Dịch Đạo và ngũ hành (5): Hình thức triển hiện của Dịch Đạo

Tác giả: Chiếu Viễn

[ChanhKien.org]

7. Hình thức triển hiện của Dịch Đạo

Cuốn sách Chu Dịch xưa nay vẫn bị coi là một bộ sách bói toán, kỳ thực bói toán chỉ là một hình thức tồn tại, đồng thời cũng chỉ là một trong những công năng của Dịch Đạo. Bởi vì Thiên Đạo cần phải được lưu tồn ở thế gian và truyền cho hậu nhân, nên cần phải có phương thức triển hiện mà thế nhân có thể lý giải và chấp nhận được. Những người nghiên cứu dịch học trong hậu thế, từ Khổng Tử cho đến Chu Hy, rồi cho đến ngày nay, tuyệt đại đa số họ đều là nhận thức của Nho gia, dùng phương thức tư duy của Nho gia để giải thích Dịch Đạo, do vậy trong con mắt của thế nhân thì Dịch Đạo ngày càng giống với văn, sử, triết học của ngày nay, đương nhiên trong Địch Đạo cũng quả thực là có chứa đựng và bao quát hết những học vấn đó, có điều từ “Dịch truyện” mà xét, thì nhận thức của các thánh hiền thời cổ mà đại biểu là Khổng Tử đối với Dịch Kinh là cực cao, nhận thức đó đã rất gần với nhận thức của Đạo gia rồi. Ngoài đó ra, trong Dịch Đạo còn bao hàm cả không gian thời gian cho đến quy luật vận hành và kết cấu nội tại của vạn vật chúng sinh v.v., phương thức tư duy này chính là thuộc về Đạo gia, cụ thể như sự lý giải và vận dụng của Lý Thuần Phong, Thiệu Ung, Lưu Bá Ôn v.v. đối với Dịch Đạo đều là thuộc về phạm trù Đạo gia. Có điều nói đi cũng phải nói lại, bản thân “Dịch Đạo” chính là đang giảng Đạo âm dương, Nho gia và Đạo gia một âm một dương, ở tầng thứ rất cao mà xét, thì hai gia phái này đều là một trong những hình thức biểu hiện của Đại Đạo, do vậy nhận thức của cả Nho gia và Đạo gia đều đúng đắn, chỉ là nhận thức của Đạo gia là cao hơn, cụ thể hơn, và cũng khó để người thế gian lý giải hơn mà thôi.

Người viết cho rằng nhận thức đối với Dịch Đạo then chốt là ở chỗ lý giải đối với hai quẻ là Càn (☰)và Khôn (☷), đây là ranh giới phân định việc người học coi Dịch Đạo là học vấn của người thường hay là học vấn siêu thường. Quẻ Càn thuần dương, quẻ Khôn thuần âm, quẻ Càn tượng trưng cho Thiên Đạo (Đạo của Trời), quẻ Khôn tượng trưng cho Địa Đạo (Đạo của Đất). Ở đây, Thiên và Địa ngoài việc biểu thị hàm nghĩa là bầu trời, mặt đất, thiên thể, địa cầu ra, thì hàm nghĩa thực sự của Thiên và Địa là thời gian và không gian. Nghĩa là, quẻ Càn đại biểu cho thời gian, quẻ Khôn đại biểu cho không gian. Trong không gian này của chúng ta, biểu hiện trực quan của thời gian chính là sự vận hành của Mặt Trời, do vậy trong hai chữ là thời (時) và gian (間) đều có chữ Nhật (日), trong lời nói hàng ngày, việc người ta sống qua từng ngày từng ngày cũng được người Trung Quốc gọi là “quá nhật tử”, Thiên chính là Nhật, Nhật chính là thời gian. Vì vậy quẻ Càn có thể tượng trưng cho Thái Dương, trong Dịch Truyện gọi Càn là “Đại Xích”, cũng là nguyên nhân này. Hàm nghĩa của Địa, ngoài việc chỉ mặt đất, địa cầu ra, thì còn chỉ không gian, chúng ta thấy quẻ tượng của quẻ Khôn là ☷, đại biểu cho hư không vô trở ngại, vô vật. Bởi vì quẻ Càn đại biểu thời gian, đại biểu cho Thái Dương, sự vận hành của thời gian là vĩnh viễn vô cùng tận, Mặt Trời thời thời khắc khắc đều đang vận hành, do vậy đặc tính của quẻ Càn là cương kiện dũng mãnh, tinh tấn không dừng. Quẻ Khôn đại biểu cho không gian, đặc điểm chủ yếu của không gian là một chữ “không”, bởi vì là không, không có vật gì, rộng lớn vô biên, vì vậy đặc tính chủ yếu của không gian chính là tĩnh chỉ bất động, lại có thể gánh vác và bao dung vạn vật. Cổ nhân giảng Thiên động Địa tĩnh, Trời tròn Đất vuông (thiên viên địa phương), chính là vì nguyên nhân đó. Ở đây chữ “Viên” nghĩa là viên thông không có trở ngại, chữ “phương” nghĩa là rộng lớn vô biên.

