Chân Nhân Trương Đạo Lăng bảy lần thử đệ tử Triệu Thăng



Tác giả: Doãn Tiên

[Chanhkien.org]

Chú thích của người biên tập: phần biên soạn này kể về câu chuyện Chân Nhân Trương Đạo Lăng đã khảo nghiệm đệ tử Triệu Thăng của ông ra sao. Bảy thử thách này là: thử thách thứ nhất, nhục mạ không đi. Thứ thách thứ 2, thấy sắc đẹp không động tâm. Thử thách thứ 3, gặp vàng không lấy. Thử thách thứ 4, gặp hổ không sợ. Thử thách thứ 5, đền lụa không tiếc, bị vu khống không biện bạch. Thử thách thứ 6, có lòng bố thí tài vật. Thử thách thứ 7, buông xả tính mệnh mà theo thầy. Thông qua câu chuyện này, chúng ta có thể từ một khía cạnh nào đó mà liễu giải được sự thành tâm cầu đạo của người xưa, và sự không hề dễ dàng của việc giữ chính tín đối với sư phụ cũng như việc đắc đạo.

“Thế nhân khai khẩu thuyết thần tiên, nhãn kiến hà nhân thượng cửu thiên? Bất thị tiên gia tẫn hư vọng, tòng lai nan đắc đạo tâm kiên.”

Tạm dịch:

Thế nhân mở miệng nói về thần tiên, đã mắt thấy được ai lên chín tầng trời? Không phải pháp môn tu tiên huyễn hoặc, chỉ là đến giờ vẫn khó có người kiên định tu đạo.

Trong số đệ tử ở trên núi thấu tỏ được pháp lực quảng đại của Chân Nhân Trương Đạo Lăng thì chỉ có một người là Vương Trường, vốn được chân truyền riêng. Điều này khiến các đệ tử khác xôn xao bàn tán, nghi ngờ Chân Nhân thiên lệch, không muốn truyền pháp. Chân Nhân nói: “Các ngươi tục khí chưa trừ, ta sao có thể yên tâm mà truyền?… Giờ Ngọ ngày bảy tháng giêng sang năm, sẽ có một người từ phương Đông đến, mặt vuông thân ngắn, trong mặc áo lông điêu ngoài khoác áo gấm, đấy là người ở trong Đạo một cách chân chính, không kém gì Vương Trường đâu.” Đám đệ tử nghe vậy, bán tín bán nghi.

Đến ngày bảy tháng giêng, già nửa chính Ngọ, Chân Nhân bèn nói với Vương Trường: “Sư đệ ngươi tới rồi, có thể làm như vậy như vậy.” Vương Trường lĩnh chỉ, đi ra khỏi sơn môn, ngóng ở phía Đông, quả nhiên thấy một người đi tới. Mặt mũi áo quần giống như Chân Nhân nói, đám đệ tử trong lòng lấy làm kỳ lạ. Vương Trường nói riêng với đám đệ tử: “Thầy ta muốn truyền pháp cho người này, chi bằng lúc hắn tới chớ cho biết gì; ngoài ra còn nhục mạ thêm vào, không cho nhập môn; thế tất phải bỏ đi vậy.” Đám đệ tử nhìn nhau, cho là kế hay. Người nọ đến cửa, tự xưng họ Triệu, tên Thăng, người Ngô Quận, hâm mộ đạo pháp cao diệu của Chân Nhân, đặc biệt đem lòng đến bái yết. Đám đệ tử đáp: “Thầy của bọn tôi đã ra ngoài ngao du rồi, không dám tự tiện giữ khách ở lại.” Triệu Thăng chắp tay hành lễ đứng đợi, mọi người cũng tản đi mất. Đến tối muộn, cứ thế đóng cửa không cho vào. Triệu Thăng bèn ngủ ở ngoài cửa.

