Đại Đạo trị quốc (9): Mô hình lễ trị

Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

9. Mô hình lễ trị

Trong chương này, chúng ta hãy phân tích một chút về cơ chế hình thành nên việc dựa vào lễ nghĩa của Nho gia để trị quốc, tức là mô hình lễ trị của Nho gia.

Trong “Lễ Ký – Lễ Vận” có viết: “Thánh nhân có thể khiến cả thiên hạ thành một gia đình, khiến toàn thể quốc dân biến thành một cá nhân, đây không phải là ý muốn chủ quan nghĩ ra, mà là thông qua việc thấu hiểu tình cảm con người, hiểu rõ lẽ phải của con người, hiểu được lợi ích của con người, biết rõ hoạn nạn của con người, thì sau đó mới có thể làm được”.

Tình cảm con người gọi là gì? Hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục (vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn), 7 loại tình cảm không học mà cũng biết này chính là cái tình của con người (gọi là thất tình). Nghĩa của con người gọi là gì? Cha mẹ yêu thương con cái, con cái hiếu kính với cha mẹ, anh yêu thương em, em cung kính thuận theo, chồng ân nghĩa, vợ thuận theo, người lớn ban ân huệ cho trẻ, trẻ con thuận theo, vua nhân từ, bề tôi trung thành… 10 loại chuẩn tắc quan hệ xã hội cơ bản này gọi là nghĩa của con người (gọi là thập nghĩa). Coi trọng thành tín, giữ gìn hòa thuận, đó gọi là lợi của con người. Tranh đoạt lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau, đó gọi là họa của con người.

Thánh nhân dựa vào lễ để dẫn dắt thất tình, giữ gìn thập nghĩa, tôn sùng lợi của con người, trừ bỏ họa của con người, ngoài lễ ra cũng không có biện pháp nào khác tốt hơn. Ẩm thực, nam nữ là dục vọng lớn nhất của con người; tử vong, nghèo khổ là điều con người chán ghét nhất. Dục vọng lớn nhất và chán ghét lớn nhất này cấu thành hai đại sự mà lòng người ngày đêm suy nghĩ. Mỗi người đều giấu tâm tư đó trong lòng, bề ngoài khó mà đoán biết được. Những suy nghĩ tốt đẹp và xấu xa của con người đều ẩn sâu trong tâm, từ bề ngoài thì không ai có thể nhìn ra được, muốn thống nhất trị sửa tốt những thứ này, ngoài lễ ra thì không còn có biện pháp nào khác.

Ở đây là nói, Thánh nhân biến cả một quốc gia thành một gia đình, biến người dân trăm họ toàn quốc thành một cá nhân, sau đó dùng lễ để trị sửa. Như vậy sẽ kiến lập được một mô hình trị quốc vi diệu, biến tất cả phức tạp thành đơn giản, kiến lập trật tự rành mạch. Mô hình này có thể thông qua quản lý một gia đình để đối ứng với quản lý cả một quốc gia, có thể thông qua quản lý một người dân để quản lý nhân dân toàn quốc. Cũng có thể nói, thông qua mô hình này và cơ chế liên đới đằng sau nó, đưa cả một quốc gia đối ứng với một gia đình, đưa toàn bộ người dân toàn quốc đối ứng với một cá nhân, chỉ cần quản lý tốt một gia đình là có thể quản lý tốt cả một quốc gia, chỉ cần quản lý tốt một người dân là có thể khiến người dân toàn quốc được quản lý tốt.

Thánh nhân dùng trí tuệ để hiểu rõ nhân tính, thấu rõ đạo đức nhân tâm xã hội, từ đó biến quốc gia thành một gia đình, biến bách tính thiên hạ thành một cá nhân, và kiến lập mô hình lễ trị. Thông qua mô hình lễ trị này để từng bước mở rộng, đối ứng, từ cá nhân mở rộng ra, đối ứng đến khắp thiên hạ, từ gia đình mở rộng ra, đối ứng với quốc gia, để kiến lập trật tự, đạt được thiên hạ đại trị. Những điều đã luận thuật ở chương trước, lễ khác nhau dựa vào người và việc khác nhau, phân chia yêu thương thành mức độ khác nhau, phân chia thiên hạ thành thứ bậc, kiến lập trật tự nghiêm minh, kiến lập mô hình phân chia thứ bậc trong xã hội. Sau đó thông qua trật tự này, mô hình phân chia thứ bậc này để từng bước đối ứng mở rộng, tuần tự tiến dần, biến yêu thương trong mô hình xã hội có thứ bậc thành bác ái, biến vị tư thành vị công, dẫn dắt con người từ Nho đến Đạo.

