Bàn về mối quan hệ giữa bộ ba kinh điển vỡ lòng truyền thống Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh và Thiên Tự Văn (Phần 4.2)

Tác giả: Đổng Hân

[ChanhKien.org]

(Tiếp theo phần 4.1)

Dưới đây nói về “Sơ đồ Thiên nhân hợp nhất viên mãn của Thiên Tự Văn”. Tất nhiên là sơ đồ này khái quát nội dung của cả quyển, chứ không khái quát theo số lượng chữ, qua sáu mục này, mọi người có thể hiểu được Thiên Tự Văn dạy điều gì. Từ góc trên bên trái xuống, phần thứ nhất là “Vũ trụ vô hạn”, vũ trụ vô hạn sinh ra “Thế giới rộng lớn”, trong thế giới rộng lớn lại bao gồm “Xã hội tốt đẹp”, nhưng ở đây có thể thêm 2 chữ: “Thánh hiền”, tức là xã hội tốt đẹp sẽ là xã hội do Thánh hiền khai sáng.

Vũ trụ vô hạn được thể hiện trong hai câu “Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang” (Bầu trời tối đen, mặt đất có màu vàng; vũ trụ bao la, hoang sơ và hỗn độn). Tuy tám chữ trong 1.000 chữ, nhưng tám chữ này lại biểu thị cho vũ trụ vô hạn. Vũ trụ vô hạn sinh ra thế giới rộng lớn, giống như ống kính máy ảnh, từ vũ trụ mênh mông phóng đại vào một điểm, phóng đại, phóng đại, phóng đại rồi xuất hiện một thế giới rộng lớn vô cùng phồn vinh. Mọi người xem tiếp sự dịch chuyển của thời gian “Nhật nguyệt doanh trắc, thần tú liệt trương. Hàn lai thử vãng, thu thu đông tàng” (Mặt trời lên cao rồi xế dần, mặt trăng tròn sáng rồi lại khuyết; sao hôm sao mai chia ra ngày đêm. Lạnh tới nóng đi; mùa thu thì thu hoạch để tàng trữ cho mùa đông) tiếp đến là “Vân đằng trí vũ, lộ kết vi sương. Kim sinh lệ thủy, ngọc xuất côn cương” (Mây bay lên gặp lạnh thành mưa; hơi sương vào đêm lạnh ngưng tụ thành sương mù), bao gồm “Hải hàm hà đạm, lân tiềm vũ tường” (Nước biển mặn, nước sông nhạt; cá bơi dưới nước, chim bay trên trời).

Nói về tám chữ “Hải hàm hà đạm, lân tiềm vũ tường” này, quý vị cảm nhận thế nào? Tám chữ này làm người ta cảm thấy lòng dạ thật rộng mở. Đệ Tử Quy giảng “Hoãn yết liêm, vật hữu thanh” (Vén rèm cửa, chớ ra tiếng) là ý nghĩa gì? – Là cẩn thận, bao hàm ý yêu người quý vật. Thiên Tự Văn giảng “Hải hàm hà đạm, lân tiềm vũ tường” là ý nghĩa gì? – Là tấm lòng, là cảnh giới! Quý vị nói xem, người viết và người học điều này, họ có còn giật cái rèm không? Lòng dạ rộng lớn bao nhiêu? Lớn đến “lân tiềm vũ tường”, không chỉ là hai loại động vật, mà là một thế giới hài hòa tốt đẹp. “Hải hàm hà đạm” nghe có vẻ như là đối lập, không ai phạm vào ai, một mặn một ngọt. Có người nói rằng dù là mặn hay nhạt thì vẫn thường phát sinh mâu thuẫn, gấp gáp chậm rãi cũng phát sinh mâu thuẫn. Xã hội ngày nay là như vậy, nhất là ở Trung Quốc đại lục, ác đảng Trung Cộng khởi xướng tuyên truyền tà thuyết đấu tranh, vốn là thích tranh đấu, mình còn tranh đấu với mình, huống hồ với thù địch thì lại đấu tranh càng kịch liệt hơn.

Tuy nhiên ở đây, “Hải hàm hà đạm” không có đấu tranh, chỉ có hài hòa, rất hạnh phúc và tự nhiên. “lân tiềm vũ tường”, cá bơi đường cá, chim bay đường chim, ở đây lại có cái rộng lớn. Tại sao rộng lớn? Giả dụ chỉ có cá, thì chỉ có biển mà không có trời; nếu chỉ có chim bay, thì chỉ có trời mà không có biển, nhưng nó lại có đủ tất cả. Hơn nữa chúng là có mối quan hệ hài hòa, bổ sung cho nhau. Có biển sâu thì mới có trời cao để so sánh, giả sử chỉ có biển, thì không có khái niệm trời, có khái niệm trời cao thì mới có cái đẹp của biển sâu. Cá sẽ nghĩ: Chỗ của ta thật tốt! Chim sẽ nghĩ: ta bay thật cao! Trong đó thật hài hòa tốt đẹp. Tám chữ này chính là một thế giới mỹ hảo.

