Thấy sắc không động tâm, được kéo dài tuổi thọ tăng thêm phúc báo

Tác giả: Tâm Không

[ChanhKien.org]

Người xưa dạy “vạn ác vi dâm thủ”, quả báo do việc phạm tội tà dâm mang đến là rất lớn, ngược lại, nếu như từ chối được sự cám dỗ của sắc dục, có thể làm được thấy sắc không động tâm thì có thể được kéo dài tuổi thọ, tăng thêm phúc báo. Tác giả đã tập hợp bốn câu chuyện văn hóa truyền thống như vậy từ Minh Huệ Net và Chánh Kiến Net đưa lên, hy vọng sẽ mang lại cảm hứng cho quý độc giả.

Nhiếp Tòng Chí cự tuyệt sắc dục được kéo dài tuổi thọ thêm 12 năm, con cháu đều thi đỗ

Những năm Gia Hữu triều Tống (1056 – 1063) Hoàng Tĩnh Quốc đến huyện Nghi Châu đảm nhận chức phán quan, một đêm ông thấy mình đi đến âm gian địa phủ. Minh quan (vị quan dưới âm phủ) nói: “Ở Nghi Châu có một việc hay, ngươi có biết không?” Nói xong liền đưa một cuốn sổ cho Hoàng Tĩnh Quốc xem. Chuyện là vào ngày nọ tháng nọ thầy thuốc Nhiếp Tòng Chí khám bệnh cho một gia đình nọ ở thị trấn Hoa Đình, Nghi Châu, vợ của bệnh nhân muốn làm chuyện nam nữ với Nhiếp Tòng Chí nhưng bị ông ra sức cự tuyệt. Vị minh quan lại dẫn Hoàng Tĩnh Quốc ra bờ sông thì thấy ngục tốt đang đánh một người phụ nữ rồi dùng dao mổ bụng cô ta, moi ruột ra và rửa sạch. Bên cạnh có một vị tăng nhân nói: “Đây là vợ của vị quan nọ. Cô ta muốn tư thông với thầy thuốc Nhiếp Tòng Chí nhưng Nhiếp không đồng ý, người mà thấy sắc không động tâm thì có thể gọi là người đoan chính. Người này thọ mệnh chỉ đến 60 tuổi, nhờ tích được âm đức này mà tuổi thọ được kéo dài thêm một kỷ (12 năm) nữa, đời đời con cháu sẽ có một người làm quan. Bao nhiêu năm tuổi thọ của người phụ nữ này bị trừ đi sẽ đem cấp thêm cho Nhiếp Tòng Chí bấy nhiêu. Vậy nên phải rửa sạch ruột gan của cô ta, để trừ đi cái thói tà dâm”.

Hoàng Tĩnh Quốc sau khi sống lại đã đem câu chuyện kể cho Nhiếp Tòng Chí nghe. Nhiếp Tòng Chí nói: “Việc này ngay cả vợ tôi cũng không biết, vậy mà sổ sách dưới âm gian đều đã ghi lại hết”. Về sau Nhiếp Tòng Chí quả nhiên được trường thọ, con cháu hai đời đều thi đỗ.

