Tu luyện khi làm việc trong đài phát thanh Hy Vọng



Tác giả: Thư Đàm – một đệ tử Đại Pháp tại Singapore

 

[ChanhKien.org] Vào tháng 05 năm 2019, Sư phụ đã giảng trong Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019:

Tôi rất bội phục một số học viên làm hạng mục Đại Pháp, như những học viên làm Minh Huệ;…

Nhưng họ không thể nói, công lao lớn đến mấy cũng phải cất trong bụng của mình…

Thực tế rất nhiều [đệ tử] lặng lẽ làm các hạng mục đệ tử Đại Pháp, có những đệ tử Đại Pháp khác cũng thế, lặng lẽ làm. Thật sự rất xuất sắc, trong mắt chư Thần thì quả thực đối đãi bằng con mắt khác. Tôi chính là bội phục [những đệ tử] như thế.

Những đồng tu đã âm thầm làm việc trong hạng mục website Minh Huệ trong suốt 20 năm qua thật là xuất sắc. Chúng ta đều nên hoàn thành tốt những điều mà Sư phụ đặt kỳ vọng nơi các đệ tử của Ngài. Ban đầu tôi không định viết bài chia sẻ thể ngộ trong Pháp hội lần này mà chỉ muốn yên lặng lắng nghe. Lý do là tôi chưa bao giờ hoàn thiện được một hạng mục nào từ đầu tới cuối như các đồng tu khác ở mảng truyền thông. Tôi thường xuyên di chuyển giữa Singapore và New York. Ở New York, tôi làm nhiều công việc khác nhau vì các hạng mục đều thiếu nhân sự. Dù vậy, không có công việc nào trong số đó đạt đến trình độ chuyên nghiệp.

Tôi thật sự biết ơn mọi an bài mà Sư phụ ban cho. Trong thời gian diễn ra Pháp hội năm 2018 tại Mỹ, nhờ sự hướng dẫn của một đồng tu khác, tôi đã nộp đơn xin làm phát thanh viên tại tổng bộ của Đài phát thanh Hy Vọng. Sau khi trở về Singapore, tôi được chuyển công tác đến Tập đoàn Tin tức châu Á–Thái Bình Dương để phát sóng đến Trung Quốc Đại lục thông qua radio. Tôi nhớ đồng tu điều phối đã nói rằng: “Chúng ta dùng tiếng nói của mình để truyền tải sự thật và cứu người”. Nhớ lại trải nghiệm trong nửa năm này, mỗi một khảo nghiệm là một quan ải lớn và mỗi lần phát sóng đều có nhiều thiếu sót. Bởi vì tôi đã từng dạy tiếng Trung Quốc hơn 10 năm, tôi tự tin mình đủ nền tảng vững chắc về Trung văn. Nhưng khi bắt đầu thực sự làm việc, tôi đột nhiên nhận ra việc dạy tiếng Trung khác rất nhiều so với khi làm phát thanh.

Trong quá trình học Pháp nhóm, tôi một lần nữa đọc lại Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019, trong đó Sư phụ giảng :

Còn nữa, mọi người trong các nhóm giảng chân tướng, trong những hoạt động do đệ tử Đại Pháp tổ chức tự phát, [thì] khi giảng chân tướng, cứu chúng sinh là có tác dụng to lớn phi thường, hết sức tốt đẹp! Không phải ở chỗ là chư vị làm được oanh liệt hoành tráng thế nào, [mà là] nhìn xem chư vị làm được có hữu hiệu không, coi cái tâm chư vị xếp đặt ra sao, có phải người tu luyện chăng.

Trong Pháp hội Tân Đường Nhân và Đại Kỷ Nguyên năm 2018, Sư phụ cũng giảng:

Dù chư vị ở kênh truyền thông là khởi tác dụng thế nào, phân công [làm] gì, [thì] đó chính là con đường tu luyện của chư vị.

