Thiển đàm về “Lai khứ nhất thân quang” (“khi tới thân trống trơn, khi đi thân trơn trống”)

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Đại Lục

[ChanhKien.org]

Vào những năm đầu tu luyện Đại Pháp, tôi cảm thấy việc buông bỏ chấp trước vào tiền tài rất dễ dàng, chứ không tốn nhiều công sức như hiện nay. Tôi đã từng không động tâm ngay cả khi bị mất thứ gì đó, dường như tôi đã có thể buông bỏ mọi thứ. Thỉnh thoảng, khi điểm tài liệu cần tiền, tôi có thể phó xuất hàng trăm hàng nghìn nhân dân tệ. Nhưng hiện giờ không như vậy, tôi thường do dự có nên phó xuất hay không. Hồi đó, mỗi ngày, tôi thường học hai bài giảng, ngày nhiều nhất là bốn bài giảng, và luyện công hai lần tất cả các bài. Tôi cảm thấy trạng thái tinh thần rất tốt, có bước đột phá mạnh mẽ, dường như không gì có thể ngăn trở. Một lòng tôi nguyện theo Sư phụ trở về nhà.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, tôi cảm thấy bản thân đề cao rất chậm. Mỗi ngày, tôi học một bài giảng, hiếm khi học được hai bài. Việc buông bỏ chấp trước cũng rất khó khăn. Lấy chấp trước vào lợi ích làm ví dụ. Dần dần tôi ngày càng coi trọng tiền bạc, và mong muốn tiết kiệm được nhiều hơn nữa. Khi mua bất cứ thứ gì tôi cân nhắc nhiều hơn trước đây, và luôn muốn tiết kiệm nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Tôi nộp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Khi xem tin nhắn của công ty bảo hiểm, tôi nghĩ: “Ồ, bây giờ mình đã đạt mức 30.000 nhân dân tệ, nhưng nó sẽ tăng lên thành 50.000, rồi thành 100.000 nhân dân tệ vào cuối năm sau”.

Khi ra chợ mua rau, tôi luôn tìm chọn những đồ rẻ hơn. Một lần, tôi mua được rất nhiều dưa chuột và ớt chuông với giá chỉ 2 nhân dân tệ, đủ dùng trong vài ngày và tôi cảm thấy rất hài lòng. Lần sau đi chợ, tôi lại cố gắng tìm món hời như vậy. Đôi khi, người bán đòi giá cao hơn, tôi lại nghi ngờ rằng liệu mình có bị mua hớ hay không. Tôi đã cách rất xa so với trạng thái tu luyện tinh tấn như thuở ban đầu và nhận ra rằng mình đã rớt xuống. Mang nhiều nhân tâm, khi ngồi đả tọa, tôi không thể tĩnh lại được, và đôi lúc còn phiền não một cách vô duyên vô cớ.

Sau khi Sư phụ công bố kinh văn Hãy tỉnh, tôi cảm thấy có áp lực. Dường như Ngài đang cảnh tỉnh các đệ tử: Bây giờ là lúc nào rồi? Chư vị còn chưa tỉnh ra ư? Tôi thể ngộ rằng, chúng ta đang ở thời khắc then chốt nhất của lịch sử, mỗi giây mỗi phút đều là cơ hội cuối cùng để tu luyện và thành thục bản thân.

Hôm qua, tôi đến nhà của một đồng tu. Cô ấy kể: “Tôi có một giấc mơ, anh có thể giúp tôi lý giải nó được không? Trong giấc mơ, tôi thấy những người thân quá cố của mình, tất cả đều không mặc gì. Mặc dù người ở không gian đó đều như vậy, nhưng tôi không hề cảm thấy có điểm gì không tốt khi chứng kiến cảnh đó. Anh nghĩ điều ấy có ý nghĩa gì?” Tôi đáp: “Khi đến thân trống trơn, khi đi thân trơn trống, đó là điểm hóa, khích lệ chị phóng hạ những chấp trước nhân tâm. Gần đây chị đã vượt quan không tốt đúng không?”