Thang Sính cự tuyệt sắc dục được thêm tuổi thọ, đỗ công danh

Năm Thuận Trị Giáp Ngọ triều Thanh, có một thư sinh tên là Thang Sính lên tỉnh thành ứng thí, khi đang ở quán trọ bị mắc bệnh nặng, trong lúc mê man anh cảm thấy linh hồn mình đi đến miếu Văn Xương Đế Quân. Văn Xương Đế Quân sau khi tra sổ công tội xong nói với anh rằng: “Thọ mệnh của ngươi tuy rằng đã tận, nhưng bởi vì vào một ngày xuân ba năm trước, ngươi ngồi thuyền du ngoạn trên hồ, gặp được một vị mỹ nữ ở trên thuyền khác, cô nương ấy thấy ngươi mặt mũi văn nhã thanh tú đã động tình, tìm mọi cách tiếp cận ngươi, muốn cùng ngươi nam nữ cẩu hợp, bị ngươi dùng sắc mặt đoan chính trách mắng, cự tuyệt. Chính khí này của ngươi đã cảm động đến thiên đình, vì vậy thiên thượng sẽ ban thêm tuổi thọ cho ngươi, đồng thời cũng ban cấp công danh cho ngươi”. Văn Xương Đế Quân lại trịnh trọng căn dặn rằng: “Ngươi sau này nên tích rộng âm đức, cũng nên khuyên răn thế nhân chớ phạm tội tà dâm để tránh hao tổn âm đức. Bây giờ lòng người hiểm ác, mỗi tháng Thần phụ trách giám sát đều ghi chép sổ thiện ác cho từng người để trình lên thiên đình ban thưởng hoặc trừng phạt. Bởi vậy mà báo ứng của việc thiện ác càng đến nhanh hơn, đại đa số trường hợp là báo ứng ngay trong đời đó, rất ít trường hợp đợi đến kiếp sau rồi mới báo ứng”. Đế Quân khuyên bảo xong thì Thang Sính sống lại từ cõi chết, anh biết mình được kéo dài thêm tuổi thọ, thế nên càng làm nhiều việc tích đức hành thiện, lại khuyên thế nhân nên hành thiện, đến sáu năm sau thì Thang Sính đỗ trạng nguyên, công danh hiển quý.

Tôn Đạo cự tuyệt gian dâm, được kéo dài tuổi thọ 24 năm

Chuyện kể rằng ở Ninh Ba có một nho sinh tên là Tôn Đạo, vì gia cảnh bần hàn nên anh phải dựa vào việc dạy trẻ đọc sách như một nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Về sau chút việc này cũng chẳng đảm bảo được nên anh phải đến gửi thân ở nhà họ Trương ở Đường Tây giúp họ công việc viết lách, sao chép sổ sách đổi lấy chút cơm áo sống qua ngày. Tuy sống cảnh thanh bần nhưng anh trước sau vẫn một mực kiên trì gìn giữ tấm lòng chính trực, tiết tháo trong sạch.

Vào một đêm khuya nọ, cô hầu gái rất có nhan sắc của nhà họ Trương nhìn thấy Tôn Đạo tuy ăn mặc đơn sơ nhưng mặt mũi khôi ngô tuấn tú, cử chỉ nho nhã, một đêm nọ tình xuân trào dâng, cô chạy đến phòng Tôn Đạo muốn cùng anh cẩu hợp. Khi Tôn Đạo biết được ý định của cô gái đã nghiêm giọng cự tuyệt: “Cô nương hãy mau bỏ cái ý nghĩ sai lầm đó đi! Cô nên trân trọng danh tiết của mình. Tôi là người đọc sách Khổng Mạnh, nghe theo lời dạy “nam nữ thọ thọ bất tương thân” của cổ nhân, sao lại làm chuyện bại hoại gia phong vậy được! Xin cô hãy mau rời khỏi đây!” Nói rồi anh quắc mắt cau mày, tay mở toang cửa để cô đi. Cô hầu gái không có cách nào, đành thiểu não bước đi.

Đâu có ai ngờ tình cảnh vừa nãy đã bị gã thầy đồ xấu nết của nhà họ Trương nhìn thấy. Gã trông cô hầu gái dung mạo xinh như hoa lại có thể lợi dụng được bèn tìm lý do để gặp riêng cô. Sau khi làm chuyện nhơ nhuốc ấy chẳng bao lâu, chỗ mụn nhọt trên thân gã thầy đồ sưng trướng lên mà không thuốc thang nào chữa được, gã phải chịu cảnh đau đớn khôn cùng, cuối cùng đành phải xin bỏ việc về nhà chữa trị. Quả báo theo sau việc tà dâm thật quả thật như hình với bóng! Làm sao không khỏi khiến hậu thế phải tự răn mình?

