“Tây du ký”: Tam thừa giải Pháp (6)
Tác giả: Lăng Ngộ
[ChanhKien.org]
(Hai mươi sáu)
Ngọn núi Hỏa Diệm Sơn rộng tám trăm dặm chắn ngang lại một lần nữa chặn đường thầy trò Đường Tăng trên hành trình đi Tây Thiên thỉnh kinh. Trên con đường tu luyện tuyệt đối không có gì là ngẫu nhiên, đều là hoàn trả nhân quả do tự mình gieo lên. Thần Thổ Địa nói với Tôn Ngộ Không: “Nơi đây vốn không có ngọn núi này, bởi vì năm trăm năm trước, khi Đại Thánh đại náo Thiên Cung, bị Hiển Thánh bắt giữ và giao cho Lão Quân, rồi nhốt Đại Thánh vào lò Bát Quái, khi luyện xong mở nắp lò, bị ngài đá đổ lò luyện đan, làm rơi mấy viên gạch xuống đây, bên trong còn sót lại lửa, đến nơi này hóa thành Hỏa Diệm Sơn. Ta vốn là đạo nhân trông coi lò luyện đan trong cung Đâu Suất, khi đó bị Lão Quân trách phạt do để thất thủ, đày xuống đây làm thổ địa của Hỏa Diệm Sơn”. Khi Tôn Hành Giả lần đầu đến mượn quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến Công Chúa, bị bà ta quạt một cái thổi bay xa hơn năm vạn dặm đến núi Tiểu Tu Di, nơi Linh Cát Bồ Tát ở, và được Bồ Tát ban cho viên “Định Phong Đan”. Đây chính là thông qua tham ngộ Pháp lý, khiến tâm tính nội tại của tự thân được quy chính và kiên định; Sau đó, Tôn Ngộ Không dùng trí huệ và thần thông để lấy được quạt Ba Tiêu lần thứ hai, nhưng không may lại bị Ngưu Ma Vương lừa gạt bằng cách giả dạng Trư Bát Giới để lấy lại quạt. Xảy ra điều này vì giữa các sư huynh đệ họ, giữa bản tâm và bản năng còn thiếu sự phối hợp, chỉnh thể có sơ hở, khiến ma quỷ lợi dụng mà tạo thành. Hỗn thế Đại Lực Ngưu Ma Vương chính là tự tính của nhân tâm. Câu nói “Ngưu vương bản thị tâm viên biến” (Ngưu vương vốn là do tâm khỉ biến hóa thành). Tính tự đại, ngạo mạn của người thường đều có liên quan đến tính khí cứng đầu này. Đây cũng là điều khó khắc phục nhất của bản thân con người. Cả cuộc đời con người thực chất là một cuộc giao tranh và chiến đấu với chính bản thân mình. Chỉ khi con người chiến thắng quá khứ của bản thân, buông bỏ hết thảy chấp trước, mới có thể thực sự vượt qua chính mình, từ đó phát ra ánh sáng của bản tính chân thật trong tâm. Trong giới tu luyện có câu gọi là: “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới”, chính là nói về đạo lý này. Sau khi trải qua sự phối hợp giữa Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới, cùng với sự giúp sức của thiên binh thần tướng và các hộ pháp Thần Phật, cuối cùng, con trâu trắng lớn cố chấp cứng đầu ngông cuồng này đã bị khuất phục hoàn toàn, tiếp đó ngọn lửa Hỏa Diệm Sơn cũng được dập tắt.
“Dẫn trâu về Phật, hết càn quấy,
Nước lửa giao hòa, tính tự bình”.
Nhờ vậy, bốn thầy trò Đường Tăng đạt đến trạng thái nước lửa giao hòa, bản tính thanh mát. Gọi là:
“Khảm ly ký tế, chân nguyên hợp,
Nước lửa quân bình, Đại Đạo thành”.
