Luân hồi ký sự : Chu Tử tầm chân (1)

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Vào thời Đông Chu, ở vùng Ngô Việt Giang Nam có một người từ bé đã được cao nhân chỉ dạy, không những học vấn uyên thâm mà còn tinh thông binh pháp, nhưng lại muốn quy ẩn chốn rừng núi. Vương của các nước chư hầu thỉnh mời hết lần này đến lần khác, nhưng ông quyết không xuất sơn. Sau này ông đã đến ẩn cư ở núi Chung Nam.

Ở đây ông đã gặp được một vị Đạo trưởng rất nổi tiếng thời Thượng cổ, vị Đạo trưởng này đã kể cho ông từ sự tích hoàng đế Hiên Viên thời Thượng cổ cưỡi rồng bay về trời ở núi Hoàng Sơn cho đến chuyện của Chu Mục Vương và Tây Vương Mẫu. Bởi vì ngộ tính của ông rất tốt nên càng mong muốn tu luyện hơn, ông đã bái lão Đạo trưởng làm thầy và tu hành được hai mươi năm. Lúc từ biệt, Đạo trưởng nói: “Những gì ta dạy con đều là bề mặt, đều là làm bước đệm mà thôi, nếu muốn đắc được Pháp chân chính để hồi thăng, vậy thì con phải tự mình đi tìm lấy. Những gì chúng ta làm tất cả đều là vì lót đường cho vị Giác giả có Pháp lực cao thâm thực sự hồng truyền Đại Pháp của vũ trụ mà thôi.”

Ông vội vàng hỏi: “ Xin thầy minh thị cho con thêm chút nữa.” Đạo trưởng đáp: ” Trong thời đại mà vị Giác giả truyền Đại Đạo (Đại Pháp) đó sống thì xe mà con người ngồi cũng có bốn bánh, nhưng không dùng ngựa hay trâu bò kéo, mà tự chạy được. Người ta ở trong nhà mà có thể biết được sự tình xảy ra khắp mọi nơi thông qua một cái hộp hình vuông. Trong tay vị truyền Đạo đó cầm một thứ hình tròn, một trong những đồ hình bên trong là hình của Thái cực.” – “ Vậy con còn phải chờ bao nhiêu năm nữa?”

Đạo trưởng từ trong ngực áo lấy ra một tấm gương bát quái, miệng niệm chú ngữ, trong gương liền hiển lộ ra thịnh suy của một thời đại, kiểu như lật giở từng trang sách vậy, sau cùng nhìn thấy nhiều người đang đi lại trên đường, có người cưỡi (lái) trên chiếc xe bằng sắt có hai cái bánh, có người cưỡi trên chiếc xe có bốn cái bánh, thậm chí có xe có nhiều bánh nữa. Còn có rất nhiều người cùng nhau luyện một loại công Pháp trên nền đất màu xanh. Đạo trưởng nói: “Chỉ có thể nói cho con biết những điều này mà thôi, còn lại thì con phải tự mình đi tìm mới được, con hãy nhớ kĩ: chỉ cần thành tâm đi tìm, chắc chắn sẽ tìm được, hơn nữa duyên phận sư đồ của chúng ta đời này đã hết, cho nên ta không thể tiếp tục chỉ dạy cho con, con nhất định phải nỗ lực tinh tấn, có khổ nạn thế nào cũng không được buông bỏ hy vọng tìm được Đại Đạo (Đại Pháp).”

Sau khi Đạo nhân rời đi, ông lại nán lại ở núi Chung Nam mười mấy năm nữa. Sau đó vì ở đây thời gian lâu, thường có một số người tìm đến gây can nhiễu việc ông tu luyện, ông đành chuyển đến núi Hoa Sơn, khổ tu thêm 30 năm trong sơn động vô cùng ẩn mật. Lúc này ông trông đã rất già rồi. Một hôm ông nghĩ ta nên ra ngoài, đi dạo một vòng thế giới này một chút, xem xem có điều gì có ích cho tương lai khi thực sự gặp được Đại Đạo (Đại Pháp) đó hay không? Do đó ông một mình ra khỏi núi Hoa Sơn, tiến vào thế gian. Vì để sinh sống, thuận tiện hành sự, ông tìm hai đồng tử cùng đi. Bất luận là đi đến đâu ông cũng đều giảng cho con người về đạo làm người và tu luyện, đồng thời dò hỏi người ta về tình hình thánh nhân truyền Đại Đạo trong tương lai.

