Đại Đạo trị quốc (8): Nho gia trị quốc

Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

8. Nho gia trị quốc

Văn hóa Trung Hoa khởi nguồn từ Đạo gia, là văn hóa Đạo truyền (được Đạo truyền cho) được kiến lập trên cơ sở Đạo gia. Thời kỳ Đông Chu, bách gia tranh tiếng, kỳ thực ngoài Đại Đạo do Lão Tử truyền, tư tưởng của bách gia chư tử khác đều lấy từ Đạo gia; hoặc từ tư tưởng Đạo gia phân tách ra một bộ phận nhỏ thành riêng một gia phái; hoặc trộm tư tưởng Đạo gia, rồi trộn thêm những thứ khác thành một gia phái; hoặc đứng trên cơ điểm của mình rồi tà ngộ, bóp méo tư tưởng Đạo gia thành một gia phái…

Cuối thời kỳ Xuân Thu, Khổng Tử đã chỉnh lý, tổng kết giáo hóa văn minh từ thời Nghiêu Thuấn và Chu Dịch có từ văn minh tiền sử, thiết lập nên học thuyết Nho gia. Học thuyết Nho gia là bộ phận nhập thế làm người được tách ra từ văn hóa Đạo gia. Cũng có nghĩa là, trong văn hóa Đạo truyền thời kỳ đầu, hai bộ phận xuất thế tu Tiên và nhập thế làm người là nhất thể. Đến thời Khổng Tử, chính là đem bộ phận nhập thế làm người của Đạo gia tách riêng ra, trở thành gia phái Nho gia riêng. Đến thời Hán Vũ Đế, Nho gia được phát triển toàn diện trong thiên hạ, đã ảnh hưởng đến Trung Quốc hơn 2000 năm. Do đó Nho gia là dựa vào Đạo gia, có thể coi là bộ phận tầng thấp của Đạo gia, nó lấy tư tưởng Đạo gia làm cốt lõi và cơ sở, được gọi là “Ngoại Nho nội Đạo”.

Như đã nói ở bài trước, Nho gia chủ trương vương đạo, thi hành nhân nghĩa, dùng lễ nhạc sửa trị thiên hạ. Nho gia trị quốc, chủ yếu sử dụng thuật lễ nhạc. Lễ là chỉ lễ nghĩa; nhạc là chỉ nhạc vũ. Về nhạc, có thể tham khảo loạt bài về văn hóa “Nhạc vũ Tiên tông” (樂舞仙蹤), bài viết này không nói nhiều thêm, mà chủ yếu đàm luận về chủ trương lễ trị của Nho gia.

Khổng Tử nói: Khi Đại Đạo được thi hành, và thời kỳ Tam Đại Hạ Thương Chu khi các quân vương kiệt xuất đang tại vị, tuy ta không được sống thời đó, nhưng vẫn có những ghi chép lịch sử để lại. Trong thời Đại Đạo được thi hành, thiên hạ và bách tính đều là vì việc chung, không có tư tâm. Thời đó chọn những người có đạo đức và tài năng để quản lý sự vụ của thiên hạ, mọi người đều coi trọng thành tín, thiên hạ hòa thuận. Con người thời đó không chỉ coi người thân của mình là người thân, mà còn coi người trong toàn thiên hạ cũng là người thân; không chỉ coi con cái mình là con cái, mà còn coi con cái của người khác như con cái mình. Bởi vậy thời đó, người cao tuổi đều an hưởng tuổi già, tráng niên đều dốc hết khả năng của mình, trẻ em đều có thể trưởng thành khỏe mạnh, người góa bụa cô đơn, và người có bệnh tàn tật đều được toàn xã hội chăm sóc. Thời đó, mọi người không muốn để của cải lãng phí trên mặt đất, nhưng cũng sẽ không lấy làm của riêng. Mọi người chỉ lo không được bỏ công sức, nhưng ai nấy đều không dốc sức vì mình. Thời kỳ đó, bách tính thuần phác thiện lương, tâm cơ, trí xảo đều không được sử dụng, thiên hạ không có trộm cướp, nhà nhà không cần khóa cửa… Loại trạng thái xã hội này gọi là “Đại Đồng”.

