Hành trình tu luyện bốn năm



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại New York

[ChanhKien.org]

Con xin kính chào Sư phụ!

Xin chào các bạn đồng tu!

Năm nay tôi 28 tuổi và đã tu luyện Đại Pháp từ năm 2014, sau đây tôi xin chia sẻ về hành trình 4 năm tu luyện của mình.

Đắc Pháp

Tôi đắc Pháp vào năm 2014, khi đang làm việc ở San Francisco. Vào thời điểm đó tôi có nhiều thói quen xấu và nghiện rượu nặng, khiến tình trạng thể chất và tinh thần của tôi càng ngày càng trở nên trầm trọng. Sống trong xã hội hiện đại đầy mưu mô này, tôi cảm thấy lạc lõng vô cùng và không tìm ra lối thoát.

Tuy nhiên, khi nhìn lại, tôi thấy rõ rằng mặc dù có những hành vi ngỗ ngược và đáng buồn như vậy, Sư phụ vẫn luôn ở bên cạnh, chăm sóc và bảo hộ tôi cho đến khi cơ duyên chín muồi để tôi đắc Đại Pháp.

Một ngày nọ, khi tôi đang lang thang đi bộ một mình qua Khu phố Tàu ở San Francisco, một cô gái người Hoa độ ngoài hai mươi tuổi mỉm cười và đưa cho tôi hai tờ rơi – một tờ giải thích về môn tu luyện thiền định có tên là ‘Pháp Luân Đại Pháp’ và một tờ khác về nạn mổ cướp nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc. Tôi vui vẻ nhận lấy và tiếp tục bước đi.

Vài tháng trước đó, tôi đột nhiên quan tâm đến những giáo lý cổ xưa của Đạo giáo và Phật giáo. Thực ra lúc đó tôi đang đọc lại Đạo Đức Kinh. Khi tôi nhìn thấy các ký tự màu vàng kim “Chân – Thiện – Nhẫn” trên tờ rơi, và phương pháp tu luyện này bao gồm cả các nguyên lý của Phật giáo và Đạo giáo, tôi biết rằng đây chính là điều mình vẫn tìm kiếm.

Ngày hôm đó khi về nhà, tôi bắt đầu tự học các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp bằng cách xem các video của Sư phụ Lý trên mạng. Tôi cũng nhờ bạn tôi in giúp cuốn sách ‘Pháp Luân Công’. Khi anh ấy mang sách về nhà, tôi đọc ngay lập tức mà không chờ đợi thêm. Dù không hiểu hết những gì Sư phụ giảng ngay tại lúc đó, nhưng tôi tin tưởng vào từng lời Ngài nói. Tôi biết rằng những gì được giảng là chân thật và có thể đạt được. Trong tâm tôi trào lên một cảm giác phấn khích kỳ lạ.

Sau khi liên hệ với nhóm học viên Pháp Luân Đại Pháp nói tiếng Anh ở San Francisco, tôi và một đồng tu đã bắt đầu gặp nhau tại công viên địa phương vào tất cả các ngày trong tuần để luyện công và chia sẻ kinh nghiệm. Chúng tôi cũng học Pháp cùng nhau và giúp nhau đề cao trên dựa trên Pháp. Tôi đã từ bỏ tất cả những thói quen xấu của mình và được Sư phụ thanh lý thân thể.

Trong gần một tháng, tôi cảm thấy rất không khỏe, giống như toàn bộ thân thể đang đình công. Tôi cảm thấy ớn lạnh, yếu ớt và thường xuyên phải ngủ suốt cả ngày. Tuy nhiên, thông qua việc học Chuyển Pháp Luân và nghe các bài giảng của Sư phụ, tôi biết rằng cơ thể mình đang được tịnh hóa, vì vậy tôi không cảm thấy lo lắng gì. Chẳng bao lâu, quá trình thanh lý thân thể đã kết thúc, và tôi cảm thấy mình như một con người mới. Trong lòng tôi tràn đầy sự biết ơn và vui mừng khi được đứng vào hàng ngũ đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp.

