Thương Hiệt chân ý (Quyển 3): Địa bạo của chữ “Bạo” – Quá trình trưởng thành và rèn luyện của ĐCSTQ
Tác giả: Nguyên Tử
[ChanhKien.org]
Từ quẻ tượng của chữ bạo “暴” mà xét, nhật chủ hỏa ở trên trời, thủy ở dưới mặt đất. Âm dương của đất trời giao chiến, trên trời là thiên đạo cương liệt, sát phạt; dưới đất là thủy của quẻ Khảm phát động, khiến sinh linh đồ thán, do đó gọi là “địa bạo”. Vì nước vô hình tượng trưng cho trí tuệ và văn hóa, nhưng nước khảm tràn lan không thể kiềm chế nên được gọi là “văn bạo”. Kinh Dịch có câu: “Tại địa thành hình”, tức là đất chủ về nuôi dưỡng, cường hóa sinh mệnh. Cường hóa cái gì cho nó? Cường hóa thân xác – cỗ máy bạo lực của nó, cường hóa tinh thần – văn hóa tà linh khống chế xác thịt, tức là “văn hóa đảng”; củng cố pháp lực tà linh “giả, ác, đấu” của nó. Dưới đây sẽ luận giải từ ba phương diện này.
I. Cường hóa kết cấu vật chất của ĐCSTQ – Quá trình hình thành và bành trướng của chính quyền bạo lực
Về sự phát triển của thân xác, vấn đề này khá rõ ràng, ở đây không cần giải thích nhiều. Nói đơn giản, sau hơn nửa thế kỷ giáo dục theo chủ nghĩa cộng sản tà ác, ác đảng cộng sản đã thẩm thấu ý nghĩa sinh mệnh và giá trị quan của nó vào trong thân thể của hầu hết người Trung Quốc, thẩm thấu vào mọi ngóc ngách của xã hội, hình thành một đội quân khổng lồ, hình thành một đảng lớn có 70 triệu đảng viên, hoàn toàn kiểm soát tin tức, dư luận, giáo dục trong tay. Ngay cả tôn giáo từ xưa đến nay vốn độc lập với thế tục, không chịu ảnh hưởng của quyền lực cứng hay mềm, cũng bị nó mua chuộc bằng tiền bạc. Đây chính là quá trình bành trướng thân xác của tà linh cộng sản. Một đảng chính trị khổng lồ như vậy, ức hiếp 1,3 tỷ người, kiểm soát tất cả bộ máy quốc gia, nguồn tài nguyên vật chất và xã hội, trở thành một thể sinh mệnh vật chất to lớn, một quái vật khổng lồ trong lịch sử nhân loại. Đây là một cảnh tượng bi thương chưa từng có trong lịch sử loài người. Vậy thì tạo hóa ra sinh mệnh như thế này có ý nghĩa gì? Hãy thử nghĩ xem, nếu một sinh mệnh khổng lồ như vậy là bất thiện, vậy thì những lạp tử cấu thành nên nó có kết cục gì tốt đẹp không? Khi gặp chính Pháp của Thần hạ thế, thể sinh mệnh tà ác này sẽ kéo theo những sinh mệnh vô tội để cùng bị Thần Phật tiêu diệt, trói buộc vào nó để cùng diệt vong, thật là tà ác cùng cực!
Sự bành trướng thân xác thịt của tà linh chính là quá trình tà linh cộng sản lớn mạnh, và củng cố vỏ bọc vật chất của nó trong thế giới vật chất, khiến chúng sinh đều biến thành một phần cơ thể của nó, biến thành phân tử, nguyên tử, lạp tử của nó, kéo theo vô số chúng sinh trong cuộc đại chiến giữa Phật và ma thuận theo việc nó bị giải thể mà cùng bị hủy diệt.
II. Tăng cường cấu trúc tinh thần của ĐCSTQ – Sự phát triển và tăng cường “văn hóa đảng” của ĐCSTQ
Sau khi ác đảng giành được chính quyền, đảng viên của ác đảng cộng sản từng tuyên bố rằng cuộc vận động cách mạng bạo lực nhằm giành được chính quyền dưới hình thức “cuồng phong bạo vũ” đã kết thúc, cách mạng Trung Quốc đã chuyển từ thời kỳ cách mạng dân chủ mới nhằm lật đổ “ba ngọn núi lớn” bước sang thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, do năng lượng của nước và lửa xung khắc, sự vận hành mất cân bằng, liệu cách mạng bạo lực có thực sự kết thúc không? Sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không đồng nghĩa với việc cơn bão cách mạng dữ dội kết thúc cùng với sự sụp đổ của “ba ngọn núi lớn”. Ngược lại, cơn bão cách mạng tiếp tục lan rộng, nhắm đến thiên nhiên, nhắm đến văn hóa, nhắm đến tôn giáo, nhắm đến con người, ở trong nội bộ nhân dân, nội bộ chiến hữu cách mạng, nội bộ gia đình, nội bộ tư tưởng của con người. Cách mạng Trung Quốc từ một cuộc cách mạng bạo lực bên ngoài đã chuyển biến thành một cuộc cách mạng bạo lực bên trong được tiến hành ở quy mô lớn hơn trong lĩnh vực hình thái ý thức. Dưới đây là một số khía cạnh khái quát để nói rõ về phương diện này.
