Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp – Đệ tử quy (19)

Ban biên tập tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

見未(1)真,勿輕(2)言;知未的(3),勿輕傳。

事非宜(4),勿輕諾(5);茍(6)輕諾,進退錯。

凡(7)道字(8),重(9)且舒(10);勿急遽(11),勿模糊(12)。

彼說長(13),此說短;不關己,莫(14)閒管(15)。

Bính âm:

見(jiàn) 未(wèi) 真(zhēn), 勿(wù) 輕(qīng) 言(yán);

知(zhī) 未(wèi) 的(dí), 勿(wù) 輕(qīng) 傳(chuán)。

事(shì) 非(fēi) 宜(yí), 勿(wù) 輕(qīng) 諾(nuò);

茍(gǒu) 輕(qīng) 諾(nuò), 進(jìn) 退(tuì) 錯(cuò)。

凡(fán) 道(dào) 字(zì), 重(zhòng) 且(qiě) 舒(shū);

勿(wù) 急(jí) 遽(jù), 勿(wù) 模(bǐ) 糊(hú)。

彼(bǐ) 說(shuō) 長(cháng), 此(cǐ) 說(shuō) 短(duǎn);

不(bù) 關(guān) 己(jǐ), 莫(mò) 閒(xián) 管(guǎn)。

Chú âm:

見(ㄐㄧㄢˋ) 未(ㄨㄟˋ) 真(ㄓㄣ), 勿(ㄨˋ) 輕(ㄑㄧㄥ) 言(ㄧㄢˊ);

知(ㄓ) 未(ㄨㄟˋ) 的(ㄉㄧˊ), 勿(ㄨˋ) 輕(ㄑㄧㄥ) 傳(ㄔㄨㄢˊ)。

事(ㄕˋ) 非(ㄈㄟ) 宜(ㄧˊ), 勿(ㄨˋ) 輕(ㄑㄧㄥ) 諾(ㄋㄨㄛˋ);

茍(ㄍㄡˇ) 輕(ㄑㄧㄥ) 諾(ㄋㄨㄛˋ),進(ㄐㄧㄣˋ) 退(ㄊㄨㄟˋ) 錯(ㄘㄨㄛˋ)。

凡(ㄈㄢˊ) 道(ㄉㄠˋ) 字(ㄗˋ), 重(ㄓㄨㄥˋ) 且(ㄑㄧㄝˇ) 舒(ㄕㄨ);

勿(ㄨˋ) 急(ㄐㄧˊ) 遽(ㄐㄩˋ), 勿(ㄨˋ) 模(ㄇㄛˊ) 糊(ㄏㄨˊ)。

彼(ㄅㄧˇ) 說(ㄕㄨㄛ) 長(ㄔㄤˊ), 此(ㄘˇ) 說(ㄕㄨㄛ) 短(ㄉㄨㄢˇ);

不(ㄅㄨˋ) 關(ㄍㄨㄢ) 己(ㄐㄧˇ), 莫(ㄇㄛˋ) 閒(ㄒㄧㄢˊ) 管(ㄍㄨㄢˇ)。

Âm Hán Việt:

Kiến vị chân, vật khinh ngôn; tri vị đích, vật khinh truyền.

Sự phi nghi, vật khinh nặc; cẩu khinh nặc, tiến thoái thác.

Phàm đạo tự, trọng thả thư; vật cấp cự, vật mô hồ.

Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản; bất quan kỷ, mạc nhàn quản.

Lời dịch:

Chưa chân tỏ, chớ khinh ngôn; biết chưa tường, chớ khinh truyền.

Việc không hợp, chớ khinh thuận; nếu khinh thuận, tiến lui sai.

Thường nói chuyện, trọng từ tốn; chớ nhanh vội, chớ mơ hồ.

Kia nói hay, đây nói dở; không dính mình, chớ rỗi dự.

Từ vựng:

(1) vị (未): chưa, không, không có.

