Hướng nội tìm, tu khứ tâm oán hận

Tác giả: Lục Văn

[ChanhKien.org]

1. Sự nguy hiểm của tâm oán hận

Oán hận là gì? Oán hận là độc tố. Trong tâm oán hận thì sẽ ghen ghét dữ dội; trên miệng chứa oán hận thì lời nói bất thiện làm tổn thương người khác. Không oán hận mới có đức, không oán hận mới xuất khỏi tam giới.

Sư phụ giảng:

“Cầu Phật không được, liền bắt đầu oán Phật: ‘Tại sao Ngài không giúp con? Hàng ngày [con] đốt hương dập đầu lạy Ngài [cơ mà].’ Có người vì điều này mà quăng cả tượng Phật, từ đó [lăng] mạ Phật…coi những khổ [nạn] trong cuộc đời là bất công đối với mình; có nhiều người suy sụp mà rớt xuống.” (Chuyển Pháp Luân)

Oán hận có thể nảy sinh từ việc truy cầu, cầu không được thì tâm sinh oán hận. Oán hận có thể sinh ra nhiều chủng tâm khác nhau như tật đố, thù hận, tức giận, đau khổ, tranh đấu, ác độc. Oán hận khiến người ta rớt tâm tính, oán hận khiến người ta rớt tầng thứ, oán hận có thể khiến người ta hủy xuống đến đáy.

Có đồng tu trách hận chồng mình, trách móc nhà chồng, mãi không buông tâm xuống được, oán hận lâu ngày thành bệnh, rồi ôm hận mà ra đi. Một số đồng tu oán trách lẫn nhau, nhìn nhau thấy chướng mắt, mâu thuẫn chồng chất, lục đục hao tổn tinh lực. Có đồng tu cảm thấy bản thân mình phó xuất nhiều, chịu đựng nhiều, nhưng bệnh tật đầy thân, trong thâm tâm oán hận Sư phụ; nhưng hận là vật chất màu đen, nó ngăn trở pháp lý triển hiện, cũng ngăn trở người tu luyện xuất thần thông, cuối cùng ôm hận mà bị cựu thế lực đào thải đi.

Tục ngữ có câu: “oán thiên giả vô chí, oán nhân giả cùng khổ”, nghĩa là kẻ oán hận ông trời sẽ không có chí, kẻ oán hận người khác thì sẽ vô cùng khổ sở. Một sinh mệnh mang oán hận càng nhiều thì nghiệp lực của người đó càng lớn, chính là càng xấu, càng đau khổ, càng nguy hiểm hơn. Nếu không kịp thời thanh trừ oán hận, lâu ngày không vứt bỏ, ma oán sẽ tìm đến cửa, ác quỷ phụ thể, ma nạn, bệnh tật, nguy hiểm cũng ùn ùn kéo tới. Một số đồng tu trạng thái không tốt trong thời gian dài, trong đó có người nguyên nhân căn bản là không vứt bỏ tâm oán hận. Chỉ khi thiện tâm không oán không hận, khoan dung từ bi, mới có thể gặp dữ hóa lành, chuyển nguy thành an.

Từ xưa đến nay, một sinh mệnh oán hận Sư phụ, là không xứng tu luyện, cũng không thể tu luyện được, bởi vì người ấy ma tính trầm trọng, Phật tính kém. Tu luyện trong Đại Pháp, người oán hận Sư phụ càng không xứng học Đại Pháp, không xứng được Đại Pháp canh tân, cho nên không thể hết bệnh. Thần chỉ có thể cứu người có tín tâm, không cách nào cứu giúp người có tâm oán hận, oán hận nghĩa là không tin, bất mãn và ôm hận.

2. Oán hận là ma tính

Có người oán hận vì tự cho rằng mình bị đối xử bất công, trong tâm cảm thấy bất bình, đó cũng là tật đố. Bất bình, oán hận, tật đố đều là ác niệm, cũng chính là ma tính. Trong tâm người đó cảm thấy khổ, trong lời nói chứa đựng oán hận, biểu lộ ra là căm ghét người khác.