Ngày nay, Đại Đạo đã bị phế bỏ mất rồi, thiên hạ đã thành tư hữu của một gia tộc, người thiên hạ đều chỉ vì gia đình của mình, chỉ thân cận với người thân của mình, chỉ yêu thương bảo vệ con cái mình, chỉ lo của cải không thuộc sở hữu của mình, chỉ sợ mình phải bỏ công sức. Thiên tử chư hầu coi việc cha truyền con nối, anh truyền cho em là chế độ lễ nghi; ngoài tường thành còn đào hào bảo vệ thành, làm biện pháp phòng ngự; lấy lễ nghĩa làm biện pháp căn bản để trị vì thiên hạ, dùng để quy phạm quan hệ vua tôi, khiến quan hệ cha con thân mật, anh em hòa thuận, vợ chồng hài hòa; dùng lễ nghĩa xây dựng ra các loại chế độ, dùng để phân chia ruộng đất và hộ tịch, dùng để tôn sùng những người dũng cảm thông minh, đã trợ giúp mình tạo dựng sự nghiệp. Vì vậy các loại cơ mưu xảo trí bắt đầu thịnh hành, chiến loạn cũng từ đó mà nổi lên. Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn Vương, Vũ Vương, Thành Vương, Chu Công, chính là những người xuất sắc sinh ra trong tình huống này, họ không ai là không cẩn thận tuân theo lễ nghĩa, dùng lễ để trị vì thiên hạ… Loại hình thái xã hội này gọi là “Tiểu khang”.(39)

Xã hội “Đại đồng” mà Khổng Tử mong muốn kỳ thực là tương đương với trạng thái xã hội vô vi nhi trị của Đạo gia. Xã hội “Tiểu khang” chính là trạng thái xã hội Vương Đạo trị thế mà Nho gia tôn sùng và thúc đẩy. Từ Đại đồng đến Tiểu khang, Khổng Tử đã luận thuật (diễn giải, lập luận..) về sự chuyển biến giữa Đạo gia trị thế và Nho gia trị thế, tức quá trình hình thành “ngoại Nho nội Đạo”.

Đạo gia trị quốc không có thuật, khí, chỉ có Đạo, hết thảy là Đại Đạo vô hình. Nho gia trị quốc, thì chủ yếu dựa vào thuật lễ nhạc. Đó có phải là nói rằng thời kỳ vô vi nhị trị mà Đạo gia giảng là không có lễ nhạc? Không phải như thế, theo ghi chép, vào thời kỳ Tam Hoàng đã có lễ nhạc rồi, nhưng thời đó hoàn toàn không dùng lễ nhạc để trị quốc, mà chỉ là sản phẩm phụ trong quá trình trị quốc .

Lấy ví dụ, một em bé mẫu giáo, bé sẽ biết xòe tay ra đếm ngón tay làm toán, đối với bé mà nói, chỉ có dựa vào phương pháp này mới có thể làm được toán. Nhưng đối một giáo sư toán mà nói, ông quyết sẽ không ấu trĩ xòe tay ra để làm toán, mà trong tâm đã rõ rồi, liền nói ra ngay. Điều này không phải là nói giáo sư toán không biết phương pháp đếm ngón tay, mà là ông hoàn toàn không cần dùng đến, nếu ép ông dùng thì trái lại sẽ trở thành ấu trĩ nực cười. Thời kỳ vô vi nhi trị của Đạo gia không cần mượn đến bất kỳ thuật khí gì, cũng chính là đạo lý này.

Thời Đại Đạo thi hành, mọi người làm theo bản tính tự nhiên trong Đạo, mỗi lời nói, hành vi đều xuất phát từ trong Đạo “tòng tâm sở dục nhi bất du củ” (làm theo gì mà trong tâm muốn mà không vượt ra ngoài quy tắc). Lễ thì xoay quanh tầng diện cốt lõi là Đạo nghĩa, còn cái thuật sinh ra ở bên ngoài Đạo thì là kết quả của hành vi và yêu cầu cụ thể khi đem Đạo đối ứng ra tầng bề ngoài, rồi sau đó tiến hành mô thức hóa.