Gốc rễ của tâm tật đố

Do nhận thức nông cạn tôi không nghĩ rằng mình có tâm tật đố. Tôi thầm nghĩ, “Mình có mọi thứ mà mình cần, vậy mình còn gì phải tật đố chứ”.

Tuy nhiên, cách nghĩ này đã được khảo nghiệm khi tôi trở về Ireland và giúp điều phối buổi chiếu một bộ phim tài liệu giảng chân tướng. Vì sự kiện được tổ chức trong thời gian ngắn nên công tác chuẩn bị rất khẩn trương. Tôi cũng đang làm việc toàn thời gian và cố gắng cân bằng tốt cả hai việc và nó ngày càng trở nên khó khăn vì những việc tôi cần làm ngày một nhiều lên.

Khi áp lực gia tăng đến mức tôi quá mệt để thức dậy luyện công buổi sáng, tôi bắt đầu hướng nội để tìm ra nguyên nhân. Tôi nhận ra rằng tôi không muốn giao việc cho người khác và muốn tự mình thực hiện. Bề ngoài, lý do của tôi là công việc sẽ không được thực hiện một cách chính xác nếu không tự làm. Tôi nhận ra rằng suy nghĩ này thật phi lý và kiêu ngạo – có nhiều học viên rất có năng lực trong nhóm, tại sao tôi mới là làm tốt hơn người khác?

Khi hướng nội sâu hơn, tôi nhận ra rằng mình thực sự không muốn các đồng tu khác được công nhận vì đã làm tốt công việc. Tôi đã rất chấp trước vào những lời động viên và khen ngợi mà các đồng tu đã dành cho tôi từ trước đến nay và muốn duy trì lợi thế đó mọi lúc. Tôi biết mình sẽ ghen tị nếu học viên khác được khen ngợi vì làm tốt công việc này. Suy nghĩ này rất xấu và có thể gây ra can nhiễu nghiêm trọng đến công việc của cả nhóm. Sư phụ giảng:

“Người này cũng chẳng phục những khí công sư chân truyền, và tai họ rót đầy những lời khen tụng của người ta về những bản sự của họ. Nếu ai nói họ không tốt, họ sẽ không vừa ý; tâm danh lợi đã xuất hiện hoàn toàn; họ tưởng rằng mình cao minh hơn những người khác, mình thật xuất sắc. Họ tưởng rằng cái công cấp cho họ, là để họ làm khí công sư, [để họ] phát tài; kỳ thực [công ấy] là để họ tu luyện.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Tôi đã quy chính những quan niệm này và bắt đầu phân chia công việc cho các học viên khác. Kết quả thu được rất tốt. Tôi đã có thể tập trung vào việc phối hợp và các công việc được hoàn tất với chuẩn mực cao hơn nhiều so với lúc tôi tự làm một mình.

Tuy nhiên, vì làm việc với thời gian eo hẹp, tôi đã không có cơ hội đào sâu đến gốc rễ của chấp trước này mà mới chỉ thay đổi hành vi bề mặt của mình để không gây trở ngại cho dự án.

Sau sự kiện này, tôi nghĩ lại cuộc gặp gần đây với một đồng tu để thảo luận về kế hoạch giảng chân tướng. Trong toàn bộ thời gian gặp mặt, học viên này phàn nàn về người khác và hạ thấp họ, bất kể đó là ai. Tôi nghĩ hành vi này rất không phù hợp nhưng biết rằng không phải ngẫu nhiên mà tôi nhìn thấy.

Tôi nhận ra rằng hành vi của học viên này là do tâm tật đố. Tôi cảm thấy khó tin rằng chuyện này có liên quan gì đến mình. Tôi thậm chí còn không có những suy nghĩ phụ diện về người khác chứ đừng nói đến việc nói ra. Tuy nhiên, khi đào sâu hơn, tôi nhận ra rằng mặc dù không suy nghĩ phụ diện về người khác, nhưng tôi thích ghi nhớ những thiếu sót của họ. Ngay khi gặp ai đó lần đầu tiên, tôi sẽ không thoải mái cho đến khi tôi tìm thấy điều gì đó chưa tốt ở họ và ghim sâu nó vào trong tâm trí, vì tôi e rằng mình sẽ cảm thấy tật đố với điểm mạnh của họ trong tương lai. Tôi nhận ra rằng tôi có tâm tật đố “mạnh mẽ đến mức đã trở thành tự nhiên, bản thân không cảm giác thấy.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Nhận thức được điều này đã giúp tôi hiểu rằng tật đố là một chấp trước có ảnh hưởng sâu rộng. Nó tác động đến những gì chúng ta nghĩ, những điều chúng ta nói và những việc chúng ta làm. Nó có thể biểu hiện như hạ thấp người khác, không muốn tiếp nhận sự chỉ trích, tự cao và thô lỗ với người khác.