Sự oán hận trong tâm cũng giống như ngọn núi lửa đang hoạt động, khi nó bộc phát thì tức giận sẽ tuôn trào, người này có thể tranh đấu, chửi bới lung tung, hoặc là giết người phóng hỏa, có thể tạo nghiệp lớn. Dù chỉ hơi có chút giận dữ, thù hằn, nhưng nếu ta không kịp thời khống chế, bài xích, phản đối, diệt trừ, thì nó sẽ không ngừng bành trướng, để càng lâu thì bị càng nặng. Khi chúng ta hễ động một tí là bất mãn, phàn nàn oán trách, oán than khắp trời, miệng lúc nào cũng lảm nhảm, thì sẽ mất đi chính niệm, bản thân giao cho oán hận kiểm soát mất rồi.

Chúng ta cần tỉnh táo nhận ra: oán hận quá xấu xa, oán hận là ma tính, oán hận là nghiệp lực, cần phải tinh tường nhận ra nó. Vậy nên, chúng ta cần phải nắm bắt nó mọi lúc. Nếu chủ ý thức rất mạnh thì có thể triệt để thanh trừ nó.

3. Bản chất của oán hận

Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“Hiện nay người ta như vậy đấy, hễ gặp vấn đề là trước tiên [họ] đẩy trách nhiệm, có tại họ hay không thì cũng đẩy cho [người khác].”

Tại sao lại oán hận người khác nhỉ? Vì vấn đề được quy cho người khác, không quy về bản thân mình, cũng chính là đẩy ra ngoài, nên mới oán hận. Khi xảy ra sai sót, cuộc sống gặp phải phiền phức, tiền đồ trắc trở, thì người này đều tìm lỗi ở người khác, rồi sinh lòng bất mãn.

Khi oán giận người khác, hoàn toàn không nhận ra bản thân mình có trách nhiệm, nên hướng nội tìm.

Trong khi chúng ta oán hận, cũng chính là hướng ngoại tìm, hướng ngoại cầu. Họ không coi bản thân mình là người luyện công, không nhìn vấn đề dựa trên Pháp, không hề hướng nội tìm, không chân tu thực tu. Người khác chẳng hề đáng ghét, mà là chính bản thân chúng ta không tu nên mới gặp chuyện, mới sinh lòng oán hận.

Oán hận hoàn toàn là một quan niệm biến dị. Khổng Tử có câu “bất oán thiên, bất vưu nhân” (Nghĩa là không oán trời, không trách người). Mạnh Tử có câu “Hành hữu bất đắc phản cầu giả kỷ” (Nghĩa là làm mà chẳng được thì phải quay lại xét bản thân mình). Còn tu luyện trong Đại Pháp, hướng nội tìm là sự khác biệt căn bản giữa người tu luyện và người thường. Vậy nên, hướng ngoại tìm mà sinh lòng oán hận là hoàn toàn sai lầm.

4. Biểu hiện của oán hận

Oán hận là ma tính, là nghiệp tư tưởng, là vật chất, nó cũng là sinh mệnh, cũng có hình tượng. Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“Bởi vì ở không gian khác hết thảy đều có sinh mệnh, nghiệp cũng như thế.”

“Nhưng chư vị biết chăng, thế nào là người xấu và người tốt? Chứa đựng trong tâm chư vị là những thứ hận, những thứ ác, thì mọi người nghĩ xem đó là sinh mệnh gì? Sẽ biểu hiện ra ở hành vi, thậm chí biểu hiện ngay trên mặt, người ta xem chư vị thảy đều là ác.” (Trích Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)

Nếu trong lòng đầy oán trách, lời nói đầy oán khí, thì khẳng định mặt đầy rắc rối, nổi giận đùng đùng, ngôn từ sắc nhọn.

Hình tượng của oán hận giống như một oán phụ đầu bù tóc rối, hình dáng hốc hác, mặt mày ủ dột, vẻ mặt uất hận, tiếp xúc với người này khiến người ta cảm thấy ức chế, phiền não, bất an. Cho dù dung mạo như tiên thì cũng không dễ thương chút nào. Cái khuôn mặt oán hận cứng đờ, lạnh như băng, bực tức chỉ toát lên vẻ mặt đau khổ, xấu xa.

Biểu hiện của oán hận là: trách móc tùy tiện, bắt bẻ người khác vô cớ, canh cánh trong lòng, nhớ mãi không quên, ghét bỏ mọi thứ, không ngừng lải nhải, than khổ khắp nơi, không cách nào buông lỏng, không thể tha thứ.

Con người càng oán trách, càng thù hận, thì càng nuôi dưỡng ma oán, quỷ oán hận sẽ càng lớn mạnh, càng hung hăng phách lối. Có đồng tu sắc mặt u ám thời gian lâu, bắp thịt căng cứng, vẻ mặt cứng nhắc, lời nói khiêu khích, mở miệng là thấy oán hận, chính là bị oán hận khống chế. Tâm oán hận còn dễ thu hút linh thể tầng thấp, loạn quỷ, đến mức bị can nhiễu trong thời gian dài.