Cũng có thể nói rằng Đạo là tâm Pháp trực tiếp nhằm vào nhân tâm; lễ là một loại chuẩn tắc hành vi bề ngoài của nhân loại. Biểu hiện bề ngoài và tư tưởng nội tâm của con người là liên quan mật thiết với nhau, từ căn bản mà nói, nhân tâm quyết định biểu hiện hành vi bề ngoài của con người, mỗi lời nói hành vi của con người đều phát xuất từ nội tâm, chịu sự khống chế nội tại. Do đó thời kỳ Đại Đạo thi hành, bách tính đều ở trong Đạo, tâm linh đều đồng hóa với Đại Đạo, thuần chân vô tà, mỗi lời nói hành vi đều phát xuất từ nội tâm, xuất phát từ Đại Đạo, làm tất cả những gì mà tâm mong muốn mà không lệch ra ngoài Đạo. Về sau, xã hội loài người trụy lạc biến chất, và tâm linh bị ô nhiễm bởi những dục vọng tư tâm của hậu thiên, nên lệch khỏi Đại Đạo. Nhân loại mà nội tại rời xa Đại Đạo thì biểu hiện hành vi bề ngoài cũng tương ứng lệch khỏi trạng thái hoàn mỹ hài hòa vốn có trong Đạo. Lúc này, trạng thái tốt đẹp hạnh phúc của thiên hạ đã bị phá vỡ, các loại chiến tranh, tai họa bắt đầu xuất hiện. Để giải quyết các loại vấn đề bên ngoài sau khi nhân tâm lệch khỏi Đại Đạo, thì lễ bắt đầu hưng thịnh, dùng để quy phạm, ước thúc hành vi và phương thức xử sự bên ngoài của con người.

Lễ là tham chiếu theo và coi tiêu chuẩn hành vi, hành xử bên ngoài của nhân loại khi họ ở trong Đạo để làm chuẩn tắc, để tiến hành mô thức hóa, quy phạm hóa những tiêu chuẩn hành vi và xử sự bên ngoài này, từ đó hình thành các loại chế độ lễ nghi. Cốt lõi của lễ là Đạo ẩn chứa phía sau, Đạo là linh hồn của lễ.

Thời nhà Chu đã chế định ra chế độ lễ nghi vô cùng hoàn thiện, và được chia thành Ngũ lễ gồm có: Cát lễ (tên gọi chung cho các loại nghi lễ cúng tế, như tế Thiên Địa Thần linh, Nhật nguyệt tinh tú, Sơn xuyên hà nhạc, Tổ tiên Xã tắc); Hung lễ (tên gọi chung các loại nghi lễ dùng cho tai họa, thương vong, bao gồm tang lễ, hoang lễ, điếu lễ, tuất lễ, quái lễ); Quân lễ (tên gọi chung cho tất cả các hoạt động lễ nghi có liên quan đến mặt quân sự, như thân chinh, khiển tướng, thụ hàng, khải toàn, đại xạ); Tân lễ (tên gọi chung cho các hoạt động lễ nghi ngoại giao giữa các nước và chiêu đãi tân khách như triều sính lễ, sĩ tương kiến lễ); Gia lễ (嘉禮) (tên gọi chung cho các lễ nghi điều hòa quan hệ giữa con người với con người, câu thông giao lưu tình cảm… như lễ đăng cơ sắc phong, lễ ẩm thực, lễ cưới, lễ bắn cung, lễ hưởng yến, lễ thần phần, lễ chúc mừng…)