Sau đó ông đến Liêu Đông, chính là nước Yên thời đó, rồi viên tịch tại núi Phượng Hoàng Triều Dương ngày nay. Ông viên tịch một cách lặng lẽ mà không lưu lại bất kì dấu tích hay ghi chép nào. Trong những đời sau của mình, ông đã chuyển sinh thành hoàng đế, hoàng phi, võ tướng, thậm chí ăn mày v.v.., dù chuyển sinh thành gì, đều không thể xóa nhòa quyết tâm tìm Pháp của ông. Ở kiếp này ông sống rất khổ, trên thân đủ thứ bệnh tật, chỉ muốn chết đi cho xong, chính vào lúc này, một người họ hàng tặng cho ông một cuốn «Chuyển Pháp Luân», ông nhìn ảnh chụp của Sư phụ, lại nhìn cảnh vật xung quanh (dòng người đạp xe đạp, lái xe hơi) liền nhớ lại những gian khổ và khó khăn đi tìm Pháp từ trước đến nay. Từ đó ông trở thành một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp kiên định.

Văn hóa thần truyền, trên đại thể phân thành hai phương diện, một là đích thân Thần truyền cấp cho con người và hai là con người kế thừa văn hóa của Thần. Vào thời thượng cổ, rất nhiều Thần trực tiếp dùng thân người hiển lộ Thần tích truyền cấp văn hóa cho con người. Sau đó từ thời nhà Tần trở đi những hiện tượng con người tiếp thụ điểm hóa, sai khiến của Thần hoặc là trên cơ sở văn hóa mà Thần vốn đã trực tiếp truyền cấp cho con người rồi thêm vào cải tiến cũng nhiều lên. Loại văn hóa mà Thần hiển lộ Thần tích truyền cấp cho con người cũng có, nhưng không nhiều, như Bát Tiên, đó là trực tiếp đặt định văn hóa của tu luyện.

Vào thời nhà Tần, có một điều rất dễ khiến nhiều người không chú ý đến, chính là việc Tần Thủy Hoàng tin lời phương sĩ uống thuốc trường sinh bất lão để kéo dài tuổi thọ, do đó có Từ Phúc mang theo rất nhiều đồng nam đồng nữ từ Lang Nha Đài của Thanh Đảo ra biển, sau đó “lạc địa sinh căn” (bám rễ) ở Nhật Bản. Sau cùng nhóm người này trộn lẫn với dân địa phương hình thành nên dân tộc Đại Hòa (Yamato).

Vào thời nhà Tần có một cô nương là con gái của quan địa phương ở Lang Nha Đài, từ nhỏ đã ngốc nghếch, ba tuổi vẫn không biết gọi cha mẹ, cũng không hề quấy khóc, cả ngày chỉ thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ. Một hôm nơi đây xuất hiện một người khất thực, nói phải đem cô bé đi Tề Trường Thành (trong Hoảng Đảo quận thuộc thành phố Thanh Đảo ngày nay) khám chữa. Bố của cô bé nghe thấy, trong tâm nghĩ rằng: tên ăn mày này không những nghèo khổ mà còn điên khùng nữa, đưa một cô bé ba tuổi đi Tề Trường Thành, đó chẳng phải trò đùa sao? Nghĩ đến đó, ông liền từ chối yêu cầu của người này. Người ăn mày cười bảo: “Ba ngày sau tôi sẽ quay lại.” Bố của cô bé cũng không nghĩ ngợi nhiều. Đến buổi tối hôm đó, cô bé bỗng nhiên sốt cao, sốt cho đến ngày thứ hai không hạ. Mặc dù người nhà đã mời rất nhiều thầy lang có tiếng trong vùng đến bốc thuốc chữa trị nhưng bệnh tình không thấy thuyên giảm. Sau cùng cô bé “qua đời”, bố mẹ cảm thấy rất đau lòng.

Đến ngày thứ ba, người ăn mày lại đến, biết được cô bé đã “chết”, anh ta liền khóc lóc, quả là khóc đến trời đất điên đảo, khóc thảm thiết hơn cả bố cô bé gấp mấy lần. Cha cô bé lúc này không những không hề thấy cảm động mà còn cảm thấy người ăn mày này rất là không bình thường. Khóc lóc một hồi, người ăn mày thuận tay mở nắp quan tài, ôm “thi thể” của cô bé ra ngoài mà gào khóc không ngớt, nước mắt nước mũi dàn dụa cả mặt cô bé. Bố của cô bé thấy vậy không chịu được, gọi người lôi người ăn mày ra ngoài, lại sai người sửa soạn lại cho cô rồi đặt lại vào quan tài. Lúc này, người nhà phát hiện thân thể đã cứng lại của cô bé đã trở nên mềm mại, hơn nữa khuôn mặt đã hồng hào trở lại. Bố cô bé nhìn thấy thế liền lập tức gọi thầy lang đến kiểm tra bắt mạch thì phát hiện mạch cũng dần dần từ đập yếu ớt giờ đã trở nên mạnh hơn, hơi thở cũng thấy dần dần hồi phục.