5. Hướng nội tìm, tu khứ oán hận

Nếu một người tu luyện thành thục, có cơ sở, thì gặp phải bất kể chuyện gì, bất kể sai lầm nào, bất kỳ ma nạn nào, đều sẽ nhìn vấn đề một cách chính diện, chủ động, tích cực tìm nguyên nhân ở bản thân mình; không né tránh mâu thuẫn, không trốn tránh mâu thuẫn, vui vẻ mà phó xuất, mà chịu đựng, mà gánh vác. Chỉ khi cố gắng hướng nội tu bản thân, không hướng ngoại và đẩy trách nhiệm cho người khác, thì mới có thể đề cao tầng thứ.

Sư phụ giảng:

“Nói thẳng ra, có thể đắc Pháp hay không, có thể tu đến rốt ráo hay không, [thì] can nhiễu của những người khác nhau là khác nhau, những phiền phức đều là do bản thân mình đã tạo trong quá khứ; ai cũng chớ có oán [trách]. ” (Trích Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [2006])

Càng hướng nội tìm thì hướng ngoại oán trách càng ít. Hướng nội tìm vô điều kiện sẽ không còn hướng ngoại tìm, cũng tự nhiên không oán không hận.

Người xưa nói: Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế nhân quá. (Nghĩa là người tu đạo chân chính, không nhìn vào cái sai của người khác. Nếu thật sự làm được “bất kiến thế nhân quá”, chỉ tìm lỗi của bản thân, thì làm sao mà oán hận người khác được chứ?

Sư phụ giảng:

“Hễ có vấn đề hãy hướng nội mà tìm, đó là chỗ khác biệt căn bản giữa đệ tử Đại Pháp và người thường.” (Trích Gửi trạm phụ đạo Đại Pháp tỉnh Sơn Đông, Tinh tấn yếu chỉ)

Khi chúng ta oán hận, sẽ không hướng nội tìm; chúng ta đang oán trách điều gì, chính là vứt bỏ không được thứ ấy; chúng ta đang oán trách ai, thì là đang không tha thứ cho người đó. Tất cả đều là vấn đề của bản thân chúng ta, tìm ở bản thân còn chưa kịp mà lại oán trách người khác đó là không đạo lý.

6. Biến oán hận thành cảm ơn

Sở dĩ chúng ta oán hận người khác là bởi vì chúng ta đứng tại góc độ của người thường mà nhìn vấn đề, cảm thấy danh lợi tình của bản thân bị thương tổn. Đứng tại góc độ người tu luyện mà nhìn vấn đề, nếu không có người tạo ra mâu thuẫn, chúng ta hoàn toàn không thể phát hiện ra nhân tâm, chấp trước, ma tính của bản thân, cũng không thể đề cao lên được.

Nếu không có ai tạo ra thống khổ thì nghiệp lực của chúng ta không thể nào tiêu được. Vậy thì ốm đau, khổ nạn, tai họa,…nối tiếp nhau như hình với bóng, nguy cơ đầy rẫy. Nếu không có ai bắt nạt chúng ta, có nghĩa là không ai cấp đức cho chúng ta, không có đức, thì không có công, không có tầng thứ, không có quả vị. Nếu không có ai công kích chúng ta, không có mâu thuẫn, thì làm sao có thể đề cao tâm tính và viên mãn được đây?

Như vậy, tất cả những tổn thương chẳng phải để chúng ta ngộ, giúp sức, là những điều được ban tặng cho chúng ta sao? Chuyển biến quan niệm người thường, biến oán hận thành cảm ơn, là phương pháp tốt nhất để tu khứ oán hận.

Khi tâm oán hận khởi lên, thì không ngừng đọc thuộc lòng Pháp lý “nhất cử tứ đắc”, Pháp là thanh kiếm chém yêu ma, Pháp là linh đơn trừ ma, cho dù oán hận cứng như thép luyện trăm lần thì có Pháp cũng sẽ biến thành mềm. Học thuộc Pháp có tính nhắm thẳng một cách kiên trì bền bỉ chính là trừ bỏ ma tính, tăng cường Phật tính.

