Văn hóa Thần truyền của người dân tộc thiểu số Trung Quốc (4): Khát vọng Trung Nguyên (phần 2)

Tác giả: GZ

Tiếp theo Phần 4.1

[ChanhKien.org]

Lời tựa:

Tôi đã có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu nghệ thuật, trong quá trình công tác đã nghiên cứu nhiều đề tài về dân tộc thiểu số Trung Quốc. Tôi phát hiện rằng các dân tộc thiểu số có một lịch sử rất cổ xưa, tuy nhiên rất nhiều điều họ bảo tồn được lại vô cùng khó hiểu đối với người hiện đại, người ta chỉ xem đó như một nền văn hóa thần bí để thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình. Kể từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thoát khỏi sự đầu độc của chủ nghĩa vô thần và thuyết tiến hóa, tôi liên tục được Đại Pháp khai mở trí huệ, khi nhìn lại những sản phẩm văn hóa nghệ thuật của các dân tộc thiểu số này, tôi phát hiện rằng rất nhiều điều mà người bình thường không thể hiểu được đã được giải đáp trong các bài giảng Pháp của Đại sư Lý Hồng Chí. Văn hóa nghệ thuật của các dân tộc thiểu số cũng chứng minh cho sự tồn tại của Thần, cũng là một phần của văn hóa Thần truyền, nhưng thuyết tiến hóa và chủ nghĩa vô thần đã cản trở con đường quay trở về truyền thống của con người thế gian. Tôi xin chia sẻ những hiểu biết này với mọi người, do tầng thứ tu luyện cá nhân có hạn, có chỗ nào không phù hợp, xin từ bi chỉ rõ.

4. Khát vọng Trung Nguyên – Các dân tộc thời thượng cổ sống hoà hợp (phần 2)

Trong bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến việc sau khi Hoàng Đế và Viêm Đế hợp lực đánh bại Xi Vưu đã thực hiện cai trị đất nước bằng nhân đức “tu dưỡng đạo đức, chỉnh đốn quân đội, nghiên cứu sự thay đổi của bốn mùa theo ngũ hành, gieo trồng ngũ cốc, chăm lo cho muôn dân, đo đạc đất đai bốn phương” (Sử ký – Ngũ Đế Bản kỷ) đã nhận được sự ủng hộ của các liên minh bộ lạc. Trận Phản Tuyền và trận Trác Lộc đã thay đổi cục diện thời đại liên minh bộ lạc, Hoàng Đế trở thành vị tông chủ mới, đặt nền móng cho sự khai sáng và phát triển thịnh vượng của nền văn minh Hoa Hạ.

Sau Hoàng Đế lại xuất hiện một vị quân vương sáng suốt khác là vua Nghiêu, trong thời gian ông trị vì đã xảy ra ba sự kiện lớn làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh của Trung Quốc. Sự kiện lớn đầu tiên là nghe theo kiến nghị của vua Thuấn bắt lưu đày “bốn tội đồ” gồm Cộng Công, Hoan Đâu, Cổn và Tam Miêu, đến các vùng biên giới để khai mở đất đai. Sách Thượng thư – Thuấn Điển ghi: “Tam Miêu đã nhiều lần nổi loạn ở vùng sông Hoài và Kinh Châu. Thế là, vua Thuấn quay lại nói với Hoàng Đế xin lưu đày Cộng Công đến U Lăng, sau trở thành Bắc Địch; đày Hoan Đâu về vùng núi, sau trở thành Nam Man; chuyển Tam Miêu đến Tam Nguy, sau trở thành Tây Nhung; cử Cổn đến Vũ Sơn, sau thành Đông Di: Thuấn trị tội bốn kẻ hung ác mà khiến thiên hạ cảm phục”. Đây là một sự phân hóa dân tộc quan trọng nữa sau khi Hoàng Đế lưu đày tù binh thuộc Cửu Lê tộc, “Bắc Địch, Nam Man, Đông Di, Tây Nhung” chính là khởi nguồn của các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc hiện nay, lãnh thổ Trung Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều dân tộc chung sống hòa hợp. (Hình 1)