Vì không gian là không có vật gì nên tĩnh chỉ bất động, không gian vì là không có vật gì, nên có thể được vạn vật lấp đầy. Bản chất của không gian giống như một vật chứa khổng lồ, thời gian vận hành ở trong đó, không có điểm kết thúc. Quẻ Khôn thuần âm, âm cũng là ẩn, do vậy bản thân không gian là điều mà chúng sinh bên trong đó vĩnh viễn không nhìn thấy được nó. Đặc tính của không gian là không, nhưng bản thân không gian là tồn tại vật chất, trong bài trước chúng ta đã từng nói, bản chất của không gian này chính là nước, vật chất cấu thành nên không gian chính là nước. Không gian lấy nước làm thể, lấy không làm dụng. Nước này không phải là nước mà mắt thịt của nhân loại có thể thấy, mà là nước của một trong những biểu hiện ra đến tận cùng của khí tiên thiên; nước này có mặt ở khắp không gian này, tồn tại lập thể toàn phương vị (tất cả các phương hướng), vạn vật chúng sinh trong ngũ hành đều ở trong nước; nước này chính là cơ sở sinh tồn và môi trường hoạt động của vạn vật chúng sinh trong ngũ hành; là mẹ của vạn vật và nguồn gốc của sinh mệnh, do vậy quẻ Khôn cũng chỉ người mẹ. Trong “Đạo Đức Kinh” Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thuỷ, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xứ chúng nhân chi sở ố, cố cơ vu đạo” (dịch nghĩa: Hãy thiện lớn giống như nước vậy. Nước giỏi làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành, ở nơi mọi người ghét, cho nên gần với Đạo). Thuỷ mà Lão tử giảng ở đây, vừa là thuỷ ở trong vi quan, lại vừa là thủy mà mắt thịt của chúng ta nhìn thấy, hai tầng ý nghĩa đó đều có.

Trong “Dịch truyện” giảng: “Địa thế Khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật.” Địa ở đây vừa có ý là không gian, vừa có ý là mặt đất. Thế, cùng nghĩa với “[hình] thức”, có ý là trạng thái, mô thức, tình trạng. Cho dù là không gian hay mặt đất, thì đều là thể hiện Đạo của quẻ Khôn, đều phù hợp với nguyên tắc của quẻ Khôn, do vậy đều có thể mang chở vạn vật, bao dung vạn vật. Là người quân tử, cũng nên học theo Đạo của “Khôn”, dùng khoan hậu nhân đức để bao dung vạn vật, từ bi chúng sinh.

Điều mà Đạo của Càn thể hiện là thời gian, hình thức biểu hiện của thời gian trong không gian này của chúng ta chính là Thái Dương, Đạo của Càn cũng đại biểu cho tinh thần của vạn vật, là nguồn gốc năng lượng cho sự phát triển vận động của vạn vật chúng sinh. Từ căn bản nhất mà nói, Càn Đạo chính là Thiên Đạo, là thể hiện ý chí của vô cực Đại Đạo (Sáng Thế Chủ). Quẻ Càn thuần dương, chữ dương có cách viết dạng chính thể là 陽, Dương là một chữ hội ý, kết cấu của nó là một chữ 阜 (phụ: núi đất) và thêm một chữ 昜 (dương). Chữ 阜 chỉ lục địa, ngoài ra còn có ý thịnh vượng, to lớn và phong hậu. Chữ 昜 gồm 3 chữ là nhật (日)、一 (nhất) 、 勿 (vật) ghép lại. Nhật chỉ thời gian, nhất chỉ toàn bộ, chữ vật cùng nghĩa với chữ 物 (vật chất). Do vậy bản ý của chữ dương chính là mỗi thời mỗi khắc đều có sự vật mới được sinh ra, cũng chỉ việc mỗi thời mỗi khắc vạn sự vạn vật đều đang biến hoá canh tân. Vì vậy, nội hàm bản chất nhất của Dịch Đạo chính Càn Đạo, cũng chính là Đạo biến hoá, trong “Dịch truyện” nói “sinh sinh chi vị dịch” (tạm dịch: sinh ra không ngừng thì gọi là dịch), cũng chính là vì nguyên nhân này.

