Đại Đạo trị quốc (12): Gương soi Đạo Đức

Tác giả: Lý Đạo Chân

12. Tấm gương Đạo Đức

Trong các phần trước đã đưa ra một số ví dụ để nói rõ mối quan hệ tương sinh tương khắc, nhưng những ví dụ được nêu chỉ là những trường hợp đặc biệt điển hình và đơn giản nhất. Mối quan hệ tương sinh tương khắc trên thực tế là vô cùng phức tạp, không phải là mối quan hệ đơn giản giữa hai sự vật mà là mối quan hệ đan xen phức tạp của các tín tức, giữa vạn sự vạn vật với nhau. Thiên địa vạn vật là một chỉnh thể hữu cơ, vạn sự vạn vật đều nằm trong vòng tương sinh tương khắc, ảnh hưởng lẫn nhau, chế ước lẫn nhau, tạo thành một tấm lưới cực lớn, kéo một chút là động đến toàn bộ. Rơi vào lưới là không thoát ra được, trở thành một bộ phận của lưới, ở trong đó mà luân hồi sinh diệt. Trong lịch sử, đừng nói phàm nhân, mà ngay cả Thần Tiên cũng không dám tùy tiện động vào tấm lưới này, khi xưa Thần Tiên tiến nhập thế gian, sự sự đều phải tùy duyên, tuân theo thiên ý. Duyên trần gian chưa có, cơ duyên chưa đến, tuyệt không thể cưỡng hành, một khi động vào tấm lưới này, tự thân không thể thoát ra được.

Điều mà Chu Dịch hiển thị rõ ràng, kỳ thực cũng là lý Trung Dung, chỉ là phàm nhân không nhìn ra mà thôi. Chu Dịch là bộ thiên thư mật mã, ghi chép lại mối quan hệ đối ứng giữa thiên tượng và nhân gian. Đại Đạo sinh ra thiên địa vạn vật, thiên tượng sinh ra địa lý cùng văn hóa của con người, Chu Dịch ghi chép quá trình Đại Đạo sinh ra thiên địa vạn vật, ghi chép toàn bộ quá trình luân hồi của thiên địa vạn vật trong quy luật thành, trụ, hoại, diệt. Xem thấu Chu Dịch, thì có thể từ trong đó mà tìm ra một con đường, làm cho vạn vật ở vào vị trí bất bại, con đường đó chính là Trung Dung, tinh hoa của Chu Dịch chính là ở chỗ đó. Văn hóa Trung Hoa vô cùng vĩ đại, là của Thần Phật trên thiên thượng truyền cấp cho nhân loại, là sở hữu của vũ trụ vào một thời khắc đặc biệt nhất, ngưng tụ tinh hoa của cả vũ trụ, Thần Phật khắp bầu trời đều thán phục, chỉ có phàm nhân là không biết.

Mối quan hệ tương sinh tương khắc giữa vạn vật trong tự nhiên thực tại là quá phức tạp. Các ví dụ trước đây chỉ là để tiện cho lý giải, mà lấy trường hợp đặc biệt đơn giản nhất, đưa nó tách ra khỏi mạng quan hệ vạn vật trong tự nhiên. Giữa vạn sự vạn vật đều tồn tại các liên hệ gắn bó chặt chẽ, đều liên quan đến tương sinh tương khắc, mà hình thành tấm lưới khổng lồ, kéo một chút là động đến toàn bộ.

Ở đây lại lấy Đạo Đức làm ví dụ. Khi thiên hạ vẫn còn trong Đạo, thì hoàn toàn không có khái niệm Đức. Khi thiên hạ lệch khỏi Đạo, mới sinh ra Đức, Đức là các tiêu chuẩn hữu hình dựa vào Đại Đạo mà kiến lập nên, chỉ có tuân theo Đạo mới là Đức. Thưở ban đầu, nhân loại lệch khỏi Đạo chưa nghiêm trọng, nên Đức rất đơn giản. Thuận theo việc nhân loại càng ngày càng lệch khỏi Đạo một cách nghiêm trọng, tư dục ngày càng nhiều, nên Đức mới sinh ra càng nhiều, sự hình thành càng phức tạp, càng hoàn chỉnh hơn, phân thành nhiều thể loại như: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Trung, Thứ, Hiếu, Đễ, Cung, Thuận, Trinh, Tiết, Khiêm, Kiệm…

