Cha tôi đã vượt qua chặng đường cuối cùng trong bình yên

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Đài Loan

[ChanhKien.org]

Tôi đắc Pháp vào tháng 7 năm 2009. Vào giữa tháng 2 năm 2021, cha tôi qua đời ở tuổi 102. Tôi muốn chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của bản thân trong quá trình này.

Giữa tháng 12 năm 2020, tôi nhận được tin nhắn từ gia đình. Mẹ tôi nhắn gấp rằng cha tôi đang trong tình trạng nguy kịch và hỏi chị gái tôi có thể về nhà ngay được không. Cha tôi phải đặt ống nội khí quản và chuyển đến phòng hồi sức tích cực. Do dịch bệnh, chúng tôi chỉ có thể vào thăm cha hai lần một ngày. Nhìn cha phải ăn qua ống thông, tôi chỉ ước sao cho cha nhanh chóng được rút ống ra để ông không phải chịu nhiều đau đớn như thế. Mỗi lần gặp cha, tôi thật sự không biết nói gì, chỉ biết niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” cho ông, dặn ông hãy luôn ghi nhớ chín chữ chân ngôn trong tâm. Tôi tin rằng hết thảy sinh mệnh trên thế gian đều vì điều này mà đến. Hai tuần sau, cha tôi được rút ống nội khí quản thành công và chuyển lên khoa tổng hợp.

1. Khảo nghiệm về tài chính

Sau khi cha được chuyển lên khoa tổng hợp, tôi lại gặp một khảo nghiệm khác. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, việc thăm bệnh nhân vẫn không hề dễ dàng, mỗi ngày chỉ có thể vào thăm cha trong hai khoảng thời gian nhất định, mỗi lần chỉ được một giờ đồng hồ và chúng đều nằm trong giờ làm việc. Vì vậy, tôi đã phải xin nghỉ phép. Tôi tuân theo lời dạy của Sư phụ Đại Pháp, thà chịu tổn thất lợi ích của bản thân chứ không gây phiền phức cho người khác. Vậy nên, tôi đã tự bỏ tiền để thuê giáo viên khác đứng lớp thay.

Mẹ tôi đã già, để mẹ đỡ vất vả, hai chị em tôi đã thuê một y tá túc trực 24/24 để chăm sóc cha. Chúng tôi chưa có kinh nghiệm về việc này và phải học mọi thứ từ đầu. Tuy nhiên, những khó khăn về tài chính vẫn chưa kết thúc. Sau 42 ngày nằm viện, cuối cùng cha tôi cũng được xuất viện, nhưng ông phải nằm liệt giường, không thể vận động, phải dùng máy thở, ăn qua ống thông mũi dạ dày và phải chạy thận thường xuyên. Chúng tôi đưa cha vào một cơ sở chăm sóc nội trú dài hạn với chi phí khá cao. Trong khi đó, để xử lý việc chạy thận cho cha, chúng tôi đã nỗ lực hết sức để giải quyết phương tiện đi lại và tìm một trung tâm chạy thận sạch sẽ, tiện nghi.

Lúc đầu, chúng tôi thuê một xe cứu thương để đưa rước cha. Mỗi lần khứ hồi như vậy tốn hơn 7.000 tệ. Cha tôi cần chạy thận hai lần mỗi tuần, vậy nên phí tổn rất lớn. Sau đó, chúng tôi đã thuê xe lăn, trang bị thêm bình dưỡng khí và gọi xe taxi. Chúng tôi đã lần lượt vượt qua những khó khăn khác nhau. Cũng trong khoảng thời gian này, chồng tôi phải chuyển việc làm và tôi đã đưa một nửa số tiền tiết kiệm được giúp anh mua một chiếc ô tô làm phương tiện mưu sinh. Nửa còn lại dùng để chi trả học phí cho các con, trang trải nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cũng như vốn lưu động của dự án. Chi phí sinh hoạt bị thu hẹp lại đáng kể, chúng tôi cảm thấy áp lực về tài chính đột ngột quá lớn.