Từ chương đầu tiên, khi Thạch Hầu xuất thế, cũng tức là thời điểm “Đại Đạo sinh”, cho đến hồi thứ 61, khi tu luyện tâm tính nhờ có nước lửa giao hòa Đại Đạo thành. Có thể nói rằng con đường công thành viên mãn, pháp tính viên minh quy chính quả của thầy trò Đường Tăng đã ở trong tầm tay, việc thỉnh kinh Tây Thiên nhất định sẽ thành.
(Hai mươi bảy)
Thầy trò Đường Tăng lại đến một kinh đô của đế vương nước Tế Trại. Trong nước có một ngôi chùa gọi là Kim Quang Tự. Ba năm trước, do một trận mưa máu đã rơi xuống, sau đó, viên xá lợi tử Phật Bảo trên bảo tháp vàng của chùa bị Vạn Thánh Long Vương ở đầm Bích Ba cùng con rể là Cửu Đầu Phò Mã đánh cắp. Công chúa Vạn Thánh còn trộm cây cỏ Linh Chi Chín Lá của Vương Mẫu Nương Nương và “đặt dưới đáy đầm, khiến nơi đó rực rỡ ánh kim, tỏa sáng cả ngày lẫn đêm”. Quốc vương nước này do mắt thịt thai phàm không thấy rõ chân tướng sự việc, nên đã trách nhầm và khiến các tăng nhân trong chùa chịu oan uổng. Đã có hai thế hệ tăng chúng chết oan, thế hệ thứ ba vẫn tiếp tục chịu bức hại, dù có miệng cũng không thể biện minh, cũng không có nơi nào để tố cáo. May mắn thay, thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ngang qua, ngày oan tình được giải sẽ không còn xa nữa. Trong suốt hành trình, bốn thầy trò Đường Tăng trải qua trùng trùng quan nạn, gặp vô số khó khăn, không chỉ chiến thắng và loại trừ tâm ma trong nội tâm mình, mà còn chiến đấu với yêu ma quỷ quái bên ngoài. Đồng thời, bất cứ nơi nào họ đi qua, từ vương quốc, thành trì cho đến hoàn cảnh vùng sông núi đều là một lần quét sạch và quy chính hết thảy. Kỳ thực, đây cũng là một tầng hàm ý kép mà tác phẩm “Tây Du Ký” muốn truyền tải.
Việc Đường Tăng và Tôn Ngộ Không quét tháp vào ban đêm kỳ thực đó là quá trình tẩy rửa bụi bẩn trong tâm. Đường Tăng tự mình quét dọn mười tầng tháp bên dưới, còn ba tầng trên cùng để cho Ngộ Không quét, giúp bản tâm này trở nên thuần tịnh hơn. Đồng thời, cũng bắt được hai yêu quái và hỏi rõ sự tình. Điều này cũng cho thấy quá trình tu luyện phản bổn quy chân, quay về gia viên thiên quốc vốn có của bản thân, cần phải vượt qua từng cửa ải, từng tầng trời, đạt đến tiêu chuẩn của Pháp trong vũ trụ, tức là từng bước từng bước tu luyện lên trên. Việc Long Vương ở đầm Bích Ba đánh cắp xá lợi tử, gây ra tai họa huyết quang trong nhân gian, cũng là biểu hiện cho sự biến dị của sinh mệnh từ bản nguyên, sự bạo ngược sinh ra từ nhân tâm, cũng là thể hiện nguyên nhân và hậu quả của thời mạt Pháp không còn linh nữa. Cửu Đầu Phò Mã vốn là một con cửu đầu trùng, có chín cái đầu với chín cái miệng để nói. Còn bảo tháp hoàng kim vốn là tháp trí huệ, cho thấy thầy trò Đường Tăng nhờ tu luyện mà khai mở tâm trí, đạt đến đại trí đại huệ. Nhưng do tà ma quấy nhiễu, khó tránh khỏi sinh ra loại tâm ma như cửu đầu trùng, khiến trí huệ tràn đầy chướng khí. Vì vậy, trong hồi thứ 63 của truyện, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới với sự kết hợp giữa tâm và trí đã đồng tâm hiệp lực chiến đấu hết mình, cuối cùng tiêu diệt hết Long Vương cùng với những tà ác, trả lại xá lợi tử Phật Bảo về với chủ cũ, giúp nước Tế