(1) Cải cách chữ viết – cắt đứt huyết mạch Thần truyền
Việc đầu tiên mà ác đảng làm sau khi nắm quyền năm 1949 chính là cải cách chữ viết. Điều này khiến nhiều người cảm thấy kỳ lạ, đất nước vẫn còn đầy rẫy những vết thương do chiến tranh để lại, các ngành nghề đều cần khôi phục gấp rút. Việc tập trung vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, khôi phục kinh tế, tái thiết sản xuất và vực dậy quốc gia là điều có thể lý giải. Nhưng tại sao lại vội vàng tiến hành cải cách chữ viết? Tại sao Tưởng Trung Chính (Tưởng Giới Thạch) sau khi đến Đài Loan không thực hiện cải cách chữ viết mà vẫn phát triển kinh tế rất tốt như vậy? Cũng không thấy thấy có gì bị tụt lại chỉ vì viết chữ bất tiện, vì vậy cải cách chữ viết không phải là việc cấp bách hàng đầu cần làm trong giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội của “Trung Quốc mới”.
Vậy, ác đảng cộng sản làm như vậy có hàm ý sâu xa gì? Chúng ta biết rằng, chữ Hán là do Thần tạo ra, là văn hóa Thần truyền. Đương nhiên cũng mang trong mình những nội hàm tầng thứ pháp lý của Thần nhân đối với vũ trụ và nhân sinh. Cốt lõi của nó là vũ trụ nhân sinh quan “thiên nhân hợp nhất”, quan điểm về đạo đức nhân văn “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, quan điểm nhân văn xử thế của “đạo trung dung”. Quan niệm vũ trụ và nhân sinh “thiên nhân hợp nhất” nhằm phủ định cái “giả” khi con người không tin vào Thần; quan điểm đạo đức nhân văn “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” nhằm ngăn chặn cái “ác” trong hành vi của con người; quan điểm nhân văn xử thế “trung dung” nhằm sửa lại cho đúng ý thức tà ác “đấu” của con người. Ba điều này không có điểm nào tương đồng với văn hóa đấu tranh giai cấp của ác đảng cộng sản, thậm chí đối lập hoàn toàn. Vì vậy, tất yếu phải bị loại bỏ càng sớm càng tốt. Để xóa bỏ mối liên hệ giữa người dân và Thần, ác đảng cộng sản trước tiên đã ra tay với chữ Hán.
Nghe nói ban đầu, ác đảng cộng sản còn muốn dùng chữ phiên âm để thay thế chữ Hán, nhằm cắt đứt triệt để mối liên hệ với nền văn minh cổ đại hàng ngàn năm. Nếu nó thành công, toàn bộ văn hóa truyền thống mấy nghìn năm sẽ trở thành một đống giấy vụn, và chỉ sau một hoặc hai thế hệ, không còn ai có thể đọc hiểu được nữa, thủ đoạn này vô cùng thâm độc! Sau này bởi vì tiếng Trung có quá nhiều từ đồng âm, không thể sử dụng được, không cách nào thực hiện nên cuối cùng đành phải dừng lại. Vậy phải làm sao? Nó dùng cách thứ hai, đó là giản hóa hơn 2.000 chữ Hán có tần suất sử dụng nhiều nhất chiếm trên 80%. Nhưng khi lược bỏ một số bộ phận cấu thành, một vấn đề xuất hiện, chính là chữ Hán mất đi thần vận vốn có, trở thành những ký hiệu đời sống giống như chữ viết phương Tây, thậm chí ý nghĩa hoàn toàn tương phản. Có trường hợp còn đổi trắng thay đen, khiến ý nghĩa bề mặt và nội hàm của chữ Hán hoàn toàn trái ngược, hoàn toàn không thể giúp con người đạt được hiệu quả thấy chữ ngộ Đạo. Mọi người đều biết rằng chữ “愛” (ái – yêu thương) khi giản thể đã bỏ đi bộ “心” (tâm), trở thành “爱”, tức là “yêu nhưng không có tâm”, chữ “親” (thân – người thân) bị giản thể thành “亲”, lược mất chữ “见” (kiến – gặp gỡ), tức là “thân nhưng không thể gặp”. Chữ “産” (sản – sản xuất, sinh sản) bị giản thể thành “产”, bỏ đi chữ “生” (sinh – sinh ra), chữ “廠” (xưởng – nhà máy) bị giản thể thành “厂”, mất đi chữ “敞” (rộng lớn), nhà máy trống rỗng, không có sản phẩm. Vì vậy, mới có câu: “Thân không gặp, yêu không tâm, sản không sinh, xưởng trống rỗng”. Tất nhiên, những ví dụ về chữ giản thể này có thể thấy trên mạng, điều đó cho thấy rằng các học giả đã bắt đầu chú ý đến vấn đề này. Từ ý nghĩa này mà xét, việc tùy tiện giản lược chữ Hán mà không hiểu thấu đáo ý nghĩa sâu xa của người xưa khi tạo chữ đã là một việc vô cùng thiếu nghiêm túc. Tuy nhiên, các học giả chỉ nhìn vấn đề này từ khía cạnh mất mát thông tin, trong khi mức độ nghiêm trọng của vấn đề này thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Chúng ta nhìn nhận vấn đề này từ tầng diện của “Pháp”, ở một góc độ cao hơn và sâu hơn. Trên thực tế, sự biến đổi này đã trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích thiết thân của từng chúng sinh sử dụng chữ Hán. Nghe có vẻ như lời nói cường điệu, nhưng thực tế nó còn liên quan đến Kinh Dịch và phong thủy. Vì một sự thay đổi nhỏ trong chữ Hán cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Theo phong thủy học, mỗi chữ Hán đều là một “phù”, nó không chỉ ám thị thông tin mà còn chứa đựng tồn tại trường năng lượng sinh mệnh tương ứng. Nếu hàng ngày bạn dùng chữ “爱” (ái – yêu), không còn bộ “心” (tâm) để viết thư tình, thì càng viết càng trở nên vô tình. Ngay cả khi bạn có tình cảm thật sự, cũng có thể không đạt được viên mãn, vì bản thân phù hiệu này đang làm điều xấu. Ngày nay, khi mọi người viết thư cho người yêu bằng cụm từ “亲爱的” (thân ái), trong mắt các nhà phong thủy, đó chẳng khác gì vẽ bùa chú, niệm chú ma lên đối phương. Nhưng con người hiện nay đã hồ đồ, không còn hiểu được những điều huyền diệu trong đó nữa.