Khoa học vô tình chứng minh Thần tạo ra con người



[ChanhKien.org]

Con người là từ đâu đến? Đây là một chủ đề luôn được mang ra tranh cãi xuyên suốt hàng nghìn năm nay. Có người cho rằng con người là do Thần tạo ra. Trong Kinh Thánh chẳng phải đã nói rằng Thượng Đế đã tạo ra con người hay sao? Trong cuốn Sơn Hải Kinh cũng chẳng phải đã nói rằng Nữ Oa đã tạo ra con người? Nhưng một số khác lại cho rằng, con người là do tiến hóa mà thành. Vào thế kỷ 19, trong cuốn “Nguồn gốc các loài”, Darwin đã nói rất rõ ràng rằng, con người tiến hóa từ loài vượn và không phải do Thần tạo nên. Vậy thì nhân loại chúng ta, tổ tiên nguyên thủy nhất của chúng ta là từ đâu đến? Tất nhiên, mỗi người sẽ có góc nhìn ​​​​và quan điểm lý giải riêng. Tuy nhiên, một khám phá đáng kinh ngạc được giới khoa học kĩ thuật và giới khảo cổ học cùng thực hiện dường như đã đưa ra một đáp án mang tính tham khảo, đó chính là rất có khả năng con người là do Thần tạo ra; khoa học bất ngờ chứng minh rằng quan điểm Thượng Đế tạo ra con người rất có thể không phải chỉ là một truyền thuyết.

Vào những năm thập niên 1960, hàng loạt bức tranh lụa thời Đường “Tranh Phục Hy Nữ Oa” vẽ hình đầu người thân rắn được khai quật từ cổ mộ Astana tại thành phố Turpan, Tân Cương, Trung Quốc; những bức tranh này hầu hết đều được đào từ khu mộ nơi chôn cất các cặp vợ chồng cùng với nhau. Việc khai quật những bức “Phục Hy Nữ Oa đồ” này không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khảo cổ học Trung Quốc, hơn nữa còn thu hút được sự quan tâm từ các nhà di truyền học phương Tây.

Trên thực tế, về chủ đề Phục Hy và Nữ Oa thực ra cũng không phải là một đề tài hội họa hiếm thấy và xa lạ vào thời Trung Quốc cổ đại. Tại Trung Quốc luôn có những câu chuyện về việc Nữ Oa tạo ra con người, đồng thời cũng có truyền thuyết về việc Phục Hy và Nữ Oa kết hôn và sinh ra vô số con cháu người Hoa. Thế nên Phục Hy và Nữ Oa họ cũng còn được gọi là tổ tiên của người Trung Quốc. Vậy tại sao bức “Tranh Phục Hy Nữ Oa” được khai quật ở Tân Cương vào những năm 1960 lại khơi dậy sự quan tâm của nhiều người? Điều này là do các nhà khảo cổ học và các khoa học gia đã phát hiện ra một vấn đề, rằng kết cấu thân rắn của Phục Hy và Nữ Oa quấn lấy nhau trong bức tranh giống hệt với kết cấu phân tử của gen di truyền DNA được hai nhà sinh vật học người Anh James Watson và Francis Crick phát hiện vào năm 1953.

DNA đối với chúng ta không có gì là mới lạ, nói đơn giản thì nó chính là một đại phân tử sinh học có cấu trúc xoắn kép (acid deoxyribonucleic); thông qua bốn ba-zơ A, T, G và C để hình thành các hướng dẫn di truyền khác nhau và hướng dẫn sự phát triển sinh học và vận hành các chức năng sống; nói hình tượng một chút thì “Rồng sẽ sinh ra rồng, phượng sinh ra phượng, con của chuột thì sẽ biết đào hố”. Vậy nên, chuột không thể sinh ra mèo, và mèo cũng không thể nào sinh ra một chú chó được. Một trong những chức năng chính của DNA là khả năng lưu trữ thông tin. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, mặc dù cân nặng của DNA chưa đến một viên đường (một viên đường tương đương với 5-5 gam đường), nhưng lại có thể lưu trữ tất cả mọi phim ảnh trên toàn thế giới.

Có thể một số người cho rằng sự giống nhau đến kinh ngạc giữa “Tranh Phục Hy Nữ Oa” và cấu trúc chuỗi xoắn kép của DNA chẳng qua chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, không nói lên điều gì cả. Đúng vậy, nói như thế cũng có đạo lý, nhưng trước tiên chúng ta hãy thử nhìn xem các nhà khoa học và một số người có danh tiếng lớn đã nói gì về DNA?