Trong “Lễ ký – Lễ vận” có viết: “Lễ là do cổ Thánh tiên vương thuận theo Thiên Đạo mà kiến lập nên, dùng để trị sửa nhân tình thế sự… Lễ ắt phải được kiến lập trên cơ sở Thiên Đạo, nó học theo đức của đất, tham chiếu chứng nghiệm với quỷ thần, sau đó đưa vào thực hành ứng dụng trong các nghi lễ như tang lễ, tế lễ, xạ lễ, hương ẩm tửu lễ, quan lễ, hôn lễ, cẩn lễ, sính lễ… Thánh nhân dùng nghi lễ để trị vì thiên hạ, thiên hạ có thể được quy chính”.(40)

“Thái Công lục thao” viết: “Lễ chỉ là trang sức và điểm xuyết bên ngoài của Thiên Đạo” (41)

Câu nói trên lại lần nữa làm rõ mối quan hệ giữa lễ và Đạo. Ví dụ: Nếu Đạo là tướng mạo hoàn hảo tiên thiên của con người, thì lễ chính là trang điểm của hậu thiên. Nếu con người sinh ra đã được phẩm hạnh trời ban, hoàn mỹ không tì vết, giống như “Nước trong mọc đóa sen, tự nhiên không cần trang sức”, hoàn toàn không cần trang điểm tô son trát phấn, trái lại càng trang điểm càng xấu xí. Khi con người sinh ra có khiếm khuyết, tướng mạo không đủ hoàn mỹ thì mới cần trang điểm, mà người đó cũng lấy hình tượng hoàn mỹ làm tiêu chuẩn, thông qua phương pháp bên ngoài do con người tạo ra để che bớt, bù đắp những bất cập của tướng mạo, làm cho mình trông càng hoàn mỹ hơn.

Cốt lõi của lễ không phải là lễ tiết và hình thức bề ngoài rườm rà, mà là cái “nghĩa” mà nó triển hiện. Cuốn sách “Lễ Ký” Kinh điển Nho gia chính là luận thuật nghĩa hàm chứa đằng sau lễ, đó là gốc rễ kiến lập lễ. Mà gốc rễ của nghĩa lại là Đạo, nghĩa là sự bảo vệ và tuân theo đối với Đạo, do đó cốt lõi mà lễ triển hiện ra chính là Đạo.

Đạo của người quân tử mà Nho gia giảng như: nhân, nghĩa, trung, thứ, thành, tín, hiếu, liêm, trinh và trung dung v.v… đều là nghĩa của lễ, là linh hồn và cốt lõi của lễ.

Vì vậy ở thời kỳ Đại Đạo thi hành, thì hoàn toàn không cần thực hành lễ, lễ trở nên thừa. Nhưng đối với xã hội nhân loại đã rời xa khỏi Đại Đạo mà nói thì lễ là chuẩn tắc nhất thiết phải tuân theo, nó quy phạm hành vi và trạng thái bên ngoài của con người, là tiêu chuẩn để con người có thể làm người, nếu không thì xã hội nhân loại sẽ sa vào tình trạng như loài cầm thú.

Đạo gia trị quốc là từ trong ra ngoài, họ nắm chắc được căn bản, giữ vững cấp độ cốt lõi nhất bên trong của Đạo, khiến bách tính đều trở về với Đạo, theo bản tính tự nhiên ở trong Đạo mà làm, không có bất kỳ sự ràng buộc hình thức bên ngoài nào. Khi thiên hạ đều trở về trong Đạo, thì sẽ phát sinh ảnh hưởng từ trong ra ngoài, tất cả các biểu hiện và hình thức bên ngoài đều không thoát ly yêu cầu tiêu chuẩn của Đạo, thiên hạ sẽ ở trong trạng thái muốn sao làm vậy mà không vượt ra ngoài phép tắc, hết thảy đều hài hòa, hoàn mỹ ở trong trạng thái này.

Nho gia dùng lễ trị quốc, là thông qua lễ để quy phạm ước thúc hành vi và trạng thái bên ngoài của bách tính, để ảnh hưởng và quy phạm hành vi đạo đức của nhân loại từ ngoài vào trong, khiến cho bề ngoài phù hợp với tiêu chuẩn của Đạo. Hai phương pháp trên có sự khác nhau về phương hướng.