Những mô hình tư tưởng trị quốc được kiến lập bởi những tư tưởng trị quốc khác nhau thì cũng khác nhau, Đạo gia kiến lập mô hình “nước nhỏ dân ít” vô vi nhi trị, Nho gia kiến lập mô hình mở rộng từng bước. Giống như tầng diện và kết cấu thân thể con người mà lý luận Đông y và lý luận Tây y nhắm đến là hoàn toàn khác nhau, nhưng đều có thể trị được bệnh trong tầng diện của mình, do đó phương thức và hiệu quả cũng hoàn toàn khác nhau.

Chúng ta tiếp tục phân tích một chút về mô hình lễ trị của Nho gia.

Trong “Hậu Hán Thư” có viết: Ở nhà hiếu với cha mẹ, mở rộng đến tầng diện quốc gia, có thể trở thành trung với quốc gia, với quân vương, do đó trung thần đều xuất thân từ những gia đình có con hiếu thảo.

Trong mô hình lễ trị, Quốc là do vô số gia đình hợp thành, nên gọi là quốc gia. Quốc có thể coi là gia đình hồng quan, là sự mở rộng và khuếch đại của gia đình, còn gia đình có thể coi là quốc gia vi quan, là đơn vị và cơ sở cấu thành cơ bản của quốc gia. Xưa quân vương coi thiên hạ là nhà, mở rộng gia đình của họ đến toàn bộ thiên hạ, cũng là dựa vào cơ chế này.

Vì vậy thông qua cơ chế này của lễ giáo, chỉ cần xử lý tốt mối quan hệ gia đình thì có thể mở rộng tương ứng đến quốc gia, để cả quốc gia có thể đồng bộ được quản lý tốt dưới cơ chế lễ trị này. Trong gia đình, lòng hiếu thảo với cha mẹ được mở rộng đến phạm vi quốc gia thông qua cơ chế lễ trị, trở thành lòng trung thành của thần dân đối với quân vương, với quốc gia. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái được mở rộng đến phạm vi quốc gia thông qua hệ thống lễ chế, đó chính là lòng nhân ái của quân vương đối với thần dân, của quan địa phương đối với bách tính, thương dân như con, cho nên ngày xưa các quan địa phương thường được gọi là quan phụ mẫu. Các mối quan hệ khác cũng như thế, tất cả đều được kế thừa thành một mạch liên tục thông qua cơ chế lễ trị, đơn giản hóa đất nước thành một gia đình, và thông qua lễ giáo khiến cho quốc gia và gia đình đồng thời được quản lý.

Trong sách “Đại học” đã nói đến: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Đây chính là những tầng hướng đối ứng của mô hình mở rộng từng bước của Nho gia. Tu thân là nhắm vào tầng diện cá thể, tức là coi bách tính toàn quốc là một cá thể để tiến hành giáo hóa, quản lý, sau đó thông qua cơ chế lễ trị của Nho gia, đối ứng từng tầng đến thiên hạ; tề gia là nhắm vào đơn vị xã hội cơ bản nhất được tổ thành bởi những cá thể trong gia đình. Trị quốc là thông qua cơ chế lễ trị tiến hành đối ứng mở rộng “gia” đến tầng diện vĩ mô “Trung Quốc”. Bình thiên hạ là nhắm đến tầng diện vĩ mô hơn quốc gia, là “toàn thế giới”, “toàn nhân loại”, thông qua “trung tâm chi quốc” (Trung Quốc) đem văn minh giáo hóa truyền bá ra toàn nhân loại.

“Thân tu được rồi thì sau đó gia tề, gia tề rồi thì sau đó quốc được trị, quốc trị rồi thì sau đó thiên hạ được bình định”, thông qua cơ chế tự động của mô hình lễ trị này, từng tầng đối ứng, đưa toàn bộ quốc gia từ vi mô đến vĩ mô nối liền thành nhất thể, làm thành nhất mạch tương thông, bởi vì nhất mạch đới bách mạch, thúc đẩy toàn bộ xã hội vận chuyển đồng bộ ở các tầng diện khác nhau, vận chuyển toàn bộ cơ thể xã hội.

Trong “Lễ Ký – Tế Thống” có viết: Con có hiếu phụng dưỡng cha mẹ không gì ngoài ba việc, thứ nhất là khi cha mẹ còn sống thì phải nuôi dưỡng, thứ hai là sau khi cha mẹ qua đời thì phải tuân theo lễ an táng để tang, thứ ba là sau khi an táng xong thì phải cúng tế theo thời gian. Cúng tế là sự tiếp tục nuôi dưỡng sau khi cha mẹ mất, là sự tiếp tục của đạo hiếu.