Tâm tật đố bắt nguồn từ tâm tranh đấu. Nó khiến người ta so sánh bản thân với người khác và luôn coi mình là trên hết, đặc biệt thể hiện rõ trong những suy nghĩ của chúng ta. Nó thúc đẩy cái tôi, đề cao bản thân, hoặc tìm kiếm những thiếu sót ở người khác và hạ thấp họ.

Nhìn lại, tôi nhận ra rằng tâm tật đố đã dẫn đến sự oán hận ác độc một cách vô thức với bất kỳ ai đã đối xử tệ với tôi. Tôi thậm chí đã từng để một đồng tu một mình hoàn thành toàn bộ hạng mục giảng chân tướng bởi vì chúng tôi đã có xung đột khi bắt đầu. Khi rời khỏi dự án, lấy cớ rằng công việc thường ngày của tôi quá bận rộn và không thể đến trợ giúp được. Tôi cũng thuyết phục bản thân hợp lý hóa tình huống theo cách này. Sự thật là tôi không muốn tham gia và thậm chí nó sẽ ảnh hưởng đến việc cứu độ chúng sinh. Tôi đoán nhiều đồng tu có thể nhận thấy những chấp trước này của tôi. Thật vậy, điều khiến tôi lo lắng nhất là những chấp trước này quá ẩn sâu, chúng đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi, đến nỗi tôi thậm chí không thể nhận ra chúng.

Để loại bỏ tâm tật đố, là một học viên, tôi nghĩ chúng ta nên khiêm tốn về những khả năng và thành tích của bản thân. Đồng thời, chúng ta nên tập trung vào điểm mạnh của người khác hơn là những khuyết điểm của họ. Chúng ta không nên viện cớ “giúp người khác tìm ra chấp trước” để làm lý do cho những suy nghĩ phụ diện về họ. Điều này sẽ cản trở chúng ta tìm ra những chấp trước căn bản của mình. Sư phụ đã giảng:

“Kỳ thực trong những năm qua, đều chẳng phải vượt qua như thế hay sao? Giúp đỡ, phối hợp, thông cảm, nhìn nhiều hơn vào sở trường giữa mọi người với nhau, hẳn là không thành vấn đề.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)

Tham gia The Epoch Times tiếng Anh tại New York

Vào tháng 1 năm 2018, tôi rất vinh dự được bắt đầu làm việc với tư cách là giám đốc bán hàng của The Epoch Times tiếng Anh tại New York. Khi đến nơi, tôi cảm thấy đây thực sự là một nơi để tu luyện chân chính. Sau một tháng, tôi được chuyển sang một vị trí đòi hỏi trình độ cao hơn, trong đó có cả những việc tôi không có nhiều kinh nghiệm.

Tôi được yêu cầu tiếp cận với các đối tác kinh doanh tiềm năng mới, giới thiệu công ty và đàm phán kinh doanh với họ. Ban đầu, tôi hỗ trợ người quản lý tổ chức và điều hành các cuộc họp. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, ông ấy phải đến bờ Tây và một thành viên khác trong nhóm cũng phải chuyển đi. Tôi chỉ còn lại một mình và cố gắng xoay sở với vai trò mới này.

Tôi đã rất lóng ngóng trong những tuần đầu tiên. Tôi biết rằng đây là một vị trí quan trọng và nếu làm không tốt sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các nhóm khác, họ đều đang bận rộn và chăm chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình. Tôi bắt đầu sắp xếp và điều hành các cuộc họp. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình thiếu kinh nghiệm và nghiệp dư, hiệu quả việc giảng chân tướng của tôi cũng không được tốt.