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, sau khi ác đảng cộng sản lên nắm quyền, cải cách chữ viết là điều tất yếu. Vì sao? Bởi vì sau khi ác đảng cộng sản cầm quyền, mọi thiên tượng đều phải phù hợp với bản chất của nó, mà chữ viết cũng là một loại thiên tượng. Chữ viết thời xưa phản ánh thiên tượng của xã hội Thần Đạo hoặc bán Thần Đạo, hoàn toàn không phù hợp với xã hội cộng sản tà ác ngày nay, nên nó buộc phải cải cách. Như đã đề cập trước đó, văn hóa chính là sự hiển hiện của Đạo Pháp, vì thế thông qua chữ viết đã bị cải cách, có thể thấy rõ bản tính của Trung Cộng. Chữ “進” (tiến) là một ví dụ, chữ “進” phồn thể gồm bộ “隹” (chuy – chim ngắn) và bộ “辶” (sước – chuyển động), trong quá khứ biểu thị sinh mệnh tiến về một cảnh giới tốt đẹp, hiện nay khi bị giản thể thành “进”, thì bộ “隹” (chuy) bị thay bằng chữ tỉnh “井” (cái giếng), có nghĩa là sinh mệnh đang tiến vào giếng sâu. Thêm một ví dụ nữa, chữ “滅” (diệt) phồn thể ở bài trước đã được giải thích, hiện nay chữ diệt “灭” giản thể là diệt thật sự, một ngọn lửa thiêu rụi, hết thảy đều quy về trạng thái nguyên thủy. Hay chữ “東” (đông), sau khi giản thể ẩn chứa chữ “杀” (sát – giết chóc), cũng mang điềm báo không tốt. Tôi sẽ còn đề cập đến vấn đề này ở phần sau. Từ đây, không khó để thấy một thông tin được tiết lộ: thiên tượng sau khi ĐCSTQ cầm quyền đã hoàn toàn chuyển biến theo hướng xấu.
Cải cách chữ viết nhằm cắt đứt mối liên hệ với văn hóa Thần truyền của Trung Hoa, từ đó lật đổ nền văn minh Trung Hoa ngay từ cội nguồn văn hóa.
(2) Cải tạo công thương, cướp đoạt tinh vi
ĐCSTQ tịch thu, sung công tài sản của các nhà tư bản và thương nhân, công khai chiếm đoạt chẳng khác nào hành vi cướp bóc trắng trợn giữa ban ngày. Việc này không chỉ dung túng thói lưu manh ăn không ngồi rồi mà còn khuyến khích tập quán cướp đoạt tàn bạo của bọn thổ phỉ, khiến đạo đức xã hội suy đồi mà người dân không hề hay biết. Đến năm 1958, phong trào “công xã nhân dân” lại một lần nữa sung công toàn bộ tài sản của nhân dân cả nước, khiến nhân dân thành “vô sản hóa”. Đây chính là cuộc cướp bóc toàn quốc lần thứ hai, là sự hủy hoại đạo đức nhân loại trên phạm vi toàn dân.
(3) Quân vương giả dối, dân phong bại hoại
Cuộc “Chỉnh phong, chống hữu khuynh” năm 1957 kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng chủ nghĩa xã hội, nói là: “Biết thì không thể không nói, người nói không có tội, lời nói vốn vô tội, nhưng người nghe lại e dè kiêng kỵ”; “không tính sổ sau này”, dùng những lời dối trá vô cùng đê tiện và vô liêm sỉ để dụ dỗ nhân dân đóng góp ý kiến và nói lên sự thật, xây dựng đất nước, ngay sau đó lại chụp mũ 550.000 người nhiệt tình góp ý cho nước Trung Quốc mới là cánh hữu, phản cách mạng. Ngay cả nguyên soái Bành Đức Hoài, người duy nhất trong đảng dám nói thật, cũng bị quy kết là phản cách mạng. Kể từ đó, không còn ai trong nước cộng hòa dám nói thật nữa, khắp nơi chỉ còn lại những lời ca ngợi tâng bốc, dối trá lan tràn, giả dối che lấp sự thật, thói khoa trương lộng hành. Cơ chế cân bằng xã hội hoàn toàn tê liệt, dẫn đến công xã nhân dân và “Đại nhảy vọt” vào năm 1958. Những lời dối trá về sản lượng lúa đạt hàng chục vạn cân trên mỗi mẫu ruộng tràn ngập sự lừa trời dối đất. Phong trào “đại luyện gang thép” khiến núi rừng bị tàn phá, đất đai cỏ dại mọc um tùm, người chết đói đầy đường, dẫn đến cuộc “địa bạo” đầu tiên sau khi lập quốc. Các bậc quân vương thời xưa giảng rằng: “Vua không nói đùa”, thế nhưng Mao Trạch Đông lại dụ dỗ nhân dân tham gia vào trò lừa dối, nói nào là đây là tính năng động chủ quan của quần chúng nhân dân, không thể dập tắt. Một bậc quân chủ lại dùng thủ đoạn của kẻ tiểu nhân để trị quốc, thậm chí còn sử dụng những phương cách mà ngay cả kẻ tiểu nhân cũng không dám dùng. Sự vô liêm sỉ đã đạt đến mức nào? Hắn ta ngang nhiên nói: “Tần Thủy Hoàng giết 470 người thì đáng gì? Chúng ta giết còn nhiều gấp 100 lần!”