Tuy nhiên, ngay sau khi nói xong, tôi chợt nhớ ra mình cũng có một giấc mơ tương tự vào hai ngày trước, nhưng lúc đó tôi không nghĩ gì nhiều. Trong mơ, tôi đã thấy mẹ vợ quá cố của mình. Bà cũng không mặc gì, quay lưng về phía tôi và tựa người vào một chiếc xe đạp. Khi đồng tu kể về giấc mơ của cô ấy, tôi đột nhiên hiểu ra rằng: Kỳ thực, Sư phụ đã điểm hóa cho tôi:

“Người thường có câu rằng: khi sinh chẳng mang tới, khi chết chẳng mang theo; khi tới thân trống trơn, khi đi thân trơn trống” (Chương III: Tu luyện tâm tính, Pháp Luân Công)

Giấc mơ này nhắc nhở tôi tiếp thụ bài học giáo huấn, chớ để mình giống như mẹ vợ. Khi còn tại thế, thời kỳ đầu, bà từng rất tinh tấn. Mỗi lần tôi đến thăm đều thấy bà đang học Pháp hoặc luyện công. Bà thường hối thúc tôi: “Đừng quá coi trọng tiền bạc, chúng đều vô dụng, hãy tu luyện cho tốt. Con nhất định phải theo Sư phụ trở về”. Tôi đã từng coi bà như thượng sỹ văn Đạo, ngộ tính tốt, và là người có thể tu luyện đến cùng.

Tuy nhiên, vì nguyên nhân này khác, bà dần dần giải đãi trong tu luyện khi đối mặt với quan nghiệp bệnh, giống như một chiếc xe trên đường cao tốc lao chệch lên vỉa hè, càng ngày càng chậm. Mỗi lần tôi đến, bà đều hỏi tôi: “Khi nào thì mẹ mới khỏe hơn?” Tôi trả lời: “Khi nào mẹ tu luyện tinh tấn thì ngay lập tức mẹ sẽ thấy tốt hơn”. Bà không muốn nghe tôi nói. Bà đáp: “Ai chẳng biết rằng người tu luyện cần tinh tấn chứ? Mẹ sẽ tinh tấn sau khi mẹ khỏe lại”.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng bởi vì bà học Pháp ít nên nhân tâm nổi lên như cỏ dại. Những trao đổi dựa trên Pháp ngày càng ít đi. Bà bắt đầu hỏi tôi những điều của người thường, chẳng hạn như: “Cháu ngoại ta thế nào rồi? Tại sao nó không đến thăm ta?” “Bây giờ nó đang làm gì vậy?” Nếu tôi không trả lời, bà sẽ khó chịu. Bà trở nên khó tính trong việc tiết kiệm tiền. Mẹ vợ tôi có một khoản tiết kiệm. Khi còn tinh tấn, bà không chấp trước vào nó, và thường nói với tôi: “Buông bỏ tiền tài, buông bỏ mới có thể rời đi”. Vậy nhưng, trong quan nghiệp bệnh, tôi thấy tâm lợi ích của bà rất nặng, bà thường hỏi chồng: “Còn bao nhiêu tiền trong sổ tiết kiệm?” Bố vợ tôi trả lời: “Vẫn y nguyên. Chúng ta chưa tiêu chút gì cả”. Mỗi khi nghe vậy, mẹ vợ tôi lại cảm thấy vui mừng nhẹ nhõm.

Khi một người tu luyện ở trong trạng thái này, nhân tâm sẽ chiếm thế thượng phong. Cựu thế lực sẽ gia tăng bức hại, làm cho bạn mắc kẹt ở trong trạng thái ấy mà không thể thoát ra, thân thể bạn sẽ ngày một trở nên tồi tệ. Đó là những gì mẹ vợ tôi đã trải qua, và khi mất, bà không mang theo được bất cứ thứ gì nơi thế gian con người. Những gì còn lại chỉ là sự hối hận. Chỉ có cách đột phá và thúc đẩy bản thân khôi phục trạng thái tu luyện “như thuở đầu” thì mới có thể thoát khỏi hoàn cảnh khốn cùng. Nhưng nhiều người lại bỏ qua điểm then chốt này.

