Hạnh phúc gia đình thật đẹp
Tác giả: Đặng Anh Sĩ
[ChanhKien.org]
Văn hóa Trung Hoa có lịch sử lâu đời và bác đại tinh thâm. Mỗi từ, mỗi câu đều chứa đựng vô số nội hàm và trí tuệ quảng đại.
“Thiên luân chi lạc” là câu thành ngữ đề cập đến cảnh các thành viên trong gia đình đoàn tụ cùng sinh sống hạnh phúc, đặc biệt là người già và con cháu hậu thế cùng chung sống.
Người phương Tây coi việc đưa con cái về thăm ông bà trong những ngày nghỉ lễ là hạnh phúc gia đình. Sự lý giải này rất phiến diện. Một cuộc hội ngộ ngắn ngủi tất nhiên sẽ đi kèm với một cuộc chia ly không nỡ rời xa. “Đa tình tự cổ thương ly biệt” (người đa tình từ xưa đến nay đều buồn thương cho sự ly biệt), họ là những người hết mực thân thiết, cùng chung huyết thống, sao chúng ta có thể vô tình? Sau khi chia tay luôn để lại sự tương tư, cô độc và trống vắng vô tận. Khi trẻ em phương Tây đến tuổi trưởng thành, phần lớn sẽ sống tự lập xa cha mẹ. Hạnh phúc gia đình đích thực là thứ xa xỉ vô cùng khan hiếm đối với người già ở phương Tây, và hầu hết họ đều già đi trong cô đơn hiu quạnh.
Hạnh phúc gia đình đích thực là khi trong một gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống. Tam thế đồng đường (ba thế hệ chung sống dưới một mái nhà), tứ thế đồng đường (bốn thế hệ chung sống dưới một mái nhà) là những ví dụ điển hình. Trong một khoảng sân rộng, nhiều thế hệ quanh năm suốt tháng chung sống cùng nhau. Ngay cả sau khi hai anh em đã trưởng thành, họ vẫn không rời đi. Chú bác thân thiện, cha từ con hiếu, chị em dâu tôn trọng nhau, gia đình hòa thuận; tương thân tương trợ, cả nhà vui vẻ.
Vẻ đẹp của hạnh phúc gia đình ở đâu?
Giữa những người ruột thịt luôn có một loại duyên phận kỳ diệu. Nói chung, không có gì thân cận, thân thiết và ấm áp hơn việc truyền thừa huyết thống.
Khi người thân ở bên nhau, sự hồn nhiên ngây thơ của trẻ nhỏ, sự nhiệt tình, gần gũi của người lớn, sự khoan dung, nhân từ của người già luôn đi kèm với sự mừng vui thanh thản, hạnh phúc và hy vọng, khiến người ta cảm thấy thỏa mãn về tâm linh, vui vẻ về tinh thần, làm cho cuộc sống hạnh phúc sung mãn vô tận.
Đối với gia đình mà nói, người lớn tuổi từng trải nhiều, kinh nghiệm dày dặn, mối quan hệ xã hội rộng rãi. Khi già đi, trí tuệ của họ không hề suy giảm. Họ có rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và công tác có thể truyền thụ lại cho người trẻ. Trung Quốc có nhiều phong tục tập quán và đạo lý đối nhân xử thế, người trẻ tuổi rất khó chú ý đến mọi mặt. Một khi có những người già thì họ có thể dựa vào để tránh đi đường vòng. Vì thế có câu nói: “Trong nhà có người già như có báu vật”.
Người già có thể hỗ trợ việc giáo dục trẻ nhỏ. Nói chung, giao con cái cho ông bà là yên tâm nhất. Khi ông bà còn trẻ, họ có thể có những thiếu sót trong việc giáo dục con cái của mình. Khi thời gian trôi qua và kinh nghiệm nhiều hơn, họ càng hiểu rõ điều gì là quan trọng hơn đối với sự phát triển của con trẻ và điều gì mà con cháu sẽ tự nhiên làm được tốt khi chúng lớn lên. Dẫu sao, dưới áp lực của cuộc sống, cha mẹ trẻ luôn có những hạn chế khác nhau. Việc chỉ bảo của ông bà có thể bù đắp cho sự giáo dục còn thiếu và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, an toàn hơn.
Khi một người già chăm sóc cháu ruột của mình, họ dễ dàng tức cảnh sinh tình. Họ nhớ lại những năm tháng đã qua của bản thân, quá khứ nhạt nhòa, trong tâm phát sinh nhiều khao khát, hy vọng và mong đợi. Có lẽ họ sẽ vẫn nghĩ đến chính ông bà nội của mình, nhân cơ hội bù đắp khiếm khuyết, giải quyết sự tiếc nuối.
Sự truyền thừa từ ông bà qua các thế hệ cho phép vẻ đẹp của gia đình được truyền lại lâu hơn. Những điều “bà nội tôi đã nói” và “nghe ông nội chúng ta nói” sẽ làm cho xã hội trở nên nhìn xa trông rộng hơn, hài hòa hơn và ổn định hơn.
Khi người ta già đi, các cơ năng của thân thể suy giảm, cử động của họ trở nên chậm hơn và không còn nhanh nhẹn nữa. Tuy nhiên, người già có thể làm những gì họ có thể, phụ giúp làm những việc vặt đơn giản như dọn dẹp vệ sinh, đón đưa trẻ em, v.v. Ngày nay, phòng ốc rất rộng, vấn đề bụi bặm cũng trọng yếu, nếu không được dọn dẹp trong ba ngày, bụi dày sẽ tích tụ khắp nơi trên đồ đạc, bàn và sàn nhà. Việc dọn dẹp mỗi ngày thực sự rất tốn công sức. Đối với nhân viên văn phòng thì điều đó là vô cùng khó khăn. Người già có thể hoạt động cử động gân cốt, điều này có thể giảm bớt rất nhiều thời gian làm việc vặt trong nhà cho người trẻ.
Hầu hết người già chỉ khi ốm đau mới cần đến sự chăm sóc của người khác. Có con cái và người thân bên cạnh có thể ngăn ngừa bất trắc và kịp thời cứu chữa, làm cho người già tự tại hơn và an tâm hơn. Cuộc sống dưỡng lão như vậy cũng thích ý hơn và thực tế hơn.
Nói chung, những người thân đã sống lâu năm với người già nên họ hiểu rõ hơn về thói quen sinh hoạt, tính khí, tính cách của người già. Khi người ta sắp qua đời, ai có thể hiểu được những ánh mắt mong đợi, những cử chỉ yếu ớt, những lời thì thầm, những âm thanh mơ hồ giọng quê cha đất tổ hơn người thân? Khi lâm chung, người già được bao quanh bởi những người thân yêu. Thấy con cái làm ăn phát đạt, người già cũng ra đi thanh thản không tiếc nuối.
Hạnh phúc gia đình là một lối sống vô cùng tươi đẹp và cũng là phương pháp dưỡng lão hạnh phúc nhất của người già. Trí tuệ vĩ đại của dân tộc Trung Hoa đáng được nhân dân khắp thế giới học hỏi.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/291318
Ngày đăng: 24-12-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.