Trại khôi phục ánh quang như xưa, cũng khiến bản thân Đường Tăng và các đồ đệ một lần nữa tỏa sáng ánh sáng tự tính của chính mình. Từ đó, chùa Kim Quang cũng được đổi tên thành chùa Phục Long. Hơn nữa hành vi trộm cắp Phật Bảo của Long Vương và Cửu Đầu Trùng kỳ thực cũng nhấn mạnh một hiện tượng rất không tốt trong giới tu luyện, đó là trộm lấy những thứ tốt do người khác tu luyện xuất lai, chiếm làm của riêng. Kỳ thực công luyện xuất ra đều có hình tượng của bản thân, người khác căn bản không thể lấy trộm được. Công phu loại trộm khí, thu khí này, sử dụng những thủ đoạn khôn vặt để muốn đi đường tắt là điều tuyệt đối không thể chấp nhận, điều này chỉ có thể dẫn đến kết cục thân bại danh liệt. Đây là một điều đại kỵ trong tu luyện. Đây cũng chính là huyền cơ ẩn chứa trên hành trình thỉnh kinh và tu luyện khi bốn thầy trò Đường Tăng phải đi qua nước Tế Trại. Thật đúng là:
Tà quái trừ sạch, vạn cảnh tịnh,
Bảo tháp sáng ngời, đất trời minh.
(Hai mươi tám)
Thầy trò Đường Tăng đi qua rừng gai dài tám trăm dặm. Có câu thơ rằng: “Làm người ai chẳng gặp chông gai, Nào thấy Tây phương gai mọc dài!” Có thể thấy, đây cũng là con đường mà người tu luyện nhất định phải qua. Đột nhiên có một ông lão tự xưng là “Thổ Địa” tên Thập Bát Công, dẫn theo quỷ sai thân trần, tạo một trận gió cuốn Đường trưởng lão vào am Mộc Tiên. Lại cùng ba ông già Cô Trực Công, Lăng Không Tử, Phất Vân Tẩu bàn luận huyền lý, ngâm nga thơ đối. Đến canh khuya, lại có một cô gái tự xưng là Hạnh Tiên xuất hiện, vừa cùng làm thơ lại thể hiện ra dáng vẻ yêu kiều, mong muốn cùng Đường Tăng tư tình. Nhưng tâm Đường Tăng như vàng đá, kiên quyết không thuận theo, khiến bốn ông già cùng quỷ sai lúng túng. Nhờ sự tìm kiếm gian khổ và ứng cứu kịp thời của huynh đệ Tôn Ngộ Không, trong ngoài phối hợp, cuối cùng Đường Tăng thoát khỏi vòng tay của ma, lại được thấy ánh Mặt Trời. Hỡi ôi, ma đưa lối quỷ dẫn đường, đây cũng là một loại an bài, nhưng tuyệt đối không phải ngẫu nhiên. Thì ra những người nam nữ trong am Mộc Tiên đều là các loại cây cối ngàn năm gần vách đá tu thành tinh, đang ở đây hại người. Trư Bát Giới vung cào chín răng, cắt đứt tận gốc. Điều này cũng nhắc nhở người tu luyện phải làm được bất sát bất dưỡng. Bởi động vật hay thực vật một khi thành tinh, sẽ gây hại một phương. Cũng chính vì vậy, khi Đường Tăng bàn luận ngộ thiền cơ đã nói rằng: “Thân người khó được, Trung Thổ khó sinh, Chính Pháp khó gặp; Được ba điều này, May mắn lắm thay”. Đây là một danh ngôn chí lý. Ở nơi đây, Đường Tăng đàm đạo về thiền, luận về Đạo, sáng tác thơ ca chính là kết tinh và tổng kết trí huệ trong tu luyện Phật Pháp của ông, tiêu chuẩn và sự thể hiện của quả vị Phật đã chứng đắc. Tuy nhiên, tu luyện không thể chỉ giữ mình thanh cao, tự cho mình là cao quý, hay tâm lý truy cầu an dật. Nếu không, người tu luyện sẽ tự bó buộc bản thân, ngừng tiến về phía trước, thậm chí tiêu trầm ý chí. Có câu rằng: “Tiểu ẩn ẩn nơi núi rừng, Đại ẩn ẩn nơi thành thị”. Thầy trò Đường Tăng trên đường đi Tây Thiên thỉnh kinh, lĩnh hội Đại Thừa Phật Pháp, mục đích cuối cùng là tế thế cứu người, phổ độ chúng sinh.