Trong “Dịch truyện” có giảng: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”. Kiện ở đây nghĩa là Càn, pháp tắc vận hành của Thiên Đạo chính là Càn Đạo, Càn Đạo tượng trưng cho cương kiện dũng mãnh, tích cực tiến thủ, vĩnh viễn không dừng lại, do vậy quân tử nên học theo Càn Đạo, “Chung nhật càn càn, Tịch dịch nhược lệ”, mỗi thời mỗi khắc đều cần đổi mới quan niệm, thu hoạch tri thức, hơn nữa cẩn thận thận trọng, kỵ việc buông lơi, như vậy mới có thể có sinh mệnh vĩnh hằng, đây chính là đức hạnh lớn nhất của một con người. Do vậy trong “Dịch truyện” còn nói: “Nhật tân chi vị thịnh đức”, cũng là vì nguyên nhân này.

Điều mà Càn Đạo thể hiện là Đạo biến hóa, do vậy bản chất của Càn Đạo là trình tự phát triển biến hóa của vạn vật chúng sinh, trình tự này cũng gọi là định số, cũng gọi là Thiên số. Điều mà Khôn Đạo thể hiện là đặc trưng của kết cấu không gian. Bởi vì tất cả mọi thứ trong thời không này của chúng ta đều là bát quái hóa, do vậy trình tự của Càn Đạo có thể dùng 64 quẻ để biểu thị, kết cấu không gian của Khôn Đạo cho đến phân bố của vật chất và sinh mệnh cũng có thể dùng 64 quẻ để biểu thị. Nếu như muốn dùng một đồ hình để biểu đạt lý niệm này một cách hoàn mỹ, thì chính là “biểu đồ tròn vuông 64 quẻ tiên thiên” được truyền ra bởi nhà dịch học lớn thời Bắc Tống là Thiệu Ung tiên sinh. Đồ hình như sau:

Bộ phận hình tròn bên ngoài của đồ hình này tượng trưng cho Thiên Đạo (Càn Đạo), bộ phận hình vuông bên trong tượng trưng cho Địa Đạo (Khôn Đạo), đối với vạn vật chúng sinh mà nói, bộ phận tròn bên ngoài tượng trưng cho trình tự phát triển hoặc trạng thái tinh thần của sinh mệnh, bộ phận hình vuông bên trong tượng trưng cho kết cấu thân thể và phương vận động của sinh mệnh đó. Trong “Dịch Truyện” có viết “tại Thiên thành tượng, tại Địa thành hình, biến hóa kiến hỹ”, xã hội nhân loại có hình thức xã hội như thế nào, là do ở không gian cao tầng có thiên tượng tương ứng xúc tác mà thành. Thiên tượng chính là trình tự mà sinh mệnh cao cấp lập ra trong thời gian, trình tự đó có thể dùng một trong 64 quẻ ở vòng ngoài để biểu thị, thế cục chỉnh thể của xã hội nhân loại lại có thể dùng một trong 64 quẻ ở hình vuông bên trong để biểu thị, khi thiên tượng và hình thế xã hội của nhân loại đối ứng với nhau, thì hai quẻ này là cùng một quẻ. Giống như chúng ta xem chiếu phim vậy, màn ảnh rộng chính là như không gian, máy chiếu và ống kính chính là thời gian, các hình ảnh nội dung vẽ trong cuộn phim chính là như thiên tượng biến hóa, những gì mà các hình vẽ đó triển hiện ra trên màn hình chính là hình thế xã hội cụ thể. Từ ví dụ đó mà xét, thì tất cả những phát triển biến hóa trong xã hội nhân loại đều là thể hiện của thiên tượng, cũng là trình tự vận hành đã được xác định xong từ lâu, tất cả đều có định số. Do vậy những người tinh thông Dịch Đạo ở các triều đại xưa nay, từ trên hồng quan thì họ có thể dự đoán và biết được diễn hóa phát triển của xã hội nhân loại, ở vi quan thì có thể dự đoán được con đường phát triển của từng sự vật từng việc của một cá thể sinh mệnh, những ví dụ như thế nhiều không kể xiết, có rất nhiều sự việc cũng được ghi chép lại trong chính sử.

Việc lý giải đối với hai quẻ Càn Khôn như ở trên là thuộc về sự thể hiện của Dịch Đạo trong ngũ hành, nếu như dùng lời của giới tu luyện mà nói, thì chính là thể hiện của Dịch Đạo trong Thế gian Pháp. Khi vượt qua cảnh giới ngũ hành, đứng tại góc độ của Đại Giác Giả, Đại Đạo mà nhìn, thì chỉnh thể cái thời không do ngũ hành cấu thành ấy chính là thể hiện của Khôn Đạo, trong bài trước chúng ta cũng đã nói đến, trong các sinh mệnh đã ra khỏi ngũ hành mà nói, bản chất của ngũ hành chính là đất, chính là địa. Số của Thổ là Ngũ, màu sắc là màu vàng, do vậy hào Lục Ngũ [1] trong quẻ Khôn được đề là “Hoàng Thường, Nguyên Cát”.