Lúc này người ăn mày mới xuất hiện, nói: “Đứa trẻ là do trên trời phái xuống, ta nói đem nó đến Tề Trường Thành, là để nó tìm lại chút kí ức ngày trước. Các người khăng khăng không chịu đi, vậy nên nó phải trải qua một lần “chết” như thế (ý tứ là cô bé đáng lẽ không phải gặp nạn này, nhưng vì người nhà không phối hợp, chỉ có thể dùng nạn này giáng xuống thân đứa bé, đứa bé sau này mới tốt được.)” Bố của cô bé nghe được lời này, cảm thấy người này không phải là kẻ tầm thường, hơn nữa cũng được coi là đã cứu sống cô bé, do đó nói một cách dứt khoát: “Nếu đứa trẻ đã sống lại rồi, vậy ngươi hãy đưa nó đi, chỉ cần nó vẫn ổn, chúng tôi làm cha mẹ cũng thấy yên lòng.”

Một lát sau đứa trẻ tỉnh lại, trông thấy cha mẹ của mình đứa trẻ vẫn lơ ngơ thẫn thờ như cũ, nhưng trông thấy người ăn mày thì chủ động giơ hai tay ra đòi bế. Miệng còn mỉm cười vui mừng nữa! Cha mẹ của cô bé thấy vậy cảm thấy bên trong ắt có duyên cớ, đành để người ăn mày ôm cô bé đi.

Người ăn mày đem cô bé đến Tề Trường Thành, anh ta kể cho cô bé nghe chuyện đời trước của cô ở nước Tề và nhân duyên hai người gặp gỡ. Cô bé dù còn nhỏ nhưng nghe chuyện người ăn mày kể tỏ vẻ cũng nghe hiểu, không quấy không khóc, còn cười mãi. Đến tận nhiều năm sau đó khi người khác nhắc lại đoạn nhân duyên đó ở nước Tề, cô bé dường như vẫn còn ghi nhớ.

Sau đó người ăn mày mang cô bé giao cho một nữ sư phụ có thể thi triển công phu khinh công trên mặt nước, còn nói: “Cô bé này có căn cơ rất thâm hậu, cô nhất định phải bồi dưỡng nó thật tốt. Đợi sau này khi nó gặp được người đọc sách kia, ta sẽ lại đến tác hợp nhân duyên cho họ.”

Cô bé từ đó theo nữ sư phụ học công phu, hình dáng ngốc nghếch trước đây hoàn toàn biến mất thay vào đó là đứa trẻ cực kì thông minh lanh lợi. Vì căn cơ của cô rất tốt, nên lãnh hội những điều sư phụ giảng rất nhanh.

Có một lần, sư phụ đem cô bé đi luyện tập khí công trên mặt biển ở vịnh Giao Châu, trùng hợp thay lúc này Long vương Hoàng Hải đang mở tiệc mời mấy Long vương và các Hải thần khác đến tham dự. Đây có thể xem là một cuộc tụ họp của các chư thần. Chúng Thần thấy sư đồ hai người bọn họ đạp sóng mà “múa lượn” trên mặt biển. Chúng (Hải) Thần cũng nhất thời nổi hứng, cùng bay lên khỏi mặt biển, triển hiện thần thông của mình. Có rất nhiều Thần cố ý biến thành các loại hình dáng của con người trong các chức vụ và giai tầng khác nhau. Sư đồ cô bé đều ngạc nhiên, quan sát tỉ mỉ, rồi bật cười thành tiếng. Có Hải Thần biến thành hình dáng một người già, run rẩy bước đi trên mặt biển, càng thú vị hơn là ông còn chống một cái gậy đầu rồng. Có vị biến thành hình dáng một đứa trẻ, tóc hai chỏm, nhào lộn trên biển. Có người hóa thành mỹ nữ hoặc là người đàn bà đẹp ngồi trên cái sàng hoặc lá sen đẹp đẽ, có vị đánh đàn, có vị thổi sáo, ở trên biển mà vui đùa.