Hình 1: Trung Quốc thời cổ đại nhiều dân tộc chung sống hòa hợp

Sự kiện lớn thứ hai là trong thời kỳ vua Nghiêu trị vì, một trận đại hồng thủy chưa từng có đã xảy ra. Trận Đại hồng thủy này đã tiêu hủy gần như toàn bộ các nền văn minh và con người trên trái đất, mọi thứ được làm lại từ đầu, thiết lập một trật tự mới. Trong bài trước chúng tôi đã đề cập rằng Thần chỉ giữ lại rất ít người làm nhân chủng cho nền văn minh mới, toàn bộ vùng đất Thần Châu bị lũ lụt bao phủ, thời đại liên minh vạn quốc trước đây đã chìm trong biển nước mênh mông, trở thành lịch sử, nhưng những người sống gần núi Côn Luân đã được giữ lại chuẩn bị cho sự phát triển của nền văn minh Hoa Hạ sau này. Từ điểm này, chúng ta có lý do để tin rằng nơi mà tộc người của vua Nghiêu cư trú thời đó chính là trên dãy núi Côn Luân, vì thế họ đã may mắn sống sót sau trận hồng thủy.

Trong thời gian xảy ra Đại hồng thủy, khi nhường ngôi cho vua Thuấn, vua Nghiêu đã nói một câu rất quan trọng: “Tư! Nhĩ Thuấn! Thiên chi lịch số tại nhĩ cung. Doãn chấp kỳ trung. Tứ hải khốn cùng, thiên lộc vĩnh chung” (trích từ Luận Ngữ – Nghiêu viết). Nghĩa là “Quy luật biến hóa của trời nằm trong tay khanh, khanh phải tự mình nắm lấy, khanh phải giữ vững chữ ‘trung ’! Nếu không, lộc trời ban cho chúng ta sẽ mãi mãi kết thúc trong bốn biển cuồn cuộn này”. Chữ “trung” trong chữ trung tâm, nghĩa là trung tâm của thiên hạ, điều này cũng nói lên ý nghĩa sâu xa của cái tên “Trung Quốc” ngày nay. Vậy “trung tâm” của thiên hạ mới này nằm ở đâu? Vào ngày hạ chí, nơi mà bóng nắng lúc chính ngọ đo được dài một xích rưỡi (khoảng 0,5m) thì đó là trung tâm của thiên hạ. Trong phần trước, chúng tôi đã nói đến việc trong thời gian trận Đại hồng thủy, hiện tượng tuế sai xẩy ra trong thiên tượng vũ trụ đã làm thay đổi “trung tâm” của thiên hạ, khi các vì sao trên bầu trời thay đổi vị trí, vị trí “trung tâm” đã dần dần chuyển từ khu vực núi Côn Luân đến khu vực núi Tung Sơn thuộc tỉnh Hà Nam hiện nay, nơi đó chính là trung tâm của thiên hạ mới, đến nay ở đó vẫn còn lưu giữ đài trắc ảnh (đài đo bóng mặt trời) của Chu Công năm ấy (Hình 2), còn quốc gia nằm ở vị trí trung tâm của thiên hạ chính là Trung Quốc. Kể từ đó về sau, sự thay đổi của các triều đại đều xoay quanh “Khát vọng Trung Nguyên”, đây chính là quan điểm chính trị “cư trung nhi trị” (ở trung tâm là cai trị thiên hạ) của người Trung Quốc cổ đại, vì thế ai chiếm được vị trí “trung tâm” thì người đó chính là thiên tử của quốc gia trung tâm.

Hình 2: Đài trắc ảnh của Chu Công ở Tung Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc

Chúng ta thấy rằng hình dạng chữ “中” (trung) trong văn tự giáp cốt có nguồn gốc từ các công cụ cổ xưa được sử dụng để đo bóng của mặt trời (Hình 3 và 4). Loại quan hệ tương ứng giữa thiên văn và nhân văn này chính là cơ sở hình thành nên nền văn minh Trung Quốc, suy nghĩ của người xưa thật tinh thâm, sâu sắc.

