Các học viên Pháp Luân Công từng phát sóng sự thật bị kết án nặng nề, bất hợp pháp và đang bị bức hại trở lại
Tác giả: Lý Khiết Tư
[ChanhKien.org]
Bức ảnh chụp ngày 11/7/2024, các học viên Pháp Luân Công ở Washington D.C. tưởng niệm các học viên Pháp Luân Công đã qua đời vì bị bức hại, đồng thời yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngừng bức hại Pháp Luân Công. (Lý Toa/The Epoch Times)
Học viên Pháp Luân Công Từ Vệ Đông ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên bị cảnh sát bắt cóc vào tháng 11/2023, một năm sau bị vu cáo đưa ra tòa án. Hiện ông vẫn đang bị giam giữ trong trại giam. Trước đó, ông bị kết án phi pháp 10 năm tù vì phát sóng chân tướng về Pháp Luân Công.
Vào ngày 10/11/2023, học viên Pháp Luân Công 70 tuổi Tô An Châu ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc bị giám sát tại nhà bởi cơ quan an ninh quốc gia địa phương. Ông đã nằm liệt giường. Ông Tô An Châu trước đó đã bị kết án 8 năm tù vì phát sóng thông tin sự thật về Pháp Luân Công trên truyền hình, vợ và con ông đã qua đời trong cảnh thương tâm.
Học viên Pháp Luân Công ông Trang Hiển Khôn ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm và vợ là Hàn Anh Lệ bị cảnh sát bắt cóc vào tháng 2/2023 và đã bị kết án oan 6 năm tù. Ông đã từng bị kết án 11 năm tù do tham gia vụ phát sóng sự thật về Pháp Luân Công trên truyền hình Trường Xuân cách đây 20 năm.
Để vượt qua sự kiểm soát thông tin của ĐCSTQ và phơi bày những thông tin sai lệch, các học viên Pháp Luân Công đã mạo hiểm phát sóng sự thật về Pháp Luân Công, sau đó đã bị kết án phi pháp nặng nề, bị tra tấn trong nhà tù. Sau khi ra tù, họ tiếp tục chịu đựng sự bức hại nghiêm trọng.
Vào ngày 20/7/1999, ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, và Bộ tuyên truyền Trung ương đã kiểm soát 2.000 tờ báo, hàng trăm đài truyền hình, phát thanh trung ương và địa phương, tràn ngập thông tin sai lệch và vu cáo Pháp Luân Công.
Vào ngày 23/1/2001, có 5 người đã tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn. Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ tuyên truyền rằng những người tự thiêu là học viên Pháp Luân Công. Một tuần sau, đài truyền hình CCTV đã phát sóng đoạn video “tự thiêu” và dùng hình ảnh khủng bố để kích động sự thù hận trong công chúng. Từ đó, Pháp Luân Công chịu đựng cuộc đàn áp càng nghiêm trọng hơn.
Vào ngày 14/8/2001, Tổ chức Giáo dục Quốc tế Liên Hợp Quốc đã lên án mạnh mẽ hành động khủng bố quốc gia của ĐCSTQ trong phiên họp của Liên Hợp Quốc, gọi là sự vu khống đối với Pháp Luân Công.
Vào ngày 5/3/2002, vụ phát sóng sự thật về Pháp Luân Công tại Trường Xuân đã gây chấn động thế giới, khi tám kênh truyền hình cáp đồng loạt phát sóng các video về sự thật Pháp Luân Công như “Là tự thiêu hay là lừa dối” và “Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền thế giới”. Sau đó, nhiều sự kiện phát sóng sự thật tương tự đã xảy ra ở các khu vực khác.
Các học viên Pháp Luân Công tham gia vào các vụ phát sóng sự thật đều bị bức hại một cách tàn bạo, bị kết án tù dài hạn, bị bắt giữ, bị tra tấn dã man.
Ví dụ, sau vụ phát sóng sự thật ở Trường Xuân, kẻ chủ mưu đàn áp Pháp Luân Công là Giang Trạch Dân đã ra lệnh “giết không tha”, và 5.000 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ trái phép. Các thành viên chủ chốt trong vụ phát sóng như Lưu Thành Quân, Lương Chấn Hưng, Lôi Minh,… lần lượt bị tra tấn đến chết.
Một số học viên Pháp Luân Công, sau khi bị kết án vì tham gia phát sóng sự thật, đã phải chịu đựng sự bức hại nghiêm trọng. Sau khi ra tù, một số người đã bị bức hại đến chết, một số khác lại bị bắt cóc, giam giữ trái phép, hoặc bị kết án oan, bị giam cầm, hoặc dù đã tàn phế vẫn bị quấy rối.
Những cái tên như Từ Vệ Đông, Tô An Châu, Trang Hiển Khôn chỉ là những đại diện trong số họ. Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, số phận của họ vô cùng bi thảm.