Sư đồ cô bé đang quan sát cảnh tượng này thì bỗng nhiên từ đằng xa có một chiếc quạt lông ngỗng bay đến, rồi hiển lộ ra một người thanh niên tuấn tú. Người thanh niên nhìn về các Hải Thần cười mà nói rằng: “Đợi sau này các vị sẽ cùng ta diễn một câu chuyện trung nghĩa, chuẩn bị cho việc đắc chính Pháp, đến lúc đó, nếu như các vị có thể làm được tốt, thì sông biển trong vũ trụ vô biên mặc cho chư vị rong chơi!” Nói rồi người thanh niên bay đến trước mặt sư đồ cô bé căn dặn: “Về sau cô ấy (chỉ vào cô bé) sẽ gặp một số ma nạn, ngươi phải trông chừng cô ấy cho tốt, bất luận khổ thế nào, cũng phải giữ vững sự thiện lương của mình, đợi đến thời mạt kiếp Chính Pháp được truyền xuất. Bây giờ ta còn phải đi tìm Long vương có việc.” Nói xong người thanh niên dùng quạt lông vũ rẽ nước biển làm đôi, tiếp tục đi tìm Long vương bàn chuyện.

Sư đồ cô bé và các Hải Thần chưa gặp chuyện như vậy bao giờ, đều rất cảm động. Sư phụ của cô bé nói với các Hải Thần: “Nếu thượng thần đã có điểm hóa như vậy, vậy chúng ta hôm nay cũng tính là đã kết duyên phận sâu dày rồi, đợi sau này lúc sự việc trung nghĩa kia xuất hiện thì sẽ gặp lại nhau. Sau này, khi Chính Pháp hồng truyền tại nhân gian, chúng ta nhất định cần nhắc nhở nhau, cùng nhau bước đi cho tốt.”…

Trong những ngày sau này, cô bé đúng là gặp không ít ma nạn giống như lời người thanh niên tuấn tú đó nói. Khởi đầu là cả mặt nổi mụn nước, trên khuôn mặt nhỏ nhắn xinh xắn đều là mụn, thật là khó coi. Cô bé tâm tình rất không tốt, sau đó sư phụ của cô liền khuyên bảo rồi đem cô đi khắp danh sơn tìm thầy chữa trị. Cuối cùng có một vị ẩn sĩ chỉ cách dùng nước suối gần đỉnh Thiên Đô trên núi Hoàng Sơn thì có thể chữa khỏi.

Họ liền vội vàng đi đến đó, đến dưới đỉnh Thiên Đô mới biết rằng đỉnh núi này là tuyệt cốc, căn bản là không có đường đi lên. Nhưng những khó khăn này cũng không ngăn được sư đồ hai người, họ vận dụng công phu bước đi trên nước. Khi đó đỉnh Thiên Đô mây trời ẩn hiện, sương khói dày đặc, họ dễ dàng đạp mây mà lên. Đến được nơi đó, cô bé rửa sạch hết các nốt mụn nước trên mặt. Rửa xong, chỉ nghe thấy một âm thanh vang lên rằng: “Ta là thần trông coi núi Hoàng Sơn, đây chính là duyên phận, sau này khi chư vị đắc được Chính Pháp, nhất định phải nói cho ta một tiếng.” Cô bé tinh nghịch nói: “Vậy đến lúc đó chúng ta vẫn phải cưỡi mây lên đây rồi.” Âm thanh đó lại vang lên: “Không cần đâu, đến lúc đó ta sẽ là học sinh của ngươi, ngươi chớ quên duyên phận này với ta nhé!” “ Tuyệt đối sẽ không quên đâu!”

Họ rời núi Hoàng Sơn bắt đầu vân du bốn bể. Thời gian dần qua đi, cô bé đã lớn đến tuổi phải xuất giá. Sư phụ của cô biết cô vẫn còn duyên hồng trần chưa đoạn hết, nên muốn tìm cho cô một chốn an thân cho phần đời còn lại của cô, điều đó quả thật là không dễ dàng gì.

Có một lần họ cùng đến Nam Hải, ở trên một đảo nhỏ, vì mưa lớn liên tục nên đành phải ở lại đó. Các căn nhà ở đây đều bị gió lớn quật đổ, họ không có nơi nào để đi, chỉ có thể trú trong một cái động trong núi. Qua hai ngày thì trời tạnh, họ cũng muốn ra ngoài hóng nắng, xem xem thời tiết thế nào. Kết quả là mới ra khỏi động liền nhìn thấy một người ăn mày đang dẫn theo một nam tử trông rất xấu xí đang đi đến trước mặt họ.

……………………………………..

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/280580