Tất cả các Đức này đều từ một nguồn mà sinh ra, giữa chúng đều có tồn tại quan hệ tương sinh tương khắc, đan xen lẫn nhau, hình thành nên tấm lưới lớn. Ví dụ:

Nội hàm của Nhân là yêu mến, bảo hộ vạn vật trong trời đất, và tình yêu thương to lớn nhất đối với vạn vật chính là làm cho tất cả trở về với Đại Đạo, đạt tới trạng thái hài hòa hoàn mỹ nhất, từ đó mà không còn thống khổ, không còn tai họa.

Nội hàm của Nghĩa là tuân theo Đạo và bảo vệ Đạo.

Từ đây có thể thấy, Nhân có thể sinh ra Nghĩa, Nghĩa có thể sinh ra Nhân. Cũng vậy, Nhân, Nghĩa có thể sinh ra Lễ, Trí, Tín, Trung, Hiếu… chúng đan xen với nhau, hình thành nên một mạng lưới quan hệ toàn tức, đó không phải là quan hệ đơn thuần giữa hai người, động đến một người, là động đến cả chỉnh thể.

Ví như nếu Nhân quá độ, vượt ra khỏi nguyên tắc, thì sẽ sinh ra ác, sẽ tổn hại đến chỉnh thể, khắc chế đến Đức của người khác. Nếu như đối với kẻ thập ác bất xá cũng muốn dùng Nhân để đối đãi, đối với hành vi tà ác phá hoại Đại Đạo, làm tổn hại vạn vật mà dùng Nhân, như vậy Nhân sẽ mất đi chuẩn mực và biên giới, sẽ trở thành Ác, trở thành công cụ bảo hộ dung túng tà ác, tổn hại đến vạn vật thì tất cả Đức bị tổn thất.

Cũng vậy, thủ tín quá độ, cố giữ lời hứa với tà ác, thì cũng trở thành ác. Trung quá độ, trung mà vô Đạo cũng là ác. Bất kỳ cái Đức nào khác, nếu quá độ, đánh mất nguyên tắc, thì đều như vậy.

Đức thực sự, là lấy Đại Đạo làm hạt nhân, làm chuẩn tắc, nếu rời khỏi Đại Đạo, tuy vẫn là tên gọi ấy, nhưng đã không còn là Đức nữa. Do đó thủ Đức, cần phải duy trì Trung Dung, Đức Trung Dung mới là Đức thực sự.

Thế nào gọi là Đức Trung Dung, tác giả đề xuất một tiêu chí, đó là: “Đại Đạo vi tông, Đức bất tương hại”.

Tức là lấy Đại Đạo làm tôn chỉ, không có xung đột với chỉnh thể của Đức, không hại lẫn nhau.

Tất cả các Đức đều trong sự tương sinh tương khắc, hình thành nên tấm lưới quan hệ, trở thành một chỉnh thể. Bất kỳ Đức nào cũng phải được đặt vào tấm lưới này mà đánh giá, thì mới tránh được thái quá, duy trì cân bằng tổng thể, không rời xa Đại Đạo. Nếu lấy bất kể Đức nào đem ra dùng độc lập, thì sẽ thái quá, phá vỡ cân bằng tổng thể.

Thậm chí có lúc trong chỉnh thể, sẽ hình thành tình huống hai Đức xung đột lẫn nhau. Ví dụ, Trung và Hiếu không thể lưỡng toàn, lúc này nên chọn Đại Đạo, bỏ Tiểu Đạo, chọn lấy Trung mà bỏ Hiếu. Một ví dụ khác là khi phát sinh xung đột giữa Trung quân và bảo vệ Thiên Đạo, thì nhất thiết phải chọn Thiên Đạo mà bỏ Trung quân, đây chính là tuân theo nguyên tắc Đại Đạo vi tông.