(2) khinh (輕): tùy tiện.

(3) đích (的): đích xác, đích thực.

(4) phi nghi (非宜): không thích đáng, không phù hợp. Phi: không. Nghi: nên, thích hợp.

(5) nặc (諾): dạ, vâng, chấp nhận, đáp ứng, hưởng ứng, ưng thuận, chấp thuận, hùa theo.

(6) cẩu (茍): nếu như.

(7) phàm (凡): thông thường, hễ là, tất cả, hết thảy.

(8) đạo tự (道字): thuyết thoại, nói chuyện. Đạo: nói.

(9) trọng (重): thận trọng.

(10) thư (舒): chầm chậm, từ tốn, thong thả, ung dung.

(11) cấp cự (急遽): cấp tốc. Cự: vội vàng, vội vã.

(12) mô hồ (模糊): mơ hồ, không rõ ràng.

(13) bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản (彼說長, 此說短): ý chỉ người nói chuyện thị phi. Bỉ: cái kia. Thử: cái này. Trường: sở trường, điểm mạnh, ưu điểm, điểm hay. Đoản: sở đoản, điểm yếu, khuyết điểm, điểm dở.

(14) mạc (莫): chớ, không muốn, không được, đừng, không nên, cấm.

(15) nhàn quản (閒管): rảnh rỗi nói chuyện phiếm, bao đồng, xen vào chuyện người khác.

Lời giải thích:

Khi chưa thấy rõ được chân tướng, không được tùy tiện nói loạn, nói lung tung, nói bừa; khi chưa hiểu đích xác, rõ ràng, tường tận, không thể tùy tiện lan truyền, truyền bá.

Việc không thích hợp, không nên làm, không được tùy tiện đáp ứng, thuận theo; nếu như tùy tiện đáp ứng, thuận theo thì dù có trực tiếp làm hay không trực tiếp làm cũng đều là sai.

Hễ là nói chuyện, cần phải thận trọng cân nhắc thái độ sao cho từ tốn; không được nói quá gấp quá nhanh, không được nói chuyện mơ hồ không rõ ràng, nói lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia.

Nghe được người khác nói chuyện đâu đâu, chuyện không liên quan tới mình, không được can dự, tham gia vào.

Câu chuyện tham khảo:

Ác ngữ hại người năm trăm đời làm chó

Khi Già Diệp Phất ở thế gian, có một người tì khưu (hòa thượng) trẻ tuổi chất giọng thanh nhã, giỏi tán thôi (ca vịnh tán thán Phật) tất cả mọi người đều rất thích nghe. Có một lão tì khưu với chất giọng khàn khàn bị vị tì khưu trẻ này vũ nhục rằng giọng của ông như là tiếng chó sủa, mà không biết rằng lão tì khưu này là Thánh giả đã chứng ngộ quả vị La Hán.

Lão tì khưu hỏi vị tì khưu trẻ: “Ngươi nhận ra ta sao?”

“Tôi sớm đã nhận biết ra ông, ông là tì khưu Già Diệp Phất.” Tì khưu trẻ trả lời.

“Bây giờ ta đã chứng được quả La Hán, công phu Phật môn tất cả đều có đủ rồi.” Lão tì khưu nói.

Sau khi nghe xong, vị tì khưu trẻ này mới cảm thấy kinh hoàng tự trách. Bởi vì miệng anh ta xuất ra ác ngôn, phải 500 đời xuất sinh làm chó. Cho đến khi gặp ngài Xá Lợi Phất mới được giải thoát.

Có một đám thương nhân đi sang nước khác làm ăn, họ có nuôi một con chó. Lúc nghỉ ngơi giữa đường, con chó ăn trộm thịt của thương nhân mang theo. Các thương nhân sau khi phát hiện, tức giận dâng trào nên tranh nhau đánh con chó này, nó bị đánh gãy chân rồi bị vứt lại ở một nơi hoang vu. Ngài Xá Lợi Phất dùng thiên mục nhìn thấy con chó này đói khát sắp chết, đã đến bên cạnh nó cho nó đồ ăn và giảng cho nó sự vi diệu của Phật pháp, con chó sau khi chết đầu thai vào nhà một vị Bà La Môn (quý tộc Ấn Độ) nước Xá Vệ.