Khi thầy trò Đường Tăng đến Tiểu Lôi Âm Tự ở Tiểu Tây Thiên, ba người Đường Tăng cúi đầu vái lạy, nhưng Tôn Ngộ Không với đôi mắt hỏa nhãn kim tinh đã nhìn rõ ràng, công nhiên không bái. Tuy nhiên, tất cả bọn họ đều bị yêu quái Hoàng Mi tu thành tinh làm Phật giả bắt giữ. Tôn Ngộ Không cũng bị nhốt trong chiếc Kim Nao (chuông vàng). May nhờ có Ứng Kim Long, một trong Nhị Thập Bát Tú, vất vả gian khổ mới cứu được Ngộ Không ra ngoài. Tôn Hành Giả sau đó lần lượt thỉnh mời Nhị Thập Bát Tú, năm vị Long Thần dưới trướng Đãng Ma Thiên Tôn, hai tướng Quy và Xà, cùng với đồ đệ của Đại Thánh Quốc Sư Vương Bồ Tát là Tiểu Trương Thái Tử và bốn vị đại thần tướng tới trợ giúp. Nhưng tất cả đều bị bảo bối “Túi Hậu Thiên” của Hoàng Mi quái bắt gọn, trở thành tù binh. Khi Tôn Ngộ Không kêu trời không thấu, gọi đất không hay, đường cùng bế tắc, thì đúng lúc ấy, Đông Lai Phật Tổ Di Lặc “Tôn quý nhất trong cõi Cực Lạc, Nam Thiên Di Lặc tiếu hòa thượng” đã xuất hiện kịp thời trước mặt Ngộ Không. Thật là Phật ân hạo đãng, Tôn Hành Giả tuyệt cảnh trùng sinh. Thì ra, Hoàng Mi quái vốn là một tiểu đồng lông mày vàng giữ khánh bên cạnh Phật Di Lặc Tổ, nó đã đánh cắp vài món bảo bối, giả Phật thành tinh, xuống hạ giới giả danh Phật Như Lai để lừa gạt chúng sinh. Nhưng cũng bởi vì thầy trò Đường Tăng ma nạn chưa dứt, “nên bách linh mới hạ giới, số kiếp phải chịu nạn”.