Thông qua giấc mơ, Sư phụ đã điểm hóa, thức tỉnh tôi, để tôi có thể nhanh chóng tu khứ nhân tâm, không chỉ là vấn đề tiền tài mà bất kể tâm gì cũng đều như vậy.

Sư phụ giảng:

“Mọi người bất kể có bao nhiêu tiền, có chức vị lớn đến mấy, cuộc sống an nhàn đến mấy, chư vị [cũng] không mang theo được gì. Khi đến trắng tay, khi đi cũng không mang được gì theo, duy nhất có thể mang được chính là những thứ đắc được trong tu luyện của người ta, bởi vì nó trực tiếp ở trên chân thể của con người.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New Zealand [1999])

Tôi hướng nội và thấy tâm lợi ích của bản thân vẫn còn quá nặng. Thỉnh thoảng, khi cảm thấy phiền não hoặc lo lắng, tôi sẽ hướng nội và luôn tìm thấy vấn đề nào đó liên quan đến tiền. Ví như, có lần một người bạn nhờ tôi lấy xe chuyển đồ. Tôi cảm thấy bất công khi phải tự bỏ tiền xăng. Lần khác, có người tặng tôi vài chiếc tủ nhỏ và ghế sô-pha, nhưng sau đó một đồng tu khác lại muốn lấy tất cả những đồ đạc đó, và tôi cần tìm một chiếc xe để chuyển chúng cho anh ấy. Tôi cảm thấy có chút không thoải mái. Một lần, tôi tặng vài bộ quần áo gần như mới nguyên cho một người họ hàng nhưng khi họ tỏ vẻ không ưng ý, tôi lại cảm thấy tiếc vì đã đem cho. Có lần, vợ tôi nói rằng: “Em cần tiền để mua vài bộ đồ tốt”. Tôi ngay lập tức trả lời như bị điện giật: “Chẳng phải em cũng có lương sao? Tại sao em không dùng tiền của mình?” Có hằng bao nhiêu chấp trước trong lời nói ấy của tôi? Tôi thấy rằng biểu hiện của một người có thể đặt người khác lên trước hay không, người đó ích kỷ đến mức nào được thể hiện rõ nhất khi họ đối đãi với người thân.

Sau khi nhận được điểm hóa của Sư phụ qua giấc mơ, và thông qua chia sẻ với đồng tu, tôi cảm thấy tư tưởng của bản thân bỗng chốc được đề cao lên rất nhiều. Tôi nhận ra tâm lợi ích, tâm hiển thị, tâm tranh đấu, tâm bất bình, tâm sắc dục,… trong lúc vô ý bỗng chốc nảy sinh rất nhiều. Tôi liền phát chính niệm triệt để thanh trừ chúng. Sau đó, tôi liên tưởng đến bài hát “Trân quý” do đồng tu sáng tác. Ca từ của bài hát ấy đã chạm đến tâm tôi:

“Xuân hoa thu nguyệt làm người say
Truy danh trục lợi không biết mệt
Vinh hoa phú quý quay đầu chẳng còn gì
Một đời tranh đấu để cho ai
Trân quý cơ duyên lên thuyền cứu độ
Sạch bong vọng niệm, trở về trời…”

Đúng là như vậy, thời khắc “trở về trời” đã đến, vậy chúng ta còn gì mà không buông bỏ được? Tôi chỉ mong muốn vứt bỏ hết thảy các chấp trước. Không còn nhiều cơ hội nữa, chúng ta chỉ có thể tu luyện tinh tấn, tinh tấn hơn nữa mới có thể không phụ sự kỳ vọng của Sư phụ, không để lại những hối tiếc sau này.

Trên đây là những thể ngộ của bản thân tại tầng thứ hiện tại.

Dịch từ:

http://big5.zhengjian.org/node/272414

http://www.pureinsight.org/node/7725