Người Trung Quốc là dân tộc coi trọng “chân” (sự thật) nhất trên thế giới, vì vậy, trên thế giới chỉ duy nhất ở Trung Quốc mới có một hệ thống tu luyện lấy “tu chân” làm tôn chỉ – đó chính là Đạo gia và Đạo giáo. Thế nhưng, ngay khi vừa lên nắm quyền, Trung Cộng đã từ cấp lãnh đạo trở xuống ra sức thúc đẩy sự giả dối, đi ngược lại với nền văn minh Trung Hoa, triệt để phá hủy nền tảng đạo đức của dân tộc Trung Hoa. Tội ác này không thể dùng lời mà diễn tả hết được.
Cải tạo công thương, “Đại nhảy vọt”, và hội nghị Lư Sơn thực chất là một nền giáo dục nhằm khuyến khích toàn dân tham gia vào tạo dựng giả dối, làm tiền đề cho những lời dối trá và lừa gạt lớn hơn sau này, đồng thời tước đoạt đạo đức và lương tri cơ bản của nhân dân.
(4) Mười năm “Cách mạng văn hóa” – một cuộc tu luyện lớn và toàn diện của ma pháp giả, ác, đấu
Đến thời điểm này, đạo đức của người Trung Quốc đã rơi xuống vực thẳm đáng thương. Nhưng điều đó vẫn chưa đạt đến cực điểm của “bạo”, bởi lòng chân thành, thiện lương và ý chí kiên cường ăn sâu trong bản chất người Trung Quốc vẫn chưa bị hủy diệt hoàn toàn. Chính điều này khiến Mao Trạch Đông luôn bất an, lo sợ chính quyền giai cấp vô sản sẽ bị diễn biến hòa bình, lo sợ sự ăn mòn của giai cấp tư sản, trong khi nội bộ đảng có không ít kẻ đi theo con đường tư bản. Chính vì thế, Mao Trạch Đông quyết tâm lên kế hoạch cho một cơn bão cách mạng còn tàn khốc và nham hiểm hơn nữa. Cuối cùng, năm 1966, với một tấm áp phích: “Pháo kích Bộ Tư lệnh”, vén màn mở đầu cho cuộc cách mạng hình thái ý thức chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nhắm đến việc triệt để phá hủy lương tri và đạo đức căn bản của con người: “Cách mạng văn hóa”. Việc phân tích thấu đáo mười năm “Cách mạng văn hóa” là một chủ đề quá lớn, bởi đây là một cuộc tấn công toàn diện vào văn hóa, gần như bao trùm mọi khía cạnh của hình thái ý thức. Vì vậy, ở đây chỉ có thể tóm gọn một cách khái quát như sau: đó là triệt để hủy diệt lương tri và năng lực lương thiện của con người, thay thế nhân tính bằng cái gọi là “đảng tính”. Như đã đề cập trước đó, bản chất của đảng là phụ thể ác ma đại hồng long đến từ phương Tây, vì vậy, nó muốn dùng ma tính thay thế Phật tính. Cuộc đấu tranh giai cấp khiến lòng tin giữa con người không còn, cha con trở mặt, vợ chồng thành kẻ thù, ai ai cũng sống trong cảnh đề phòng, nghi kỵ lẫn nhau. Vì lương tri của con người vẫn còn tồn tại, sự đối lập giữa nhân tính và đảng tính đã đẩy tinh thần của mọi người vào trạng thái mâu thuẫn giằng xé, giống như chịu cảnh giày vò trong địa ngục. Sau “Cách mạng văn hóa”, hàng chục triệu người đã mất mạng, vô số gia đình tan vỡ, vô số người chết đói, vô số hồng vệ binh, hồng tiểu binh sau này trở thành lưu manh, côn đồ, vô số người thất học, vô số người trở nên sa sút, suy sụp. Có thể tổng kết bằng một câu: “Cách mạng văn hóa” là một cuộc đại kiếp nạn về linh hồn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại! “Cách mạng văn hóa” là một thời kỳ không ai muốn quay đầu nhìn lại!
(5) Chuyên chế văn hóa – tẩy não bằng bạo lực
Đặng Tiểu Bình nói: “Văn hóa, dư luận là tiếng nói của đảng”. Ác đảng cộng sản độc tài kiểm soát toàn bộ báo chí, truyền thông, dư luận trong nước, phế trừ bách gia, chỉ để lại thứ của nó – văn hóa giai cấp, văn hóa chuyên chính, văn hóa vật chất. Đây chính là hình thức “văn bạo” một trăm phần trăm, hơn nữa nó vẫn đang tiếp diễn. Lý do ĐCSTQ kiểm soát lĩnh vực văn hóa và tuyên truyền là để nhồi nhét cái gọi là “văn hóa đảng”, từ đó làm mất đi lương tri và lương tâm của con người.