Hình 3: Sự biến đổi và phát triển của chữ “中”

Hình 4: “Đồng hồ” dùng để đo bóng mặt trời trong đài thiên văn cổ ở Bắc Kinh

Đại sư Lý Hồng Chí đã từng nói về trận Đại hồng thủy này trong các bài giảng Pháp, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về quá trình diễn biến của văn hóa nhân loại trong 5000 năm qua:

“Mọi người biết rằng vào thời kỳ đầu của nền văn minh nhân loại lần này, bốn-năm nghìn năm trước, trên trái đất chúng ta đã từng xuất hiện một trận đại hồng thủy, toàn bộ nền văn minh của người da trắng Châu Âu đã bị phá hủy hoàn toàn. Đương nhiên những di tích còn di lưu lại rất ít, ngay như từ một số di tích văn vật cũng có thể nhìn thấy một vài thứ thời tiền sử trước kia, ví như nói từ một số văn vật khai quật được di lưu lại từ nền văn hóa Hy Lạp cổ có thể tìm thấy một vài dấu vết của nền văn minh tiền sử. Tại phương Đông, những thứ còn lưu lại sau trận đại hồng thủy tương đối nhiều hơn một chút. Mọi người đều biết câu chuyện Đại Vũ trị thủy, lúc đó nước rất lớn, sau khi nước rút, Đại Vũ đã hướng dẫn con người thoát nước từ trong đất bị ngập lụt ra, trong lịch sử có ghi chép như vậy. Nền văn minh cổ xưa thời đó của nhân loại, nền văn minh của thời kỳ trước đã bị đại hồng thủy hủy mất, nhưng tổ tiên người Trung Quốc có rất nhiều người sống sót sau trận đại hồng thủy, những thứ văn minh lưu lại cũng khá nhiều, còn người phương Tây sống sót lại khá ít, cho nên văn hóa phương Tây hiện nay là một nền văn hóa hoàn toàn mới, một nền văn hóa hoàn toàn mới không có bất cứ chút lịch sử cổ xưa nào, như vậy cũng khiến cho nền văn minh cổ xưa của Trung Quốc có lịch sử rất sâu xa, hơn nữa cũng không giống với con đường phát triển của khoa học ngày nay.

Vậy thì trong những nền văn minh cổ xưa này, sẽ có rất nhiều thứ mà con người hiện nay vẫn còn không hiểu, đồng thời lại thoát ly khỏi nền văn hóa hiện đại, cho nên rất nhiều người bao gồm cả người phương Tây cũng biết rằng, tại vùng đất Trung Quốc này, có rất nhiều rất nhiều những điều thần bí, những thứ mà con người hiện đại không hiểu, bản thân người Trung Quốc cũng biết. Tại vùng đất Trung Quốc này, có rất nhiều nền văn hóa cổ xưa vẫn chưa được người hiện đại biết đến. Có người đã nghe thấy, đã nhìn thấy, nhưng cũng không thể giải thích nổi, cũng không có ai đem những thứ cổ xưa này ra giảng cho người ta. Bởi vì những thứ mà tổ tiên người Trung Quốc lúc đó để lại khá nhiều, cho nên nền văn hóa thượng cổ đã [được] di lưu lại một bộ phận.

Dải đất trung tâm của chủng tộc Trung Quốc thời thượng cổ trong quá khứ không phải là lưu vực sông Hoàng Hà hiện nay, mà là thuộc dải đất Tân Cương. Thời kỳ phồn thịnh nhất của dân tộc này khi đó cũng ở tại dải đất này. Bởi vì núi Côn Luân nằm cạnh vùng này, địa thế xung quanh khá cao, trận đại thủy năm đó cao tới hơn 2.000m, đã nhấn chìm toàn bộ trái đất, có rất nhiều người khi đại thủy bùng phát đã chạy lên núi Côn Luân, sống sót được, di lưu lại một số văn hóa thời thượng cổ. Ví như ở Trung Quốc hiện nay có một số người vẫn không hiểu được, nào là Hà Đồ, Lạc Thư, Thái Cực, Tiên Thiên Bát Quái v.v., còn có một vài môn khí công cổ xưa mà ngày nay người ta đã biết. (Giảng Pháp tại Lễ thành lập Phật học hội Singapore [1996] – Giảng Pháp tại các nơi I)