Sang ngày kế tiếp, lúc đám đệ tử mở cửa nhìn ra, thấy Triệu Thăng đã chắp tay đứng đợi ở ngoài, xin cầu gặp sư trưởng. Đám đệ tử nói: “Thầy của bọn tôi rất là nghiêm khắc, bọn tôi hầu hạ hơn mười năm, không mảy may được truyền thụ bí quyết, anh đến có ích gì?” Triệu Thăng nói: “Truyền với không truyền, hoàn toàn do thầy. Nhưng tôi đường xa đến đây, chỉ nguyện được thấy thầy một lần, coi như an ủi niềm ngưỡng mộ trong đời mà thôi.” Đám đệ tử lại nói: “Anh muốn gặp, chỉ có điều thầy của bọn tôi quả thực không có ở đây. Biết ông ngày nào về núi? Túc hạ chớ mỏi mòn chờ mãi, kẻo lỡ dở tiền đồ.” Triệu Thăng nói: “Tôi đến đây, là xuất phát từ lòng thành gom góp bấy lâu. Nếu Chân Nhân mười ngày không về, nguyện chờ mười ngày; trăm ngày không đến, nguyện chờ trăm ngày.” Mọi người thấy Triệu Thăng qua mấy ngày vẫn đứng đó không về, thì lại càng thêm ghét. Dần dần buông lời khinh miệt, sau đó đối đãi như với kẻ ăn mày, lời lẽ cay độc nhục mạ. Triệu Thăng càng thêm hoà nhã, hoàn toàn không đấu lại. Buổi sáng mỗi ngày ông vào trong thôn mua cơm ăn, ăn xong liền tới trước cửa đứng chờ. Buổi chiều, mọi người không cho vào cửa, thì ngủ trước thềm, cứ như vậy hơn bốn mươi ngày. Đám đệ tử nói với nhau: “Mặc dù từ chối nhưng hắn không bỏ đi, may mà giấu được sư phụ, thời gian lâu vậy mà không phát hiện ra”. Bỗng Chân Nhân ở pháp đường đánh chuông triệu tập mọi người, nói rằng: “Đệ tử họ Triệu đến đã hơn bốn mươi ngày, chịu nhục đã trọn, hôm nay có thể cho người vào gặp.” Đám đệ tử kinh hãi, mới hiểu được sư phụ linh thông biết trước rồi. Vương Trường nhận lệnh thầy, ra kêu Triệu Thăng vào gặp. Triệu Thăng vừa thấy Chân Nhân, nước mắt nước mũi ròng ròng, dập đầu xin làm đệ tử. Chân Nhân đã biết anh ta thật lòng cầu đạo, vẫn muốn thử thêm, qua mấy ngày, sai ra ở chòi ruộng, trông coi lúa má.

Triệu Thăng phụng mệnh đi tới ruộng, chỉ có một gian nhà tranh nho nhỏ, xung quanh không có gì chống dựa, dã thú vãng lai rất nhiều. Triệu Thăng sớm tối trông coi xua đuổi, không chút lơi là. Chợt có một đêm, trăng sáng như ban ngày. Triệu Thăng ngồi một mình trong nhà tranh, bỗng thấy một nữ nhân, mặt mũi xinh đẹp vô cùng. Đi vào trong nhà, thao thao thi lễ vấn an. Nói rằng: “Thiếp là con gái nhà nông ở thôn Tây, theo bạn ra ngoài ngắm trăng. Vì vào trong ruộng đi vệ sinh, mà mất dấu bạn, tìm không thấy, lạc đường đến tận đây. Hai chân đi đã phát đau mỏi, giờ cất nửa bước cũng khó, xin thiện sĩ thương cảm, cho ở lại một đêm, ơn này không quên.” Triệu Thăng kiên quyết từ chối, nhưng nữ nhân đã đi thẳng đến giường của anh, ngả người xuống ngủ. Miệng nũng nịu kêu chân đau nhức. Triệu Thăng nhận thấy vậy, không biết làm sao được, đành phải để cho cô ta ngủ lại. Bản thân thì trải một ít cỏ rơm ra, để nguyên y phục mà ngả lưng, ngủ qua một đêm. Ngày kế, nữ nhân kia vẫn lấy cớ chân đau nhức, cố ý không chịu rời đi, làm bộ làm tịch xin trà xin cơm. Triệu Thăng đành phải đáp ứng cô ta. Đến tối muộn, thì cô ta tự thoát y, lại níu quần kéo áo Triệu Thăng. Triệu Thăng tâm như sắt đá, thấy nữ nhân có ý tà vạy, thì ngay cả nhà tranh cũng không bước vào nữa, anh liền ra bờ ruộng ngồi ở đó đến sáng. Tới ngày thứ tư, không thấy nữ nhân kia đâu, chỉ thấy trên tường, đề bốn câu thơ viết rằng:

“Mỹ sắc nhân giai hảo, như quân thiết thạch tâm. Thiểu niên bất tác nhạc, cô phụ hảo quang âm.”