Mỗi lần đi ngang qua một trường tiểu học, tôi đều nghe thấy tiếng hát vang vọng từ sân trường: “Chúng ta là người kế thừa chủ nghĩa cộng sản…” Tâm tình của tôi nặng trĩu vô cùng. ĐCSTQ đã chiếm lĩnh nền văn hóa giáo dục, đầu độc tinh thần và tâm linh thế hệ trẻ, gieo rắc vào trái tim non nớt của các em những hạt giống của bạo lực cách mạng, đấu tranh giai cấp, khoa học là trên hết và ham muốn vật chất, dần dần gặm nhấm lương tri thuần khiết nhất của con người, làm rỗng hóa và ma hóa tinh thần, tâm linh của thế hệ tương lai.
Tôi còn tiếp xúc với những sinh viên đại học sau những năm 1980, khi đã tốt nghiệp và đi làm, họ nhắc đến Khổng thánh nhân với thái độ vô cùng khinh miệt, gọi ông là Khổng lão nhị, chó nhà có tang. Ngay cả Tư Mã Thiên, người viết nên kiệt tác sử học bất hủ Sử Ký, ngay cả Gia Cát Lượng trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, ngay cả Kỷ Hiểu Lam là bậc trí giả thông hiểu bách gia chư tử, khi đối diện với Khổng phu tử cũng đều phải kính cẩn ba phần, khấu đầu xưng thầy. Vậy mà thế hệ trẻ được giáo dục dưới sự nhồi sọ của ĐCSTQ độc ác lại dám đối xử với một bậc thánh nhân có cống hiến lớn lao đối với nền văn minh nhân loại như vậy, khiến cả thế giới phải kinh ngạc! Tôi còn phát hiện rằng, những người miệng lưỡi bất kính với bậc thánh nhân, thường là những người bị ảnh hưởng sâu sắc nhất bởi văn hóa đảng độc hại, những người ngoan cố tin vào thuyết duy vật và thuyết vô thần, họ thậm chí còn không thông hiểu những đạo lý thông thường của nhân gian, càng khó có thể nói đến việc tu luyện Phật Pháp. Vì vậy, việc giảng chân tướng cho những người này là một việc vô cùng khó khăn.
Sự độc tài văn hóa cùng nền giáo dục chuyên chế tà giáo giả, ác, đấu của ĐCSTQ đặc biệt đã đầu độc sâu sắc thế hệ người Trung Quốc sinh sau những năm 1980. Bởi vì trước thập niên 1980, người dân vẫn có thể nhìn lại những phong trào giả, ác, đấu của ĐCSTQ, từ đó suy xét lại về những tổn thương to lớn mà nó đã gây ra đối với đời sống vật chất và tinh thần của họ, đánh thức thiện niệm lương tri còn ẩn tàng. Nhưng những người sinh sau thập niên 1980 lại không có điều kiện như vậy. Hơn nữa, điều kiện sinh hoạt vật chất của Trung Quốc từ thập niên 1980 trở đi đã được cải thiện đáng kể, cùng với sự mở cửa kinh tế đã phần nào che đậy bản chất tà ác của ĐCSTQ. Sự phổ biến của công nghệ máy tính khiến văn hóa giả, ác, đấu, cùng với những nội dung sắc tình, bạo lực tràn lan trên máy tính, truyền hình, trò chơi điện tử và Internet, không ngừng khuếch tán. Do đó, văn hóa đảng vô thần tà ác đã bức hại thế hệ trẻ Trung Quốc lớn đến mức khó mà hình dung được. Vì thế, giải thể ĐCSTQ và văn hóa đảng tà ác của nó đối với cứu độ chúng sinh là việc vô cùng quan trọng.
