Các chính khách Vương quốc Anh gửi thư bày tỏ ủng hộ hoạt động phản bức hại Pháp Luân Công Ngày 25/4
[ChanhKien.org]
Từ trái sang: Nghị sĩ Jim Shannon – Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Liên đảng về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng Quốc tế (APPG FoRB) của Quốc hội Anh; Nghị sĩ Marie Rimmer đại diện khu vực St Helens South và Whiston; Nghị sĩ Bell Ribeiro-Addy – Đảng Lao động khu vực Clapham và Brixton Hill, London; Nghị sĩ Ian Murray – Bộ trưởng ngoại giao Scotland; Nghị sĩ Andrew Cooper – Đảng Lao động khu vực miền Trung Cheshire Central; Nghị sĩ Richard Holden – đại diện khu vực Basildon và Billericay; Nghị sĩ Feryal Clark – đại diện khu vực Enfield North; Nữ Nam tước Ruth Lister của xứ Burtersett; ông Benedict Rogers – Đồng sáng lập và Giám đốc tổ chức Giám sát Hồng Kông (Hong Kong Watch), đồng thời là Phó Chủ tịch và Đồng sáng lập Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ. (Thực hiện: Văn Thanh/The Epoch Times)
Ngày 19/04, hơn một trăm học viên Pháp Luân Công tại Vương quốc Anh đã tổ chức một cuộc mít-tinh tại trung tâm London để kỉ niệm 26 năm ngày “Thỉnh nguyện Ôn hòa 25/4”. Nhiều chính khách Vương quốc Anh đã gửi thư bày tỏ sự ủng hộ.
Vào ngày 25/04/1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tự nguyện đến Văn phòng Tiếp dân gần Trung Nam Hải, Trung Quốc để phản ánh tình hình với chính phủ, yêu cầu trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công vô tội bị bắt giữ tại Thiên Tân. Vào ngày thỉnh nguyện hôm đó, họ vốn đã được thông báo rằng sự việc sẽ được giải quyết thỏa đáng. Thế nhưng ba tháng sau, Giang Trạch Dân – khi đó là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – đã huy động toàn bộ bộ máy nhà nước để phát động cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công, và cho đến nay cuộc đàn áp vẫn chưa dừng lại.
Hàng năm, vào dịp này các học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại đều tổ chức các hoạt động tưởng niệm, nhằm làm rõ sự thật về sự kiện “25/4” với công chúng, vạch trần những lời dối trá của ĐCSTQ. Đến nay, sự kiện này đã xảy ra tròn 26 năm.
Cũng giống như các hoạt động tưởng niệm trước đây, nhiều chính khách tại Vương quốc Anh đã liên tục gửi thư bày tỏ sự ủng hộ.
Nghị sĩ Jim Shannon – Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Liên đảng về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng Quốc tế (APPG FoRB) của Quốc hội Anh phát biểu: “Là một người luôn kiên định bảo vệ nhân quyền và tự do tín ngưỡng, tôi kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh cùng các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế sát cánh bên nhau, kiên quyết phản đối hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ, đặc biệt là tội ác kinh hoàng cưỡng bức mổ cướp nội tạng đối với các học viên Pháp Luân Công. Sự đàn áp và tước đoạt có tính hệ thống đối với nhóm người tu luyện ôn hòa này đòi hỏi chúng ta phải có một phản ứng rõ ràng và thống nhất, nhằm bảo vệ công lý, gìn giữ các quyền tự do cơ bản, và buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho những tội ác của mình!”.
Bà Marie Rimmer CBE MP – Nghị sĩ khu vực South St Helens và Whiston, Vương quốc Anh đã viết: “Tôi chân thành hy vọng hoạt động lần này sẽ thành công tốt đẹp, tôi sẽ luôn đồng hành cùng các bạn về mặt tinh thần”. Bà chia sẻ: “Tôi hiểu rất rõ về Pháp Luân Công, đó là nhờ vào việc tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo của “Tòa án Trung Quốc” do Ngài Geoffrey Nice chủ trì. Qua đó, tôi đã có nhận thức rõ ràng về cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Công đang phải chịu đựng, bao gồm cả hành vi thu hoạch nội tạng – một sự vi phạm nhân quyền kinh hoàng”.