Sau khi gã thầy đồ đi rồi, gia chủ đã mời Tôn Đạo làm thầy dạy cho bọn trẻ. Một ngày nọ ở Giang Khẩu, Tôn Đạo gặp lại người chú của mình. Chú anh kinh ngạc nói: “Có một chuyện kỳ lại chú phải kể cháu nghe. Số là vì đứa con nhỏ bị bệnh nên chú đến miếu thành hoàng cầu khấn, đương giữa ban ngày chú lại có một giấc mơ rất sống động rõ ràng. Trong mơ chú thấy thành hoàng ngồi trên điện lệnh cho thuộc hạ mang danh sách những người có số bị chết đói ra gạch tên từng người một. Đến tầm người thứ mười mấy thì ta nghe tên cháu được đọc lên. Ta trộm hỏi vị minh quan ấy vì sao Tôn Đạo được đổi vận. Vị minh quan đáp: “Trong bản mệnh của người này có số đến năm 46 tuổi sẽ bị tha hương chết đói. Nhưng vào đêm ngày tám tháng tư năm nay anh ta đã cự tuyệt chuyện dâm bôn với người tì nữ, tích được đại âm đức, vậy nên thọ mệnh được kéo dài thêm hai kỷ (một kỷ bằng 12 năm), đổi vận nghèo thành vận tài lộc”. Ta chợt nhớ ngay đến giấc mơ ấy, cháu thực sự đã cự tuyệt chuyện dâm bôn với phụ nữ sao?”

Tôn Đạo chỉ khẽ gật đầu xác nhận.

Sau này số học trò theo học Tôn Đạo ngày càng đông, tiền học phí mà học trò nộp lên đến mấy trăm lượng mỗi năm. Đến năm Vạn Lịch thứ 36 triều Minh thì Tôn Đạo đã 46 tuổi, cũng là năm mà trong bản mệnh của Tôn Đạo có số chết đói. Quả nhiên năm đó có nạn mất mùa, lúa gạo trở nên đắt đỏ, người nghèo căn bản là không có tiền mua gạo để ăn nên khi ấy số người chết đói rất nhiều. Chỉ riêng Tôn Đạo không những tránh được kiếp nạn này mà còn có cuộc sống hết sức sung túc. Khi về già Tôn Đạo đã trở thành một đại phú ông, ứng nghiệm với lời của vị minh quan chỗ thành hoàng rằng “vận nghèo cải thành vận tài lộc”. Đến năm Tôn Đạo 70 tuổi cũng là ứng nghiệm với câu nói “thọ mệnh được kéo dài thêm hai kỷ” thì ông không bệnh mà mất.

Lưu Nguyên Phổ thu nhận con gái nhà họ Lưu, không tham sắc, được kéo dài thọ mệnh 25 năm

Vào triều Đường nhiều thế hệ gia đình Lưu Nguyên Phổ sống ở Bành Thành thuộc khu vực sông Hoài, Phì Thủy. Tổ tiên nhà ông tích luỹ tài sản lên hàng trăm vạn lạng, nhưng dù vậy, ông thường tu âm đức mà không khoe khoang, cho nên mọi người đều không hay biết về những việc làm tốt của ông. Mặc dù ông giàu có nhưng không làm người khác buồn phiền hay oán hận, thường hay dùng tiền để giúp đỡ người khác, bố thí cho người khác mà chưa bao giờ mong được báo đáp.

Trong những năm Trường Khánh thời Đường Mục Tông, có một thuật sĩ giỏi xem tướng trên đường đến Thọ Xuân trông thấy Lưu Nguyên Phổ, ông nói: “Xin quân tử hãy dừng chân, tôi có lời muốn nói”. Lưu Nguyên Phổ liền mời ông về nhà mình hỏi chuyện. Thuật sĩ nói: “Ngài có rất nhiều của cải nhưng chỉ hai, ba năm nữa thôi đại nạn sẽ đến, làm thế nào đây?” Lưu Nguyên Phổ rơi lệ nói: “Tuổi thọ của con người là thiên mệnh, tiên sinh có thể giúp gì được cho tôi?”