Một trong những người phát hiện ra DNA là Crick, ông vốn là một nhà tiến hóa luận và rất tin vào học thuyết của Darwin. Nhưng sau khi ông và nhà sinh học Watson phát hiện ra DNA, quan điểm của ông về thuyết tiến hóa đã hoàn toàn thay đổi. Ông tin rằng nguồn gốc của sinh mệnh đơn giản chỉ là một phép màu. Quả thật cần phải đáp ứng rất rất nhiều điều kiện để điều đó có thể xảy ra, hơn nữa ông còn nói rằng DNA không thể có nguồn gốc tự nhiên bắt nguồn từ Trái đất.

Và nhà sáng lập ra Microsoft nổi tiếng Bill Gates đã nói rằng: “DNA giống như một chương trình máy tính, nhưng tiên tiến hơn rất nhiều so với bất kỳ phần mềm nào mà chúng tôi phát triển”.

Chúng ta hãy nhìn xem triết gia Anthony Flew, một nhân vật hàng đầu về chủ nghĩa vô Thần vào đầu thế kỷ này, ông ấy đã nói như thế nào? Anthony chẳng phải cũng là người hết lòng ủng hộ thuyết tiến hóa của Darwin. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra trí tuệ ẩn sau DNA, toàn bộ các giá trị quan vô Thần của ông đã hoàn toàn sụp đổ. Ông đã phát hiện ra rằng “chương trình phần mềm” đằng sau DNA thực sự quá phức tạp và DNA không thể nào được sản sinh trong tình huống không có “nhà thiết kế”. Vậy rốt cuộc “nhà thiết kế” mà ông đang nói đến là ai?

Các nhà khoa học và những người theo vô thần luận mà chúng tôi vừa đề cập đến đều cảm nhận thấy, ngoài nhân loại chúng ta có tồn tại một lực lượng thần bí. Vậy thì lực lượng thần bí này đến từ đâu?

Ở Trung Quốc có truyền thuyết Nữ Oa tạo ra con người, còn nhiều dân tộc và các nước khác cũng có lưu truyền những câu chuyện về việc Chúa tạo ra con người: ví dụ như, trong “Thánh Kinh” nói rằng Thượng Đế đã dùng bùn đất tạo ra Adam chiểu theo hình tượng của bản thân, sau đó ông rút một chiếc xương sườn của Adam để tạo ra Eva; trong thần thoại của người Shilluk sống ở Châu Phi, người ta kể rằng vị Sáng Thế Joe Ok đã tạo ra nhân loại từ đất sét, còn ở Úc người ta lưu truyền rằng, vị Thần Sáng Thế Pandejer đã dùng con dao lớn của ông cắt vỏ cây, rồi dùng bùn đất đắp tạo ra một hình tượng người trên vỏ cây đó, sau đó thổi hơi vào miệng của hình người đất sét và hình người bằng đất sét có sự sống; còn ở Ả Rập lưu truyền truyền thuyết kể rằng Thượng Đế đã phái Azriel tạo ra con người của Azriel, v.v. những câu chuyện truyền thuyết về việc Thần tạo ra con người có rất nhiều, tại đây tác giả chỉ nêu một số ví dụ.

Văn hóa Trung Quốc được mệnh danh là văn hóa Thần truyền, đất nước Trung Hoa được gọi là đất nước Thần Châu. Trước khi học thuyết chủ nghĩa cộng sản Marx của nước Đức du nhập vào Trung Quốc, các học thuyết của Nho Thích Đạo ở Trung Quốc gần như thống trị tư tưởng của đại đa số người dân Trung Quốc. Văn hóa truyền thống của Trung Quốc luôn có mối liên hệ mật thiết với Thần. Bởi vậy, trong rất nhiều các tác phẩm văn học và mỹ thuật ở Trung Quốc cổ đại đều truyền tải những thông điệp và ý tưởng từ Thần đến cho con người. Chẳng hạn như trong tác phẩm văn học kinh điển nổi tiếng của Trung Quốc “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đã diễn giải cho chúng ta rất nhiều câu chuyện về chữ “Nghĩa” trong “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”, đồng thời cũng đã truyền đạt được tư tưởng của Nho gia về chữ “Nghĩa” trong cuộc sống; “Tây Du Ký” thì gần như đã kể cho chúng ta về một quá trình tu luyện, còn “Tranh Phục Hy Nữ Oa” phải chăng cũng là để truyền tải thông điệp nào đó của Thần cho con người biết?