Tôi ngộ ra rằng truyền thông là một công cụ để cứu người. Bất kể bạn làm gì, bạn đều phải cố hết sức để phối hợp, lý tính và làm tốt chiểu theo tiêu chuẩn của một đệ tử Đại Pháp. Sau đó bạn mới có thể giảng rõ sự thật và cứu người.

Tôi cảm kích đồng tu điều phối đã nhiệt tình hướng dẫn mình và thật may mắn khi tôi được tham gia hạng mục của Đài phát thanh Hy Vọng. Đồng tu điều phối luôn khích lệ mọi người chia sẻ thể ngộ trong quá trình tu luyện của họ và cô còn kể rằng có một phóng viên từng hỏi Sư phụ điều gì khiến Ngài vui mừng nhất trong cuộc đời. Sư phụ giảng trong Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ Quốc [1999]:

…khi tôi nghe hoặc xem học viên nói về tâm đắc thể hội tôi thấy yên lòng nhất.

Lời giảng ấy của Sư phụ đã động viên tôi rất nhiều. Tôi biết ơn cơ hội được tham dự Pháp hội này và sự khích lệ của các đồng tu đã tạo điều kiện cho tôi chia sẻ trải nghiệm tu luyện của mình trong hơn một năm qua. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.

1. Sửa lỗi phát âm sai và cải thiện bản thân

Tháng 08 năm ngoái, người điều phối chính của khu vực châu Á–Thái Bình Dương đã yêu cầu tôi phải giao tiếp với đồng nghiệp bằng nhiều phần mềm khác nhau bao gồm phần mềm để làm việc, đào tạo, hay họp hành, v.v. Tuy nhiên, tôi thậm chí còn không biết “máy chủ” là cái gì. Tôi cũng không muốn nhờ vả người điều phối quá nhiều bởi vì cô ấy cũng rất bận rộn hỗ trợ những đồng nghiệp mới. Tôi không muốn dựa dẫm vào cô ấy. Tôi nghĩ có lẽ đây là một khảo nghiệm dành cho mình, vì vậy đã lấy hết can đảm để thử nó. Điều quan trọng nhất khi phát thanh là biết cách sử dụng một phần mềm ghi âm chuyên nghiệp. Có nhiều bước từ tải về, cài đặt cho đến thao tác trên nó. Thường thì tôi luôn cần ai đó hướng dẫn mỗi khi sử dụng máy tính. Nhưng ngày hôm đó tôi đã cố gắng tự làm một mình, từng bước một và phát chính niệm để loại bỏ những can nhiễu. Quá trình cài đặt đã thành công ngay lần thử đầu tiên như thể có chư Thần đang giúp đỡ. Tạ ơn Sư phụ đã gia trì cho con! Sau đó, điều phối viên cho biết cô ấy đã cài đặt xong các phần mềm để liên lạc với tôi và muốn tôi thử cài đặt phần mềm chuyên dụng một mình. Hóa ra đây đúng là bài kiểm tra kỹ năng máy tính của tôi. Tôi hy vọng mình đã tiêu trừ được can nhiễu bằng chính niệm và đã làm đúng như cô ấy mong muốn.

Tôi vẫn còn nhớ vị điều phối ấy đã chỉ ra nhiều lỗi sai trong bản thu âm thử đầu tiên của tôi. Cô ấy nói rằng với chất lượng thế này thì không thể phát sóng được. Tôi rất sốc nhưng tôi cũng nhận ra đúng là giọng địa phương của tôi khi nói nhanh sẽ phát âm không chuẩn. Tôi đề nghị cô ấy cho tôi thêm ba ngày nữa và cam đoan sẽ sửa lại tất cả những vấn đề này. Ngữ điệu là một kỹ năng cơ bản trong phát thanh truyền hình. Tôi đã quen nói bằng khẩu ngữ nhưng đó không phải là tiêu chuẩn dành cho phát thanh. Trong cùng ngày hôm đó, tôi đã lên mạng tìm học các khóa dạy về phát thanh truyền hình để trau dồi thêm và khắc phục những khó khăn khi phát sóng. Tôi đã hoàn thành các khóa học cơ bản trong hai ngày liền mà không nghỉ ngơi, và đã có thể nói tốt tiếng Phổ thông ngay sau đó. Cuối cùng, vào ngày thứ ba tôi cũng vượt qua được bài kiểm tra phát thanh một cách suôn sẻ.