Thuật sĩ nói: “Tướng mạo không bằng đức cao, đức cao không bằng độ lượng. Mặc dù thọ mệnh của ngài không cao nhưng đức lại dày, ngài cũng là người rất độ lượng, phóng khoáng. Tôi sẽ nói cho ngài biết những việc về sau, trong vòng hai năm tới ngài phải nỗ lực tu mỹ đức, hy vọng có thể kéo dài thọ mệnh. Một việc đức có thể tiêu trăm điều họa, còn được hưởng chức tước, bổng lộc, huống hồ là trường thọ. Cứ nỗ lực như vậy, ba năm nữa tôi sẽ lại đến gặp ngài”. Nói xong liền biến mất.

Lúc ấy Lưu Nguyên Phổ có một cô con gái đang sắp xuất giá, nên ông đã mua mấy cô hầu gái để làm bồi giá. Ông dùng 80 vạn quan tiền mua bốn cô hầu gái. Trong đó có một cô gái tên là Phương Lan Tôn trông rất xinh đẹp và có phong thái đoan trang, không giống như người sinh ra trong gia đình nghèo khó. Lưu Nguyên Phổ đã gặng hỏi về tình cảnh của cô.

Phương Lan Tôn trầm ngâm rất lâu rồi mới trả lời: “Tiện nữ mang tử tội, vốn không dám nhắc đến nữa. Chủ nhân đã hỏi kỹ thì mới dám tiết lộ. Gia đình tôi đời đời là danh tộc, quê ở Hà Lạc. Tiên phụ làm quan ở Hoài Tây, không may gặp giặc Ngô phản loạn hung bạo. Vì thấy họ của ông giống với họ của cường đạo, nên triều đình nghi ngờ là người thân của bọn phản tặc, do vậy cha tôi bị triều đình giết, cả gia đình bị tịch thu tài sản. Từ đó tôi rơi vào cảnh hèn mạt, không có nơi nào để kêu oan. Sau khi giặc Ngô bị dẹp, toàn bộ những người thân khác trong gia đình tôi bị quan quân bắt làm tù binh, cũng không biết lưu lạc ở đâu. Bản thân tiện nữ đã bị đổi hai chủ, giờ mới vào đây”.

Lưu Nguyên Phổ cảm thán hồi lâu rồi nói: “Giày dẫu có mới cũng không thể đội lên đầu, mũ dẫu có cũ cũng không thể dẫm dưới chân. Dù gia đình cô chết oan, nhưng cô vẫn là con nhà quan lại, mà nỗi oan của cô ai nghe cũng phải phẫn nộ, huống hồ ta là bậc nam tử. Hôm nay nếu ta không thể rửa được oan cho cô thì sẽ bị Thần trừng phạt”.

Sau khi Lưu Nguyên Phổ hỏi han tình hình về họ hàng thân thích của cô, bèn đem đốt văn tự bán mình của cô, nhận cô làm cháu ngoại. Rồi còn dùng 50 vạn quan tiền tìm mối tốt gả Phương Lan Tôn trước khi con gái mình xuất giá. Một ngày mùa xuân tháng ba năm Tân Mão năm Trường Khánh thứ hai, Phương Lan Tôn đã xuất giá, Lưu Nguyên Phổ nằm mơ thấy một người mặc áo màu xanh, tay cầm thẻ ngà, hướng xuống trần mà bái lạy.

Người ấy rơi nước mắt nói: “Tôi chính là phụ thân của Phương Lan Tôn, ân đức của ngài, tôi nhất định sẽ báo đáp! Tôi nghe nói âm đức có thể cảm động đến trời xanh. Đến nay thọ mệnh của ngài đã hết, tôi vừa báo cáo lên Thiên đế để cầu xin cho ngài”. Người ấy nói xong thì biến mất. Ba ngày sau, Lưu Nguyên Phổ lại nằm mơ thấy phụ thân của Phương Lan Tôn đứng trước tiền đình, mặc áo bào màu tím, thị vệ đứng uy nghiêm xung quanh.

