Tại sao Biển Thước được tôn xưng là “thần y”

Tác giả: Vương Nguyên Phủ

[ChanhKien.org]

Biển Thước đến nước Tề làm khách, bái kiến Tề Hoàn Hầu. Biển Thước nói: “Ngài có bệnh ở ‘thấu lý’ (lớp mô dưới da), nếu không trị liệu, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng”; Hoàn Hầu nói: “Ta không có bệnh”. Năm ngày sau, Biển Thước lại bái kiến Hoàn Hầu, nói: “Ngài có bệnh ở ‘huyết mạch’, nếu không trị e sẽ nặng hơn”. Hoàn Hầu nói: “Ta không có bệnh”, Hoàn Hầu có vẻ không vui. Năm ngày sau, Biển Thước lại bái kiến Hoàn Hầu, nói: “Ngài có bệnh ở ‘tràng vị’ (ruột và dạ dày), nếu không trị liệu sẽ nặng thêm”. Hoàn Hầu im lặng, không nói gì. Năm ngày sau, Biển Thước lại đến bái kiến Hoàn Hầu, vừa nhìn thấy Hoàn Hầu liền bỏ đi. Năm ngày sau, quả nhiên Hoàn Hầu phát bệnh, sai người đi tìm Biển Thước, nhưng Biển Thước đã trốn đi rồi, sau đó Hoàn Hầu tử vong. (Trích từ: “Sử Ký – Biển Thước Thương Công liệt truyện”)

“Sử Ký” chép rằng Biển Thước có thể “nhìn thấy người ở phía bên kia bức tường”, có công năng cách tường khán vật, thấu thị nhân thể. Biển Thước quả đúng là thần y, chỉ cần nhìn một cái là đã nhìn thấu được bệnh trạng của Tề Hoàn Hầu. Thế nhưng Tề Hoàn Hầu lại hết lần này đến lần khác không tin Biển Thước, bởi vì bản thân không cảm thấy thân thể khó chịu, nên cho rằng làm sao có thể có bệnh được? Sau lần cuối cùng Tề Hoàn Hầu gặp Biển Thước, Hoàn Hầu còn phái người đi hỏi Biển Thước, Biển Thước nói: “Bệnh ở thấu lý (dưới da), dùng nước thuốc xông và chườm nóng là có thể trị khỏi; bệnh ở huyết mạch, dùng châm cứu và đá nhọn để rạch ra thì có thể trị được; bệnh ở tràng vị (ruột và dạ dày), dùng rượu (pha lẫn cả nước cốt và bã) có thể trị được; bệnh đã vào tận xương tủy thì không còn cách nào chữa trị nữa. Hiện giờ bệnh của ngài đã vào ‘xương tủy’ rồi, ta cũng hết cách”.

Thánh nhân trị bệnh không trị bệnh đã phát mà trị bệnh khi chưa phát

Vì sao cách nhìn nhận của Tề Hoàn Hầu lại hoàn toàn trái ngược với Biển Thước? Bởi vì người bệnh dựa vào cảm giác của mình, còn thầy thuốc cũng có y thuật của riêng mình. Biển Thước nhìn thấy là “bệnh chưa phát”, trong cơ thể đã có ổ bệnh (nơi bệnh biến phát sinh), chỉ là lúc đó vẫn chưa phát bệnh; cuối cùng Tề Hoàn Hầu quả nhiên đã mắc bệnh, trên thân thể có chỗ đau, đây là “bệnh đã phát”. Sự phát triển của bệnh tật là có quy luật: trước tiên là có ổ bệnh tiềm ẩn, là giai đoạn “bệnh chưa phát”; sau đó mới sinh ra triệu chứng, là giai đoạn “bệnh đã phát”. Giai đoạn “bệnh chưa phát” thì dễ chữa, giai đoạn “bệnh đã phát” thì rất khó trị. Cho nên trong “Hoàng Đế Nội Kinh” có viết: “Thánh nhân không trị bệnh đã phát, mà trị bệnh khi chưa phát; không trị khi đã loạn, mà trị khi nó chưa loạn, chính là ý này vậy”. (Hoàng Đế Nội Kinh – Tứ Khí Điều Thần Đại Luận)

Trong Hoàng Đế Nội Kinh còn viết: “Bệnh đã thành rồi sau đó mới dùng thuốc, loạn đã xảy ra rồi mới đi trị, cũng giống như khát nước rồi mới bắt đầu đào giếng, rèn mũi khoan, chẳng phải là quá muộn rồi sao?” Bệnh tật đã hình thành rồi sau đó mới dùng thuốc, rối loạn đã phát sinh rồi mới đi bình định, cũng giống như khát nước rồi mới đi khoan giếng, chiến tranh bắt đầu rồi mới đi rèn binh khí vậy, như vậy chẳng phải quá muộn rồi sao? Vì vậy, mọi sự trên đời đều phải nhìn rõ tình thế, lo liệu mọi việc trước khi họa đến, chuẩn bị sẵn sàng từ trước, việc chữa bệnh cũng cùng một đạo lý như vậy.

Bệnh tật đều có giai đoạn phát triển nhất định. Ở giai đoạn đầu, thông thường không có triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ, lúc này người bệnh không cảm thấy trong cơ thể có gì khó chịu, nên tất nhiên cũng sẽ không đi gặp thầy thuốc. Khi đó, tổn thương ở các cơ quan còn rất nhỏ, việc điều trị dứt điểm cũng dễ dàng hơn. Nhưng nếu người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng rõ rệt rồi mới đi khám, lúc này bệnh tật đã tiến triển đến giai đoạn giữa hoặc cuối kỳ, các tổn thương ở cơ quan đã rất rõ rệt hơn nữa còn tương đối nghiêm trọng, lúc này muốn chữa khỏi hoàn toàn thì sẽ rất khó khăn. Bởi thế mới nói: “Thánh nhân không chữa bệnh đã phát, mà chữa bệnh khi chưa phát”. Bệnh tật phải được chữa từ sớm, một khi để nặng rồi thì không dễ trị nữa.

Vận dụng ba tam bảo của sinh mệnh: tinh, khí, thần

Ngày nay không còn tìm được những vị thần y có y thuật cao siêu như Biển Thước nữa, vậy chúng ta làm cách nào để chữa “bệnh chưa phát” đây? Kỳ thực, chúng ta không cần hướng ngoại cầu, bởi bản thân chúng ta đều đã có ba báu vật quý giá – “tam bảo của sinh mệnh”, đó là tinh, khí và thần. Tam bảo của sinh mệnh có thể tạo nên nhiều tầng lá chắn bảo vệ sinh mệnh, phòng ngừa và ngăn chặn bệnh tật. Chúng ta chỉ cần vận dụng tốt tam bảo của sinh mệnh thì có thể trị được “bệnh chưa phát”.

Vậy làm thế nào để vận dụng tam bảo của sinh mệnh? Cách làm cụ thể là, “dưỡng tinh” cần chú ý đến việc ăn uống đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng; “dưỡng khí” thì phương pháp tốt nhất là luyện khí công. Thời cổ đại, khí công còn được gọi là “thuật Thần Tiên”, có hiệu quả rất thần kỳ. Ở đây, tôi đề xuất luyện Pháp Luân Công. Còn “dưỡng thần” thì phải coi trọng đạo đức, bắt đầu từ nội tâm của chúng ta, cần có thể đối đãi với người khác bằng sự chân thành, thiện lương, có tấm lòng đại nhẫn, làm được theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/153957