dấu hiệu này nếu người đó thực sự đã thoát ra khỏi cơ thể mình. Nếu cảm giác này có bản chất tâm lý, thì các dấu hiệu sẽ không được nhận biết.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã cung cấp bằng chứng cho thấy các NDE trong số các bệnh nhân ngừng tim sống sót là tương đối hiếm và rằng chúng rất có thể xảy ra trong thời gian não không làm việc. Trong số những ký ức mà có xảy ra trong thời gian “bất tỉnh” này, phần lớn có ít nhất một số đặc điểm của NDE.

Rõ ràng, một nghiên cứu lớn hơn nhiều trong tương lai, có thể bao gồm nhiều tổ chức, sẽ phải được thực hiện để có đủ các đối tượng, để cho các khía cạnh tâm lý, siêu nghiệm, và sinh lý của những trải nghiệm này có thể được nghiên cứu đầy đủ hơn.

Sau khi báo cáo nghiên cứu được công bố, Tiến sĩ Sam Parnia, tác giả chính của cuộc nghiên cứu này, đã nói với Reuters rằng ông và các cộng sự đã tìm thấy hơn 3.500 người có những ký ức rõ ràng về những trải nghiệm mà dường như đã xảy ra khi họ bị chết lâm sàng.

Một bệnh nhân mới chỉ 2 tuổi rưỡi khi bé bị một co giật gây ngừng tim. Cha mẹ của bé cho biết cậu bé “đã vẽ một bức hình của chính mình như thể bé đang ở ngoài cơ thể và nhìn xuống chính mình”.

“Bức tranh đã được vẽ như có một quả bóng dính với cậu bé. Khi họ hỏi quả bóng đó là gì, cậu bé nói, ‘Khi người ta chết thì sẽ nhìn thấy ánh sáng chói lòa và họ được kết nối với một sợi dây’”. Trong 6 tháng sau khi ra viện, cậu bé vẫn tiếp tục vẽ vẫn cảnh tượng ấy.

Parnia cho rằng ý thức của con người có thể làm việc độc lập với bộ não, sử dụng bộ não như là một cơ chế để thể hiện các tư tưởng, giống như một chiếc tivi chuyển tín hiệu truyền qua không gian thành các hình ảnh và âm thanh.

Để đọc báo cáo nghiên cứu này, vui lòng đến địa chỉ website: http://www.horizonresearch.org/ndearticle_1_.pdf

(Theo PureInsight/Epoch Times)



Ngày đăng: 25-10-2010

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.