Mọi người từng đi xem viện bảo tàng hải dương, sẽ có cảm giác có rất nhiều loại cá, bạn nói họa sĩ thông minh đến mấy, vắt óc cũng không nghĩ ra được nhiều đường nét như vậy. Hãy nhìn trong viện bảo tàng hải dương, những con cá đủ loại hình dạng, cá to cá nhỏ, màu sắc hoa văn trên thân biến hóa vô cùng, vượt quá sức tưởng tượng của con người, đẹp quá đỗi! Thật quá “Thần” kỳ! Mà lại không có họa sĩ nào vẽ nó. Thì hai chữ “lân tiềm”, ở viện bảo tàng hải dương chẳng phải như thế sao, ngồi mãi không muốn rời đi, hình dạng các loài cá quá đẹp, các loại màu sắc phức tạp mà cân đối, vô cùng dễ chịu, thật quá thần kỳ, quá mỹ hảo! Nhưng viện bảo tàng hải dương chỉ là một căn phòng, làm sao sánh nổi với biển cả đây?

Do đó nói “Hải hàm hà đạm, lân tiềm vũ tường”, tám chữ này rất đẹp, so với “Hoãn yết liêm, vật hữu thanh” (Vén rèm cửa, chớ ra tiếng) thì khác biệt hoàn toàn về cảnh giới. Đây là một thế giới tươi đẹp, thế giới hài hòa, thế giới rộng lớn. Tuy dùng “lân tiềm” để chỉ cá bơi nhưng chữ “lân” (loài có vẩy) này thật là rộng, nó không dùng để chỉ rồng, nhưng lại bao hàm cả rồng, vì rồng cũng là loài có vẩy, đây chính là cái hay của việc khái quát, dùng “Lân tiềm” chứ không phải là những cái cụ thể như “ngư tiềm” hay “long tiềm”. Do đó “lân tiềm” bao gồm các loài cá, rất nhiều loài cá. “Tiềm” (bơi) còn có bơi sâu, bơi nông, bơi ở nơi rất sâu, bơi ở nơi rất nông, có bơi thì cũng có ngoi lên, biến hóa vô cùng. Hai chữ này là một thế giới phồn vinh.

“Vũ tường” (chim lượn), nó không phải chỉ một con chim, mà là tất cả các loài có lông vũ. Do đó viết ra hai chữ này thì tất nhiên sẽ gọi được cả phượng hoàng đến. Theo cổ nhân nói, nếu thực sự viết được văn chương như thế này, phượng hoàng sẽ bay đến. Ngày nay rất hiếm có được văn chương như thế này. Do đó đã là “vũ tường” thì dù là công hay là sơn ca bay trên bầu trời, đó chẳng phải là trăm loài chim chầu phượng hoàng sao! “Tường” còn có các góc độ khác nhau, tới các hướng khác nhau, đủ các kiểu lượn. Thế giới chim muông tươi đẹp. Cộng thêm thêm biển, mới tuyệt diệu làm sao! Còn có “Thái trọng giới khương” (rau trọng cải gừng), thế giới các loại rau cũng rất phong phú, lại cộng thêm hoa quả nữa thì bắt đầu mở rộng ra. Còn có “Kim sinh lệ thủy, ngọc xuất côn cương” (Vàng sinh ra từ sông Lệ; ngọc thạch xuất xứ từ núi Côn Luân), nào là vàng, ngọc, vòng tay, dây chuyền, tượng Bồ Tát, rất là đẹp! Thiên nhiên lại còn có thêm sự chế tác của con người, thật vô cùng vô tận.

Tất cả trong vũ trụ vô hạn, thế giới rộng lớn, mà cái vũ trụ vô hạn này chỉ được miêu tả bằng tám chữ, còn về cái thế giới rộng lớn cũng đã miêu tả rất nhiều thứ. Tiếp theo sau là xã hội tốt đẹp. Ở đây, đầu tiên nói “Long sư hỏa đế, điểu quan nhân hoàng”, bắt đầu là giảng về thánh nhân tạo ra xã hội hài hòa. Giống như chúng ta dùng máy ảnh chụp một tập ảnh, nó không ngừng thu hẹp phạm vi, từ vũ trụ vô hạn, đến thế giới rộng lớn. Từ thế giới rộng lớn lại thu hẹp vào xã hội con người, xã hội con người cũng là một bộ phận của thế giới rộng lớn.