Đây cũng giống như thân thể người, lục phủ ngũ tạng, gân cốt thịt da, kinh mạch huyệt vị cùng nhiều thể khác kết cấu cùng nhau mà tạo thành cơ thể con người, chúng là một tổng thể, một thứ tổn thương thì tổn thương tất cả, một thứ thịnh vượng thì tất cả thịnh vượng, không có một bộ phận nào có thể tồn tại đơn độc. Dưỡng sinh của Trung y, là chú trọng đến sự cân bằng của chỉnh thể, có vậy mới đạt khỏe mạnh. Nếu chỉ đơn độc chú trọng một bộ phận nào đó, chăm sóc riêng nó, cuối cùng làm cho nó vô cùng khỏe mạnh, nhưng lại làm tổn hại các bộ phận khác, mà bất kỳ bộ phận nào suy kiệt thì cơ thể người cũng sẽ dẫn đến tử vong, kết quả là bộ phận đó được bồi dưỡng mạnh khỏe đến đâu cũng vô ích, trái lại còn phá vỡ sự cân bằng của cơ thể con người, cùng theo đó mà bị hủy diệt.

Đây là nội hàm tầng thứ ba của Trung Dung mà tác giả đề xuất: Cân bằng hài hòa vạn vật trong tự nhiên, cùng sinh cùng tồn, chỉnh thể thăng hoa.

Xin đưa hai ví dụ cụ thể sau đây để minh họa:

Thời cổ có câu chuyện “Vĩ Sinh ôm cột”, kể rằng thời Xuân Thu, nước Lỗ có một thanh niên tên là Vĩ Sinh, hẹn gặp mặt với một cô gái ở dưới cầu. Khi đến giờ hẹn, cô gái không tới, lúc này nước sông dâng cao, để giữ lời hứa Vĩ Sinh ôm chặt chân cột dưới cầu không chịu rời, cuối cùng bị chết đuối.

Điển cố này rất nổi tiếng trong lịch sử, đầu tiên có ghi trong Trang Tử, sau có trong Sử ký, được người đời trong các thời đại ca tụng, là khuôn mẫu của Đạo Đức trong việc giữ lời hứa, và từ đó phát triển thành hai thành ngữ: “Vĩ Sinh bão trụ, Vĩ Sinh chi tín” (tạm dịch: Vĩ Sinh ôm cột, cái tín của Vĩ Sinh).

Bây giờ dựa vào tiêu chuẩn “Đại Đạo vi tông, Đức bất tương hại” của Trung Dung mà phân tích:

Thứ nhất: Nam nữ độc thân hẹn gặp dưới gầm cầu, đây là việc không đúng lễ, vi phạm Lễ Đức.

Thứ hai: Nữ nhân tới thời gian đã hẹn mà không tới, thì dĩ nhiên là thất ước, nhưng có thể do nguyên nhân đặc thù hoặc gặp phải nhân tố bất khả kháng nào đó chăng? Vĩ Sinh cứ như vậy ôm cột mà chết, tất nhiên anh ta không thất tín, nhưng anh ta có nghĩ cho cô gái kia không? Anh ta đã hãm cô gái vào tình huống bội tín bội nghĩa, vô tình vô nghĩa, hại đến tính mạng người, khiến cô ta quãng đời còn lại sống sao đây? Anh ta chỉ cố chấp vào chữ Tín của mình, mà không chú ý tới người khác, không thể nghĩ đến người khác, không có lòng khoan thứ bao dung, vi phạm Đức nhân từ, khoan thứ.

Thứ ba: Nước sông dâng nhanh, nhưng Vĩ Sinh hoàn toàn có thể chui khỏi gầm cầu, chạy lên trên cầu, hoặc tránh sang nơi cao gần đó, tức là có thể trông thấy cây cầu, giữ mình không bị ngập, lại có thể giữ được Tín, mà không làm tổn hại đến Đạo Đức người khác, cớ sao mà không làm? Sao cứ nhất mực cầu chết một cách quá cố chấp như thế? Đây là phạm vào Trí.

Thứ tư: Xả sinh thủ nghĩa (quên mình vì nghĩa), xả thân tử vì Đạo là một Đức hạnh to lớn phi thường, nhưng phải trân quý sinh mệnh, tuyệt đối không thể coi rẻ sinh mệnh, cân nhắc chết vậy có đáng không? Nếu vì Đại Đạo, vì quốc gia, vì hạnh phúc của chúng sinh mà chết, để đạt được mục đích đạo nghĩa, thì cái chết có ý nghĩa, cái chết thật vĩ đại. Nhưng Vĩ Sinh chỉ vì lỗi lầm của một người con gái mà chết (người con gái sai hẹn), cái chết thật hèn hạ. Người ta sinh ra giữa trời đất, chưa nói đến việc không trân trọng sự an bài và ban ân của trời đất Thần linh, chí ít thân thể tóc da là do cha mẹ ban cho, không được làm tổn hại, thì tối thiểu cũng đã trái với Hiếu và Đức.