Ở đây, hồi thứ sáu mươi sáu này là một chương quan trọng nhất trong cả bộ truyện. Đầu tiên là sự xuất hiện huyền bí của Phật Di Lặc. Mà Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói, đến thời mạt pháp mạt kiếp, Phật Di Lặc sẽ hạ thế Chính Pháp độ nhân. Dù trong sách không viết nhiều, nhưng lại là tín tức được tiết lộ, đối với đại kịch lịch sử của nhân loại mà nói, xác thực có ý nghĩa sâu xa và ảnh hưởng cực lớn không thể đo lường. Điều này cũng tạo tiền đề và tuyên truyền rộng rãi để nhà nhà đều biết đến lần xuất thế cuối cùng của Phật Di Lặc vào ngày mạt hậu của thế giới. Hơn nữa, sự xuất hiện của Tiểu Lôi Âm Tự và Như Lai giả cũng đang ám chỉ một giả tượng chân thực, đó là vạn ma xuất thế can nhiễu Chính Pháp và can nhiễu việc tu luyện chính thường của người tu luyện. Mà sức phá hoại của những tà ma này là nghiêm trọng nhất, chúng khoác áo cà sa, trà trộn vào chùa chiền để gây họa, sẽ khiến rất nhiều người vô tri bị lừa gạt, trở thành nạn nhân. Cuối cùng, Phật Di Lặc đã chỉ dạy Ngộ Không biến thành một quả dưa hấu chín mọng, chờ cho Hoàng Mi quái ăn vào, Tôn Ngộ Không chui vào trong bụng yêu quái và đánh bại nó. Vì để dẫn dụ Hoàng Mi quái đến, Phật Di Lặc còn viết một chữ “禁” (cấm) lên lòng bàn tay Ngộ Không, ngụ ý rằng bản tâm này đã thành thục tâm tính, viên dung tự minh, kết thành một quả Phật vĩ đại. Nếu phân tích giải thích sâu hơn, chữ “禁” (cấm) có nghĩa là “chặn lại”, giống như cấm quả. Điều này lại có liên hệ với Như Lai giả Hoàng Mi quái này, đối lập trên bề mặt. Do vậy ý nghĩa cũng rất minh xác, tức là những người tu luyện chân chính cần phải sáng suốt, dùng huệ nhãn để phân biệt chân giả, tránh bị mê hoặc. Bởi vì một khi đã ăn phải quả cấm, sẽ hối hận không kịp, hậu quả khôn lường.
(Hai mươi chín)
Thầy trò Đường Tăng lại đến Đà La Trang và tá túc tại nhà ông lão họ Lý. Ông lão họ Lý kể cho họ rằng ba năm rưỡi trước, trong vùng xuất hiện một con yêu quái thường xuyên đến quấy nhiễu, khiến dân làng vô cùng sợ hãi. Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới ra tay trừ yêu, tiêu diệt con yêu tinh vốn là một con mãng xà vảy đỏ, trừ họa cho người dân. Đây cũng là biểu hiện công quả tu luyện của thầy trò Đường Tăng, tức là đã bắt đầu có năng lực độc lập trừ yêu diệt mà, phổ độ chúng sinh rồi. Mà con mãng xà lớn vảy đỏ này cũng có tác dụng ẩn dụ của nó. Bên ngoài Đà La Trang, trên con đường dẫn đến Tây Thiên, có một đường hẻm dài tám trăm dặm, được gọi là Khê Thị Hồ Đồng, con đường này bùn lầy ngập ngụa, hôi thối nồng nặc, không ai có thể đi qua. Kỳ thực điều này cũng ám chỉ hoàn cảnh hiện thực dơ bẩn mà nhân loại ngu xuẩn đang gặp phải, tư tưởng, tâm linh và cảnh giới của người tu luyện nhất định phải chỉnh thể thăng hoa, giống như hoa sen ở trong bùn nhưng không bị ô nhiễm mới được. Trư Bát Giới thi triển thần thông biến hóa, dùng sức mạnh và năng lực mở ra một con đường sạch sẽ thông đến Tây Thiên, đây chính là tiêu chí và biểu hiện thành thục toàn diện về tâm trí của một người tu luyện. Cũng bởi vậy, “thoát khỏi ô trọc, đạo tâm thanh”, “bình an vô trở bái liên đài”, cũng tức là chỉ ngày đó không còn xa nữa.