7. Tâm không ở hồng trần thì không còn oán hận

Chân tu không phải chỉ buông bỏ danh lợi bên ngoài, còn cần phải buông bỏ nhân tâm bên trong. Oán hận là tình của con người, làm cho người ta mê muội, si mê, lưu luyến hồng trần, trong lòng đầy ưu phiền, nếu tâm không tại cõi trần thì không có oán hận. Nếu ôm hận thì không thoát khỏi cái xác của con người, không thể thành thần.

Sư phụ giảng:

“Tôi tuyệt đối sẽ không có ân oán với con người. Chư vị nói tôi tốt, chư vị nói tôi xấu thì đều không động được tâm của tôi, do đó tôi có thể biết được tâm của chư vị.” (Trích Giảng Pháp tại Pháp hội các phụ đạo viên ở Trường Xuân [1998])

“Tất nhiên, tôi sẽ không bao giờ oán hận bất kỳ ai, tôi chỉ giảng Pháp lý cho tất cả mọi người, giảng một đạo lý này. Cho dù chư vị lăng mạ tôi, tôi cũng không oán chư vị, bởi vì tâm của tôi không ở trong người thường.” (Trích Giảng Pháp tại Pháp hội Australia [1999])

Nếu bạn coi mình là người tu luyện, là vị thần cao hơn người thường, tâm không tại cõi người, thì sẽ không oán người khác. Sư phụ giúp người, cứu người, thương xót con người, chưa bao giờ oán người khác, nếu chúng ta oán người khác, chúng ta sẽ hổ thẹn với sự dạy bảo của Sư phụ, thật hổ danh đồ đệ Đại Pháp.

8. Lời kết

Oán hận là gì? Oán hận là độc tố. Trong tâm oán hận thì sẽ đố kỵ; miệng chứa oán hận, lời nói hung ác làm tổn thương người khác. Người tu luyện cần mang tâm từ bi, lời nói thốt ra hoa sen, do vậy cần thanh trừ triệt để tâm oán hận.

Khi chúng ta ôm mối hận xưa trong lòng, thì chính là oán hận chất chứa ghen ghét dữ dội; khi chúng ta liên tục chỉ trích thì chính là tiếng oán hờn khắp nơi; khi chúng ta muốn nói người khác sai, thì là oán giận người khác; khi chúng ta “kén cá chọn canh”, yêu cầu người khác thế này thế nọ mới được, thì cần cảnh giác oán giận đang nhe nanh múa vuốt.

Oán hận ẩn núp trong tâm, oán hận quấn đầy thân. Nó nghĩ đủ mọi cách để theo sát chúng ta mọi lúc, trăm phương ngàn kế theo chúng ta khắp nơi, nó hy vọng chúng ta vĩnh viễn ôm hận, vậy mới có thể cung cấp năng lượng cho nó, nó mới có không gian sinh tồn, nó mới có thể kéo dài mạng sống.

Nó sợ bị phát hiện, bị thanh lý, cho nên sẽ phản kháng để không bị tiêu diệt. Do vậy, oán hận sẽ không tự biến mất, nó không cam tâm bị diệt trừ, chỉ khi chúng ta tích cực chủ động, cảnh giác oán hận mọi lúc mọi nơi, nắm bắt nó, thanh trừ nó, giải thể nó, nó mới không còn chỗ ẩn náu, dần dần bị thanh trừ hoàn toàn.

Oán hận là ác, làm tổn thương chính mình; oán giận là độc tố, làm tổn thương người khác; oán hận là tà sẽ chiêu mời ma. Người có oán hận sẽ ít từ bi, sẽ không được cứu độ; oán hận nhiều thì phiền não nhiều; oán cái không tốt của người khác, thì cũng tăng cái sai của bản thân; nếu tu khứ oán hận thì sẽ tự sinh thiện tâm; oán hận tiêu tan tâm mới vui vẻ.

Không oán hận thì mới có đức, không oán hận thì mới có thể siêu thoát. Con người có oán thì có khổ, Phật không oán nên Phật không ưu sầu. Buông bỏ oán hận, bỏ qua đúng sai, vứt bỏ tranh đấu, tha thứ cho người, dứt khỏi nhân tâm, như vậy thì bản thân mình mới có thể ung dung, hoàn thiện bản thân, thăng hoa tự mình. Buông bỏ oán hận, mới có đại tự tại, đại thanh tịnh, đại giải thoát.

Trên đây là hiểu biết nông cạn của cá nhân, xin đồng tu từ bi góp ý.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/271430