Chèn sóng truyền hình sự thật, ông Từ Vệ Đông ở Hắc Long Giang lại bị bức hại pháp lý, chịu 10 năm tù giam
Ông Từ Vệ Đông 62 tuổi, là người Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, từng là kỹ sư hệ thống luyện kim, nhà ở thành phố Thành Đô. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1998 và đã nhận được nhiều lợi ích về sức khỏe.
Ông đã từng bị kết án 10 năm tù vào năm 2002 vì phát sóng sự thật về Pháp Luân Công trên truyền hình, bị bức hại tàn bạo tại các nhà tù ở Quảng Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên và nhà tù Ngũ Mã Bình, thành phố Lạc Sơn.
Vào ngày 26/11/2023, cảnh sát thuộc Phòng Công an quận Ôn Giang, thành phố Thành Đô đã đột nhập vào nhà ông Từ Vệ Đông, bắt giữ ông và vợ là Tôn Phong Hoa, đồng thời lục soát nhà họ với lý do họ đã ra ngoài nói sự thật về Pháp Luân Công. Sau 10 ngày bị giam giữ tại trại tạm giam, vợ ông được thả, nhưng ông không được thả và cảnh sát còn đe dọa sẽ kiện ông.
Vào tháng 12/2023, ông bị vu khống và chuyển đến Viện kiểm sát. Vào tháng 11/2024, ông lại bị vu khống và chuyển đến tòa án. Ông không nhận tội và từ chối ký vào bản cáo trạng.
Năm 2000, ông Từ Vệ Đông đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện về Pháp Luân Công và bị bắt giữ trái phép trong 15 ngày. Sau khi trở về công ty làm việc, ông bị ép phải viết “bản cam kết”, ông từ chối và bị sa thải trái phép.
Ông và vợ phải sống bằng nghề bán rau, liên tục bị cảnh sát quấy rối, và cuối cùng phải di cư cùng con trai 14 tuổi. Vì phát sóng sự thật, vào ngày 14/5/2002, ông Từ Vệ Đông đã bị Tòa án khu vực Thanh Dương, thành phố Thành Đô, kết án phi pháp 10 năm tù một cách bí mật. Vợ ông, sau khi ra khỏi trại lao động cải tạo vào năm 2005, phải rất lâu sau mới biết chồng bị kết án nặng và bị giam tại nhà tù Quảng Nguyên, Tứ Xuyên.
Trong tù, ông bị lột sạch quần áo và treo lên cánh cửa sắt, sau đó bị kéo từ tầng trên xuống sân tập trung. Ông còn bị đánh đập tàn nhẫn và bị xích chân.
Vào ngày 10/6/2010, ông bị chuyển đến nhà tù Ngũ Mã Bình, Lạc Sơn tiếp tục bị bức hại. Vào những ngày tuyết rơi, cảnh sát ép ông phải mặc áo mỏng đứng phạt và ngồi trên ghế cứng. Đêm đến, ông chỉ ngủ được hai ba giờ, và mỗi khi ngủ thì bị đánh thức, mỗi đêm đều bị các phạm nhân tẩy não với những lý luận sai lệch.
Học viên Pháp Luân Công 70 tuổi, ông Tô An Châu, bị bức hại đến nằm liệt giường, vẫn bị giám sát tại nhà
Vào hơn 10 giờ tối ngày 23/8/2022, nhiều nhân viên từ Ủy ban chính trị và pháp luật khu vực Thất Lý Hà, thành phố Lan Châu, và phòng công an quận Thất Lý Hà đã bắt giữ ông Tô An Châu cùng 8 học viên Pháp Luân Công khác. Do sức khỏe yếu, ông Tô An Châu bị giám sát trái phép tại nhà.
Ông Tô An Châu sống một mình và không thể tự chăm sóc bản thân. Trong thời gian dịch bệnh, ông không thể ra ngoài và đến cơm cũng không đủ ăn, không ai quan tâm đến ông. Chỉ khi em gái ông từ xa đến chăm sóc, ông mới vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Ông Tô An Châu từng có một gia đình hạnh phúc. (Ảnh từ Minh Huệ Net)
Vào tháng 11/2023, cảnh sát địa phương lại đến nhà ông và định đưa ông vào trại tạm giam, nhưng thấy ông nằm liệt giường nên thôi. Sau đó, cảnh sát gửi cho ông thông báo “giám sát tại nhà”, yêu cầu ông không được rời khỏi nhà.
Ông Tô An Châu sinh năm 1953, là công nhân nghỉ hưu của đoàn máy móc Lan Tây thuộc Cục đường sắt Lan Châu. Vợ ông, Cảnh Thuý Phương, sinh năm 1954, là công nhân cũ của công ty rau quả Lan Châu. Cả hai đã từng bị bệnh tật đeo bám. Vào tháng 4/1997, ông Tô An Châu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và chỉ sau một tháng, các bệnh của ông đã biến mất. Sau khi ông thuyết phục, vợ ông cũng bắt đầu tu luyện và đã hồi phục sức khỏe.