Phát thanh cũng giống như làm nghệ thuật, Sư phụ đã liên tục nhắc đến từ “chuẩn xác” trong Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác và Nghiên cứu Mỹ thuật [2003]. Phát âm chuẩn là điều quan trọng nhất khi làm phát thanh viên. Các lỗi phát âm có thể gây ảnh hưởng đến tính chính xác của chương trình tin tức. Tôi có thể hình dung mình đã gây phiền toái cho đạo diễn như thế nào khi tôi phạm lỗi phát âm. Anh ấy phải lắng nghe rất kỹ để dò lỗi, rồi đưa những phản hồi điều chỉnh lên kênh liên lạc của hạng mục. Khi tôi thu âm lại và tải lên hệ thống thì chất lượng âm thanh thường bị biến đổi. Thế là anh ấy phải điều chỉnh lại chất lượng âm thanh. Vì vậy, tôi không dám chậm trễ trong bất cứ chương trình phát sóng nào. Để hạn chế sai sót và tự nhắc nhở bản thân, tôi đã chuẩn bị một cuốn sổ tay để viết lại những lỗi thường gặp mà đạo diễn đã chỉ ra. Khi kịch bản được chốt duyệt cho mỗi buổi phát sóng, tôi đều in bản thảo ra giấy để học thuộc nội dung và kiểm tra từ điển để sửa lỗi phát âm. Tôi đặt yêu cầu cho mình không được mắc lỗi phát âm lần thứ hai. Tôi thực sự biết ơn đồng tu đạo diễn đã luôn nhắc nhở tôi phải phát âm chuẩn. Chẳng mấy chốc, tôi dần hoàn thiện kỹ năng mà không cần ghi âm lại nhiều lần.

2. Loại bỏ văn hóa đảng và quay trở về tự kỷ chân chính

Trong quá trình Chính Pháp, Sư phụ vẫn luôn nhắc nhở trong những bài giảng của Ngài rằng các học viên đến từ Đại lục phải chú ý loại bỏ văn hóa đảng. Ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã ở trong cái nôi của văn hóa đảng, từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều thói quen xấu đã được hình thành. Hồi mới đến Singapore, tôi nhận ra các đồng tu xung quanh mình không ai nói chuyện với ngôn từ kích động hay ngữ điệu cao trào như của người Trung Quốc Đại lục. Lời nói của họ rất đơn thuần và tường hòa. Thật không may, rất khó để tôi có thể đồng hóa với những bản chất tự nhiên và chân thật này; giọng nói của tôi vừa to lại còn gay gắt khiến mọi người không thấy dễ chịu. Đặc biệt khi phải thực hiện chương trình phát thanh hàng ngày thì vấn đề ấy càng trở nên nổi cộm.

Tôi vẫn còn nhớ, không lâu sau khi tôi bắt đầu phát sóng, để khách quan hơn, đồng tu điều phối đã cho các thành viên trong gia đình của cô ấy nghe trước bản thu của tôi. Các thành viên trong gia đình cô nói rằng họ có cảm tưởng như tôi đến từ một đất nước hùng mạnh. Tôi đã rất sốc. Bản chất giọng Đại lục có âm điệu không tự nhiên, mạnh mẽ và cứng nhắc. Khi thính giả không có cảm giác dễ chịu về giọng nói của phát thanh viên thì liệu họ có tiếp tục lắng nghe không? Điều này cũng có nghĩa là tôi đã không thật sự chiểu theo đặc tính vũ trụ Chân–Thiện–Nhẫn. Tôi thất vọng và không biết phải làm sao. Bây giờ, khi nghe lại các chương trình phát sóng trước đây của mình, tôi cảm thấy giọng điệu của mình thiếu kiên nhẫn, không tự nhiên và cứng nhắc. Tôi thấy có lỗi với thính giả.