Trong quá trình không ngừng thu hẹp trong phạm vi vũ trụ, giả sử quay một bộ phim, không ngừng hướng đến phạm vi nhỏ hơn, đều vô cùng đẹp, đó là ba cảnh giới lớn. Đến xã hội con người rồi, “Oa” một tiếng khóc là một đứa bé ra đời. “Cái thử thân phát, tứ đại ngũ thường” (Thân thể con người ta do tứ đại mà thành; lời nói, hành động phải hợp với lẽ ngũ thường), bắt đầu giảng về hiếu, đứa bé này ra đời, phải tu dưỡng đạo đức, gây dựng cuộc đời hạnh phúc. Vũ trụ vô hạn dùng có tám chữ, vậy mà tu dưỡng bản thân lại giảng nhiều như thế này. Tiếp tục xem tiếp đoạn phim, đứa bé này bắt đầu học tập, tu dưỡng bản thân, trong quá trình đó từ từ lớn lên; đến tuổi thanh niên rồi, càng phải đọc sách, tu dưỡng nhiều hơn. Bước vào xã hội rồi, lập tức là “Tính tĩnh tình dật, tâm động thần bì. Thủ chân chí mãn, trục vật ý di” (Tính cách bình tĩnh, thanh thản thì tình cảm sâu kín, tư tưởng, lòng dạ bị động thì tinh thần mệt mỏi. Giữ gìn sự chân thật thì cái chí sẽ được mãn nguyện; theo đuổi vật chất thì cái ý sẽ dễ thay đổi). Bên trên chúng ta đã nói nhiều chuyện có quan hệ đến “trục vật ý di”, truy cầu ham muốn vật chất, liền sẽ lệch khỏi chí hướng.

Con người rất nhiều việc làm không thành là vì mục đích có sai lệch, đó là chạy theo dục vọng vật chất, theo đuổi danh lợi tình hận, nếu chúng ta hướng ra ngoài truy cầu thì đã gây trở ngại cho cái tâm của mình. “Kiên trì nhã tháo, hảo tước tự mi” (Cố giữ vững phẩm hạnh cao thượng, chức tước tốt đẹp sẽ tự tìm đến), hảo tước là quan chức cao, chính mình đạt được, “mi” ý là dây thừng, dây thừng buộc trâu, sự tu dưỡng đức hạnh có liên quan đến quan chức, quan vị của bạn, bạn thấy nội hàm này và cái lý này thật tốt đẹp. Chính vì đức hạnh của bạn mới có thể tạo ra quan vị của bạn, đó chẳng phải đúng như câu “Đại đức bất quan” (người đức lớn không giới hạn ở một chức quan) trong “Học ký” giảng đó sao? Người tu dưỡng tốt nhất, nên đảm nhiệm chức quan to nhất. Vậy trong các hoàng tử, người tu dưỡng tốt nhất nên làm hoàng đế. Đức hạnh quý vị càng lớn, chẳng phải có liên quan chặt chẽ đến chức quan cao đó sao, đây là chính lý.

Đạo đức tu dưỡng tốt rồi, thì phải bắt đầu “hoàn thành sứ mệnh”. “Đô ấp Hoa Hạ, Đông Tây nhị kinh” (Đất kinh đô có hai kinh là Đông và Tây), hễ đi thì không đi về vùng thôn quê, mà đến kinh thành làm đế vương khanh tướng. Tất nhiên nếu làm hoàng đế thì phải làm quân vương đứng trước thiên hạ, cho nên mới có ”Hữu thông quảng nội, tả đạt thừa minh. Bính xá bàng khải, giáp trướng đối doanh. Tứ diên thiết tịch, cổ sắt xuy sanh” (Bên phải thông đến điện Quảng Nội, bên trái dẫn đến điện Thừa Minh; Đền thờ phụ ở hai bên, bức trướng (màn) treo ở bên ngoài hướng về phía các cột điện cao lớn; Yến tiệc bày ra trên chiếu; khua trống đánh đàn sắt, thổi sênh cùng ca múa). Hoàng cung mở tiệc thì không như ăn cơm thông thường, mà là quốc yến. “Thăng giai nạp bệ, biện chuyển nghi tinh” (Các bậc thềm dọc hai bên dẫn lên bệ vua ngồi, các quan đi lại bên dưới) biện chính là mũ, nhiều mũ của quan lớn như vậy, bạn thử nghĩ xem, bất kỳ ai trong các quan đó mà được cử đến một huyện nào đó thì cũng là vị quan rất lớn rồi, đến một huyện hoặc một thành phố thị sát công việc thì họ đều là thân phận quan lớn trung ương; nhưng là ở chỗ này, các vị quan đó nhiều tựa như các vì sao trên bầu trời, bao nhiêu văn võ bá quan như vậy, nhiều đếm không hết; bạn thử nghĩ xem, vị hoàng đế này sẽ có cảm giác gì? Hoàn thành sứ mệnh, ở đây không phải là nói thưởng thức tốt thế nào, muốn làm gì thì làm, làm quan mà muốn làm gì thì làm thì đâu có được!

