Tâm oán hận

Tác giả: Học viên đại lục

[ChanhKien.org]

Thuở mới bước vào tu luyện, tôi may mắn được đọc “Câu chuyện tu luyện của Phật Milarepa”, tôi nghĩ nhiều đồng tu cũng sẽ có ấn tượng sâu sắc giống như tôi với việc Phật Milarepa xây toà tháp nhỏ trên núi. Vì việc này mà sư phụ của Phật Milarepa cũng thầm tán thưởng ông: “Thực là một đồ nhi ngoan của ta, chịu uỷ khuất lớn như thế mà không có chút oán hận nào”. Từ đó có thể thấy ảnh hưởng to lớn của tâm oán hận đối với sự tu luyện.

Gần đây, tôi phát hiện ra “tâm oán hận” là một nhân tố lớn mạnh gây trở ngại khiến nhiều học viên không đề cao lên được, thậm chí là loanh quanh mãi trong một tầng. Hôm qua tôi cùng các đồng tu thảo luận về tình huống tu luyện của đồng tu C: cô ấy không giao lưu với hầu hết các đồng tu khác, ngay cả khi tình cờ gặp mặt thì cũng nói qua loa vài câu, nếu không cẩn thận mọi người sẽ bị C gây khó chịu vì những câu không nặng thì nhẹ. Mọi người cũng quan tâm và lo lắng về tâm oán hận chưa buông bỏ được của C, và cũng từ Pháp Lý ngộ ra được nguyên nhân khiến cô ấy có oán hận nặng như vậy. Lúc này, một học viên đột nhiên nhận ra, đó là do tâm oán hận của nhiều học viên hướng đến cô ấy mà thành. Sau khi cuộc bức hại ngày 20 tháng 7 bắt đầu, đồng tu C đã bị bức hại nghiêm trọng trong trại lao động. Sau khi ra, C không nhận được sự quan tâm từ cha mẹ và chồng, cũng không có việc làm, cuộc sống gặp nhiều trắc trở; và các đồng tu một cách tự nhiên đã ra sức giúp đỡ cô ấy. Lúc này đồng tu C hơn 40 tuổi, vóc dáng cũng xinh đẹp và hơi thích trang điểm một chút. Có vài đồng tu đã nói một cách “ai oán” rằng: Người tu luyện mà như thế sao? Nhưng mà đồng tu C tu luyện chưa được hai tháng thì cuộc bức bại xảy ra, cô ấy hoàn toàn chưa có một cơ sở tu luyện vững chắc, trong cơn tức giận cô ấy đã không trang điểm nữa, nhưng trong lòng thì chất đầy oán hận cho đến tận bây giờ.

Vào tháng trước chúng tôi đã nói về việc đồng tu D qua đời vì “bệnh” vào năm 2010 (thời điểm của bài viết là năm 2012), lúc ấy D ngoài 50 tuổi. Mọi người đã bàn luận rất nhiều trước đó, nhưng tôi cảm thấy chúng tôi chưa thực sự điểm trúng trọng tâm. Lần này, một đồng tu vô tình nói rằng cô ấy và chồng luôn có xích mích, gần như cả ngày cô âm thầm oán trách chồng (cũng là đồng tu) đối xử hà khắc với mình. Tôi nhận thức minh xác rằng đó là nhân tố then chốt trở ngại cô ấy đề cao, cũng là nguyên nhân căn bản khiến tà ác bức hại cô.

Tuần trước, một đồng tu nói nhỏ với tôi rằng mẹ của cô ấy (cũng là một đồng tu), vì hai mắt bị chứng đục thuỷ tinh thể không nhìn được nên đành phải đến bệnh viện mổ. Để tránh tạo thêm áp lực cho cô ấy, các học viên khác hiện vẫn chưa được biết chuyện này. Tôi nói “chị nghĩ vấn đề nằm ở đâu?” Cô nói mẹ cô bấy lâu nay vẫn chưa buông bỏ được “oán hận” đối với chồng và con cái, oán hận người con trai mãi vẫn không được như mong muốn của mình.