Tạm dịch: “Người ta đẹp là thế, mà chàng lòng dạ sắt đá . Tuổi trẻ không vui vẻ, phí mất năm tháng tốt đẹp.”

Chữ viết mềm mại, nét mực như mới. Triệu Thăng xem xong, cười to nói: “Tuổi trẻ tham vui, có thể được bao lâu?” Liền cởi giày ra lấy đế mà xóa sạch chữ trên tường đi.

Hết vụ mùa, xuân qua thu đến. Triệu Thăng phụng mệnh Chân Nhân, lấy rìu ra phía sau núi đốn củi. Vô tình khi chặt ngã một cây tùng khô, dùng lực mạnh mẽ, hốp la một tiếng, cây tùng bật cả rễ lên. Triệu Thăng dùng hai tay rút gốc tùng lên, lúc nhìn xuống dưới thì thấy hiện ra một hố vàng sáng chói. Chợt nghe trong không trung có tiếng người nói: “Trời ban cho Triệu Thăng.” Triệu Thăng thầm nghĩ: “Tôi là người xuất gia, cần số vàng này làm gì? Huống hồ không công cán gì, há lại có thể tham ban thưởng của trời?” Bèn đem đất lấp lại. Thu dọn củi xong, thấy thân thể mệt mỏi, ngồi dựa vào đá, nghỉ ngơi một lát. Bỗng nhiên cuồng phong gào thét, từ trong hốc núi nhảy ra ba con cọp đốm vàng. Triệu Thăng ngồi yên không động, một con hổ bám lấy Triệu Thăng, cắn y phục của anh, nhưng không làm bị thương. Triệu Thăng hoàn toàn không sợ hãi, mặt không biến sắc, nói với hổ rằng: “Triệu Thăng tôi đời này không có làm việc trái lương tâm, nay vứt bỏ nhà cửa, không quản đường xa, tới tìm minh sư, cầu đạo trường sinh bất tử. Nếu kiếp trước nợ ngươi, kiếp này cho ngươi nhai nuốt, không dám lẩn tránh; nếu như không phải, thì ngươi mau đi đi, đừng ở đây làm phiền người.” Lũ hổ nghe vậy, đều cúi đầu cúp tai bỏ đi. Triệu Thăng nói: “Đây tất là sơn thần sai tới thử mình. Sống chết có số, mình sợ gì đây!”. Triệu Thăng hôm đó gánh củi về, cũng không kể cho đồng môn chuyện thấy vàng, gặp hổ.

Lại có một ngày, Chân Nhân giao phó Triệu Thăng ra chợ mua mười cuộn lụa. Triệu Thăng trả tiền xong, đem lụa đi về. Đi tới giữa đường, chợt nghe phía sau có người la hét: “Đạo tặc cướp lụa đứng lại!” Triệu Thăng quay đầu lại nhìn, chính là người chủ bán lụa, chạy như bay đến, kéo lấy Triệu Thăng, nói rằng: “Tiền lụa chưa đưa, sao đem lụa của ta đi? Mau mau trả ta, thanh toán đầy đủ!” Triệu Thăng cũng không tranh biện, nhưng nghĩ: “Lụa này là vật mà thầy ta cần dùng, nếu trả ông ta, làm sao nói lại với sư phụ?” Nghĩ vậy bèn cởi áo lông chồn đưa cho chủ lụa, đúng với giá lụa. Chủ lụa nghi thiếu, Triệu Thăng bèn cởi thêm áo gấm ra đưa, chủ lụa mới bỏ đi. Triệu Thăng đem lụa về dâng lên Chân Nhân. Chân Nhân nói: “Y phục trên người ngươi đi đâu cả rồi?” Triệu Thăng nói: “Thấy nóng nực, không hề mặc.” Chân Nhân khen rằng: “Không tiếc tài vật bản thân, không nói đến lỗi sai của người, thật khó tìm.” Bèn lấy một áo bào vải, ban thưởng cho Triệu Thăng, Triệu Thăng vui vẻ mặc.

