Nhìn thế giới qua con mắt thứ ba – Giải mã thần thoại (Phần 1)

Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

Lời tựa:

Trong loạt bài này, tôi sẽ kể cho các bạn nghe những câu chuyện thần thoại, có những câu chuyện chúng ta đã được nghe ông bà kể lại khi còn nhỏ, nhưng cũng có những câu chuyện chúng ta chưa từng được nghe.

Để chúng ta cùng vén mở tấm màn bí ẩn, hé lộ chân dung tươi đẹp của các câu chuyện thần thoại.

Để chúng ta cùng giải mã các câu chuyện thần thoại, bước vào thế giới thần bí mà trước đây chưa từng biết, chưa từng tiếp xúc…

Mục lục:

Phần 1. Nữ Oa tạo ra con người

Phần 2. Nữ Oa vá trời

Phần 3. Cây thần Phù Tang

Phần 4. Bàn Cổ khai thiên

Phần 5. Truyền thuyết thần thoại

Phần 6. Văn minh tiền sử

Phần 7. Tuyệt địa thiên thông

Phần 8. Đại Vũ trị thủy

Phần 9. Hậu Nghệ bắn mặt trời

Phần 10. Mục đích của lịch sử

 

Phần 1. Nữ Oa tạo ra con người

Trước khi bắt đầu bài viết, chúng ta cần trang bị một chút kiến thức khoa học phổ thông, hy vọng có thể đứng trên cơ sở của quan niệm khoa học hiện đại, để rồi thoát khỏi trói buộc của khoa học, trải đường cho những nội dung trọng yếu siêu thoát khỏi phạm vi của khoa học được đề cập đến ở phía sau. Nếu không làm vậy, với lối tư duy ở trình độ thấp của người phàm chúng ta thì không thể lý giải được nội hàm của các câu chuyện thần thoại.

Nhân loại từ cổ chí kim quả thực tồn tại rất nhiều hiện tượng thần bí mà người ta không thể giải thích nổi, ví dụ như hiện tượng du hành thời không mà chúng ta hay gặp trên các phim điện ảnh và truyền hình hiện đại.

Hiện nay rất nhiều nhà khoa học tiên phong đều cho rằng có tồn tại đường hầm thời không. Nhà khoa học lỗi lạc Einstein đã nêu trong thuyết tương đối: thời gian và không gian không phải là cố định, trong vũ trụ không tồn tại thời gian và không gian duy nhất, khối lượng vật chất khiến cho thời gian và không gian bị “bẻ cong”, ông cho rằng đây là nguyên nhân sản sinh ra lực hấp dẫn. Nói cách khác Einstein cho rằng khối lượng vật chất đã uốn cong thời không, đó là lý luận đã được giới khoa học kỹ thuật công nhận rộng rãi.

Hiện tại, giới khoa học hàng đầu đã đưa ra khái niệm “không gian uốn cong” (warp space), họ lấy ví dụ: Trên giấy có hai điểm A và B cách nhau 10 cm. Xuất phát từ điểm A, ít nhất phải vượt qua 10 cm không gian mới có thể đi đến điểm B. Nếu như gập tờ giấy này lại sao cho điểm A trùng với điểm B, như vậy cự ly từ A đến B biến thành 0, trực tiếp có thể từ điểm A nhảy tới điểm B, không cần đi qua bất kỳ thời gian và không gian nào. Đây là nguyên nhân sản sinh ra đường hầm thời không hay còn gọi là “lỗ sâu” (wormhole).

Chúng ta hãy bàn thêm về chiều của thời không. Như mọi người đã biết, điểm tạo thành đường thẳng, đường thẳng tạo thành mặt phẳng, và mặt phẳng tạo thành khối. Điểm không có chiều. Vô số điểm tạo thành đường thẳng, đường thẳng có một chiều, nó chỉ có một chiều là độ dài. Vô số đường thẳng tạo thành mặt phẳng, mặt phẳng có hai chiều: chiều dài và chiều rộng. Vô số mặt phẳng tạo thành khối lập thể, lập thể có 3 chiều: chiều dài, chiều rộng và chiều cao.

Thế giới mà nhân loại sinh sống và nhận thức chính là có ba chiều, chúng ta sinh sống trong thời không ba chiều. Vậy có hay không sự tồn tại của thời không nhiều chiều hơn so với thời không nơi nhân loại?

Lĩnh vực tiên phong nhất của vật lý học hiện đại – “lý thuyết dây” cho rằng vũ trụ này của chúng ta tồn tại ít nhất 11 chiều, còn có rất nhiều chiều mà nhân loại chúng ta không cảm giác được nhưng chúng xác thực có tồn tại.

Thời không ít chiều có thể bị uốn cong trong thời không nhiều chiều, mà mở ra cánh cửa thời không.