Khi thầy trò họ đặt chân đến đô thành của đế vương nước Chu Tử Quốc, đúng lúc nhà vua đang mang trọng bệnh. Ông cho dán bảng chiêu mộ thần y để tìm người chữa bệnh. Tôn Ngộ Không đã giật hoàng bảng còn bị Đường Tăng hoài nghi một phen, bởi vì đây là lần đầu tiên anh ta ra tay chữa bệnh cứu người. Quả nhiên không phụ kỳ vọng, Ngộ Không bắt mạch qua sợi tơ, chẩn đoán chính xác nhà vua mắc chứng “Song điểu thất quần” (Hai chim lạc đàn) do kinh hãi và u sầu, lại chế ba viên Ô Kim Đan, bảo nhà vua uống với Vô Căn Thủy (nước mưa). Quả nhiên, sau khi đi đại tiện, dạ dày được làm sạch, lại nôn ra cục cơm nếp tích tụ lâu ngày trong bụng, cơ thể nhà vua lập tức hồi phục khỏe mạnh, tinh thần cũng trở lại như xưa. Sau đó, nhà vua kể lại rằng ba năm trước, có một con yêu quái đã bắt cóc hoàng hậu Kim Thánh của ông đi, khiến ông quá đau buồn mà sinh bệnh. Thế là Tôn Ngộ Không tự mình xung phong tìm đến hang Kỳ Lân Giải Trĩ, nơi yêu quái trú ngụ, dùng mưu trí và kế sách trộm được được ba chiếc Tử Kim Linh (chuông vàng tím), vốn có thể phun ba thứ khói, lửa và cát, khiến yêu quái mất đi vũ khí lợi hại. Khi yêu quái sắp mất mạng, Quan Âm Bồ Tát xuất hiện tại nơi họ đang giao đấu. Thì ra con yêu quái này vốn là Kim Mao Thú, thú cưỡi của Quan Âm. Năm xưa, khi Chu Tử Quốc vương còn là thái tử, ông từng đi săn và bắn bị thương một đôi khổng tước trống mái. Mà đôi công ấy chính là con của Phật Mẫu Khổng Tước Đại Minh Vương Bồ Tát, nên mới có tai kiếp này. Con Kim Mao Thú này thấy vậy, tự mình hạ giới, “Do vậy nó đến bắt hoàng hậu, giúp vua tiêu nghiệp. Đến giờ là ba năm, oan nghiệt đã mãn, may có ngươi đến trị bệnh cho vua. Ta đến để thu phục yêu quái”. Quan Âm nói với Tôn Ngộ Không xong, sau đó cưỡi Kim Mao Thú quay về Nam Hải Phổ Đà Sơn.
Điều đầu tiên cần chú ý rằng, đây là lần đầu tiên Tôn Ngộ Không hành y thuật, điều này chứng tỏ rằng nhờ tu luyện Phật Pháp nên đã khai mở cho anh ta trí huệ về phương diện này, có thể tùy ý sử dụng. Tuy nhiên, đối với Chu Tử Quốc vương mà nói, chữa bệnh chỉ là trị phần ngọn, quan trọng hơn là trị tâm, chữa tận gốc. Do đó nói, Đại Đạo tu luyện chính là trực chỉ nhân tâm, mà công việc của Thần Phật cũng là chữa lành tâm linh, phổ độ chúng sinh. Về nguyên nhân nhà vua mắc bệnh và để mất hoàng hậu Kim Thánh, thì đây không phải là tai họa vô cớ, đều bởi vì khi ông ta còn trẻ, đã săn bắn sát sinh mà tạo thành. Với người tu luyện, những thói quen xấu và chấp trước này cần phải loại bỏ, để tránh tiếp tục tạo nghiệp mà chịu quả báo. Phân tích ý nghĩa tượng trưng, Chu Tử Quốc là một đế vương, còn bánh chưng (粽子) mà nhà vua ăn vào tượng trưng cho “chính tông”. Ý là khi một người tu luyện công thành viên mãn, họ sẽ trở thành Pháp Vương của thế giới thuộc về mình. Nhưng cũng có những người trong quá trình tu luyện lại chấp trước, sợ mất, sợ được, giống như nhà vua mắc chứng u sầu, nghi hoặc, đồng thời đánh mất cả hoàng hậu lẫn vinh quang, thật đáng tiếc. Kỳ thực trong giới tu luyện có một câu gọi là phó xuất bao nhiêu, đắc được bấy nhiêu. Không cần lo lắng rằng mình đã làm rồi, tu luyện rồi mà không đắc được kết quả. Chỉ cần phó xuất, nỗ lực, tinh tấn, tu luyện cuối cùng sẽ được kết quả xứng đáng. Đó gọi là:
“Có duyên gột sạch ưu nghi bệnh,
Tuyệt niệm vô tư tâm tự minh”.