Áp lực dần tăng lên, tôi bắt đầu bị can nhiễu trong những giấc mơ và cả trong các không gian khác. Tôi nhận ra rằng để thành công, tôi cần phải có một bước đột phá lớn trong tu luyện. Sư phụ giảng:

“Tâm tính nâng cao lên, các điều khác cũng theo đó mà lên” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Khi hướng nội, tôi thấy rằng mình đã đem theo những truy cầu của người thường khi đến làm việc tại kênh truyền thông. Tôi tự hỏi liệu mình có thể tìm được bạn gái hay vợ tương lai ở đây không, tôi có thể hẹn hò và dành thời gian cho người kia không? Tôi cũng cố gắng hiểu thêm về bản thân bằng cách nghe những gì người khác đánh giá về mình. ‘Mọi người có nghĩ rằng tôi chăm chỉ không? Họ nghĩ tôi có kỹ năng gì? Họ có cho rằng tôi là người giỏi không?’

Tôi rất muốn chứng thực bản thân. Bất kể chuyện lớn hay nhỏ, tôi luôn nghĩ rằng nó sẽ ảnh hưởng đến tôi như thế nào và nó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người khác về tôi như thế nào. Càng nghĩ theo cách này, tôi càng tạo ra nhiều nghiệp tư tưởng. Trạng thái này tiếp tục cho đến khi những suy nghĩ nhỏ nhất được sử dụng để chứng thực bản thân. Vào thời gian này, tôi đọc được đoạn Pháp mà Sư phụ giảng:

“Kỳ thực để tôi bảo chư vị, đến lúc cuối cùng của Pháp Chính Nhân Gian, thì trong nháy mắt là giải thể hết. Tiền gì chứ? Ngay cả giấy cũng không có nữa.” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)

Đoạn Pháp này thực sự thức tỉnh tôi về mức độ nghiêm túc và chân thực của những gì chúng ta đang làm. Trước thời điểm này, tôi coi việc ‘cứu độ chúng sinh’ như một phép ẩn dụ để nói về làm tốt ba việc, hoặc như một loại tiêu đề tóm tắt cho những việc chúng ta làm trên con đường tu luyện. Sau khi đọc đoạn Pháp này, tôi đã nhận thức sâu sắc hơn rằng cuộc sống và sự tồn tại của con người đang thực sự bị đe dọa, và nếu chúng ta không ngộ ra điều này và nghiêm túc đối đãi, nhiều chúng sinh có thể vĩnh viễn không được cứu.

Tôi quyết tâm quy chính và loại bỏ những suy nghĩ và theo đuổi tầm thường của mình. Tôi bắt đầu chú ý đến văn hóa truyền thống và lễ tiết trong tình bạn với người khác phái. Tôi cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn cho tu luyện cá nhân: Đọc hai bài giảng và luyện công hai giờ mỗi ngày. Tôi nhận ra rằng, càng học Pháp nhiều, tôi lại càng có nhiều thời gian học Pháp hơn.

Tôi cũng nhận ra rằng rất nhiều niệm đầu không tốt về sắc dục, ham muốn, truy cầu một cuộc sống tốt đẹp và chứng thực bản thân chính là do nghiệp tư tưởng gây ra. Khi tôi bắt đầu dành thêm thời gian để thanh lý nghiệp tư tưởng, chẳng hạn như trên tàu điện ngầm hoặc trong lúc đi bộ, những suy nghĩ này cũng ít can nhiễu đến tôi hơn.