Ví dụ như một đường thẳng có một chiều, một trang giấy có hai chiều, chúng ta có thể uốn cong thời không một chiều trong thời không hai chiều, uốn cong đường thẳng trên mặt giấy trở thành đường cong. Lại ví như con người chúng ta sống trong thời không ba chiều, mà một trang giấy là hai chiều, chúng ta có thể gập trang giấy thành hộp giấy, hoặc cuộn thành ống giấy, như vậy trang giấy hai chiều này đã bị uốn cong trong thời không ba chiều. Cũng theo nguyên lý này thì thời không ba chiều cũng có thể bị uốn cong trong thời không bốn chiều…

Chúng ta đều là sinh mệnh trong thời không ba chiều, toàn bộ thế giới mà chúng ta có thể nhận biết này đều tồn tại trong thời không ba chiều. Vậy trong thời không nhiều chiều hơn có sinh mệnh tồn tại hay không? Giới khoa học kỹ thuật hiện tại không có cách nào chứng thực được sự tồn tại sinh mệnh trong thời không nhiều chiều, nhưng đồng thời cũng không cách nào phủ nhận sự tồn tại của họ. Nếu trong thời không nhiều chiều tồn tại sinh mệnh, vậy đối với nhân loại chúng ta mà nói, họ chính là sinh mệnh cao tầng, sinh mệnh cao cấp. Từ xưa đến nay, Phật, Đạo, Thần… mà nhân loại vốn sùng bái phải chăng chính là sinh mệnh cao tầng tồn tại trong thời không nhiều chiều? Trước hết chúng ta hãy cứ giữ lối liên tưởng này, nếu cuối cùng lối liên tưởng này có thể được giải thích toàn diện, không có sơ hở, vậy thì nó sẽ được xác nhận, đây mới là tinh thần nghiên cứu khoa học. Chúng ta hãy xem tiếp:

Sinh mệnh trong thời không ít chiều không biết sự tồn tại của thời không nhiều chiều. Bởi vì họ bị hạn chế trong thời không của họ, kết cấu tư duy của họ đều do chiều thời không này cấu thành, họ không thể nhảy ra khỏi chiều thời không sở tại của họ, họ không thể tiếp xúc được, càng không thể nhận biết, lý giải được hình thức tồn tại trong thời không nhiều chiều. Mà sinh mệnh trong thời không nhiều chiều lại có thể tùy ý đi vào hoặc đi ra khỏi thời không ít chiều.

Ví như, mặt nước là một dạng thời không hai chiều, chúng ta trong thời không ba chiều đặt một chiếc lá cây lên trên mặt nước, như vậy chiếc lá liền đi vào thời không hai chiều này, chiếc lá đột nhiên xuất hiện tại đó. Chúng ta trong thời không ba chiều lại lấy chiếc lá đi, như vậy chiếc lá đột nhiên biến mất khỏi thời không hai chiều này. Điều này rất giống trong các câu chuyện cổ tích: Có vị Thần tiên bất ngờ xuất hiện ở một nơi, sau đó đột nhiên biến mất, không để lại bất kỳ tung tích nào, sau đó trong nháy mắt lại xuất hiện ở nơi xa xôi khác… Nếu như Thần tiên tồn tại trong thời không nhiều chiều hơn vậy thì hiện tượng này thật dễ dàng lý giải.

Máy gia tốc hạt lớn (LHC) ở châu Âu là máy gia tốc hạt lớn nhất, có năng lượng lớn nhất trên thế giới hiện nay. Nó tọa lạc ở độ sâu 100m dưới núi Jura thuộc vùng giao giới giữa Thụy Sĩ và Pháp, nó bắt đầu hoạt động vào năm 2008.

Hiện nay trong máy gia tốc hạt lớn phát hiện một loại hạt kỳ dị, gọi nó là hạt thế nhưng nó có thể tự dưng biến mất, gọi nó không phải hạt nhưng lại có thể tồn tại chân thực tại thế giới của chúng ta. Loại hạt này được gọi là odderon, cũng có nghĩa là trong thế giới này của chúng ta, odderon có thể tự dưng biến mất, lại có thể đột nhiên xuất hiện, thần bí khó lường. Sự xuất hiện của hạt này tạm thời đã làm nhiễu loạn giới vật lý, điều này cần mọi người tự mình suy xét.

Ngoài ra, sinh mệnh trong thời không nhiều chiều tuy rằng có thể tùy ý đi vào thời không ít chiều, nhưng lại không thể hoàn toàn tiến vào, chỉ có thể tiến vào bộ phận phiến diện. Ví như mặt nước là thời không hai chiều, chúng ta trong thời không ba chiều nhúng thẳng bàn tay xuống mặt nước, trước tiên ngón tay giữa chạm vào mặt nước, khi đó trong mặt nước thời không hai chiều này chỉ biểu hiện ra mặt cắt ngang của ngón tay giữa – giống như một hình tròn. Sau khi hai ngón tay nhúng vào mặt nước, biểu hiện ra ở đó cũng là hai hình tròn, mặt cắt ngang của hai ngón tay… vĩnh viễn không thể nào hiện ra hoàn chỉnh hình dạng bàn tay. Khi chúng ta giảng giải hình dạng bàn tay cho sinh mệnh thời không hai chiều, họ không thể nào hiểu được, cũng không thừa nhận, bởi vì trong tư tưởng và nhận thức của họ không thể tạo thành khái niệm như vậy, họ bị thiếu khuyết đi một chiều thời không. Họ cho rằng bàn tay của thời không ba chiều là một hình tròn, hoặc vài hình tròn. Chỉ có thể giống như người mù sờ voi, cho rằng con voi là một cây cột, hoặc là một sợi dây… Trong tầng thứ và chiều này của họ mà nhìn thì đúng như vậy, bởi vì trong chiều này thể hiện ra chính là như vậy, nhưng trong nhiều chiều hơn mà nhìn thì thật hoang đường, nực cười.