(6) Vận động dục vọng vật chất – đại ma pháp mê hoặc thế nhân
Ôn Gia Bảo lại tiếp tục lặp lại điệp khúc quen thuộc đã vang lên từ những năm 1950 trước “lưỡng hội”: “Mục đích cuối cùng của cải cách và xây dựng là để đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa ngày càng gia tăng của nhân dân”. Đến nay, vẫn chưa thấy ai ở Trung Quốc đứng ra phản tỉnh, đặt nghi vấn hay phủ định câu nói này. Mọi người đều cảm thấy câu nói này hay, đánh trúng tâm lý quần chúng, cho rằng đảng cộng sản không giống ai, thật sự đại diện cho lợi ích của nhân dân. Nhưng xin hỏi: trong các quốc gia phát triển phương Tây, nước nào mà không lấy việc đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa của nhân dân làm mục tiêu? Và nước nào lại không làm tốt hơn ĐCSTQ? Khổng Tử từng nói: “Giả ngôn lệnh sắc, tiên chư nhân” (người hay dùng lời giả dối, vẻ mặt trau chuốt thì ít khi có nhân đức). Lịch sử của ĐCSTQ, đừng nhìn nó nói nhăng nói cuội, nói thẳng ra, tóm gọn trong hai chữ “vận động”. Nó là một chuỗi các phong trào vận động liên tiếp hết đợt này đến đợt khác. Cái “vận động” này vô cùng đáng sợ. Trong vật lý, cơ học và điện học gọi là “cộng hưởng”, trong điện từ học gọi là “cộng hưởng từ”, trong quang học gọi là “laser”. Bản chất của cộng hưởng là tập hợp những năng lượng vi mô phân tán theo các hướng khác nhau rồi hội tụ lại theo một hướng nhất định để tạo ra sức mạnh khổng lồ. Đây là phương thức khuếch đại và tập trung năng lượng, tín tức. Thông thường, nó sẽ phá vỡ sự cân bằng của vũ trụ, tự nhiên, mỗi vật đều có đặc tính riêng. Nói theo thuật ngữ chính trị hiện đại, đây chính là việc phá hoại sự đa nguyên của vũ trụ, thiên nhiên và xã hội loài người, để áp đặt một thể chế độc tài, chuyên chế. Trong xã hội loài người, chiến tranh chính là một dạng vận động xã hội kịch liệt – có thể gọi là một kiểu “cộng hưởng sinh vật”. Ở Trung Quốc, trong vài thập kỷ qua, chủ yếu là vận động chính trị, điển hình và cực đoan nhất là: “Đại nhảy vọt”; “Đại cách mạng văn hóa”, sự phá hoại của nó đối với nhân loại là điều mà ai ai cũng đều biết. Hầu hết mọi người đều đã chán ngán những phong trào vận động chính trị của ĐCSTQ, nhưng vẫn còn rất ít người nhận ra rằng khẩu hiệu “đáp ứng nhu cầu vật chất ngày càng tăng của nhân dân” thực chất là một dạng “cộng hưởng vật chất” được phát động trong lĩnh vực kinh tế, vật chất. Nó tất nhiên sẽ tạo ra một lực lượng khổng lồ, tập trung vào thế giới vật chất, phá vỡ sự cân bằng của thế giới vật chất. Loại cộng hưởng vật chất này khiến con người điên cuồng tranh đoạt tài nguyên vật chất dẫn đến môi trường suy thoái, tài nguyên cạn kiệt, thiên tượng biến đổi xấu, và loài người đối mặt với khủng hoảng sinh tồn nghiêm trọng. Tuy nhiên, hậu quả của nó không đến nhanh và trực tiếp như những phong trào vận động chính trị vốn gây ảnh hưởng rõ rệt đến từng cá nhân, mà nó chủ yếu tác động đến không gian sinh tồn chung của quần thể. Nó đến một cách chậm rãi, đặc biệt là những lợi ích vật chất nhỏ trước mắt do vận động vật chất mang lại có thể che giấu sự thật về những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. Điều này có tính chất mê hoặc và lừa dối rất lớn, và đây là điều mà mọi người cũng như các chính phủ cần phải thanh tỉnh.
Phong trào vận động “dục vọng vật chất” của ĐCSTQ – “đáp ứng nhu cầu vật chất ngày càng tăng của toàn dân”, điều này trái ngược với tư tưởng của tất cả các bậc thánh hiền trong lịch sử. Nó kích thích lòng ham muốn vật chất của bách tính, khiến tâm hồn họ trở nên trống rỗng. Mục đích của nó không phải là vật chất phồn vinh, bởi vì không cần thực hiện phong trào này thì vẫn có thể đạt được vật chất phồn vinh, như các nước phương Tây là ví dụ, cũng không phải nhằm hủy diệt môi trường, mà là để đạt được mức độ rộng lớn, sâu rộng và bền vững mà “vận động tinh thần” và “vận động văn hóa” không thể đạt tới, từ đó hoàn toàn ăn mòn linh hồn và tâm trí của con người.
Thực tế, ngay từ kế hoạch năm năm đầu tiên sau khi thành lập nước, phong trào “vận động vật chất” của ĐCSTQ đã bắt đầu. Đến thời kỳ Đặng Tiểu Bình, phong trào này được đẩy lên cao trào. Hệ quả tất yếu của nó là việc khai thác và tàn phá tài nguyên quá mức, khiến các mỏ khoáng sản, đất đai, rừng, thảo nguyên, và nguồn nước rơi vào tình trạng quá tải toàn diện, làm mất cân bằng nghiêm trọng âm dương địa lý, dẫn đến “địa bạo”. Không cần nói đâu xa, chỉ riêng vấn đề thảo nguyên bị sa mạc hóa cũng đủ để thấy hậu quả nghiêm trọng. Hãy xem một bài viết trên mạng: Hành trình trở lại góc Tây Bắc Trung Quốc – thảm trạng của “thảo nguyên hồng quân” (sự thay đổi của thảo nguyên Nhược Nhĩ Cái trong 70 năm: cơn ác mộng sinh thái). Dưới đây là một trích đoạn, nội dung chi tiết có thể tìm đọc trên mạng:
Thực trạng thảm khốc – thảo nguyên đang biến mất với tốc độ chóng mặt.
Thảo nguyên Nhược Nhĩ Cái, nơi hồng quân năm đó từng đi qua, đang trải qua một cơn ác mộng sinh thái chưa từng có. Những vết sẹo sa mạc hóa đang lan rộng giữa màu xanh của thảo nguyên. Trong vài thập kỷ qua, các vùng đầm lầy gần như đã biến mất, hơn 200 trong số 300 hồ nước đã khô cạn, diện tích đất ngập nước thu hẹp hơn 60%, diện tích thảo nguyên bị sa mạc hóa đã lên đến 1,58 triệu mẫu, chiếm 13% tổng diện tích thảo nguyên và vẫn đang tiếp tục gia tăng với tốc độ 11,65% mỗi năm…
Nếu không tận mắt chứng kiến, thật khó mà tin đây là sự thật.