Một ngày nọ, ngài Xá Lợi Phất một mình cầm bát đi khất thực, vị Bà La Môn nhìn thấy hỏi ngài: “Tôn giả đi một mình, không có sa di (vị tu sĩ chưa nhận giới tì khưu, người xuất gia nhận 10 giới) đi cùng sao?”

Ngài Xá Lợi Phất nói: “Ta không có sa di, nghe nói ngươi có con trai, có thể cho nó xuất gia làm sa di được không?”

Bà La Môn đáp: “Tôi có một đứa con trai, gọi là Quân Đề, tuổi còn quá nhỏ, khó đưa cho ngài sai bảo, để nó lớn hơn một chút tôi sẽ trao cho ngài làm sa di.”

Đến khi đứa nhỏ 7 tuổi, Xá Lợi Phất lại tới thỉnh cầu, Bà La Môn liền đem con trai giao cho Xá Lợi Phất, để nó xuất gia. Xá Lợi Phất vì cậu bé giảng giải đủ loại diệu pháp, đứa trẻ rất nhanh liền khai ngộ, chứng được quả La Hán.

Sau khi Quân Đề sa di chứng ngộ, nhìn thấy nhân duyên ác khẩu quá khứ của mình, và nhìn thấy kiếp trước của mình là một con chó đói, được ngài Xá Lợi Phất cứu, bây giờ lại dạy anh chứng ngộ chính quả, thoát ly biển khổ. Sa di Quân Đề quyết định suốt đời này sẽ làm sa di phục vụ cho ngài Xá Lợi Phất để đền đáp ân sư.

(Trích từ “Hiền Ngu Kinh”)

Bản ghi âm tiếng Trung: http://media.zhengjian.org/media/2008/11/12/dizigui-19.mp3

Dịch từ:http://big5.zhengjian.org/node/45084

http://www.epochtimes.com/b5/10/8/25/n3005682.htm

Chú thích của người dịch:

(a) “Đức Phật Ca Diếp” (tiếng Pāli: Kassapa; tiếng Trung: 迦葉佛) là tên gọi của một vị Phật, là vị Phật thứ ba trong số năm vị Phật của hiền kiếp (Bhaddakappe) và cũng là vị Phật thứ sáu trong số sáu vị Phật trước Phật Thích Ca Mâu Ni, được đề cập trong các phần viết ra sớm hơn của Đại Tạng Kinh Pali. Trong các kinh sách Phật giáo bằng tiếng Phạn vị Phật này được gọi là Kāśyapa.

(b) “Xá Lợi Phất” (tiếng Phạn: śāriputra, tiếng Pali: sāriputta; tiếng Trung: 舍利佛) cũng được gọi là Xá Lợi Tử, con trai của bà Xá Lợi (śāri), là một nhà lãnh đạo tâm linh ở Ấn Độ cổ đại. Ông cùng Mục Kiều Liên là hai đệ tử gương mẫu nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni và được xem là người có “đệ nhất trí tuệ” trong Tăng già thời Phật sinh tiền.

(c) “Bà La Môn” (hay Brahmin, tiếng Pali: brāhmaṇa; tiếng Trung: 婆羅門) là danh từ chỉ một đẳng cấp.

(d) “Tỳ khưu” là danh từ phiên âm từ chữ Bhikkhu trong tiếng Pāli và chữ Bhikṣu trong tiếng Phạn, có nghĩa là “người khất thực”, còn gọi là hoà thượng trong Phật giáo. Người dịch đã dịch thẳng thành hoà thượng để người đọc dễ hiểu.