Ngày hôm trước, tại nhóm nhỏ học Pháp, tôi đã gặp đồng tu M, người có ma sát tâm tính với tôi một tuần trước. Lúc tôi sắp đi khỏi cô ấy đã gửi đến tôi những tín tức không thiện lắm. Khi ra khỏi cửa tôi buột miệng nói với một đồng tu: “Tôi không muốn tiếp xúc với M nữa, không ngờ tâm tính cô ấy kém như vậy”. Tôi kể lại chuyện xảy ra vào tuần trước và nói: “Vốn tưởng nếu gặp lại M, nếu trong tín tức thể hiện ra sự đề cao ở mặt nhận thức thì tôi còn có thể chủ động tìm cô ấy tiếp tục phối hợp, nhưng hiện tại xem ra không cần thiết nữa”. Về đến nhà tôi nhận ra ngay rằng mình lại sai, vì cái sai của cô ấy đã bộc lộ “tâm oán hận” của tôi. Kỳ thực đó là để giúp tôi đề cao mà.

Sư phụ giảng:

“Có người không ngộ, cầu Phật không được, liền bắt đầu oán Phật: ‘Tại sao Ngài không giúp con? Hàng ngày [con] đốt hương dập đầu lạy Ngài [cơ mà].’ Có người vì điều này mà quăng cả tượng Phật, từ đó [lăng] mạ Phật. Vì họ [lăng] mạ, tâm tính của họ cũng rớt xuống, công cũng mất. Họ hiểu rằng mất cả rồi, nên càng hận Phật; họ tưởng rằng Phật [làm] hại họ. Họ dùng cái lý của người thường mà đo tâm tính của Phật; làm sao có thể đo được? Họ dùng tiêu chuẩn người thường mà xét sự việc trên cao tầng; làm sao có thể thế được? Do đó thường hay xuất hiện vấn đề như vậy: coi những khổ [nạn] trong cuộc đời là bất công đối với mình; có nhiều người suy sụp mà rớt xuống”. (Bài giảng thứ tư – Chuyển Pháp Luân)

Ở nhà, bao nhiêu năm qua vợ tôi vẫn luôn oán hận tôi, mãi đến gần đây tôi mới phát hiện ra từ sâu thẳm trong tâm tôi cũng oán vợ, oán rằng vào lúc tôi khốn khó nhất thì cô ấy không những không giúp đỡ mà còn gây khó dễ cho tôi; tôi thường nói với các đồng tu rằng: tôi đã cưới phải người phụ nữ khó tính nhất trên đời. Sau khi tôi tìm ra cái tâm này và từ Pháp Lý ngộ rõ được vấn đề thì vợ tôi thực sự đã bắt đầu thay đổi.

Tâm oán hận được thể hiện ra dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn như: Vì đồng tu có chấp trước nên làm không tốt mà xem thường hoặc không muốn phối hợp; vì người nhà không ủng hộ hoặc đối đãi không tốt với bản thân trong thời gian lâu mà oán hận; ở đơn vị vì những người có mối quan hệ rối rắm phức tạp gây nên những bất công đối với bản thân mà oán hận v.v… Tâm oán hận biểu hiện ra cũng là vừa vặn phản ánh những nhân tâm mà chúng ta chưa buông bỏ, đã đến lúc cần đề cao tâm tính rồi. Kỳ thực, đằng sau tâm oán hận là những nhân tâm phức tạp ẩn tàng, lúc ấy nếu thực sự có thể tìm ra và buông bỏ nó, bạn sẽ phát hiện nội tâm mình chẳng còn chút mùi vị oán hận nào.

Ngày nay “tâm oán hận” là chướng ngại lớn nhất ngăn cách các đồng tu phối hợp với nhau, cũng là hung khí lợi hại mà cựu thế lực vin vào để bức hại chúng ta. Thế nên tôi hy vọng các đồng tu chúng ta có thể xét xem bản thân có phải còn tâm oán hận trường kỳ không ý thức ra được hay không, và kịp thời tu bỏ nó.

Nếu có điều chi không đúng xin các đồng tu từ bi chỉ chính.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/80846