Từ góc độ Đại Đạo mà nhìn, toàn bộ ngũ hành chính là Địa, cảnh giới cao hơn ngũ hành chính là Thiên, Càn Đạo chính là Đại Đạo, chính là Thiên Đạo, Ngũ hành chính là Khôn Đạo, chính là Địa Đạo. Càn Đạo thuần dương, là thể, Khôn Đạo thuần âm, là dụng. Tất cả những gì tồn tại trong Khôn Đạo đều là thể hiện của ý chí của Càn Đạo, đều là để cho Càn Đạo dùng. Tất cả các sinh mệnh và vật chất trong Càn Đạo (cao hơn Ngũ hành) đều phù hợp với đặc trưng của quẻ Càn, đều là trạng thái kim cương bất phá, sinh mệnh vĩnh hằng, phúc phận vô hạn, trí huệ vô hạn và đại quang minh, đại tự tại, do vậy hào Dụng Cửu [2] trong quẻ Càn viết: “Kiến quần long vô thủ, cát”. Tượng hào của nó viết: “Thiên Đức bất khả vi thủ dã”. Mà vạn vật chúng sinh trong ngũ hành đều phù hợp với đặc trưng của quẻ Khôn, nghĩa là, bản chất của tất cả những gì tồn tại ấy đều là Thổ, đều bị vùi trong Thổ, đối với con người mà nói, nếu không thể bước ra khỏi ngũ hành, thì vĩnh viễn bị vùi trong Thổ, cuối cùng cũng chỉ có thể trở thành bụi đất trong vũ trụ. Chỉ khi thuận theo Thiên Đạo, khắc khổ tu hành, tinh tấn không ngừng, mới có hy vọng được giải thoát, bước ra khỏi ngũ hành, mới có thể thoát khỏi Khôn Đạo, thăng hoa lên, cuối cùng quy về Thiên Đạo. Do vậy hào Dụng Lục của quẻ Khôn viết: “Lợi vĩnh trinh.” Trinh, cũng có nghĩa là chính, tượng hào của nó là: “Dụng lục vĩnh trinh, dĩ đại ước dã.”

Trong ngũ hành, còn có hai quẻ cũng rất quan trọng, đó chính là Khảm (☵) và Ly(☲), quẻ Khảm (☲)trong ngũ hành là Thủy, quẻ Ly là Hỏa, bản chất của không gian này của chúng ta là Thủy, bản chất của thời gian là Hỏa, do vậy trong nguyên lý Thái Cực, thể hiện trực tiếp của quẻ tượng trưng cho quẻ Càn thuần dương trong ngũ hành chính là quẻ Ly, thể hiện trực tiếp của quẻ Khôn thuần âm trong ngũ hành chính là quẻ Khảm. Từ góc độ này mà nói, hai quẻ Càn Khôn và hai quẻ Khảm Ly chính là quan hệ giữa Đạo và Khí (khí trong khí cụ), và đó cũng là mối quan hệ giữa thể và dụng. Quẻ Càn là thể, quẻ Ly là dụng. Quẻ Không là thể, quẻ Khảm là dụng. Âm và dương trong Thái Cực chính là hai quẻ Càn Khôn trong cảnh giới tiên thiên, ứng dụng trong ngũ hành chính là quẻ Khảm và quẻ Ly. Bởi vậy từ Đại giác giả mà nhìn, hoàn cảnh của các sinh mệnh trong ngũ hành vĩnh viễn là nước sâu, lửa bỏng, khổ hải vô biên.

Chú thích:

[1] Hào Lục Ngũ trong quẻ Khôn: trong kinh dịch người ta dùng Lục để gọi hào âm (hào có 2 gạch đứt), Ngũ là hào thứ năm tính từ dưới lên.

[2] Dụng Cửu: Dụng Cửu vẫn không phải là một hào, nhưng theo về Hào từ của Chu Công, thì cũng giả thiết làm một hào. Bởi vì nguyên lí của Dịch, trọng yếu thứ nhất là biến dịch, vả lại đầu tiên Phục Hy vạch quẻ, thì trong phép xem quẻ có biến động mới vô cùng, hào dương có thể biến làm hào âm, hào âm có thể biến làm hào dương. Sáu hào dương quẻ Càn, biến hết thảy thành ra quẻ Thuần Khôn, đó là cơ vi diệu của tạo hóa, điều gì cũng có biến dịch. Chu Công muốn cho ta hiểu lẽ ấy nên ở quẻ Càn, quẻ Khôn thêm vào hai hào đặt tên là “Dụng Cửu”, “Dụng Lục”. (tham khảo Chu Dịch của Phan Bội Châu)

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/262185