Vì sao người xưa đắp sư tử tuyết vào mùa đông?



[ChanhKien.org]

Thật ra, sư tử không phải là loài vật bản địa của Trung Quốc, mà nó được các nước Tây Vực cống nạp vào thời nhà Hán. Vào thời đó, người ta tạc tượng sư tử đá để làm “Thần hộ mệnh”, cầu mong bốn bề yên ổn, xua đuổi tà ma. Dần dần về sau, sư tử trở thành biểu tượng của điềm lành, may mắn và cũng trở thành vật mẫu cho việc đắp tượng sư tử tuyết vào mùa đông của người Trung Quốc.

Theo sách “Đông Kinh Mộng Hoa Lục” thời Bắc Tống ghi chép: “Tháng này tuy không có lễ hội gì, nhưng các gia đình giàu có hễ thấy tuyết rơi là mở tiệc, đắp tượng sư tử tuyết, trang trí đèn tuyết để gặp gỡ người thân và bạn bè”. Có nghĩa là, vào những ngày tuyết rơi dày, các gia đình giàu có sẽ tổ chức tiệc rượu để thết đãi bạn bè, họ hàng đến ăn uống, vui chơi và cùng nhau đắp tượng sư tử tuyết, trang trí đèn tuyết.

Đến thời Nam Tống, truyền thống này vẫn được duy trì. Theo sách “Vũ Lâm Cựu Sự” của Chu Mật đã mô tả một bộ phận có tên “Hậu Uyển” trong cung đình Nam Tống phụ trách việc “chuẩn bị sư tử tuyết lớn nhỏ, trang trí chúng bằng chuông vàng và những sợi dây màu, hơn nữa còn làm hoa tuyết, đèn tuyết, núi tuyết, cắt tỉa bánh thành hoa và các hình thù khác, đựng trong mâm vàng dâng lên vua để thưởng thức”.

Đến thời nhà Thanh, hình ảnh sư tử tuyết cũng xuất hiện trong nhiều bức tranh. Bức tranh có tên ‘Thụy Tuyết Phong Niên’ thuộc dòng tranh tết Dương Liễu Thanh thời nhà Thanh đã vẽ năm đứa trẻ đang đắp tượng sư tử tuyết trong sân.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/287732



Ngày đăng: 24-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.