Trên thảo nguyên rộng lớn Nhược Nhĩ Cái, nơi hồng quân từng hành quân qua và từng tràn ngập đầm lầy, tại vùng Tây Bắc tỉnh Tứ Xuyên – vùng đất trù phú được mệnh danh là “Thiên phủ chi quốc”, và tại khu vực thượng nguồn sông Hoàng Hà, nơi được các chuyên gia trong và ngoài nước gọi là “quả thận của cao nguyên phía Tây Trung Quốc”, một cơn ác mộng sinh thái chưa từng có đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh.
Tôi đứng trên một con đường nằm trong khu vực trung tâm của thảo nguyên Nhược Nhĩ Cái, nhìn về những cồn cát trải dài gợn sóng ở phía xa, nhìn vào đồng cỏ trước mắt chỉ cao khoảng 20 cm, nhìn những mảnh đất cát xấu xí như những vết sẹo giữa thảo nguyên, và nhìn đàn gia súc đông đúc đang gặm rễ cỏ ven đường, một cảm giác xót xa trào dâng trong tôi.
Đây có còn là vùng đầm lầy cỏ nước mênh mông mà hồng quân năm xưa đã đi qua không? Đây có còn là vùng đất được ca ngợi là “thảo nguyên đầm lầy đẹp nhất Trung Quốc” không? Đây có còn là “quê hương của sếu cổ đen Trung Quốc” với vẻ đẹp quyến rũ, mê hoặc không?
“Vượt qua ngọn đồi cát nhỏ phía trước, bạn sẽ thấy một vùng cát rộng hàng nghìn mẫu”. Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp huyện Nhược Nhĩ Cái, ông Tả, nói: “Hơn 10 năm trước, khu vực cát này chưa đến 10 mẫu, nhưng bây giờ đã mở rộng lên hàng nghìn mẫu”.
“Tôi đã làm công tác kiểm soát sa mạc hóa trên thảo nguyên hơn chục năm, dốc hết sức lực, nhưng vẫn chứng kiến cát ngày càng nhiều, quá trình sa mạc hóa ngày càng nhanh. Chớp mắt một cái, đã có hàng triệu mẫu thảo nguyên biến thành đất cát. Tôi đau lòng lắm!”
Đây chỉ là một góc nhìn từ một huyện, vậy còn bao nhiêu khu vực chưa được đưa tin? Không ai có thể nói rõ. Bây giờ, mỗi khi người ta bàn về việc chống sa mạc hóa và xói mòn đất, họ nói không có tiền, họ cho rằng có tiền rồi là xói mòn đất có thể được giải quyết. Vậy thì thời cổ đại, người ta không có tiền, không có khoa học kỹ thuật, tại sao không xảy ra sa mạc hóa hay xói mòn đất? Là người hiện đại ngu xuẩn, cô lập hành vi của nhân loại với thiên địa bên ngoài, cho rằng dục vọng của con người có thể muốn gì làm lấy, không chịu sự chế ước của thiên địa tự nhiên, không tiếp thụ di sản quý báu của tổ tiên truyền lại – quan niệm “thiên nhân cảm ứng”. Điều quan trọng hơn là cho đến nay, ĐCSTQ vẫn đang gieo rắc một lời ma chú trên mảnh đất Thần Châu – “phải đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa ngày càng tăng của toàn dân”. Nếu ma chú này không bị phá vỡ, tôi e rằng tình trạng đất đai hoang tàn này khó có thể được chấm dứt.
Trong suốt các triều đại lịch sử của Trung Quốc, thậm chí ngay cả trong chế độ tư bản chủ nghĩa tham lam nhất hiện nay, chưa từng có chính phủ nào lại ra sức cổ vũ và đích thân thực thi như vậy. Họ chỉ bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì trật tự xã hội, giải quyết tranh chấp của bách tính, cứu trợ thiên tai. Còn việc sản xuất vật chất hay buôn bán thương mại đều là việc của bách tính. Người dân dựa vào phúc báo của mình lớn hay nhỏ, trí tuệ mà thượng thiên ban cho, tài sản mà thượng thiên (tổ tiên) để lại, và thông qua lao động để nhận được sự ban tặng vật chất một cách tự nhiên. Những của cải đạt được theo cách này mới phù hợp với thiên đạo.
Hậu quả của “địa bạo” chính là hạn hán, lũ lụt, bão tuyết, động đất, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và khủng hoảng sinh thái… Một trong những mục đích của những thiên tai này là cách mà trời đất tự điều chỉnh cân bằng. Nhưng những kẻ trong ĐCSTQ lại không hiểu điều này, chỉ biết tìm kiếm giải pháp trong khoa học. Mặt khác, “địa bạo” làm suy giảm hiệu suất sản xuất vật chất, khiến con người dù lao động cật lực cả ngày vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu vật chất của mình. Họ không còn thời gian để học tập hay suy ngẫm, dẫn đến sự trống rỗng tinh thần, từ đó tạo ra một vòng luẩn quẩn ác tính. Từ ý nghĩa này mà xét, cái gọi là “cải cách mở cửa” của Đặng Tiểu Bình, xây dựng phát triển kinh tế, thực chất chỉ là một quá trình làm con người quên đi văn hóa truyền thống, làm trống rỗng tinh thần một cách tinh vi và ẩn giấu hơn. Bản chất của nó không khác gì một dạng bạo lực vật chất và tinh thần bị biến dị, là sự tiếp nối của bạo lực vật chất và bạo lực văn hóa.