Nhìn bề ngoài, việc phát sóng chỉ đơn giản là biểu thị ra âm thanh và nội dung, nhưng trên thực tế nó phản ánh trạng thái tu luyện của tôi. Bất cứ khi nào tôi không làm chủ được cảm xúc thì đó chính là lúc để chấp trước này bộc lộ ra và tôi có cơ hội quy chính bản thân, đề cao trong Pháp. Một học viên đã chia sẻ với tôi rằng trạng thái tu luyện có ảnh hưởng tới hạng mục phát thanh như thế nào. Phần mà chúng ta tu luyện được tốt đã cách khai ra, trong khi phần chưa đồng hóa với Pháp lại liên tục biểu hiện để chúng ta đề cao. Điều này đã nhắc nhở tôi rằng mỗi một bản tin được thu âm đều là một phần trong quá trình tu luyện của mình. Nếu tôi chỉ thu âm thôi mà không cần chú ý gì hết thì tiến độ sẽ rất nhanh, tuy nhiên tôi biết làm thế sẽ thiếu chính xác. Trong Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005, Sư phụ giảng:

Chưa làm tốt thì từ từ mà làm, biết nắm vững [thời gian] là tốt. Lo lắng cũng vô dụng, lo lắng cũng là chấp trước. Đừng lo, cứ làm những gì đệ tử Đại Pháp cần làm. Hãy xem người khác làm thế nào thì chư vị làm thế, dần dần rồi thì chư vị sẽ đi ra được con đường của mình, dần dần rồi chư vị sẽ biết dùng phương thức của bản thân mình mà làm.

Tôi nhận ra một chấp trước ẩn giấu là truy cầu thành công. Ở bề ngoài thì có vẻ như tôi đang cố gắng để chương trình phát sóng được hoàn mỹ, nhưng trên thực tế tôi chỉ đang chứng thực bản thân mình. Chiểu theo Pháp mà xét thì mong muốn thành công và chứng thực bản thân đều là chấp trước. Tôi muốn tu bỏ chúng. Giọng nói của tôi chưa rõ ràng và linh hoạt. Tôi có thể cải thiện điều này thông qua việc học thanh nhạc, tuy nhiên thính giả sẽ chỉ sẵn lòng lắng nghe khi tôi thể hiện được sự chân thật và tự nhiên.

Trong Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006], Sư phụ giảng:

Nói cách khác, dẫu chư vị là ở lĩnh vực nào, thì phương diện kỹ năng của chư vị có thể đề cao là biểu hiện sau khi chư vị không ngừng khiến cảnh giới của mình đề cao, trên biểu hiện là chư vị đang làm người tốt, đang tu tâm; từ giác độ con người mà nói thì chư vị đang trở thành người tốt; vì học Pháp nội tu [và] chư vị thực thi càng ngày càng tốt, [nên] chư Thần mới cấp cho chư vị trí huệ mà chư vị đáng được có và cấp cho chư vị linh cảm, khiến chư vị trong học tập mà minh bạch ra rất nhiều [điều], khiến chư vị sáng tạo ra những thứ tốt đẹp hơn, khiến chư vị có kỹ thuật cao hơn, khiến chư vị vượt lên.

Tôi đã ngộ được từ lời giảng của Sư phụ rằng mình cần đề cao cảnh giới thông qua học Pháp và tu luyện. Có như vậy chư Thần mới ban cho tôi trí huệ và linh cảm, sau đó kỹ năng của tôi mới được cải thiện. Chúng ta thật may mắn vì đã đắc được Đại Pháp. Trước đây tôi từng đọc thầm khi học Pháp nhưng bây giờ tôi thường học thuộc Pháp hoặc đọc thành tiếng một cách trầm tĩnh cùng các đồng tu trên ứng dụng Sonant mỗi ngày. Tôi rất tập trung khi học Pháp và dần dần cũng học được cách nói chuyện trôi chảy và từ tốn.