Cuối cùng, lại nói về việc Quan Âm Bồ Tát lấy lại ba chiếc Tử Kim Linh buộc lên cổ Kim Mao Thú. Đây chính là: “Ai buộc chuông vào cổ con hống? Tháo chuông vẫn phải do người buộc”. Điều này ngụ ý rằng hết thảy khởi đầu và kết thúc của toàn bộ vở đại kịch lịch sử nhân loại, đều nằm trong tay Phật Chủ của vũ trụ. Vẫn là câu nói đó: sự xuất hiện huyền bí của Phật Di Lặc trong hồi thứ 66 của tác phẩm chính là khởi đầu và triển hiện thực sự cho sự quy nhất của vạn Pháp và đại cục cuối cùng.
(Ba mươi)
Thầy trò Đường Tăng lại đến động Bàn Tơ ở núi Bàn Tơ, trong động có bảy yêu tinh nữ. Một số đang thêu thùa may vá, một số đang chơi đá cầu. Khi Đường Tăng vào động xin cơm, những con yêu tinh này đem ra thức ăn có nhân thịt người cho Đường trưởng lão, bị Đường Tăng nhận ra và kiên quyết không ăn. Sau đó, bảy yêu tinh nữ này đến suối Trạc Cấu để tắm rửa, dự định sau khi tắm xong sẽ về động hấp thịt Đường Tăng để ăn. Quả là dùng hết tâm cơ. Tôn Ngộ Không đã nghe ngóng được đầu đuôi sự việc, Trư Bát Giới xung phong đến suối tiêu diệt yêu nữ. Nhưng khi vừa thấy yêu nữ trong nước, Trư Bát Giới liền đắc ý quên hết mọi chuyện, hóa thành cá trê tinh, bơi vào suối mà đùa giỡn với chúng. Đến khi tinh thần mệt mỏi, kiệt sức vì vui chơi, mới nhớ đến việc giết yêu tinh. Chỉ tiếc rằng lúc này lại bị những con yêu tinh đó nhả nghìn vạn tơ nhện trói chặt tay chân, khiến không thể động đậy. Bọn yêu tinh vội vã thoát thân, bỏ chạy về động, để lại bảy con côn trùng liều mạng chống cự, còn chúng thì chạy trốn đến nơi ở của sư huynh. Nhưng bảy con côn trùng đã bị Tôn Ngộ Không biến thành bảy con diều hâu ăn sạch không còn một mống. Sau khi cứu được Đường Tăng, Trư Bát Giới liền dùng một ngọn lửa đốt cháy động yêu tinh hại người, chặt đứt cội nguồn tình ái.