Lại có một ngày, Triệu Thăng và đồng môn ở đồng ruộng thu hoạch lương thực, chợt thấy bên đường có một người, ngửa mặt xin ăn, áo quần rách nát, mặt mũi cáu bẩn, thân thể lở loét mưng mủ, hôi thối phát sợ; hai chân hoại tử, không thể đi lại. Các đồng môn khác ai ai cũng bịt mũi, quát mắng đuổi người đó đi. Triệu Thăng không nhẫn tâm, bèn dìu người đó vào ngồi trong nhà tranh, hỏi han bệnh tật, rồi đem cơm canh của mình sẻ bớt cho anh ta ăn cùng. Tiếp đến lại đun một thùng nước nóng, giúp anh ta tẩy rửa xú uế. Người nọ lại kêu trên người lạnh rét, xin áo mặc. Triệu Thăng lấy áo bào vải ra, cởi cả áo mặc trong, mặc cho anh ta. Ban đêm niệm tình anh ta không chỗ nương tựa, Triệu Thăng tự mình coi sóc trò chuyện. Đến nửa đêm, người nọ kêu muốn đi vệ sinh. Triệu Thăng nghe gọi, vội vàng trở dậy, dìu anh ta đi vệ sinh, xong lại dìu anh ta vào. Ban ngày sẻ cơm nuôi anh ta. Hằng ngày Triệu Thăng ăn không cầu no, ban đêm dụng tâm trông nom. Cứ thế hơn mười ngày, hoàn toàn không mệt mỏi chán nản. Người nọ lở loét gần khỏi, bỗng nhiên không từ biệt mà dời đi. Triệu Thăng cũng chẳng oán trách trong lòng. Đời sau có thơ khen rằng:

“Phùng nhân hoạn nạn yếu thi nhân, vọng báo chi thời diệc tiểu nhân. Bất lận thi nhân bất vọng báo, phân minh thiên địa bố dương xuân.”

Tạm dịch: “Gặp người hoạn nạn muốn bố thí, trông chờ báo đáp là tiểu nhân. Vui lòng bố thí không mong báo đáp, trời đất rõ ràng báo mùa xuân”.

Nhằm lúc đầu hạ, một ngày Chân Nhân tập hợp đệ tử, cùng lên đỉnh Thiên Trụ. Đỉnh Thiên Trụ nằm ở bên trái núi Hạc Minh. Ba mặt cheo leo dựng đứng, dáng uy nghi sừng sững. Chân Nhân dẫn đệ tử đến đỉnh núi nhìn xuống thì thấy một cây đào. Cây mọc ngang ra trên vách núi, giống như người thò tay ra, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Trên cây đào mọc ra rất nhiều trái chín đỏ, trông rất ngon mắt. Chân Nhân nói với các đệ tử: “Ai có thể lấy được đào này, sẽ được ta nói cho yếu lĩnh tu Đạo.” Khi đó các đệ tử ngoại trừ Vương Trường, Triệu Thăng ra, có cả thảy 214 người. Khi dòm xuống vực, tất cả chân đứng không vững sợ toát mồ hôi. Thoáng nhìn một cái đã cuống quýt lui bước, chỉ e rớt xuống. Chỉ có một người, đĩnh đạc bước ra, chính là Triệu Thăng. Anh nói với mọi người: “Thầy ta lệnh ta lấy đào, tất có lý do; lại có Thánh Sư ở đây, quỷ thần phù hộ, tất sẽ không để ta chết trong thâm sơn cùng cốc này.” Nói rồi bèn nhắm đúng chỗ cây đào mà nhảy xuống. Thật là chuyện lạ, nhảy không nghiêng không lệch, không cao không thấp, hai chân bung ra, vừa vặn cưỡi lên cây đào, lại có thể hái trái. Trông lên phía trên thì thấy vách đá cheo leo dựng đứng hai ba trượng, bốn bề lại không có gì bám víu, không thể leo lên trên, bèn lấy đào hái được mà ném lên phía trên. Chân Nhân lấy tay cứ thế bắt lấy hết trái này đến trái khác. Ném xong thì hái, hái xong lại ném; phía dưới ném bên trên đón, hái sạch cả cây đào. Chân Nhân nhận xong đào, tự mình ăn một trái, Vương Trường ăn một trái, giữ một trái cho Triệu Thăng, vừa vặn còn lại 214 trái, chia cho các đệ tử mỗi người một trái, không nhiều không ít.

