Mạn đàm về văn hóa truyền thống
Tác giả: Chiếu Viễn
[ChanhKien.org]
Văn hóa truyền thống là chỉ sự truyền thừa văn hóa chính thống qua các thời đại. Giải thích thêm bước nữa thì “chính thống” còn được gọi là Đạo thống, Pháp thống; hàm nghĩa của “thống” là chỉ huy, thống lĩnh, suy rộng ra thì là tôn chỉ, nguyên tắc hoặc là tư tưởng chỉ đạo. Cũng là nói, nền văn hóa được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, với mục đích là hồng dương chính Pháp, chính Đạo của Thiên địa, vũ trụ thì chính là văn hóa truyền thống.
Các bậc Thánh nhân thời Trung Quốc cổ đại đại đa số đều gánh vác sứ mệnh Thần truyền, ví dụ như: Tam Hoàng Ngũ Đế, Thương Thang, Văn Vương, Khương Tử Nha, Chu Công, Lão Tử, Khổng Tử; ngoài ra còn có rất nhiều thần y, tướng tài, văn nhân, sử quan, nhà quân sự, nhà dự ngôn, người tu Phật, người tu Đạo và các bậc thầy văn võ, cũng như thợ thủ công lành nghề, v.v… họ đều gánh vác thiên mệnh riêng của mình, nhằm lưu lại cho hậu nhân các nền văn hóa và sự tích khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy mới nói văn hóa truyền thống Trung Hoa chính là văn hóa Thần truyền. Vùng đất Hoa Hạ chính là vùng đất Thần Châu.
Văn hóa là thể hiện của Đại Đạo. Mục đích của văn hóa là giúp con người tìm lại bản chất đã bị thất lạc, gột rửa bụi trần của sinh mệnh, đề cao đạo đức bản thân; cuối cùng là ngộ Đạo, đắc Đạo, quay trở về gia viên tiên thiên, đắc được vĩnh sinh, chứ không phải là khiến con người mê mờ trong “tình”, sinh tử luân hồi, quyến luyến không rời. Đa số con người ngày nay ngay cả nhận thức cơ bản như vậy cũng không còn nữa, thậm chí là đang sa đọa mỗi ngày mà vẫn cho rằng bản thân là người có văn hóa.
Văn hóa truyền thống Trung Hoa là văn hóa Thần truyền, vì vậy tất cả những hình thức của văn hóa đều là vì để chứa đựng và truyền tải ý đồ và sự phó thác của Thần, từ đó mà khiến con người duy trì mặt Thần tính. Nhưng con người ngày nay đã thế tục hóa, nhân tình hóa nội hàm của văn hóa Thần truyền, ví dụ như ngày lễ Thất Tịch vốn là ngày lễ con người câu thông với Thần, tìm kiếm sự giúp đỡ và học hỏi từ các vị Thần, nhưng sau khi con người mất đi mặt Thần tính thì ngày này đã biến thành ngày lễ tình nhân.
Lấy thêm một ví dụ khác, cổ nhân có câu “Trên đầu ba thước có Thần linh”, nghĩa là ngoài không gian mà con người tồn tại này còn có sinh mệnh cao cấp khác tồn tại. Đại đa số con người ngày nay đều cho rằng “ba thước” chính là “ba thước” của thế gian con người, kỳ thực không phải vậy. Bởi vì văn hóa truyền thống Trung Hoa là văn hóa Thần truyền. Văn hóa Thần truyền chính là các vị Thần dùng hình thức văn hóa để truyền tải cho con người nhận thức của họ đối với thế giới này tại các cảnh giới khác nhau, nhằm gợi mở tâm đạo của con người. Cụm từ “ba thước” được nhắc trong câu này thực ra chính là định nghĩa của các vị Thần ngoài Tam giới đối với phạm vi Tam giới. Cũng chính là nói, phạm vi của Tam giới chính là “ba thước”; “ba thước” này là khái niệm của Thần Phật chứ không phải là “ba thước” của thế gian con người. Tôn Ngộ Không không thể nhảy ra khỏi lòng bàn tay của Phật Như Lai là bởi vì cảnh giới lúc đó của Tôn Ngộ Không chưa vượt ra ngoài Tam giới, mặc dù đối với con người mà nói thì một cú lộn nhào của Tôn Ngộ Không là mười vạn tám nghìn dặm, nhưng đối với Thần Phật thì đó cũng chỉ là bản sự nội trong “ba thước” mà thôi. Cho nên vô luận là Tôn Ngộ Không cảm thấy bản thân chạy nhanh thế nào đi nữa thì cũng không thể nhảy ra khỏi lòng bàn tay của Phật Như Lai.