Tại Trung Quốc, không chỉ “Tranh Phục Hy Nữ Oa” được khai quật ở Tân Cương, mà các tác phẩm điêu khắc và hội họa về “Phục Hy Nữ Oa” cũng được tìm thấy ở nhiều nơi. Hơn nữa, các tác phẩm “Tranh Phục Hy Nữ Oa” cũng đa dạng, mang nhiều sắc thái.

Trong hầu hết các bức “Phục Hy và Nữ Oa đồ”, không chỉ vẽ ra cấu trúc phân tử xoắn kép thần bí của DNA mà chúng còn có một điểm chung rất lớn, đó chính là trên tay Phục Hy và Nữ Oa hầu như đều đang cầm hai vật dụng là thước tròn và thước vuông (ẩn dụ phép tắc cần phải tuân theo), và xung quanh họ là mặt trời, mặt trăng và ngôi sao.

Dù là ở phương Đông hay phương Tây, trong những câu chuyện về việc Thần tạo ra con người đều đề cập rằng Thần tạo ra trời và đất trước, sau đó mới tạo ra con người, Thần cấp cho con người quy định về tiêu chuẩn làm người. Nói một cách khác đó chính là đã thiết lập định ra “phép tắc”. Adam và Eva bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng là do đã không nghe theo lời của Thượng Đế. Vào thời Chiến Quốc, Mạnh Tử, một nhân vật đại biểu cho tư tưởng của Nho gia đã từng nói rằng: “Bất dĩ quy củ, bất năng thành phương viên” (Nghĩa là không dùng thước tròn và thước vuông thì không thể vẽ ra được hình vuông, hình tròn). Vậy nên, “Tranh Phục Hy và Nữ Oa” không chỉ hiển lộ bí mật Thần tạo ra con người, mà còn cho chúng ta biết, Thần đang cai quản và coi sóc con người.

Nếu con người thực sự là do tiến hóa mà thành như Darwin đã nói, thế thì hết thảy các loài sinh vật đều phải tiến hóa, chứ không thể chỉ có mỗi loài vượn. Trên thực tế, những gì chúng ta đã thấy là sau nhiều năm trôi qua, loài vượn vẫn là loài vượn, và khỉ vẫn là khỉ. Bởi vì DNA cho chúng ta biết rằng, quả trứng do con gà đẻ ra thì chỉ có thể nở ra gà con, chứ không thể nào nở ra phượng hoàng được.

Các nhà khoa học cũng hoàn toàn nhận thức được về điều này: Năm 1983, tạp chí “Khoa học Xã hội Quốc tế” của UNESCO đã được xuất bản, trên trang nhất thể hiện sơ đồ cấu trúc của một chuỗi phân tử xoắn kép được đặt cạnh bức “Tranh Phục Hy Nữ Oa”, hơn nữa còn được đặt một tiêu đề rất có ý nghĩa “Tạo hóa sinh vạn vật”. Từ góc độ này có thể thấy rằng, việc con người được Thần tạo ra rất có thể không chỉ là truyền thuyết, mà đó là sự thật hiển nhiên.

Nhà triết gia hâm mộ cuồng nhiệt vào vô thần luận Anthony Flew mà chúng ta đã đề cập đến trước đó, ông đã hoàn toàn từ bỏ quan điểm về thuyết tiến hóa của mình, từ một nhân vật tiếng tăm hàng đầu với chủ nghĩa vô Thần đã trở thành một người hoàn toàn tin theo học thuyết hữu Thần.

Trên thực tế, không chỉ nhiều nhà khoa học, triết gia nổi tiếng ngày nay đã chuyển từ người tin theo chủ nghĩa vô Thần sang chủ nghĩa hữu Thần; mà Newton và Einstein, những người được mệnh danh là những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử, khi bản thân họ đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đều đã phát hiện ra đáp án tối hậu của vũ trụ đều chỉ có thể hướng về Thần.

(Biên tập từ chương trình “Khám phá những điều kì ​​lạ”)

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/274034



Ngày đăng: 26-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.