Bảy yêu nữ tinh chính là hóa thân của “thất tình” trong “thất tình lục dục” của con người. Người trong cõi mê của thế gian chính là đang đắm chìm trong biển tình, giống như tơ nhện mà bọn yêu tinh nhả ra, vạn sợi quấn thân, khó mà thoát ra được. Ba yêu nữ đá cầu và hành động của Đường Tăng khi đi xin ăn cho thấy rằng nếu người tu luyện có tâm hữu cầu, thì vô hình trung sẽ bị vô số sợi tình quấn chặt, không thể tự thoát ra. Tôn Ngộ Không là bản tâm, vốn đã có huệ nhãn nhận ra yêu ma, nhưng lại tìm lý do, không lập tức hành động tiêu diệt, khiến cho Trư Bát Giới là bản năng cũng có chút mê muội hồ đồ. Đến khi Bát Giới tỉnh ngộ, muốn ra tay, thì lũ yêu nữ đã kịp lấy lại tinh thần, không chỉ phản kích lại Trư Bát Giới một hồi, mà còn để chúng trốn thoát, lưu lại hậu họa. Đây chính là một bài học sâu sắc, may mà vẫn còn kịp sửa sai nên vẫn chưa muộn, nhưng sau này nhất định không được tái phạm.
Thầy trò Đường Tăng tiếp tục lên đường và đến một đạo quán có tên Hoàng Hoa Quán. Đạo sỹ trong quán thực ra chính là Đa Nhãn quái, một con yêu tinh rết hóa thành. Hắn mời bốn thầy trò vào đại sảnh trò chuyện. Lúc này, trong căn phòng phía sau, bảy yêu nữ nhện nghe thấy âm thanh liền gọi Đạo sỹ vào. Chúng kể về mối thù cũ khi bị Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới truy sát, khiến Bách Nhãn Ma Quân dấy lên lòng thù hận, độc tính phát tác. Ngay lập tức, hắn ra lệnh cho tiểu đồng pha trà táo đỏ và bỏ thuốc độc vào, rồi bưng đến mời bốn thầy trò. Ba người Đường Tăng, Trư Bát Giới và Sa Tăng không hề hay biết, uống xong liền sùi bọt mép, bất tỉnh nhân sự. Chỉ có Tôn Ngộ Không nhìn thấu âm mưu ngụy kế, nên không uống, sau đó giao chiến với Đa Nhãn quái và bảy nữ yêu tinh nhện, cuối cùng tiêu diệt sạch bảy yêu tinh nữ. Sau đó, Tôn Hành Giả được Lê Sơn Lão Mẫu chỉ điểm, mời Tỳ Lam Bà Bồ Tát ở Thiên Hoa Động, núi Tử Vân đến giúp. Bồ Tát dùng một cây kim thần phá giải phép thuật kim quang của Đa Nhãn quái, lại ban ba viên giải độc đan, bảo Tôn Ngộ Không cho ba người uống, giải cứu được tính mạng của ba người. Đồng thời, cũng thu phục con yêu tinh rết hại người không ít này.
Đa Nhãn quái là con yêu tinh rết, kỳ thực chính là hóa thân của lòng thù hận. Yêu hận tình thù, vì yêu không thành, ngược lại sân hận phẫn nộ; Bởi yêu mà sinh hận, bi hài kịch ở nhân gian phần nhiều là như vậy. Loại độc dược này, suốt mấy nghìn năm qua không biết đã hủy hoại bao nhiêu nữ nhân si tình và nam nhân phong lưu. Người tu luyện nhất định phải kịp thời đoạn tuyệt, không lưu lại nghiệt căn “phá mở lưới dục, nhảy ra khỏi nhà lao tình”. Nếu không, tình và dục là chị em song sinh, sẽ can nhiễu một đời, không bao giờ ngưng nghỉ. Như câu thơ:
“Tình dục nguyên nhân vốn giống nhau,
Có tình có dục là tự nhiên.
Sa môn tu luyện đều như vậy,
Đoạn dục vong tình tức là Thiền.
Ý phải vững, lòng phải kiên,
Nhất trần bất nhiễm nguyệt đang thiên.
Tu hành tinh tấn không lầm lạc,
Viên mãn công thành Đại Giác Tiên”.
(Còn tiếp)
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/56630