(7) Quan điểm đấu tranh giai cấp của đảng cộng sản
Quan điểm “đấu tranh giai cấp” là cốt lõi của văn hóa đảng cộng sản. Nó phân chia con người thành các giai cấp dựa trên đặc điểm kinh tế khác nhau, cũng như chức năng xã hội và nghề nghiệp khác nhau, nó cho rằng một giai cấp chiếm hữu lợi ích của giai cấp khác, vì vậy cần phải giành lại, phải tiến hành cách mạng. Đây là một logic hoang đường, chia cắt vai trò, chức năng tự nhiên trong xã hội thành giai cấp đối lập. Đây chính là tội ác lớn nhất, việc làm “ác” lớn nhất, nó kích động mâu thuẫn, xung đột, thậm chí chiến tranh, đẩy nhân loại vào tình trạng bất ổn liên miên. Trong khi đó, Phật Pháp cho rằng chúng sinh bình đẳng, và những gì chúng sinh đạt được trong xã hội là kết quả của nghiệp báo từ trước: người trước đây làm việc thiện thì được phúc báo, kẻ trước đây làm điều bất thiện thì chịu ác báo. Vì vậy, Phật Pháp khuyên răn con người nên hành thiện, tích đức để cải thiện tương lai của chính mình, đây chính là “thiện”.
Ngược lại, những đảng viên của ác đảng cộng sản lấy đấu tranh làm niềm vui. Mao Trạch Đông từng nói: “Đấu với trời là niềm vui vô tận; đấu với đất là niềm vui vô tận; đấu với người là niềm vui vô tận”. Vì vậy, ác đảng cộng sản là một sinh mệnh biến dị, đối địch với trời, đất và con người.
Các cuộc “vận động” chính là trí tuệ tổ chức và phương thức thực thi của văn hóa đảng cộng sản. Nó được chia thành “vận động chính trị” và “vận động kinh tế”, hay còn gọi là “vận động tinh thần” và “vận động vật chất”. Nó là một loại ma trí mang tính hủy diệt, bản chất thực sự của nó chính là “đấu” và “bạo”.
Văn bạo là sự tu luyện tà ác trên tầng diện tinh thần, với mục đích: (1) Củng cố văn hóa tà ma – gồm văn hóa giai cấp, văn hóa đấu tranh, văn hóa vận động, nhằm cường hóa và hoàn thiện những ma pháp trí tuệ và tinh thần của tà linh cộng sản – giả, ác, đấu. (2) Làm băng hoại đạo đức và lương tri của nhân dân, xua đuổi những thiện Thần trong sinh mệnh chúng sinh, khiến tà ác xâm chiếm nội tâm họ.
III. Tăng cường cấu trúc tà linh của Trung Cộng – Huấn luyện tăng cường pháp thuật tà linh
Từ năm 1949 – 1976, Trung Cộng không ngừng phát triển và củng cố thêm tư tưởng tà ác của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông, thể hiện qua: (1) Tăng cường huấn luyện về “giả, ác, bạo” trên phương diện đạo đức và tinh thần. (2) Đẩy học thuyết đấu tranh giai cấp đến mức cực đoan, với các khẩu hiệu như: “Đấu tranh giai cấp phải nói hàng năm, hàng tháng, hàng ngày”; “Nắm lấy đấu tranh giai cấp thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết”. (3) Phát minh lý thuyết cực đoan “tiếp tục cách mạng dưới chuyên chính vô sản”, biến cuộc cách mạng trở thành một quá trình vô tận.
Khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, ông ta từ bỏ chủ nghĩa cộng sản tà ác, mở cửa ra bên ngoài, cải cách kinh tế, nhưng thực chất lại dùng dục vọng vật chất để làm rỗng hóa tinh thần con người và bào mòn linh hồn. Thực thi “thuyết con mèo”, hạ thấp tiêu chuẩn truy cầu chân lý xuống mức thấp kém đến mức chỉ truy cầu lợi ích vật chất. Nếu trước đây, chủ nghĩa cộng sản ít ra vẫn còn đề cập đến phương diện tinh thần, thì đến thời kỳ Đặng Tiểu Bình, ngay cả phương diện tinh thần cũng không cần nữa. Tinh thần của con người trống không càng dễ khiến tà linh dễ dàng tiến nhập vào tư tưởng con người.
Dưới thời Giang Trạch Dân, cùng với việc mở cửa kinh tế, chính trị hủ bại ngày càng nghiêm trọng, đạo đức xã hội suy đồi nhanh chóng, tài sản quốc gia thất thoát khổng lồ, nạn tham ô tràn lan. Cái gọi là “cập nhật theo thời đại” thực chất chẳng khác gì việc phụ nữ chạy theo mốt thời trang, khiến người dân thậm chí không còn tư tưởng của riêng mình, bị dục vọng, ham muốn và lòng tham dẫn dắt, lao vun vút trên con tàu thời đại tiến thẳng xuống địa ngục.
Tất cả những điều này là kết quả của “văn hóa đảng” tà ác của Trung Cộng, được rèn luyện và phát triển trên cơ sở ba “bảo bối” tà ác ban đầu, khiến ác pháp “giả, ác, bạo” của tà linh được đẩy lên cực hạn.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/53240