Bà nói thêm: “Chúng ta đã đạt được một số thành quả, nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần làm, và nhiều việc có thể làm. Nếu chúng ta thực sự đối xử bình đẳng với mỗi con người, nếu chúng ta sẵn lòng có thêm một chút công bằng, một chút tôn trọng, nếu thế giới này không còn bị chi phối bởi lòng tham, không còn dựa vào việc gieo rắc sự sợ hãi để duy trì quyền lực, mà thay vào đó là xây dựng lòng tin dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau – thì thế giới này vốn dĩ không cần nặng nề như vậy. Quả thực, đã có một số quốc gia hành động, nhưng chúng ta vẫn phải không ngừng nói ra sự thật với tất cả những người đang nắm giữ quyền lực”.
Nghị sĩ Bell Ribeiro-Addy – Đảng Lao động khu vực Clapham và Brixton Hill ở London đã viết: “Tôi kiên quyết phản đối mọi hình thức bức hại, bất kể là dựa trên tín ngưỡng tôn giáo hay giới tính. Khi tôi nghe tin về việc ĐCSTQ tiến hành đàn áp tôn giáo nghiêm trọng đối với các học viên Pháp Luân Công, tôi đã vô cùng bàng hoàng và lo lắng”.
“Ở Anh, tự do tín ngưỡng là một quyền mà chúng tôi vô cùng trân trọng và được tự do hưởng thụ. Nhưng đáng tiếc là, trên thế giới vẫn còn vô số người không được hưởng quyền tự do đó. Là một quốc gia có trách nhiệm, chúng ta phải kiên quyết phản đối mọi hình thức bức hại, đặc biệt là những cuộc bức hại nhắm vào tín ngưỡng tôn giáo. Đồng thời nên cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực, để đảm bảo rằng mọi người đều có thể tự do và an toàn thể hiện đức tin của mình mà không cần lo sợ bị tổn hại”.
“Tôi luôn tin tưởng rằng Vương quốc Anh phải dũng cảm lên tiếng, lên án những quốc gia và chính quyền bức hại người dân vì lý do tôn giáo. Tôi sẽ không ngừng nỗ lực để mọi người đều có thể tự do bày tỏ đức tin của mình. Dù là ở Anh hay bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tôi tin rằng, chúng ta với tư cách là một quốc gia, nên phát huy vai trò lớn hơn và nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn cầu”.
Nghị sĩ Ian Murray – Bộ trưởng Ngoại giao Scotland đã viết: “Tôi ủng hộ những nỗ lực của các bạn trong việc bảo vệ nhân quyền và phản đối cuộc bức hại. Tôi hiểu rõ tầm quan trọng của buổi tập hợp này, và những nỗ lực của các bạn nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Công đang phải đối mặt là điều rất đáng ngưỡng mộ và vô cùng quan trọng”.
“Tại Nghị viện, chúng tôi liên tục theo dõi và thảo luận các vấn đề vi phạm nhân quyền trên toàn cầu. Bao gồm cả những hành vi tàn bạo nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Chúng tôi cũng ủng hộ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, ví dụ như nghị quyết của Liên minh châu Âu lên án cuộc đàn áp của ĐCSTQ, chính là để những kẻ vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm, và thúc đẩy công lý được thực thi”.
Nghị sĩ Andrew Cooper – Đảng Lao động khu vực miền Trung Cheshire Central đã viết: “Tôi luôn hết sức quan tâm đến tình hình người dân Trung Quốc bị đàn áp vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng , cho dù đó là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, các tín đồ Cơ Đốc giáo, Phật tử hay các học viên Pháp Luân Công”.
“Mỗi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, bao gồm quyền tự do thực hành, thay đổi hoặc truyền bá đức tin của mình, và không nên bị phân biệt đối xử hay bạo hành vì tín ngưỡng của họ. Đây là quyền con người cơ bản mà tất cả mọi người đều nên có. Tôi ủng hộ việc thông qua mạng lưới ngoại giao của chính phủ và các hành động liên quan trong và ngoài nước. Tôi ủng hộ những nỗ lực của chính phủ trong việc tích cực thúc đẩy tự do tôn giáo và tín ngưỡng trong nước và quốc tế, thông qua mạng lưới ngoại giao và các hành động khác nhau”.
“Tôi xin đảm bảo với các bạn rằng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ mọi nỗ lực bảo vệ tự do tôn giáo và tín ngưỡng, kiên quyết phản đối mọi hình thức đàn áp và bức hại. Không ai phải sống trong sợ hãi vì những gì họ tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng”.
Nghị sĩ Richard Holden đại diện khu vực Basildon và Billericay phát biểu: “Tôi luôn vô cùng lo ngại về việc ĐCSTQ tiếp tục đàn áp các học viên Pháp Luân Công, cũng như các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác. Lời khai của các nạn nhân thật đau lòng, chính cuộc đàn áp có hệ thống này là một lý do quan trọng khiến Vương quốc Anh liệt Trung Quốc vào một trong những quốc gia trọng điểm cần ưu tiên quan tâm về nhân quyền.