Chỉ thấy phụ thân của Phương Lan Tôn tiến đến cảm tạ Lưu Nguyên Phổ, nói: “Kẻ bất tài như tôi may mắn được thỉnh Thiên đế, Thiên đế đã đồng ý kéo dài thọ mệnh cho ngài thêm 25 năm nữa, phúc hưởng ba đời, con cháu không gặp tai ương. Những người đã tàn sát gia đình tôi đều bị xét xử, hiện giờ tai họa khắp thân. Người đã chết thì con cháu phải chịu họa. Thiên đế còn thương xót cho oan tình của tôi, cho khôi phục chức vụ, cai quản vùng sông núi Hoài Hải”. Nói xong ông ấy bái lạy một lần nữa rồi biến mất. Chỉ là lúc ấy Lưu Nguyên Phổ không tin mấy vào những lời ông ấy nói.

Cứ như vậy ba năm đã trôi qua, vị thuật sĩ xem tướng quả nhiên lại đến. Vừa bước vào cửa, nhìn thấy Lưu Nguyên Phổ, vị thuật sĩ liền chúc mừng nói: “Thọ mệnh của ngài đã được kéo dài rồi. Để tôi xem phần giữa lông mày và tóc của ngài nào”. Lưu Nguyên Phổ bỏ mũ lộ ra vầng trán, thuật sĩ nói: “Ôi, đây đúng là bằng chứng nhờ âm đức mà cảm động đến Thiên đế. Từ nay về sau 25 năm nữa, phúc hưởng ba đời”.

Lúc này, Lưu Nguyên Phổ mới kể cho ông ấy nghe chuyện về phụ thân của Phương Lan Tôn. Thuật sĩ nói: “Hàn Quyết nước Tấn thời Xuân thu âm thầm bảo vệ Triệu Thị, Tư Mã Thiên cho rằng mười đời nhà họ Hàn đều làm đến vương hầu, chính vì có âm đức. Huống hồ gia đình Phương Lan Tôn đã không có người nối dõi, bản thân Phương Lan Tôn chỉ là nô tì. Vậy mà ngài không những không tiếc tiền tài lại không bị mê mẩn bởi nhan sắc xinh đẹp của cô ấy, ngài đã thương cảm giúp đỡ cho cô gái mồ côi, đây lẽ nào chẳng phải đều là âm đức dày của ngài sao?”

Người xưa đều rất tin vào tầm quan trọng của việc hành thiện tích đức, một việc đức có thể tiêu trừ trăm điều hoạ. Cự tuyệt sự cám dỗ của sắc dục, nhìn thấy mỹ sắc không động tâm, tích âm đức và làm việc thiện thì sẽ được kéo dài tuổi thọ, tăng thêm nhiều phúc báo. Thật đáng tiếc khi con người Trung Quốc ngày nay bị lừa dối bởi thuyết duy vật và thuyết vô thần do tà đảng Trung Cộng tuyên truyền đã không còn hiểu được những đạo lý này nữa. Họ coi việc bao tình nhân cũng như có nhiều bồ nhí là thú vui trong cuộc sống và là tiêu chí của một người thành công, điều này hoàn toàn đi ngược lại cách hành xử của cổ nhân, xa rời quan niệm đạo đức truyền thống, là những việc xấu ác làm tổn thọ giảm phúc, nếu nói rằng con người ngày nay đã tiến đến cửa địa ngục thì đó hoàn toàn không phải là lối nói phô trương. Nếu con người không nhận thức được tầm quan trọng của việc đạo đức thăng hoa, không đi theo con đường truyền thống thì kết cục sẽ là rất bi thảm. Văn hoá đảng phủ nhận văn hóa truyền thống và phỉ báng đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn của vũ trụ mới chính là thứ oai lý tà thuyết hại người.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/265747