Một số đồng tu góp ý rằng tôi nên quan tâm đến thính giả khi phát thanh, và tôi nhận ra mình chỉ tập trung vào đọc bản thảo mà không để ý đến cảm xúc của người nghe. Khi không nghĩ cho thính giả thì có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến âm thanh phát sóng và thính giả sẽ nhận ra điều đó. Có rất nhiều can nhiễu khi chúng tôi ghi âm, và cách đơn giản nhất để loại bỏ chúng là duy trì chính niệm. Thường khi tôi mắc lỗi hoặc làm việc không hiệu quả là bởi vì tôi làm quá vội vàng. Tôi sẽ cuống lên và mất bình tĩnh. Nhưng nếu tôi lý tính thì tâm tôi sẽ bình ổn lại, và những vấn đề tiêu cực không thể can nhiễu tôi nữa. Tôi sẽ không thấy mệt mỏi hoặc mắc lỗi. Mọi thứ đều trở nên thuần khiết và đẹp đẽ.

Sư phụ đã giảng trong Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác và Nghiên cứu Mỹ thuật [2003]:

Chư vị ở đâu cũng cần phải làm người tốt, như vậy trong lĩnh vực nghệ thuật chư vị cũng phải làm người tốt, trong tác phẩm của chư vị cũng phải biểu hiện tốt đẹp, biểu hiện ‘chính’, biểu hiện thuần, biểu hiện Thiện, biểu hiện quang minh.

Tôi ngộ ra việc loại bỏ tâm thái cực đoan và học cách thể hiện bản thân một cách bình hòa và tự nhiên chính là tu Chân. Ai cũng thích một người hòa ái vì người đó phù hợp với đặc tính của vũ trụ. Chỉ khi tu luyện bản thân tốt hơn tôi mới có thể triển hiện ra sự thuần khiết và vẻ đẹp của Đại Pháp. Có như thế tôi mới có thể cứu nhiều người hơn nữa.

3. Hướng nội tu tốt bản thân, nhìn vào ưu điểm của đồng tu và cứu nhiều chúng sinh hơn nữa

Tôi đã đắc Pháp thông qua mẹ và chị gái của mình. Đã 21 năm trôi qua! Tạ ơn Sư phụ vì Ngài đã ban cho con một cuộc đời mới và mọi điều tốt đẹp nhất mà tôi không thể báo đáp được. Mỗi khi nghĩ đến danh hiệu “Đệ tử Đại Pháp thời kỳ chính Pháp”, tôi đều cảm thấy vinh dự nhưng cũng không kém phần lo lắng rằng mình đã không tu luyện tốt và không xứng với danh hiệu đó.

Vào đầu năm nay, tôi đã đọc Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998]. Sư phụ giảng:

Nếu như người tu luyện mà chỉ là buông bỏ được trên bề mặt, nhưng khi bên trong nội tâm vẫn còn bảo thủ – cố chấp một thứ gì, cố chấp vào cái lợi ích bản chất nhất kia của chính chư vị mà không để người gây tổn hại, tôi bảo cho mọi người, đó là tu luyện giả! Nội tâm của chính chư vị mà không động, thì một bước chư vị cũng không thể đề cao nổi, đó là đánh lừa chính mình. Chỉ có là chư vị thực sự đề cao từ nội tâm, chư vị mới là đề cao thực sự.

Tôi đã giật mình và tự vấn bản thân liệu mình có đang giả tu hay không? Tôi có đang ôm giữ bất cứ lợi ích nào cho bản thân không?

Nhìn lại quá trình tu luyện của tôi trong nhiều năm, tôi nhận ra mình có chấp trước đối phó với mọi người bằng cách giữ hòa khí. Khi một số đồng tu không đồng ý với tôi, bề ngoài thì tôi khiêm tốn chấp nhận ý kiến của họ nhưng trong tâm lại tức giận không nguôi. Sự kiên nhẫn của tôi giống như trong bài giảng “Thế nào là Nhẫn” trong Tinh Tấn Yếu Chỉ:

Nhẫn mà uất hận, ủy khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ…

Hiếm khi có điều gì làm tôi tức giận, và tôi cứ ngỡ rằng ấy là do tôi tu luyện tốt và tâm tính tốt. Sự tu luyện của tôi là giả, và nó đang che dấu những chấp trước cứng đầu ẩn sâu. Tôi đã tìm thấy rất nhiều tâm chấp trước mà trước giờ tôi không nhận ra như tâm ích kỷ, tâm sợ chỉ trích, tâm giữ thể diện, phô trương, tranh đấu v.v. Dường như có rất nhiều những chấp trước ẩn sâu và tôi hiểu rằng sự tu luyện của mình còn cách rất xa tiêu chuẩn của Pháp.

Năm ngoái, tôi cảm thấy một chút tự mãn vì bài chia sẻ của tôi được đăng trên website Minh Huệ (vn.minghui.org). Sau đó tôi nhận ra điều này không đúng. Nếu tôi không chiểu theo Pháp mà làm thì tôi sẽ không có chính niệm và không thể lý giải Pháp tốt hơn. Lý do mà tôi có thể viết bài chia sẻ là vì có Pháp và Sư phụ gia trì. Sư phụ đã và đang điểm hóa cho đệ tử của Ngài, tôi chỉ nên tu tốt bản thân và làm những gì cần làm như một đồ đệ chân chính.

Về việc chân tu hay giả tu tôi còn có một nhận thức nữa. Sư phụ giảng trong Giảng Pháp tại Manhattan [2006]:

Có người vẫn luôn cứ nhấn mạnh rằng mình là đúng; chư vị đúng, chư vị không sai, vậy thì sao? Là đề cao trong Pháp chăng? Dùng nhân tâm để nhấn mạnh đúng-sai, bản thân đó đã là sai rồi; bởi vì chư vị dùng cái Lý của người thường để đo lường bản thân chư vị, chư vị dùng cái Lý của người thường để yêu cầu người khác. Tại Thần mà nhìn một người tu luyện ở thế gian, [thì] đúng và sai của chư vị hoàn toàn không trọng yếu; mà tống khứ tâm chấp trước nhân tâm mới là trọng yếu.

Đối chiếu với lời giảng của Sư phụ tôi nhận ra mình vẫn còn nhiều khía cạnh cần đề cao. Tôi thường nhấn mạnh những gì tôi cho là đúng và đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tu tâm. Ví dụ tôi luôn cho rằng mình đúng khi xảy ra mâu thuẫn với đồng tu tại các điểm du lịch mà chúng tôi giảng chân tướng. Điều này dễ dẫn đến cực đoan và tôi cũng không hướng nội để tìm ra chấp trước căn bản của mình, cho nên khó mà đối xử từ bi với người khác được. Nếu một người luôn viện dẫn Pháp nhằm khăng khăng mình là đúng thì sẽ có xung đột, mà điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phối hợp chỉnh thể do sự gián cách ngày càng sâu sắc giữa các đồng tu.

Cho đến gần đây, loại gián cách này vướng trong tâm tôi như một cái gai. Tôi đã dự định giảng chân tướng và luyện công tại điểm du lịch nhưng lại gây mâu thuẫn với đồng tu. Ban đầu nó chỉ là vấn đề rất nhỏ và tôi chỉ muốn bày tỏ suy nghĩ của mình. Mặc dù tôi vẫn phối hợp với các đồng tu nhưng họ cảm thấy không thoải mái khi nghe tôi nói. Chiểu theo Pháp tôi hiểu rằng đó không phải là việc ai sai, ai đúng mà quan trọng nhất là loại bỏ chấp trước. Tôi nhận ra đó không phải trùng hợp ngẫu nhiên mà là an bài của Sư phụ để giúp tôi đề cao tâm tính. Tôi bình tĩnh và hướng nội. Vấn đề là giọng điệu của tôi đến từ văn hóa đảng, người khác cảm thấy giọng điệu của tôi đang nhấn mạnh rằng tôi đã đúng và đang áp đặt người khác.