“Dù có hay không có tín ngưỡng tôn giáo, tự do tín ngưỡng vẫn là một quyền cơ bản của con người. Vương quốc Anh phải tiếp tục nêu lên những lo ngại này trực tiếp với chính phủ Trung Quốc và tiếp tục lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế. Tôi xin bày tỏ sự kính trọng đối với tất cả những ai đang lên tiếng một cách ôn hòa vì “Chân, Thiện, Nhẫn”. Cảm ơn các bạn đã không ngừng nâng cao nhận thức cộng đồng và kiên định bảo vệ các quyền tự do cơ bản. Xin chúc sự kiện thành công tốt đẹp!”.
Bà Feryal Clark – Nghị sĩ Quốc hội khu vực Enfield North viết: “Môi trường tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở Trung Quốc vẫn đang bị hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm cả việc đàn áp các học viên Pháp Luân Công”.
“Chính phủ Đảng Lao động này sẽ kiên quyết bảo vệ quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ tích cực thúc đẩy việc thực hiện quyền con người cơ bản này thông qua lập trường của chúng tôi tại Liên Hiệp Quốc, Nhóm Bảy nước công nghiệp phát triển (G7) và các nền tảng đa phương khác, cũng như thông qua các hoạt động ngoại giao song phương”.
Nữ Nam tước Ruth Lister của xứ Burtersett phát biểu: “Là một người tập Thái Cực Quyền và hiểu được những lợi ích của việc tu luyện, tôi hoàn toàn ủng hộ hành động của các bạn trong việc đấu tranh cho một môi trường hòa bình và tự do tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Chúc buổi tập hợp của các bạn thành công tốt đẹp!”.
Ông Benedict Rogers, đồng sáng lập và là Giám đốc tổ chức Giám sát Hong Kong (Hong Kong Watch), đồng thời là Phó Chủ tịch và đồng sáng lập Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ, đặc biệt gửi lời tuyên bố ủng hộ:
“Tôi kiên quyết ủng hộ quyền tự do tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, quyền tự do thực hành các giá trị “Chân, Thiện, Nhẫn” của họ. Đây không chỉ là những nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Đại Pháp mà còn là những giá trị phổ quát của toàn nhân loại, bất kể bạn có tín ngưỡng nào, chúng ta đều nên trân trọng và thực hành.
“Tuy nhiên, 26 năm trước, cuộc thỉnh nguyện hoàn toàn ôn hòa này đã dẫn đến cuộc đàn áp tàn bạo và kéo dài của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công. Cuộc đàn áp này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Nó đã dẫn đến việc hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ bất hợp pháp, tra tấn, bỏ tù và thậm chí bị sát hại. Điều không thể bỏ qua là ĐCSTQ đã mở rộng đàn áp trên phạm vi toàn cầu đối với các học viên Pháp Luân Công, cũng như người dân Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các nhà bất đồng chính kiến khác. Trong số đó có những hành vi ác ý của ĐCSTQ nhằm liên tục đàn áp, bôi nhọ và cản trở các buổi biểu diễn của Shen Yun”.
“Do đó, vào ngày kỷ niệm quan trọng này, chúng ta không chỉ tưởng nhớ những học viên Pháp Luân Công dũng cảm đã đứng ra và thỉnh nguyện ôn hòa 26 năm trước, mà còn phải tiếp tục lên tiếng cho những người ngày nay vẫn đang phải chịu đựng sự đàn áp, bỏ tù, tra tấn, cưỡng bức lao động và thậm chí cả án tử hình, cùng nhiều hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác”.
“Điều không kém phần quan trọng là chúng ta phải nhân cơ hội này để kêu gọi chính phủ Anh đưa ra một tiếng nói rõ ràng, mạnh mẽ và nhất quán hơn nữa để hành động vì nhân quyền ở Trung Quốc và chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công!”.
“Tôi sát cánh cùng các bạn, đoàn kết một lòng, và sẽ tiếp tục cầu nguyện và nỗ lực cho đến khi mọi người ở Trung Quốc, bất kể tín ngưỡng nào, đều có thể tự do lựa chọn, chia sẻ và thay đổi tín ngưỡng của mình mà không còn phải sợ hãi. Tôi mong chờ đến ngày mà các giá trị “Chân, Thiện, Nhẫn” có thể lan tỏa tự do khắp Trung Quốc! Xin cảm ơn các bạn!”.
(Theo The Epoch Times)
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/296428