Theo phân tích trên, Vĩ Sinh ôm cột đã vi phạm Đạo Trung Dung. Anh ta một mình cường điệu chữ Tín, đi sang cực đoan, tổn hại chỉnh thể của Đức hạnh, xa rời Đại Đạo.

Tiếp theo là câu chuyện Ngu Công dời núi. Câu chuyện này ghi trong Liệt Tử, mọi người đều biết rõ, nên không thuật lại chi tiết, ở đây chỉ phân tích:

Chỉ vì nhà Ngu Công ở dưới chân hai ngọn núi Thái Hàng và Vương Ốc, nên thấy rằng hai ngọn núi này chặn đường của ông, làm ông không tiện đường đi, vậy là xuất ra một cử chỉ cuồng vọng muốn san bằng hai ngọn núi lớn. Nếu chỉ vì hai ngọn núi chắn đường, thì chuyển nhà có được không? Sao cứ phải dời núi? Theo cách đó mà làm, chẳng phải núi cao khắp thế gian đều phải san bằng? Như khi đi trên đường, không may dẫm phải gai, ta nhổ gai đi, hay là chặt luôn cả chân? Nếu theo tư duy của Ngu Công, chân dẫm gai, cần chặt chân đi, vậy cả chân của con cháu cũng cần phải chặt để tránh dẫm gai, thật là đáng sợ.

Đầu tiên, Ngu Công làm vậy là vi phạm Đạo tự nhiên, phá hoại môi trường sinh thái. Chỉ vì tư lợi mà cuồng vọng dời núi lấp biển, ngạo mạn trước tự nhiên cao rộng, lấy khẩu hiệu cải tạo tự nhiên, vô tri phá hoại tự nhiên, phá hoại môi trường. Chính như Trung Cộng đang làm hiện nay, dẫn đến đất Thần Châu rộng lớn thương tích khắp mình, môi trường hủy hoại trong chốc lát.

Thứ hai, Ngu Công chỉ vì cái lợi của mình mà làm hại con cháu muôn đời. Ngu Công dời núi, khi đã hơn 90 tuổi, làm không nổi, nên lệnh con cháu khuân vác gian khổ lao lực, lại còn hại cả trẻ con hàng xóm. Dời chuyển đất đá của hai ngọn núi Thái Hàng, Vương Ốc đem lấp biển Bột Hải, một năm chỉ được một lượt đi về. Khi người khác hảo tâm khuyên ngăn ông vẫn chấp mê bất ngộ, nói rằng quyết làm đến chết, không dời được núi, nhưng sẽ lệnh cho con cháu muôn đời về sau dời tiếp, con cháu thì vô cùng vô tận, chỉ cần không đoạn tử tuyệt tôn, thì sẽ có ngày núi kia san phẳng. Cũng may là Ngu Công chỉ làm hại con cháu của ông ta, người như vậy mà làm quân vương, thì chẳng phải là ngày tàn của thế giới sao?

Cuối cùng Liệt Tử nói, tinh thần cố chấp của Ngu Công đã làm cảm động Thần linh, kết quả là Thần linh đã giúp Ngu Công dời hai ngọn núi sang nơi khác, chặn đường đi của nhà người khác. Đây là sự khinh nhờn đối với Thần linh.

Lão Tử viết “Đại Trí giả nhược ngu” (Người đại tài trí thì trông vẻ ngoài đần độn), Liệt Tử có thể là muốn biểu đạt ý này, nhưng tầng thứ không đủ, không lý giải được ý nghĩa thực sự của Đạo, nên đã đi lệch đường.

Trong câu chuyện này, điều muốn thể hiện là tinh thần kiên trì không thay đổi, không bao giờ từ bỏ của Ngu Công. Ngu Công là mang đức tính này phát huy đến cực điểm, bất kỳ Đức tính nào cũng đều không sợ đem nó phát huy tới cùng cực bao nhiêu, điểm mấu chốt là phải đem nó dung nhập vào chỉnh thể mà phát huy, tuyệt đối không thể cô lập nó, nhấn mạnh nó một cách thiên kiến. Nếu ở trong chỉnh thể, thì càng phát huy đến cực điểm càng xuất sắc.