Trong “Tả truyện – Trang Công thập bát niên” có viết: “Danh và vị khác nhau thì lễ cũng khác nhau”.

Trong “Lễ ký – Nhạc ký” viết: “Nhạc thống nhất cái tương đồng, lễ phân biệt cái khác biệt”.

Ở đây nói ra một đặc điểm khác của lễ, chính là người khác nhau thì lễ khác nhau, việc khác nhau thì lễ khác nhau, lễ là có đẳng cấp rõ ràng, có tôn ti trật tự.

“Lễ ký – Khúc Lễ Thượng” viết: “Lễ dùng để định thân sơ, giải quyết hiềm nghi, phân biệt giống nhau – khác nhau, làm rõ thị phi”.

Nho gia thúc đẩy thi hành nhân nghĩa trong lễ chế, coi trọng nhân ái, nhưng nhân ái của Nho gia ở trong lễ, đó là “nhân ái có sự khác biệt”. Điều đó có nghĩa là nhân ái của Nho gia là phân đẳng cấp, trước tiên yêu thương người thân nhất của mình, sau đó yêu thương những người có quan hệ xa hơn, như: phụ tử, huynh đệ, phu thê, bằng hữu, sau đó đến chúng sinh.

Trong “Trung dung” viết: “Nhân ái đối với người thân cận, là căn cứ vào quan hệ thân sơ mà phân đẳng cấp thứ bậc. Tôn trọng đối với người đức hạnh tài năng, là căn cứ vào đức, tài, lộc, vị mà phân đẳng cấp, những điều này đều là được tạo thành bởi lễ”. (43)

Xã hội dân chủ hiện nay coi trọng bình đẳng trong mọi sự, điều này là có hại. Lễ là tuyệt đối không thể bình đẳng, nếu không thì sẽ làm loạn trật tự xã hội của các mối quan hệ giữa con người với nhau, khiến xã hội đại loạn bất trị.

Tại sao lại nói như vậy?

Ở bài trước Khổng Tử đã luận thuật sự giống và khác nhau giữa “đại đồng” và “tiểu khang”. Khổng Tử vô cùng mong mỏi một xã hội đại đồng, có thể đó là giấc mơ cả cuộc đời ông, nhưng Khổng Tử tại sao không nỗ lực trực tiếp đi con đường xã hội đại đồng, mà chỉ đề xướng “tiểu khang” (khá giả)?

Đó là vì lòng người thời đại đó đã không giống trước đây nữa rồi. Ví như một đứa trẻ ngây thơ đáng yêu, thuần chân trong trắng, để hở mông chạy khắp nơi, mọi người trông thấy đều cảm thấy rất tự nhiên, vô cùng ngây thơ đáng yêu. Nhưng nếu là một người trưởng thành, để hở mông đi trên đường phố, thế thì khẳng định là phóng đãng dâm loạn, làm bại hoại thuần phong mỹ tục.

Bởi vì trong tâm trẻ con ngây thơ trong sạch, nó hoàn toàn không có quan niệm nam nữ, không biết sắc tâm, dâm dục là thứ gì, do đó có thể tự nhiên làm theo bản tính, mọi người sẽ cảm thấy rất hài hòa đáng yêu. Còn một người trưởng thành ham dục đầy mình, để hở mông đi trên phố lớn, thì đó là hành vi dâm đãng, làm bại hoại đạo đức.

Cũng cái lý như vậy, vào thời kỳ đại đồng, nhân tâm đều quy về trong Đạo, lòng yêu thương là không có đẳng cấp. Người thời đó không chỉ coi người thân của mình là người thân, mà còn coi người trong cả thiên hạ là người thân; họ không chỉ coi con cái mình là con cái, mà còn coi con cái người khác như con cái mình, mọi người đều vì cộng đồng, không có tư tâm. Nhưng sau khi thiên hạ đều lệch khỏi Đại Đạo thì thiên hạ trở thành sở hữu riêng của gia tộc, mọi người đều vị tư, đều vì gia đình mình, lúc này nếu lại lấy những yêu cầu của thời kỳ Đại Đạo mà yêu cầu người dân thì cao quá, thiên hạ có lẽ chẳng có mấy người có thể làm được, trái lại còn làm hỗn loạn toàn bộ trật tự xã hội.