2. Khảo nghiệm về tình thân quyến

Sư phụ giảng:

“Nhưng bất ngờ là những người đó đều nói về một tình huống đặc thù, hơn nữa đều giống nhau; chính là khi người ta vào đúng tích tắc đang chết ấy không có cảm giác sợ hãi, mà hoàn toàn trái lại đột nhiên cảm thấy một loại cảm [giác] giải thoát, có một loại cảm [giác] hưng phấn tiềm tại; có người cảm thấy lập tức không còn sự câu thúc của thân thể nữa, nhẹ nhàng phiêu đãng bay lên một cách rất tuyệt đẹp, còn nhìn thấy được thân thể của mình; có người còn thấy được các thể sinh mệnh ở không gian khác; có người còn đến các địa phương nào đó. Tất cả mọi người đều nói rằng vào đúng tích tắc ấy cảm giác thấy một loại cảm giác hưng phấn giải thoát tiềm tại, không có cảm giác thống khổ.” (“Bài giảng thứ chín”, Chuyển Pháp Luân)

Tôi hiểu rằng cái chết thật ra không đáng sợ, mà là một sự giải thoát. Chúng ta có nhục thân này chính là phải chịu thống khổ. Từ trong Pháp của Sư phụ, tôi hiểu rằng chúng ta không phải chỉ sống có một đời, mà nguyên thần của con người là bất diệt, một người khi chết đi chẳng qua chỉ giống như cởi bỏ một lớp vỏ ngoài mà thôi.

Cha tôi phải ăn qua ống thông mũi dạ dày, phải thở oxy để duy trì hô hấp và phải chạy thận. Sống trong trạng thái như vậy thật sự rất tệ. Khoa học và các kỹ thuật y học hiện nay đều rất hạn chế. Sử dụng các biện pháp nhân tạo để can thiệp vào tiến trình sinh mệnh như vậy dường như không đúng. Tôi hy vọng cha có thể trải qua những ngày cuối cùng của mình trong bình yên. Vì vậy, tôi đã luôn chắc chắn khi quyết định ký vào giấy đồng ý từ bỏ hỗ trợ y tế. Đó là bởi tôi biết được các Pháp lý ở cao tầng, nhưng người thân của tôi thì không.

Chị gái tôi học y và là một y tá làm việc trong khoa ung bướu. Chị ấy vẫn còn hy vọng vào sự can thiệp của y học. Tôi đã đưa ra ý kiến cá nhân nhưng cũng tôn trọng ý kiến của các thành viên trong gia đình, không tranh biện, hy vọng mỗi người thân đều có thể tìm một nơi thích hợp để lòng mình lắng lại. Liệu có nhất thiết để cha xuất viện và chăm sóc tại nhà? Tôi đã phối hợp với lựa chọn của người thân, chia sẻ áp lực, gắng sức để có được một hoàn cảnh tốt hơn cho cha.

3. Phúc phận

Chị gái tôi luôn hy vọng rằng vẫn còn cơ hội đưa cha ra ngoài tắm nắng. Kể từ khi cha ngã bệnh, mẹ tôi đã không quản vất vả đến thăm cha mỗi ngày, từ khoa hồi sức cấp cứu, phòng khám đa khoa, cơ sở chăm sóc nội trú cho đến trung tâm chạy thận, không ngày nào nghỉ. Chị em chúng tôi cũng luân phiên nhau xin nghỉ phép để thăm nom cha. Như đáp lại sự kỳ vọng của chúng tôi, trong những ngày ở cơ sở nội trú, cha tôi đột nhiên trở nên tỉnh táo và có thể ngồi xe lăn để chúng tôi đẩy lên tầng thượng tắm nắng. Chúng tôi đã chụp và lưu lại những bức ảnh quý giá. Vào ngày mùng Hai Tết, cha tôi vẫn phải chạy thận, nhưng chúng tôi đã thuận lợi đưa ông về nhà, dành khoảng thời gian ngắn ngủi cùng sum vầy bên nhau đón năm mới. Cha tôi mất sau Tết Nguyên Đán, đó là điều mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên.

Mặc dù cha đã hơn một trăm tuổi nhưng vẫn có thể tự chăm sóc bản thân, tự ăn uống đi lại, và được người thân, bạn bè khen ngợi. Khi nhìn thấy cha phải đeo ống thở, phải dùng ống thông dạ dày để ăn và phải chạy thận, tôi thật sự không đành lòng.

Sư phụ giảng:

“Nhẫn chịu bệnh, con người ấy khi nhẫn chịu thống khổ thì đều là đang tiêu nghiệp. Nhẫn chịu bệnh cũng là đang tiêu nghiệp. Vừa rồi tôi giảng nếu con người một đời không mắc bệnh, thì sau khi họ trăm tuổi chắc chắn là hạ địa ngục, bởi vì họ cả đời chỉ toàn tạo nghiệp mà chưa từng trả nghiệp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston [1996])

Sư phụ cũng giảng:

“Vì sao con người lại có thống khổ? Con người sống ở thế gian thì sẽ tạo nghiệp, có người nghiệp lực lớn, có người nghiệp lực nhỏ, có người chính là phải thống khổ trước khi chết, trong thống khổ sẽ trả được rất nhiều nghiệp tạo ra trong một đời, đời sau sẽ có cuộc sống tốt, bởi vì có người mà nghiệp lực họ nợ cần phải hoàn trả ở thời khắc trước khi tử vong rồi sau khi chuyển sinh họ sẽ không có nghiệp lực nữa.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston [1996])

Cha tôi vào viện ngày 14/12/2020 và từ trần ngày 24/02/2021. Tôi nhìn nhận quãng thời gian hai tháng chịu đựng thống khổ của cha một cách chính diện. Đồng thời tôi cũng an ủi mẹ bằng những Pháp lý mà tôi biết.

Mặc dù cha tôi đã hơn trăm tuổi và biết rằng cái chết là điều tất yếu, nhưng trước khi cha mất, chúng tôi vẫn chưa kịp trao đổi với ông về hậu sự. Tang lễ nên được tổ chức như thế nào? Sau khi ông mất, linh cữu nên được chôn cất hay hỏa táng? Nên sắp đặt nơi an nghỉ của ông tại đâu? Ngay từ khi lâm bệnh, cha đã ở trong trạng thái không thanh tỉnh, vậy nên không có cách nào để thực sự biết được mong muốn của ông. Trong suốt cuộc đời mình, cha rất coi trọng việc tu dưỡng bản thân. Ông là một người chính trực, khoan dung, luôn đối tốt với người khác mà không cầu báo đáp. Vậy nên, ông được quý nhân phù trợ, mọi sự đều suôn sẻ thuận lợi.

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, tôi và những thành viên trong gia đình không hề tranh cãi hay phàn nàn mà cùng hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để chăm sóc cho cha, vì vậy tôi không thấy có gì phải hối tiếc. Đức hạnh của cha, sự kiên nghị của mẹ và lòng hiếu thảo của chị gái đã khiến mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tôi đã hiểu được tính trọng yếu của “Đức” mà Sư phụ giảng trong Pháp.

4. Kỳ tích

Trong suốt thời gian này, tôi phải thường xuyên tới lui giữa bệnh viện, nhà mẹ đẻ, cơ sở chăm sóc nội trú và trung tâm chạy thận, quả là một khảo nghiệm rất lớn đối với tinh thần và thể chất của tôi. Ảnh hưởng về kinh tế cũng rất rõ rệt, nhưng tôi cố gắng bất động tâm và xem nhẹ nó. Tôi cũng thấy rằng mình chỉ chủ quan cảm thấy gánh nặng tài chính ngày một nặng thêm, chứ thật ra so với nhiều người nghèo khổ thì khó nạn này chẳng là gì cả.

Sau khi tôi buông tâm xuống, đơn xin trợ cấp mai táng của chúng tôi đã được chấp nhận. Khoản trợ cấp đã cân bằng những chi phí chúng tôi phải trả trước đây, vậy nên chúng tôi gần như không phải chi trả gì. Hơn nữa, chúng tôi rất hòa thuận trong việc giải quyết tài sản thừa kế của cha, không xảy ra tranh chấp nào và mọi người đều coi việc chăm lo cho cuộc sống sau này của mẹ là điều nên làm.

Phúc đức mà cha tôi để lại đã có tác động tích cực đến thế hệ sau. Thời gian ông phải ở trong bệnh viện rất ít. Vì đã cống hiến nửa đời mình cho quốc gia nên sau khi mất, ông có thể yên nghỉ miễn phí trong Nghĩa trang Quân đội Quốc gia. Khoản lương hưu của ông cũng đảm bảo cho cuộc sống sau này của mẹ tôi.

Tôi nhớ lại những lời Sư phụ đã giảng:

“Như vậy những người tu luyện chúng ta lại càng không nên thế; những người tu luyện chúng ta giảng ‘tuỳ kỳ tự nhiên’; cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được.” (“Bài giảng thứ bảy”, Chuyển Pháp Luân)

Ngay lập tức, áp lực tài chính của tôi liền biến mất.

5. Lời kết

Trải qua sự việc lần này, tôi vô cùng xúc động. Sinh lão bệnh tử, sinh ly tử biệt trong đời người chẳng qua chỉ giống như một vở kịch. Cảm tạ Sư phụ từ bi đã dùng Pháp lý dẫn dắt gia đình tôi vượt qua nỗi đau trước sự ra đi của người thân, để cha tôi vượt qua chặng đường cuối cùng của cuộc đời trong bình yên.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/271176

http://www.pureinsight.org/node/7680