Có câu chuyện về Nhạc thánh Sư Khoáng. Vua Tấn trên bàn tiệc nói: ”Không gì vui thích bằng làm vua! Lời nói ra không ai dám trái lệnh!”. Ý nói vua thì muốn làm gì thì làm, làm những gì mình muốn. Sư Khoáng nghe thấy, cầm đàn lên đánh vua. Hành vi đó chẳng phải là hành thích vua sao! Các quan khác khiếp sợ, muốn xử tội ông. Sư Khoáng là người mù, ông nói: ”Tôi không nghe thấy vua nói, tôi nghe thấy tiểu nhân nói, kẻ tôi đánh không phải là vua mà là tiểu nhân”. Làm vua không phải chuyện chơi, thiên hạ lớn thế này giao cho vua, nhiều anh hùng hào kiệt như thế, nhiều kinh điển như thế, làm vua chẳng phải là một trách nhiệm đó sao? Chẳng phải là một sứ mệnh đó sao? Do đó các vị đế vương khanh tướng đều là có sứ mệnh, phải hoàn thành sứ mệnh “trị quốc bình thiên hạ” của mình. Thực ra mỗi người chúng ta cũng như vậy “Trời sinh tài năng của ta ắt sẽ hữu dụng”.

Kiến công lập nghiệp tức là sứ mệnh đã hoàn thành rồi, phải coi nông nghiệp là cái gốc để trị quốc. Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, không được tranh công của người khác, nên làm gì thì hãy làm cái đó, không tranh công danh lợi lộc. Giả sử nói hoàn thành sứ mệnh là một quá trình trưởng thành, thì tu dưỡng đạo đức lại là quá trình buông bỏ. “Lưỡng sơ kiến cơ, giải tổ thùy bức” (Hai người họ Sơ thấy được những điều then chốt, có tầm nhìn xa; họ đã từ chức mà không ai chờ đến lúc bức bách). Sơ Quảng, Sơ Thụ là hai chú cháu từng làm thầy của vua, người làm thầy của vua thì đã có địa vị rất cao. Họ đều chủ động xin được về nghỉ, khi về nghỉ họ đều được hoàng đế đưa tiễn. Hai người họ về đến quê nhà, hàng ngày đều tự bỏ tiền mời mọi người ăn cơm, những người được mời đều là người dân trong làng, người cao niên. Người trong nhà thấy thế đều sốt ruột, mong rằng họ để chừa lại cho con cháu chút tiền. Nhưng họ lại không chừa lại mà đều chi hết, họ cho tiền nhiều như vậy để làm gì! Vì họ làm thế thì hoàng đế sẽ không nghĩ rằng họ mưu phản, như vậy họ sẽ không gặp nguy hiểm. Đã đạt đến địa vị thầy của hoàng đế thì còn muốn làm gì nữa? Nếu không phải muốn mưu phản thì không có việc gì khác đáng để họ làm. Cho nên thuần tịnh an tĩnh trong tâm mới là quan trọng, quay về với tự nhiên vốn có ban đầu.