Sự kiện lớn thứ ba là việc Đại Vũ trị thủy. Vũ là họ, tên là Văn Mệnh, trong sử sách gọi là Đại Vũ, Đế Vũ, Thần Vũ, là thủ lĩnh của dòng họ Hạ Hậu và là vị vua sáng lập nhà Hạ. Đồng thời Đại Vũ là chắt của Hoàng Đế, cháu nội của Chuyên Húc Đế, con trai của Cổn, huyết thống trực hệ thực sự của Hoàng Đế. Cha của Vũ là Cổn cùng những người khác trong bộ tộc bị đày đến vùng đất phía đông và trở thành người Đông Di, về sau vì trị thủy không thành mà bị xử tội chết. Đại Vũ nối tiếp gánh tội phần trách nhiệm trị thủy, trong 13 năm trị thủy, ông đi qua cửa nhà ba lần mà không vào, cuối cùng đã trị thủy thành công. Ghi chép về xuất thân của Đại Vũ trong sử sách đã khẳng định rằng ông thuộc dòng họ Hạ Hậu. Sử ký – Lục quốc niên biểu của Tư Mã Thiên viết: “Vũ hưng thịnh ở Tây Khương.” Tập giải của Hoàng Bồ Mật viết: “Mạnh Tử nói: Vũ sinh ra ở Thạch Nữu, cũng là người Tây Di”. Thục vương bản kỷ viết: “Vũ vốn là người quận Vấn Sơn huyện Đông Nhu, sinh ra ở Thạch Nữu”. Rất nhiều tích sử đều ghi rằng Đại Vũ là “người Tây Khương”, Thạch Nữu chính là khu vực Vấn Xuyên thuộc tây bắc Tứ Xuyên ngày nay, nơi đó từ trước đến nay vẫn là nơi sinh sống của người dân tộc Khương (Hình 5), trong vở kịch “Hoa đăng hí” hiện đang lưu truyền ở khu tự trị Ngawa của người dân tộc Tạng và người dân tộc Khương và huyện tự trị dân tộc Khương Bắc Xuyên có tiết mục “Đại Vũ trị thủy”, trong đó có một đoạn ca từ như sau:

Trời có trước, đất có sau, sau đó có con người, có nam có nữ. Đến hát trước, ở bên dưới, là người Hán đội mũ. Phía trên chúng tôi, là người Tạng đi ủng. Sống ở giữa là người Khương. Vào ngày vui mừng này, Ca hát về dân tộc chúng tôi, ca hát về tổ tiên chúng tôi. Núi có cây, cây có gốc, chúng tôi đến hát về nguồn gốc dân tộc Khương. “Gia Cách Tây” giỏi nhất, Ông là người đã khai thông chín con sông, Phải mất tám năm tròn. Lần đầu tiên đi ngang qua cửa nhà, Nghe thấy tiếng đứa trẻ khóc, nhưng trong lòng ông chỉ nghĩ: Những dã thú chưa bị tiêu diệt vẫn còn đó. Lần thứ hai đi ngang qua cửa nhà, Nghe tiếng đứa trẻ cười, chợt thấy toàn thân đầy dũng khí. Lần thứ ba đi ngang qua cửa nhà, thấy đứa trẻ đã cao lớn hơn. Nghị lực tăng bội phần khí thế hiên ngang, chín con sông nhất định được khai thông. Khó khăn lớn không làm gục ngã …

Hình 5: Các cô gái dân tộc Khương vừa hát vừa nhảy múa ở khu tự trị Ngawa của người dân tộc Tạng và người dân tộc Khương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

“Gia Cách Tây” trong lời bài hát này là tên tiếng dân tộc Khương của Đại Vũ, bài hát ca ngợi điển cố Đại Vũ trị thủy đã ba lần đi qua cổng nhà mình mà không vào, người dân địa phương đời đời coi Đại Vũ là tổ tiên và anh hùng của họ.

Khi Đại Vũ trị thủy có ba pháp khí trợ giúp: Khai Sơn Phủ, Tị Thủy Kiếm và Hà Đồ Lạc Thư. Đại Vũ đã nhiều lần quan sát thiên tượng, dựa trên sự diễn hóa của Hà Đồ Lạc Thư mà tính toán mối quan hệ tương ứng của thiên địa. Ông đã đi khắp các con sông lớn từ bắc đến nam để khảo sát kỹ địa hình, dùng Khai Sơn Phủ để xẻ đôi núi Long Môn và Y Quyết, đục thủng núi Tích Thạch Sơn, Thanh Đồng Hiệp và chín dãy núi khác, dùng Tị Thủy Kiếm khai thông chín con sông lớn làm cho chúng thuận lợi chảy thông ra biển, xây dựng đê và sửa chữa chín hồ lớn, hao tốn 13 năm cuối cùng mới khống chế được lũ lụt, vẽ địa hình mới thành bản đồ và đặt tên mới là “Vũ Tích Đồ” (Hình 6).