Văn hóa truyền thống Trung Hoa bao hàm văn hóa Đạo gia, bao hàm tất cả các hình thức văn hóa của Trung Quốc cổ đại như Bách Gia Chư Tử và các ngành các nghề trong đó. Ví dụ như: thư đạo, họa đạo, nhạc đạo, thương đạo, trà đạo, kiếm đạo, đạo dùng binh, đạo kiến trúc, đạo võ thuật, đạo nấu nướng, cũng như văn tự v.v. khái niệm “đâu đâu cũng là đạo” mang ý nghĩa như vậy. Vũ trụ quan của Đạo gia là nguyên lý Thái cực, nội dung cốt lõi của nguyên lý Thái cực là lý luận âm dương ngũ hành. Tất cả lý luận cơ bản của dự báo học (dự ngôn) và trung y của Trung Quốc cổ đại đều trực tiếp vận dụng âm dương ngũ hành. Học thuyết ngũ hành chính là khoa học của tầng thứ cao.
Điểm khác biệt giữa văn hóa truyền thống và khoa học hiện đại là: Khoa học hiện đại là văn hóa “nhục nhãn phàm thai” (con mắt thịt phàm tục) của người thường, nó chú trọng thực chứng, quá trình nhận thức của nó đối với thế giới cũng giống như người mù xem voi, còn nhận thức đối với thiên địa nhân thì nó phân khai ra đối đãi.
Nó chỉ thừa nhận những thứ mà bản thân đã nhận thức đến được, còn những sự việc không thể chứng thực được thì nó sẽ không cho rằng là do năng lực của bản thân không đủ, mà thay vào đó lại dùng thái độ không thừa nhận hoặc công kích, vì vậy tư duy và lòng dạ của nó đều rất hẹp hòi.
Trong quá trình phát triển nó không ngừng phủ định nhận thức của những người trước đó, cho dù là Newton, Einstein hay Hawking, không có nhận thức của ai là cuối cùng cả, vĩnh viễn vẫn chỉ là đang tìm tòi, dò đá qua sông. Điều then chốt nhất là khoa học không giảng đạo đức, nó không thể phát hiện ra được mối liên hệ nội tại giữa đạo đức và sinh mệnh; vì vậy dẫn đến sự băng hoại đạo đức của nhân loại khi mê tín vào khoa học hiện đại mà không tin vào báo ứng. Điều này đã dẫn đến xã hội nhân loại phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc sắp xảy ra.
Văn hóa truyền thống lại không giống như vậy, văn hóa truyền thống là văn hóa Thần truyền, nó chú trọng ngộ tính, coi trọng thiên nhân hợp nhất và xem con người như một tiểu vũ trụ. Nhận thức ở các cảnh giới khác nhau cũng đều có văn hoá truyền thống, đặc biệt là trong những tác phẩm kinh điển như: Hoàng Đế Nội Kinh, Chu Dịch, Đạo Đức Kinh, ngoài ra còn có học thuyết ngũ hành, lịch pháp, Hà Đồ, Lạc Thư, chữ Hán v.v… Hơn nữa điều văn hóa truyền thống giảng đều là đạo đức, tiêu chuẩn đạo đức của con người càng cao thì năng lực về các phương diện như trí huệ, tri thức, kỹ thuật, kỹ xảo v.v. cũng đều thuận theo đó mà nâng cao lên. Hơn nữa kỹ thuật càng siêu thường thì lại càng chú trọng đạo đức, nếu không chú trọng đạo đức thì cho dù là con cái ruột thịt cũng sẽ không đắc được chân truyền. Vì vậy mà văn hóa truyền thống có thể khiến cho đạo đức con người duy trì ở trạng thái rất tốt đẹp, nó không những duy hộ sự tôn nghiêm của sinh mệnh mà còn mang lại phúc báo cho con người. Đối với con người mà nói, văn hóa truyền thống mới thực sự đáng để học tập và kế thừa một cách nghiêm túc.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/240732
Ngày đăng: 03-12-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.