Nho gia còn giảng “Thờ người đã chết cũng tận tâm như phụng dưỡng người còn sống”. Hiếu với cha mẹ khi cha mẹ còn sống, và sau khi cha mẹ qua đời cần tiếp tục thờ cúng. Thuận theo mô hình mở rộng từng bước của Nho gia mà phát triển tiếp, thì là tiếp tục thờ cúng và tưởng nhớ đối với tổ tiên. Sự khởi đầu của nhân loại là sinh ra từ trời đất, có nguồn gốc từ Thần linh, nên từ sự thờ cúng tổ tiên mà phát triển tiếp, thì cuối cùng mở rộng thăng hoa thành tín ngưỡng và thờ cúng đối với trời đất Thần linh, đó chính là tế lễ. Do đó trong “Quốc Ngữ” viết: “Nói đến hiếu ắt phải thấu đến Thần, làm sáng tỏ với Thần thì mới là hiếu”. Tế lễ nối liền lễ giáo nhân gian với Trời đất Thần linh, dẫn nhập vào nội hàm cuối cùng của lễ và cội nguồn của đạo đức.

Trong “Lễ Ký – Tế Thống” có viết: “Trong ngũ lễ thì quan trọng nhất là tế lễ”.

Tế lễ là lễ cuối cùng, là cội nguồn và tầng diện cuối của của các loại lễ. Nó là đầu mối then chốt nối liền nhân loại với Trời đất Thần linh, là tín ngưỡng, sự sùng kính và cảm ân của nhân loại đối với Trời đất Thần linh, là biểu đạt của tư tưởng trung tâm “Thiên nhân hợp nhất” của Trung Hoa. Nó kết nối cơ chế lễ giáo của Nho gia với Trời đất Thần linh, đưa cội nguồn của lễ vào tầng diện Trời đất Thần linh và tín ngưỡng tinh thần ở tầng sâu, đưa vào cội nguồn của nội hàm đạo đức cao tầng.

Thế nên hiếu là lễ và nghĩa cơ bản nhất của Nho gia, các lễ nghĩa khác đều có thể dựa vào mô hình mở rộng từng bước, rồi từ trên cơ điểm này của hiếu mà mở rộng phát triển ra.

Trong “Tả truyện – Văn Công nhị niên” viết: “Hiếu là khởi điểm của lễ”.

Trong “Lễ Ký – Tế Thống” có viết: “Trên thì thuận với quỷ Thần, ngoài thì thuận với quân vương, trong thì hiếu với cha mẹ”.

Mở rộng hiếu đến tầng diện quốc gia chính là trung với quốc gia với quân vương, đây là sự tương ứng, kéo dài của mô hình mở rộng từng bước ở cùng một tầng diện. Còn mở rộng hiếu đến tầng diện cao hơn chính là sự sùng kính, thuận theo và tín ngưỡng đối với Trời đất Thần linh, đây là cội nguồn của đạo đức. Vì vậy trong lễ giáo Nho gia cực kỳ coi trọng chữ hiếu, nó là khởi điểm nhập môn và cơ sở của lễ nghĩa Nho gia.

Từ khi Trung Cộng cướp đoạt Trung Quốc đến nay, nó đã dốc sức phá hoại văn hóa truyền thống, khiến lễ nghĩa hoàn chỉnh của Trung Hoa được hình thành trên 5000 năm bị hủy chỉ trong sớm tối. Một chút lễ tiết còn sót lại chỉ là còn lại cái vỏ rỗng bề ngoài, hoàn toàn mất đi đạo nghĩa nội hàm đằng sau. Khiến cho lễ nghĩa chi bang (đất nước có lễ nghĩa) đã từng nổi tiếng nhất thế giới trở thành mảnh đất thô tục dã man thiếu tu dưỡng nhất, khiến người Trung Quốc ngày nay đã mất hết đạo đức, mất hết văn minh, trên quốc tế Trung Quốc đã trở thành danh từ thay thế cho khái niệm “thiếu tố chất nhất”.

Lễ của xã hội Trung Quốc ngày nay đã sa trở thành nền tảng giao dịch hối lộ và bợ đỡ quyền thế dơ bẩn, hoặc trở thành công cụ khoe khoang hư danh và so bì quyền thế. Loại lễ bị Trung Cộng làm biến dị này, hoàn toàn đã mất đi nội hàm đạo nghĩa đằng sau, đã trở thành cái xác không hồn, trở thành công cụ làm bại hoại đạo đức xã hội, đẩy nhanh sự sụp đổ của xã hội.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/242734