Trong “Lã thị Xuân thu”, “Hoài Nam Tử” đều có ghi chép câu chuyện “Tử Cống từ chối tiền” như sau:

Nước Lỗ có một điều luật rằng, người nước Lỗ ở nước ngoài bị sa vào vòng nô lệ, nếu có người có thể chuộc được họ trở về thì có thể đến quốc khố nhận lại tiền chuộc. Một lần, Tử Cống, đệ tử của Khổng Tử ở nước ngoài chuộc được một người nước Lỗ, sau khi trở về nước, ông từ chối nhận tiền bồi hoàn của quốc gia. Sau khi biết chuyện, Khổng Tử nói: “Tử Cống làm sai rồi, từ nay trở đi, người nước Lỗ sẽ không chuộc nô lệ ở nước ngoài về nữa rồi”.

Hành vi vô tư này của Tử Cống, tại sao Khổng Tử lại nói là làm sai rồi? Khổng Tử nói: “Là Thánh nhân chân chính, mục đích làm việc của họ là thay đổi nếp sống xã hội, giáo hóa bách tính, không chỉ là làm những việc có lợi cho hành vi mình. Hiện nay người giàu có ở nước Lỗ rất ít, người nghèo nhiều, lĩnh tiền bồi hoàn của quốc gia thì cũng chẳng có tổn thất gì cho trò, nhưng không lĩnh tiền bồi hoàn thì nước Lỗ sẽ không có người đi chuộc đồng bào bị rơi vào cảnh làm nô lệ về nữa”.

Bởi vì người nghèo ở nước Lỗ mới là đại đa số, “chuộc người lĩnh tiền bồi hoàn” vốn là hành vi đạo đức mà ai ai cũng có thể làm được, có thể trở thành một loại đạo đức chung của xã hội. Nhưng do hành vi của Tử Cống, đã khiến “chuộc người không cần tiền bồi hoàn” trở thành tiêu chuẩn mới mà đại đa số người dân khó mà làm được. Vì hầu hết mọi người đều không làm được do đó kết quả chính là, rất nhiều người rõ ràng là có thể chuộc được người, nhưng vì không thể nào làm được “chuộc người mà không cần tiền bồi hoàn” nên do dự chùn bước. Đem hành vi đạo đức mà chỉ có người cá biệt mới làm được thay đổi thành đạo đức chung của xã hội, thì chẳng giúp cho việc nâng cao hành vi đạo đức của toàn thể xã hội, nên là tuần tự tiến dần, từng bước dẫn dắt bách tính.

Lại ví với việc để một con ngựa thồ 100 cân (50kg) thì không vấn đề gì, nhưng nếu để một con chó thồ 100 cân thì sẽ đè chết nó. Thời kỳ khác nhau, nhân tâm xã hội khác nhau, ắt phải có những yêu cầu khác nhau để tuần tự tiến dần, không thể thực hiện trong một sớm một chiều, nếu không thì sẽ dẫn đến xã hội hỗn loạn.

Sự khác biệt của lễ chính là như vậy. Do đó dưới chế độ của lễ, trước tiên thân cận yêu thương bảo vệ người có quan hệ thân nhất với mình, sau đó lại đem lòng yêu thương đối với người thân này mở rộng ra tới những người có quan hệ không thân, cuối cùng mở rộng đến toàn bộ chúng sinh trong thiên hạ.

Mạnh Tử nói: “Đem lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, bề trên của mình mở rộng đến yêu thương hiếu kính đối với cha mẹ, bề trên của người trong khắp thiên hạ. Đem lòng yêu thương, nhân từ đối với con cái mình mở rộng đến yêu thương, nhân từ đối với con cái của người trong khắp thiên hạ”.