Đây chính là sự trưởng thành và trở về của một sinh mệnh. Thiếu niên, thanh niên, đọc sách tu dưỡng, trung niên cống hiến xã hội, hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đến tuổi già, trở về với tự nhiên. Thiên Tự Văn giảng về sự sinh trưởng của tinh thần và của thể xác con người. Về sự sinh trưởng của thể xác con người, ông Trời cho mỗi người thấy được thể xác con người lớn lên, lớn đến 18-20 tuổi thì ngừng, có người cá biệt đến 23 tuổi còn lớn chút ít. Cũng có người đến 27-28 tuổi là cao hết mức, chỉ còn rút lại thôi. Người ta có béo đến mấy thì cũng nặng đến 100 cân, 250 cân, 500 cân, nhưng lúc chết đi cũng sẽ không thể đạt đến 5000 cân, sẽ không có chuyện như vậy, vì đó là thể xác, thể xác luôn có giới hạn. Nhưng hào quang tinh thần của con người, giống như Khuất Nguyên viết, nó có thể “Dữ thiên địa hề đồng thọ, dữ nhật nguyệt hề tề quang” (Thọ cùng Thiên Địa, sáng như Nhật Nguyệt), nó chẳng phải đang phát triển sao? Đây là tâm linh, tinh thần đang tăng trưởng. Tuổi thanh thiếu niên phát triển trong tu dưỡng đạo đức, đến tuổi trung niên thì phát triển trong quá trình hoàn thành sứ mệnh lịch sử thần thánh, đến tuổi lão niên sau khi công thành danh toại thì phát triển trong quá trình buông bỏ tất cả, sinh mệnh luôn trong quá trình không ngừng hoàn thiện.

Vậy chúng ta sẽ quay một bộ phim về sự trưởng thành của sinh mệnh, mọi người thử đối chiếu với sơ đồ, đi theo chiều mũi tên, từ to đến nhỏ, để xem thử một lượt: Vũ trụ vô hạn đến một thế giới rộng lớn, rồi đến một xã hội tốt đẹp, sau đó là chào đời, tu dưỡng đạo đức, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, rồi buông bỏ tất cả Trở về với tự nhiên, phản bổn quy chân, có phải như vậy không?

Một đời người, đó là một sự khái quát. Do đó ở phía trên bên trái này đi xuống, là một quá trình thu nhỏ từ to đến nhỏ dần của vũ trụ; đối ứng một sinh mệnh cụ thể mà nói, thì là một quá trình bước đi từng bước. từ phía dưới bên phải đi lên, là quá trình một người sinh ra đời, tu dưỡng bản thân, bước vào xã hội, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình, cuối cùng là bỏ đi hết thảy danh lợi, trở về với tự nhiên.

Thực ra đây chính là quá trình trưởng thành, đó là trưởng thành của sinh mệnh, đồng thời cũng là một quá trình trở về. Sinh mệnh này là một lạp tử trong vũ trụ, nếu phóng to lên, thì người này lại là một thế giới, đó là anh ta trở về trạng thái bản nguyên vốn có của bản chất sinh mệnh, nhưng cái vòng này không vô ích, anh ta đã tăng thêm bao nhiêu điều tốt đẹp, các khổ nạn đã trải qua đều biến thành tốt đẹp, mà tất cả đều chân thực lưu lại ở đó. Đó chẳng phải là Đạo sao? Đó là anh ta từ Đạo mà sinh ra, Đạo vô hạn sinh ra một cá thể, buông bỏ tất cả lại trở về với Đạo, về với Đạo rồi, đó chính là một đời hoàn mỹ. Thế giới tốt đẹp, cuộc đời hoàn mỹ, đó chính là Thiên Tự Văn.

Quá trình Thiên Tự Văn được viết thành sách là một nghìn chữ viết xong trong một đêm. Do đó vũ trụ thần kỳ, huyền diệu vô cùng, thực là vạn năng, không gì không thể. Nó có thể thì bạn cũng có thể, bạn cũng là do Sáng Thế Chủ từ bi tạo ra, cũng là một phần tử bên trong vũ trụ vĩ đại, tại sao bạn lại không thể? Nếu như đã không thể thì chúng ta sẽ không cần phải giảng cho người khác nữa rồi. Chúng ta không phải đang truyền tín tâm cho con người sao? Chuyện khó như vậy, nhìn như là chuyện tuyệt đối không thể nào làm được, nhưng chúng ta đã làm được. Vậy vì sao chúng ta đều có thể trở thành Thánh hiền? Bởi vì chỉ cần bạn có một tấm lòng thiện lương tốt đẹp, thì nhất định có thể thành! Mọi người nhìn trong tâm Chu Hưng Tự có những thứ không sạch sẽ không? Không có! Bệnh trạng, tiêu cực, ma tính, đồ bẩn thỉu, ông không có một chút nào những thứ đó, từng chút toát ra từ ông đều là Thiện, “lân tiềm vũ tường”, lúc nói câu này không có một chữ làm tổn thương, khiêu khích người khác, một điểm cũng không có!

Đây chính là Thiên Tự Văn chí thiện chí mỹ mà chúng ta cùng thưởng thức, cũng là lời của Thánh hiền Chu Hưng Tự không ngừng khích lệ chúng ta, cho chúng ta lòng tin.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/152890