Nếu Ngu Công mang đức hạnh của ông dung nhập vào chỉnh thể mà phối hợp thi hành, thì quả thật là quá xuất sắc; nếu mang tinh thần kiên nhẫn không thay đổi này mà làm việc xấu, thì sẽ phá hoại đến cùng cực, gây tai họa ngàn năm. Đem bất kỳ đức tính nào cô lập lại, thì sẽ mất đi sự cân bằng của chỉnh thể, sẽ vì thiên kiến mà thành ác.

Nếu Ngu Công không dời núi lấp biển, mà làm đường, tận dụng năm tháng cuối đời, đồng thời hiệu triệu cháu con muôn đời, thuận theo thế núi, kết hợp thiên nhiên, làm một con đường, thuận tiện cho dân chúng mưu sinh, lại giải quyết được vấn đề của mình, làm hài hòa thiên nhiên và con người, chẳng phải là mang đức hạnh này phát huy đến hoàn mỹ hay sao? Như vậy mới có thể cảm động được Thần linh trong trời đất, xuất hiện thần tích, thành tựu đại Đức.

Kỳ thực, rất nhiều sự tình sai biệt ở điểm này, vị tư vị ngã, cô lập nhấn mạnh cá thể, biểu dương cá tính, thì sẽ đi vào cực đoan, trở thành phần tử phá hoại. Chỉ có duy trì Trung Dung, mới giữ được vị trí bất bại.

Nhiều người cho rằng, Trung Dung chính là vạn sự đều không thể phát triển đến cực điểm. Kỳ thực là ngược lại, đạo Trung Dung nhấn mạnh vạn sự cần phát triển đến cực điểm, đạt tới trạng thái hài hòa hoàn mỹ cực điểm. Mấu chốt là phải dung nhập chỉnh thể mà làm tới cực điểm, không thể cô lập mà làm tới cực điểm, nếu không sẽ thành phá hoại. Khi ta đem sự vật cô lập lại, kỳ thực về căn bản đây chính là cái “tư” đang tác quái, đó cũng chính là nguyên nhân căn bản làm cho thiên hạ lệch khỏi Đại Đạo.

Khổng Tử nói: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”. (54)

Kỳ thực đây chính là trí huệ của Trung Dung. Vạn vật trong thiên hạ đều không giống nhau, như vậy mới có thể cấu thành nên thế giới tự nhiên muôn màu muôn sắc, nếu mọi thứ trong thiên hạ đều giống hệt nhau, thì đó quả là điều đáng sợ biết bao! Đó là cách thức phát triển của virus và các tế bào ung thư. Duy trì Đạo Trung Dung, bảo trì chỉnh thể hài hòa, thì mới bảo trì được tính đa dạng của vạn vật trong tự nhiên, làm vạn vật không hại lẫn nhau, mỗi cái đều khác nhau, thế giới muôn màu muôn vẻ, đẹp đẽ vô cùng, đây chính là “hòa nhi bất đồng”. Nếu nhấn mạnh một vật một cách thiên kiến đến mức cô cô lập, thì nó sẽ phát triển vô độ, vượt khỏi giới hạn mà bản thân nó nên có, từ đó mà phá hỏng cân bằng của vạn vật, làm vạn vật đều bị nó xâm hại. Virus, tế bào ung thư cho đến sự tẩy não của đảng cộng sản, yêu cầu cách làm phải thống nhất về tư tưởng và nhận thức, chính là như vậy. Như vậy tính đa dạng của sự vật bị phá hoại, trở thành vật đồng nhất, cũng là hủy diệt thế giới. Đây chính là “đồng nhi bất hòa”.

Chỉnh thể thăng hoa

Từ ghi chép của các nền văn minh cổ đại, thời thượng cổ, khi thiên hạ vận hành trong Đại Đạo, nhân loại sống trong trạng thái xã hội nửa Thần nửa nhân, môi trường tự nhiên cực kỳ mỹ hảo, khắp nơi hoa nở quả ngon, tiên cầm dị thú, vạn vật không hại lẫn nhau, nhân loại sử dụng sức mạnh siêu nhiên. Người ngày nay cho đó là thần thoại.