Mạnh Tử lại nói: “Từ yêu thương người thân của mình mà nhân ái với bách tính trong thiên hạ, từ nhân ái với bách tính trong thiên hạ mà yêu quý vạn vật”.

Nho gia lễ trị, chính là dựa vào trạng thái nhân tâm trong thiên hạ, trước tiên kiến lập trật tự đẳng cấp, sau đó căn cứ theo trật tự này để dẫn dắt, khiến bách tính trong thiên hạ có thể trước tiên đạt được tiểu khang, sau đó đạt đến đại đồng. Không phải là chế độ lễ trị là có ý phân chia thiên hạ thành nhiều loại đẳng cấp, phân biệt đối đãi, mà là vì trong xã hội thiên hạ vị tư, không thể nào thi hành được tiêu chuẩn thời thiên hạ vị công, ắt phải trước tiên kiến lập trật tự, sau đó từng bước dẫn dắt, nâng cao, khiến cho cuối cùng có thể trở về trong Đạo, đạt được thiên hạ vị công. Khi Nho gia đi đến tầng diện cuối cùng thì chính là Đạo, đó là triển hiện nội hàm “ngoại Nho nội Đạo”.

Do đó lễ sẽ căn cứ theo danh phận, địa vị, hoàn cảnh khác nhau của mỗi người mà thi hành những lễ tiết khác nhau. Căn cứ vào thân sơ, tôn ti, nam nữ, già trẻ… thuận theo thứ tự mà định ra nhân luân, xây dựng kỷ cương, lập nên trật tự. Lễ đã định ra vị trí rõ ràng cho mỗi người trong các mối quan hệ xã hội phức tạp, chế định ra lễ tiết khác nhau, khiến ai nấy ở vị trí của mình, mỗi người thực thi chức trách của mình, rõ ràng có trật tự để mà an ninh bất loạn.

Lễ là trật tự được kiến lập tại nhân gian khi học theo thiên địa vũ trụ, tuân theo Thiên Đạo, định ra quy phạm của con người. Lễ là đem những hành vi bên ngoài và tiêu chuẩn hành sự của con người đối ứng đối chiếu với Đạo. Thông qua những trật tự và quy phạm mà lễ kiến lập để khiến con người có thể trở về với tiêu chuẩn đạo đức từ bề ngoài đến nội tâm.

Cùng với việc xã hội ngày càng suy bại, ngày càng rời xa Đại Đạo, các phương thức trị quốc ngày càng phát triển về phía bề mặt bên ngoài. Trọng tâm của lễ cũng ngày càng phát triển lệch hướng từ nội hàm đạo nghĩa đằng sau hướng đến hình thức bề ngoài, ngày càng coi trọng hình thức bề ngoài, mà mất đi đạo nghĩa đằng sau, dần dần trở thành lễ nghi rườm rà phức tạp, hình thức. Trong quá trình phát triển của lịch sử, Nho gia dần dần phai nhạt mất phong thái thần tiên và vẻ đẹp đằng sau nó, trong quá trình phát triển ngày càng hướng về phía bề mặt, nó bắt đầu trở nên tầm thường, cứng nhắc và cổ hủ, đây cũng chính là kiếp số trong định mệnh của Nho gia trong thành trụ hoại diệt của vũ trụ.

Cuối cùng lấy việc trang điểm để làm ví dụ so sánh với sự phát triển của các biện pháp trị quốc của nhân loại: Khi mới bắt đầu trang điểm rất nhạt, chủ yếu là dựa vào tướng mạo tiên thiên, thể hiện khí chất chân ngã tự nhiên, bề ngoài chỉ trang điểm bổ khuyết một cách thích hợp, khiến người ta trông rất tự nhiên, không nhìn thấy dấu vết của trang điểm. Càng về sau thì lại càng dựa vào trang điểm bề ngoài, sa vào trang điểm bề ngoài, hoàn toàn vùi lấp khí chất tiên thiên, khiến trang điểm ngày càng đậm, tô vẽ cho xinh đẹp, cuối cùng đã trở thành “hóa trang”, khiến cả khuôn mặt đều là vẽ ra, hoàn toàn mất đi diện mạo vốn có, nhưng lúc này chỉ cần bị nước gột rửa thì bộ mặt giả tạo xấu xí được che giấu bên dưới liền lộ ra.