Hình 6: Bản khắc đá “Vũ Tích Đồ” thời nhà Tống, bản đồ chín châu được đo đạc, vẽ và truyền lại từ thời Đại Vũ trị thủy

Là vị hoàng đế của triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, suốt cuộc đời mình, Đại Vũ đã làm nhiều việc lớn đặt nền móng cho nền văn minh Trung Hoa. Ông căn cứ vào vị trí và hình ảnh của các ngôi sao – cũng chính là 28 vì tinh tú (Nhị Thập Bát tinh tú) trên bầu trời và Tứ Tượng trên mặt đất (Hình 7) mà phân chia ra 9 châu mới. Ông cũng lập ra chế độ thuế khóa và chế độ ngũ phục (tang phục), mỗi châu thành lập 12 sư, cứ năm nước chư hầu chỉ định một thủ lĩnh, giao cho họ làm hết chức trách của mình, tạo dựng sự nghiệp, cuối cùng đã mở rộng biên giới đến 5000 dặm. Đại Vũ là người siêng năng, nhân hậu, phẩm chất đạo đức cao quý, trong Sử ký – Hạ Bản Kỷ đã mô tả Đại Vũ như sau: “Đại Vũ là người nhanh nhẹn mà chuyên cần, giữ tiêu chuẩn đạo đức cao, tấm lòng nhân ái khiến người ta luôn muốn ở gần, lời nói đáng tin cậy, giọng nói đúng âm luật, cử chỉ hành động chuẩn mực, xử lý việc công minh, nghiêm túc mẫn cán, là tấm gương cho bách quan noi theo”. Dưới sự trị vì của ông, uy danh của dân tộc Hoa Hạ trong việc giáo hóa con người đã truyền rộng đến năm sông bốn biển. Các chư hầu trong thiên hạ đều công nhận sự hiền minh của Đại Vũ, vì vậy tất cả đều tôn sùng và thực hiện theo mọi phép tắc lễ nghi và âm luật do đích thân Đại Vũ thiết lập ra, tôn phụng ông là chủ tể của thần linh sông núi, điều này đã đặt nền móng cho việc thiết lập và thực hiện hệ thống lễ nhạc của các triều đại sau này. Như chúng ta đã biết, tôn trọng lễ nhạc là một đặc trưng nổi bật của dân tộc Hoa Hạ so với các dân tộc khác, “lễ” (lễ nghi) đã trở thành một hệ thống chế độ duy trì trật tự, thứ bậc, giai tầng của xã hội, nó đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền văn minh Trung Hoa.

Hình 7: Bản đồ phân chia vị trí các chòm sao của Trung Quốc cổ đại

Vì Đại Vũ có công trị thủy và có đức hạnh cao thượng nên vua Thuấn trước khi băng hà đã truyền ngôi cho Đại Vũ, Đại Vũ đã triệu tập 33 vị chư hầu ở Đồ Sơn, thành lập triều đại đầu tiên của Trung Quốc là triều đại nhà Hạ, định đô ở Dương Thành (nay là phía đông Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Hồng Phạm Cửu Trù (chín khuôn mẫu lớn) mà Đại Vũ quy định ra sau đó đã trở thành quy tắc quản lý đất nước, lấy vàng do các chư hầu cung tiến đúc thành Cửu Đỉnh, tượng trưng cho chín châu, đại diện cho chủ nhân của thiên hạ từ nay về sau, cửu đỉnh chí tôn tức là Thiên tử, có quyền lực thống trị thiên hạ.

Mọi người đều biết rằng nền văn minh Trung Hoa có nguồn gốc từ tộc Hoa Hạ, chữ “华” (Hoa) có nguồn gốc từ Hoa Tư thị. Hoa Tư thị sinh ra Nữ Oa và Phục Hy, Nữ Oa và Phục Hy lại sinh ra Thiểu Điển, Thiểu Điển lại sinh ra Hoàng Đế, cho đến Đại Vũ, đến lúc này “Hoa Hạ tộc” được hình thành, lấy “lễ nhạc giáo hóa” trở thành đạo viên dung thiên hạ, để rồi từ đó cùng với những hậu duệ của các dân tộc ở trên mảnh đất Thần Châu mà dày công diễn một vở kịch lớn đặc sắc của nền văn minh Trung Hoa (Hình 8).

Hình 8: Bản đồ khắc trên đá thời Tống: Bản đồ Hoa Di

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/259587