Vào ngày 13/6/2002, vợ ông, bà Cảnh Thuý Phương đã bị ép nhảy lầu và qua đời trong lúc cảnh sát lục soát nhà. Hai tháng sau, vào ngày 17 và 18/8, các học viên Pháp Luân Công ở Lan Châu đã phát sóng thành công các chương trình sự thật về Pháp Luân Công trên hệ thống truyền hình cáp, bao gồm các video “Kiến Chứng” và “Sự phán xét của lịch sử” kéo dài 30 phút. Ông Tô An Châu cũng tham gia.
Vào ngày 18/9, ông Tô An Châu bị bắt và bị tra tấn tàn bạo trong một phòng thẩm vấn ở Lan Châu. Ông bị xích vào ghế “hổ” và bị tra tấn suốt ba ngày ba đêm. Sau đó, tay và cánh tay của ông không còn cảm giác trong suốt 8 tháng.
Vào ngày 27/10, ông Tô An Châu cùng các học viên Pháp Luân Công khác bị đưa ra xét xử trái phép. Ông bị kết án 10 năm tù và bị giam tại nhà tù Lan Châu.
Vào năm 2006, con trai ông mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và không có ai chăm sóc. Ông được phép về thăm con và sau đó không lâu con trai ông qua đời.
Chèn sóng sự thật trên truyền hình từng bị kết án oan 11 năm tù, ông Trang Hiển Khôn ở Trường Xuân lại bị kết án thêm 6 năm
Vào lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 24/2/2023, ông Trang Hiển Khôn và vợ Hàn Anh Lệ đã bị cảnh sát từ đồn công an Tây Tân, khu vực Lục Viên, Trường Xuân bắt giữ tại nhà, rồi bị đưa đến trại giam Cửu Đài, sau đó chuyển đến trại giam Vị Tử Câu, thành phố Trường Xuân, họ không được phép gặp luật sư. Cùng năm đó, ông Trang Hiển Khôn bị kết án trái phép 6 năm tù.
Ông Trang Hiển Khôn và vợ Hàn Anh Lệ từng là công nhân tại Nhà máy ô tô Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Vào tháng 2/2000, ông Trang Hiển Khôn đã bị cảnh sát Trường Xuân bắt giữ khi đang làm việc, bị giam giữ trái phép, sau đó bị kết án lao động cải tạo một năm. Ông đã phải chịu đựng sự tra tấn dã man tại các trại lao động Triều Dương Câu và Phấn Tiến, đồng thời bị giam giữ quá hạn 6 tháng, kết thúc án lao động vào tháng 9/2001.
Vào khoảng tháng 2/2001, Hàn Anh Lệ đến Bắc Kinh thỉnh nguyện, đã bị bắt và giam tại Trại giam Cục Công an Bắc Kinh, sau đó bị kết án 5 năm tù oan và bị giam giữ tại Nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm. Khi đó, con trai của họ chưa đầy một tuổi, nên đành phải để em trai của cô Hàn Anh Lệ chăm sóc.
Ông Trang Hiển Khôn đã tham gia vào sự kiện phát sóng sự thật Pháp Luân Công trên truyền hình ở Trường Xuân vào ngày 5 tháng 3/2002. Vào tháng 9 cùng năm, ông bị Tòa án trung cấp Trường Xuân kết án trái phép 11 năm tù và bị chuyển đến Nhà tù Thạch Lĩnh, thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm tiếp tục bị bức hại.
Các luật sư chính nghĩa của Trung Quốc: Học viên Pháp Luân Công phát sóng sự thật là không có tội, nếu bị kết tội thì thiên lý không dung
Ông Tạ Yến Ích luật sư nhân quyền tại Bắc Kinh cho biết, việc học viên Pháp Luân Công phát sóng sự thật “là có lý do và hoàn toàn hợp pháp”, “Không có trách nhiệm hay có vấn đề gì cả. Về cơ bản, điều này không liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, càng không thể nói là phạm tội và không thể bị trừng phạt”.
Ông Kim Quang Hồng luật sư nhân quyền tại Bắc Kinh cho rằng: “Trong bối cảnh ĐCSTQ tước đoạt quyền tự do ngôn luận và quyền tự do xuất bản báo chí của người dân và trong bối cảnh học viên Pháp Luân Công bị vu khống và bôi nhọ, việc họ phát sóng sự thật để làm rõ sự việc và nói lên sự thật, tôi cho rằng đó là chính đáng và hợp lý”.
Ông Đồng Tiến Dũng luật sư tại Bắc Kinh cũng cho rằng: “Nếu vì việc phát sóng sự thật mà bị kết án, thậm chí dẫn đến cái chết, thì đó là điều thiên lý không dung”.
(Theo The Epoch Times)
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/295411