Nghĩ lại những khi chia sẻ với đồng tu làm cách nào để tốt hơn. Càng thảo luận tôi lại càng thấy mình đúng, và khi đối phương không đồng ý tôi liền có cảm giác gián cách với họ. Vấn đề chẳng phải ở tôi hay sao? Khi tôi không vui vì người khác bất đồng quan điểm với mình thì đó là chấp trước vào bản thân đang lộ diện và nó càng được gia cường mạnh mẽ hơn khi tôi tự cho mình là đúng. Cuối cùng thì tôi nhận ra chấp trước ẩn sâu ấy là chứng thực chính mình. Nếu một người tu luyện cứ mãi chứng thực bản thân thay vì chứng thực Pháp thì đó chẳng phải là giả tu hay sao? Điều này thật sự nguy hiểm vì tu luyện của tôi sẽ trở thành vô nghĩa. Nếu không có chấp trước vào bản thân thì tôi luôn có thể nói chuyện với mọi người bằng tâm hòa ái và không áp đặt. Bất cứ khi nào tôi thể hiện quan điểm của cá nhân đối với người khác thì tôi đều đang chứng thực bản thân. Khi tôi có cảm giác rằng “Mình vẫn đang tu tốt”, đó cũng là chứng thực bản thân chứ không phải chứng thực Pháp. Tôi phải cảnh giác!

Tôi vẫn đang nghĩ xem làm thế nào để loại bỏ gián cách giữa các đồng tu với nhau. Có một bài chia sẻ trên website Minh Huệ rằng, một học viên đã nhìn thấy chân thể của các đồng tu sáng ngời như ánh vàng kim ngồi trên tòa sen ở không gian khác. Bên dưới chân thể đó là một cơ thể mang đầy nghiệp lực và quan niệm hậu thiên, nhưng nó đã rất nhỏ rồi. Khi chúng ta nhìn vào lỗi của đồng tu thì đồng thời cũng đưa những nghiệp lực và quan niệm này vào cơ thể của chính mình, và điều này làm tăng ma tính trong mỗi chúng ta. Sau đó nó hình thành gián cách và ngăn trở chúng sinh được đắc cứu. Nhưng khi chúng ta chỉ nhìn vào ưu điểm của đồng tu thì cơ thể chứa nghiệp lực kia sẽ bé lại, thiện tâm và từ bi của họ sẽ xuất hiện.

Tôi nhận ra rằng Sư phụ đang điểm hóa cho mình, và tôi vô cùng ngạc nhiên. Nhìn vào ưu điểm của đồng tu cũng có thể cứu chúng sinh. Kể từ đó, tôi bắt đầu nghĩ về ưu điểm của các đồng tu mà tôi từng mâu thuẫn với họ. Có đồng tu thì giỏi tổ chức, có đồng tu rất biết phối hợp, có đồng tu đang dành nhiều công sức cho hạng mục, có đồng tu có kỹ năng máy tính tốt, có đồng tu đang giảng chân tướng tốt, và có đồng tu khuyên được nhiều người tam thoái. Khi tôi nghĩ về những ưu điểm của họ, mọi mâu thuẫn trong tâm tôi đều được hóa giải.

Tạ ơn sự từ bi vô hạn của Sư phụ. Tôi đã loại bỏ được nhiều chấp trước và Sư phụ đã cứu độ rất nhiều chúng sinh. Tôi thực sự thể nghiệm được tầm quan trọng của tu tốt bản thân, nếu không nhiều chúng sinh hơn nữa sẽ bị hủy.

Tạ ơn Sư phụ từ bi đã ban cho con cơ hội đề cao và chứng thực Pháp. Tạ ơn Ngài đã cho con cơ hội sử dụng tiếng nói của mình để cứu những người Trung Quốc đáng quý, và thực hiện thệ ước trợ Sư chính Pháp cứu độ chúng sinh.

Là một đệ tử Đại Pháp, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tu bỏ sự ích kỷ, phối hợp tốt hơn trong chỉnh thể để cứu thêm nhiều chúng sinh hơn nữa.

 

Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7509



Ngày đăng: 23-04-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.