Làm mà chẳng cầu, tĩnh mà chẳng nghĩ

Tôi may mắn được học một bài giảng Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Trung vào mỗi buổi sáng tại văn phòng The Epoch Times. Điều này đã giúp tôi nhanh chóng cải thiện khả năng nói tiếng Trung, giúp tôi có thể nói chuyện với người Trung Quốc về cuộc bức hại Pháp Luân Công bất cứ khi nào. Trước đây, tôi thường cảm thấy rất lo lắng mỗi khi giảng chân tướng cho người Trung Quốc và tôi đã bỏ lỡ nhiều lần. Bây giờ, tôi cố gắng bình tĩnh và không nghĩ về nó. Suy nghĩ duy nhất của tôi là làm sao để bắt chuyện với họ. Tôi sẽ nói những câu như ‘Ni hao, ni shi zhongguo ren ma?’ (Xin chào, bạn có phải là người Trung Quốc không?). Sau đó, tôi sẽ để cuộc trò chuyện diễn ra một cách tự nhiên và làm quen với người đó. Khi tôi có thể làm điều này với tâm thanh tịnh, tôi cảm thấy Sư phụ gia trì cho mình rất nhiều.

Sư phụ giảng:

“Khi thiếu khuyết về trí huệ, thông thường là do chư vị lo lắng quá; đầu não lo lắng cần làm một việc nào đó, thấy nó quá quan trọng, thì liền xuất hiện một chủng chấp trước khác nên tạo thành như thế. Thực ra [đối với] rất nhiều sự việc, chư vị giảng nói với tâm khí bình tĩnh, tâm khí bình hoà, đối đãi một cách có lý trí, chư vị sẽ phát hiện rằng trí huệ của chư vị sẽ tuôn như nước chảy, hơn nữa từng câu từng chữ đều trúng, câu nào cũng là chân lý. Chư vị nếu chấp trước, sốt ruột, có một chủng tâm cuồng nhiệt nào đó, thì trí huệ sẽ mất, bởi vì khi ấy đã bị chui vào ‘con người’ rồi; phải vậy không?” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003])

Tôi cũng đã áp dụng điều này vào công việc. Khi mới làm trong lĩnh vực truyền thông, tôi đã dùng đủ loại ý tưởng để thúc đẩy bản thân làm việc chăm chỉ hơn. Tôi tự nhủ rằng tôi cần phải tập trung hơn, tôi cần phải siêng năng hơn, tôi cần phải cứu những người mà tôi cần cứu. Tuy nhiên, sau khi chia sẻ với một số đồng tu, họ gợi ý rằng có lẽ trạng thái tốt nhất là khi hoàn thành công việc mà không suy nghĩ về bất kỳ điều gì khác, không mang theo những truy cầu và quan niệm của người thường. Một học viên chia sẻ rằng họ đã ngộ ra điều này từ Pháp của Sư phụ:

“chư vị không nghĩ việc tốt, thì cũng không thể nghĩ việc xấu; tốt nhất là đừng nghĩ gì hết.” (Bài giảng thứ năm, Chuyển Pháp Luân)

Bằng cách tuân theo nguyên tắc này, giờ đây tôi có thể làm việc với một tâm thái thanh tịnh và không truy cầu. Hiệu quả việc giảng chân tướng của tôi trong các cuộc họp cũng đã được cải thiện rất nhiều. Tôi cảm thấy thanh thản hơn khi làm mọi việc và nhận thấy rằng những đối tác kinh doanh cũng cảm thấy thoải mái hơn. Sư phụ giảng:

“Phật gia giảng ‘không’, Đạo gia giảng ‘vô’.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Nhờ làm việc tại The Epoch Times, tôi đã nhanh chóng đạt đến tầng thứ trong tu luyện mà tôi từng nghĩ phải mất nhiều năm mới làm được. Tôi muốn đề xuất trải nghiệm tại kênh truyền thông với bất kỳ học viên nào, ngay cả khi nó chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn.

Nhìn lại chặng đường tu luyện của mình, tôi thấy thật kỳ diệu. Bốn năm giống như bốn kiếp. Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ và không sao diễn tả hết lòng biết ơn đó. Tôi sẽ tiếp tục loại bỏ những chấp trước nhân tâm, hoàn thành thệ ước xa xưa, và cứu nhiều chúng sinh hơn nữa.

Trên đây là hiểu biết hữu hạn của tôi. Nếu còn điều thiếu sót, xin các đồng tu từ bi chỉ chính.

Con xin tạ ơn Sư phụ.

Cảm ơn các bạn đồng tu.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/245214

http://www.pureinsight.org/node/7497



Ngày đăng: 23-03-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.