Chân Nhân hỏi: “Trong các đệ tử ai có bản sự, dẫn được Triệu Thăng lên?” Các đệ tử nhìn nhau, không ai dám đứng ra? Chân Nhân tự mình đến miệng vực, đưa một tay ra, hướng dẫn Triệu Thăng. Cánh tay lúc này đột nhiên dài ra hai ba trượng, đến sát bên Triệu Thăng. Triệu Thăng bám theo cánh tay mà lên, thấy vậy các đệ tử ai cũng kinh hãi. Chân Nhân đem trái đào còn lại đưa cho Triệu Thăng ăn. Sau đó cười mà nói rằng: “Triệu Thăng tâm ngay chính, có thể nhảy lên cây, chân không trượt ngã. Ta hiện tại muốn tự mình nhảy xuống, nếu tâm ngay chính, có thể có trái đào lớn.” Các đệ tử đều can rằng: “Thầy tuy đạo pháp quảng đại, há lại có thể tự thí mình vào chỗ vực sâu bất trắc sao? Mới vừa rồi Triệu Thăng may dựa vào thầy hướng dẫn. Nếu thầy rớt xuống, còn có người nào giúp đỡ hướng dẫn thầy? Không thể nào được.” Có mấy người cứ khuyên can, năn nỉ. Duy chỉ có Vương Trường, Triệu Thăng, lặng lẽ không nói gì. Chân Nhân không theo lời khuyên mọi người mà nhảy vào khoảng không. Mọi người vội dò xét trên cây đào thì không thấy tung tích Chân Nhân đâu; nhìn phía dưới thăm thẳm không đáy lại không có đường thông. Hiển nhiên Chân Nhân đã rơi xuống vực sâu không biết sống chết tồn vong thế nào. Các đệ tử người nào người nấy khóc lóc than vãn. Triệu Thăng nói với Vương Trường rằng: “Thầy cũng như cha. Thầy ta nhảy xuống vực sâu bất trắc, chúng ta làm sao yên ổn một mình cho được? Không bằng cùng nhảy xuống phía dưới xem tung tích thầy ra sao.” Vì vậy hai người Thăng, Trường đều tung người nhảy xuống. Chỉ thấy [phía dưới] Chân Nhân [đã] ngồi ngay ngắn ở trên phiến đá, thấy Thăng, Trường nhảy xuống, Chân Nhân cười to nói: “Ta định liệu hai ngươi tất sẽ tới.”

Những mẩu chuyện này, tiểu thuyết gia gọi là “Bảy lần thử thách Triệu Thăng”. Bảy thử thách là gì? Thử thách thứ nhất, bị nhục mạ không bỏ đi. Thử thách thứ hai, sắc đẹp không làm động tâm. Thử thách thứ ba, thấy vàng không lấy. Thử thách thứ tư, thấy hổ không sợ hãi. Thử thách thứ năm, đền lụa không tiếc, bị vu khống không tranh biện. Thử thách thứ sáu, có lòng bố thí tài vật. Thử thách thứ bảy, buông bỏ sinh tử mà theo thầy.

Nguồn gốc bảy thử thách này, đều là chủ ý của Chân Nhân. Vàng, mỹ nữ, cọp, người ăn mày, đều là ông sai khiến tinh linh biến hóa mà thành. Người chủ bán lụa, cũng là giả. Cái này gọi là lấy giả thử thật. Bảy việc đều thử qua, có thể thấy rõ Triệu Thăng không có chút nào dính mắc vào thất tình, trừ sạch tục khí, vậy mới có thể là người tu Đạo.

Đến lúc, quần tiên bày lễ nghi, nhạc trời đưa lối, Chân Nhân cùng với Vương Trường, Triệu Thăng bạch nhật thăng thiên ở núi Hạc Minh.

(Nguồn: “Dụ thế minh ngôn” của Phùng Mộng Long)

Dịch theo:

https://www.zhengjian.org/node/8135



Ngày đăng: 09-11-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.