Hội họa Trung Quốc: Hộ Pháp Đồ



Tác giả: Thiên Ngoại Khách

[ChanhKien.org]

Bức tranh này có tên “Hộ Pháp Đồ”, là tranh thủy mặc vẽ trên giấy, dùng phương pháp trọng thải đạm (tô màu đậm nhạt), kích thước 149,7 cm x 79 cm, được vẽ vào mùa hè năm 2018.

Vẽ tranh cũng như viết văn, muốn sáng tác một cách lý tính thì đầu tiên phải lập dàn ý, sau đó dùng bút mực tạo dựng bố cục. Mục đích ban đầu của tác giả là muốn vẽ một tác phẩm có cảm giác chuyển động mạnh mẽ, nhằm thể hiện sức mạnh hoặc sự răn đe, bởi vì thể loại tác phẩm này rất hiếm thấy trong lịch sử hội họa Trung Quốc, nhưng lại rất phổ biến trong các tác phẩm hội họa phương Tây, đặc biệt là những tác phẩm thuộc dòng tranh tôn giáo thể hiện Thần và Thiên đường – những tác phẩm này phác họa nhiều tình tiết, bối cảnh được phủ lên nhiều lớp màu khiến nó toát lên lực biểu cảm mạnh mẽ, hiệu quả thị giác cũng rất chân thực, vì vậy nó dễ dàng tác động đến bề mặt con người, từ đó chạm đến nội tâm của người xem. Thế nhưng cách thể hiện của hội họa Trung Quốc thường không quá chú trọng đến việc làm xung động cảm quan bề mặt của con người. Bằng cách đặt một nửa nội dung cần thể hiện vào việc “tả ý” thì ý cảnh cũng đã trở nên uyển chuyển, nội hàm cũng rất cô đọng. Khi thưởng thức tác phẩm hiển nhiên cũng cần chậm rãi, nội hàm cũng dần hiện ra thuận theo những biến hóa trong tư tưởng và tâm tình của người xem. Đồng thời, hội họa Trung Quốc khi sáng tác cũng không quá chú trọng đến việc khắc họa bối cảnh. Điều này dẫn đến một vấn đề là khả năng biểu đạt ra bên ngoài không theo kịp được hội họa phương Tây vốn có thể trực tiếp chạm đến bề mặt con người. Nói cách khác, hình thức biểu hiện của hội họa Trung Quốc đưa ra yêu cầu đối với người xem cao hơn so với hội họa phương Tây. Chí ít người xem cần hiểu được những đặc điểm này của hội họa Trung Quốc thì mới có thể tiếp thu nội hàm đằng sau mà tranh Trung Quốc thể hiện.

Vậy làm thế nào để khiến hiệu ứng thị giác bề mặt của hội họa Trung Quốc cũng có thể giống như hội họa phương Tây nhưng không làm mất đi đặc điểm của nó? Lấy gợi ý từ “Âm nhạc Shen Yun”, tôi liên tưởng nếu lấy ý vị tranh Trung Quốc truyền thống làm cơ sở, kết hợp với sức mạnh biểu cảm được tạo ra bằng cách phủ lên nhiều lớp màu ở phần bối cảnh của hội họa phương Tây, lại thêm vào nội hàm hồng đại trong tu luyện Chính Pháp, phải chăng sẽ làm chấn động lòng người?

Sau khi có những ý tưởng sơ bộ kể trên, việc còn lại chính là vấn đề lựa chọn đề tài. Tôi luôn muốn thể hiện cảnh chính tà giao tranh kịch liệt, nhưng ở hoàn cảnh Đại Lục hiện nay, những nội dung này không phù hợp để bộc lộ trực tiếp, vậy nên tôi chọn “hình thức ẩn ý” để diễn đạt nội hàm một cách uyển chuyển và khéo léo. Khi chọn đối tượng tà ác, hình ảnh đầu tiên mà tôi nghĩ tới chính là con rồng đỏ. Hình tượng của Trung Cộng ở không gian tầng thấp khác chính là hình tượng con rồng đỏ. Mà đại bàng vừa hay là khắc tinh của rồng và rắn. Vả lại trong chuyện cổ Phật giáo kể rằng, đại bàng là hộ Pháp của Phật Như Lai, như thế có thể ẩn dụ cho nội hàm các đệ tử Đại Pháp hôm nay đang hộ Pháp tại nhân gian, vì vậy ý tưởng đại bàng đánh rồng đỏ dần dần được hình thành.