Khi vạn vật đều quy về trong Đạo, duy trì Trung Dung, thì đạt đến chỉnh thể thăng hoa, làm tất cả vạn vật đạt tới trạng thái hoàn mỹ cực điểm, xã hội con người đạt tới trạng thái xã hội nửa Thần, hợp nhất cùng Trời Đất, nuôi dưỡng vạn vật.

Trong Trung Dung viết: “Chỉ khi đạt tới trạng thái thiên hạ chí thuần vô tà, mới có thể hiển lộ bản tính tiên thiên, mới làm cho bản tính tiên thiên của con người hiển lộ ra được. Khi bản tính tiên thiên của con người hiển lộ, thì mới làm cho bản tính tiên thiên của vạn vật hiển lộ xuất lai. Làm cho bản tính tiên thiên của vạn vật đều hiển lộ ra, con người mới có thể trở thành một thể với trời đất, sử dụng năng lực siêu nhiên, trợ giúp thiên địa nuôi dưỡng vạn vật”. (55)

Trung Dung cũng viết: “Đạt đến trạng thái chí thuần vô tà, thì có thể biết trước được sự việc phát sinh trong tương lai, tất cả đều có thể biết trước thông qua sự kết nối với tự nhiên vạn vật, như Thần linh vậy”. (56)

Do đó thiên hạ nếu thực sự đạt tới Trung Dung, thì sẽ làm nhân loại cùng vạn vật trong tự nhiên cùng nhau thăng hoa, đạt tới cực điểm hài hòa mỹ hảo, trở thành trạng thái xã hội nửa Thần. Đáng tiếc là tự cổ đến nay, không biết có ai thực sự hiểu được nội hàm của Trung Dung.

Làm Đế vương có lẽ là việc khó nhất của các ngành nghề của nhân loại, chỉ có ở cảnh giới cao nhất, đứng cao hơn vạn vật, thì người đó mới có thể làm Vương vạn vật, mới có thể dẫn dắt vạn vật, dẫn chúng trở về nơi tốt đẹp nhất. Đồng thời, cũng chỉ có đặt mình ở vị trí thấp nhất, mới có thể nâng đỡ vạn vật, làm chúa tể vạn vật. Đây là yêu cầu cơ bản để làm bậc Thánh quân.

Trị quốc là một học vấn cực lớn, nó siêu xuất rất xa trí huệ của nhân loại. Đại Đạo sinh ra vạn vật, trí huệ thực sự là đến từ Đại Đạo, Đại Đạo là gốc của trị quốc, không có trí huệ này, thì không thể hiểu được cách trị quốc.

Tại sao Đạo Đức kinh của Lão Tử, ở một tầng nông mà nhìn, thì toàn bộ là đạo lý trị quốc, khi ở tầng cao hơn nhìn, thì trở thành Đại Đạo chân tu thành Tiên? Bởi vì, quá trình làm Vương, chính là quá trình liên tục đề cao cảnh giới và trí huệ của mình, khi đạt tới tiêu chuẩn của một vị Vương thực thụ, thì cũng là Thần, hoặc gọi là Đại Đạo Chân Nhân, đây chính là điều mà cổ nhân gọi là “nội Thánh ngoại Vương”.

Từ xưa đến nay, đều có nhiều kẻ xưng vương xưng bá, thực ra đây là biểu hiện của vô tri, khác gì ếch ngồi đáy giếng, phồng bụng ngoạc mồm mà tưởng mình có thể nuốt chửng cả bầu trời. Bậc Đế vương chân chính không phải là điều mà người bình thường có thể làm được.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/242737

Chú thích:

(54): Trích Luận Ngữ (论语)

(55): Nguyên văn:《中庸》:唯天下至诚为能尽其性。能尽其性,则能尽人之性。能尽人之性,则能尽物之性。能尽物之性,则可以赞天地之化育。可以赞天地之化育,则可以与天地参矣。

(56): Nguyên văn:《中庸》:至诚之道可以前知。国家将兴,必有祯祥;国家将亡,必有妖孽。见乎蓍龟,动乎四体。祸福将至,善必先知之;不善,必先知之。故至诚如神。