Chú thích:

39. “Lễ ký-Lễ vận”, Khổng Tử viết: “Đại Đạo chi hành dã, dữ tam đại chi anh, khâu vị chi đãi dã, nhi hữu chí yên. Đại Đạo chi hành dã, thiên hạ vi công. Tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục, cố nhân bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử; sử lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở trường, quan quả cô độc phế tật giả giai hữu sở dưỡng. Nam hữu phận, nữ hữu quy. Hóa ác kỳ khí ư địa dã, bất tất tàng ư kỷ; lực ác kỳ bất xuất ư thân dã, bất tất vi kỷ. Thị cố mưu bế nhi bất hưng, đạo thiết loạn tặc nhi bất tác, cố ngoại hộ nhi bất bế, thị vị ‘đại đồng’. Kim Đại Đạo ký ẩn, thiên hạ vi gia, các thân kỳ thân, các tử kỳ tử, hóa lực vi kỷ, đại nhân thế cập dĩ vi lễ. Thành quách câu trì dĩ vi cố, lễ nghĩa dĩ vi kỷ, dĩ chính quân thần, dĩ đốc phụ tử, dĩ mục huynh đệ, dĩ hòa phu phụ, dĩ thiết chế độ, dĩ lập điền lý, dĩ hiền dũng tri, dĩ công vi kỷ. Cố mưu dụng thị tác, nhi binh do thử khởi. Vũ Thang Văn Vũ Thành Vương Chu Công, do thử kỳ tuyển dã. Thử lục quân tử giả, vị hữu bất cẩn ư lễ giả dã. Dĩ trước kỳ nghĩa, dĩ khảo kỳ tín, trước hữu quá, hình nhân giảng nhượng, thị dân hữu thường. Như hữu bất do thử giả, tại thế khứ, chúng dĩ vi ương, thị vị ‘tiểu khang’”.

40. “Lễ Vận” viết: “Phu lễ, tiên vương dĩ thừa Thiên chi Đạo, dĩ trị nhân chi tình….thị cố lễ tất bản ư thiên, hiệu ư địa, liệt ư quỷ thần, đạt ư tang tế xạ ngự, quan hôn triều sính. Thánh nhân dĩ lễ thị chi, thiên hạ quốc gia khả đắc nhi chính dã.”

41. “Thái Công Lục Thao” viết: “Lễ giả, thiên lý chi phấn trạch.”

42. “Trung Dung”: “Thân thân chi sát, tôn hiền chi đẳng, lễ sở sinh dã”.

43. “Lã Thị Xuân Thu”: “Lỗ quốc chi pháp, Lỗ nhân vi nhân thần thiếp ư chư hầu, hữu năng thục chi giả, thủ kỳ kim ư phủ. Tử Cống thục Lỗ nhân ư chư hầu, lai nhi nhượng bất thủ kỳ kim. Khổng Tử viết “Tứ thất chi hĩ. Tự kim dĩ vãng, Lỗ nhân bất thục nhân hĩ”.

44. “Hoài Nam Tử”: “Phu Thánh nhân chi cử sự dã, khả dĩ di phong dị tục, nhi thụ giáo thuận khả thi hậu thế, phi độc dĩ thích thân chi hành dã. Kim quốc chi phú giả quả nhi bần giả chúng. Thục nhi thụ kim, tắc vi bất liêm; bất thụ kim, tắc bất phục thục nhân. Tự kim dĩ lai, Lỗ nhân bất phục thục nhân ư chư hầu hĩ”.

45. “Mạnh Tử-Lương Huệ Vương Thượng”: “Lão ngô lão, dĩ cập nhân chi lão; ấu ngô ấu, dĩ cập nhân chi ấu”.

46. “Mạnh Tử-Tận Tâm Thượng”: “Thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật”.

Dịch từ:http://www.zhengjian.org/node/242733