Bố cục của một bức tranh rất quan trọng, bởi vì nó liên quan đến sự thành bại của tác phẩm, lại còn có thể phản ánh năng lực sáng tác của tác giả. Nếu muốn làm nổi bật nội hàm của chủ đề thật tốt, người vẽ cần phải sắp xếp tốt vị trí của chủ thể người hoặc đối tượng trong tác phẩm. Ở tác phẩm này, căn cứ vào vị trí của chính và tà, tất nhiên nhân vật chính diện phải được đặt ở vị trí nổi bật nhất tại trung tâm bức tranh, để người xem vừa nhìn là thấy ngay đại bàng. Đại bàng đại diện cho lực lượng chính nghĩa đến từ Thần, bởi vậy phía sau đại bàng là Phật quang xuyên thấu mây đen tầng thấp. Về mặt nội hàm nên được thể hiện như vậy, thể hiện nghệ thuật cũng nên được thể hiện như vậy, như thế chủ đề mới có thể được làm cho nổi bật rõ ràng hơn, từ bố cục bề mặt đến triển hiện nội hàm cũng thông suốt chặt chẽ. Rồng đỏ dĩ nhiên được đặt trong đám mây đen ảm đạm, bởi vì trường do các nhân tố phụ diện phát phóng ra có màu đen. Màu sắc của rồng đỏ cũng bị làm cho nhạt đi trong lúc vẽ, chỉ tô điểm một chút màu đỏ. Bởi vì màu đỏ quá đậm dễ mất kiểm soát, rất có thể nó sẽ thu hút sự chú ý của người xem vào rồng đỏ, như thế cái phụ sẽ lấn át cái chính, nên màu đỏ của con rồng là cố ý làm cho nhạt đi. Như vậy cũng giúp rồng đỏ dễ hòa vào nền mây đen hơn, càng làm nổi bật hơn nữa tính chủ thể của đại bàng.

Nhằm thể hiện sức mạnh vượt trội của chim đại bàng trước rồng đỏ, trước hết phải vẽ kích thước của nó lớn hơn rồng đỏ. Như vậy thị giác và tâm lý của người xem sẽ sản sinh cảm giác chính nghĩa và niềm tin vào chân lý hiển nhiên tà không thể thắng chính, với tâm lý người xem như vậy cũng là hợp lý.

Nghệ thuật là bắt nguồn từ cuộc sống và thổi phồng cuộc sống lên, thông thường ở chỗ nội hàm cần biểu đạt có thể có một khoảng không gian nhất định để gia công nghệ thuật. Ví như chân của đại bàng được cố ý vẽ cho to và chắc hơn, trên thực tế chân của đại bàng không được to chắc đến như thế. Điều này có thể tạo ra cảm giác sức mạnh áp đảo tại khoảnh khắc đại bàng đẩy rồng đỏ vào chỗ chết. Mặc dù nghe có vẻ vô lý về mặt vật lý, nhưng lại hợp lý về mặt tâm lý, người ta cảm thấy nó vốn dĩ nên là như vậy. Nếu lấy tư duy cứng nhắc để đối chiếu với vật thật thì thể hiện không ra được sự tuyệt diệu trong sáng tác nghệ thuật. Chẳng những có thể thêm bớt hoặc sửa đổi cấu trúc của vật thể theo cách này (tất nhiên là không thể sửa đổi quá mức, nếu không sẽ mất đi tính chân thực, chỉ cần sửa đổi trong phạm vi hợp lý thì không thành vấn đề), mà trong các tác phẩm có động vật, đôi khi có thể để động vật thể hiện ra biểu cảm ở một mức độ nhất định nào đó, làm cho cảm xúc nội tâm của nó thể hiện ra bên ngoài. Cũng giống như biểu hiện trong bức tranh này, ánh mắt sắc bén của thần điêu và thần sắc sợ hãi của con rồng đỏ lúc bị bắt được biểu hiện rất sinh động, đây cũng là điểm xuất sắc nhất và chỗ mà tác giả mãn nguyện nhất trong tác phẩm. Cách biểu hiện này cũng rất kịch tính.

“Tả ý” thực ra là gì? Một tầng hàm nghĩa của nó chính là diễn tả ra được cái ý sinh động, chứ không phải là thể loại tranh “đại tả ý” từ thời cận đại tới nay vì để giản lược mà lược bớt đi. Sinh động là gì? Nói cho dễ hiểu là vẽ sao cho sống động, có thể vẽ các loài động thực vật trong giới tự nhiên biểu hiện ra tình cảm giống như con người. Sự sinh động hay không sinh động của một số sự vật không phải được quyết định bởi hình thức thể hiện tinh xảo bề mặt hay thô kệch giản đơn, mà là dựa vào biểu hiện để thực hiện một cách “chuẩn xác”. Những sự vật khác nhau có khuynh hướng cảm xúc khác nhau, tính chất vật lý khác nhau, trạng thái khác nhau, nếu muốn những thứ “khác nhau” ấy thể hiện ra bên ngoài một cách chính xác và hợp lý thì cần phải có một trình độ nhất định. Chẳng những thủ pháp, công phu phải giỏi mà cảnh giới tâm tính còn phải cao.

Quá khứ trong Phật giáo giảng về lục đạo luân hồi, cho dù là con người, động vật, thực vật,.. thì sinh mệnh chân chính là nguyên thần chứ không phải thân thể vật chất bề mặt! Nếu như nguyên thần của một người không còn nữa, thân thể bề mặt chính là một cái xác không hồn. Trên thực tế, hội họa truyền thống Trung Quốc vẫn luôn chú trọng đến nội hàm và nội tại, chính là chỉ điều này. Cái gọi là “có thần” chính là có thể đưa cái bản chất bên trong của một sinh mệnh mà vẽ ra, bất kể hình thái sinh mệnh của nó là như thế nào. Có thể vẽ chuẩn xác những phần nội tại của sự vật mới là người cao minh, nếu không họ chỉ là những họa sĩ vẽ vật mẫu mà thôi. Mặc dù nhìn bề ngoài thì thấy vẽ rất giống, nhưng tổng thể lại khiến người xem cảm thấy không giống và có xu hướng lạc vào sự cách điệu trong thể hiện kỹ thuật.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/251894



Ngày đăng: 15-04-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.