Cho nên người Do Thái có câu ngạn ngữ: Con người suy nghĩ còn Thượng đế thì cười (Der Mentsch tracht un Gott Lacht).

Giả sử mặt đất là một thời không hai chiều, con người đứng trên mặt đất, cái thời không hai chiều này ở dưới bàn chân chúng ta. Chúng ta sẽ nói cái thời không hai chiều này là đất, là bùn. Nhưng nói như vậy thì sinh mệnh bên trong thời không hai chiều này không lý giải được, đất, bùn trong khái niệm của họ chỉ là một đường thẳng dưới chân chúng ta, một đường thẳng một chiều. Họ sẽ cho rằng đất mà người trong thời không ba chiều chúng ta nói đến chỉ là một đường thẳng trên mặt đất, mà không phải toàn bộ mặt đất của họ – toàn bộ thế giới thời không của họ. Đây là do sự khác biệt về nội hàm của các chiều thời không khác nhau tạo nên lý giải sai lầm.

Cùng đạo lý này, thời không ba chiều mà nhân loại chúng ta sinh sống là mặt ngoài cùng và tầng thấp nhất trong thể hệ thời không nhiều chiều của Thần, cũng là ở dưới chân của Thần. Thần gọi cái thời không này của chúng ta là đất, bùn. Cho nên Thần nói dùng bùn đất tạo ra con người, khả năng chính là dùng vật chất của cái thời không ba chiều này của chúng ta mà tạo ra con người, chứ không phải dùng đất trên mặt đất trong cái thời không ba chiều này để tạo con người. Đây hẳn là lý giải sai lầm gây ra do sự khác biệt về nội hàm của các chiều thời không khác nhau.

Trong “Kinh thánh” nói rằng Thượng đế dùng bùn đất tạo ra con người, trong truyền thuyết Trung Quốc, Nữ Oa dùng bùn đất tạo ra con người, trong thần thoại Hy Lạp cổ, Prometheus dùng bùn đất tạo ra con người, người Anh-điêng, người Diegueno, người Shilluk, người Korku Ấn Độ, người Maori New Zealand, Australia, người Blaan, người Dayak (bộ lạc Serebas và Sakarran)… trong các chuyện thần thoại được lưu truyền của họ đều có câu chuyện Thần linh dùng bùn đất tạo ra con người. Trong hầu hết các truyền thuyết của các dân tộc xa xưa trên thế giới đều có câu chuyện Thần linh của họ dùng bùn đất tạo ra con người. Điều này chẳng phải rất kỳ lạ sao?

Chúng ta biết rằng nhân loại vào thời xưa giao thông không thuận tiện, các đại lục bị ngăn trở bởi biển, sa mạc, núi cao… không thể vượt qua, không thể qua lại giao lưu, văn hoá phát triển biệt lập. Giả như cho rằng câu chuyện Thần dùng bùn đất tạo ra con người chỉ là sự tưởng tượng huyễn hoặc của nhân loại xa xưa, người ta có thể tuỳ ý tưởng tượng, dân tộc này nói con người từ trên cây mọc ra, dân tộc kia nói con người từ dưới nước nhảy ra, vậy thì còn dễ chấp nhận. Nhưng hầu như tất cả các dân tộc và vùng ngôn ngữ trên thế giới đều có cùng một mô-típ truyền thuyết về sự ra đời của con người. Nếu như đây là sự tưởng tượng huyễn hoặc của người xưa, vậy thì người xưa làm thế nào vượt qua sự cách trở núi cao, đại dương, sa mạc và khoảng cách các đại lục, làm thế nào vượt qua sự khác biệt về chủng tộc và ngôn ngữ, để toàn thế giới “thông đồng” với nhau, cùng “âm mưu” lường gạt con cháu của họ? Ai có thể có năng lực đứng đằng sau sắp đặt trò bịp lớn này?

Thời không ba chiều của chúng ta là do phân tử cấu thành, bên trong thời không này của chúng ta hết thảy đều là do các hạt phân tử ở tầng này cấu thành, cho nên thời không ba chiều này của chúng ta còn gọi là thời không phân tử. Thần nói dùng bùn đất tạo ra con người, phải chăng chính là nói rằng dùng vật chất, dùng phân tử trong thời không ba chiều này của chúng ta mà tạo ra con người? Thời không này của chúng ta ở dưới chân của Thần, hết thảy mọi thứ trong thời không này của chúng ta dùng ngôn ngữ và khái niệm trong thời không nhiều chiều hơn của Thần, chẳng phải đều là đất, là bùn sao?

Đây là lý giải về câu chuyện Nữ Oa tạo ra con người.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/258531